Cùng lúc, những tập đoàn ô tô khác cũng đang đầu tư mạnh tay vào khu vực từng là thủ phủ sản xuất iPhone toàn cầu. SAIC, công ty có vốn nhà nước, đã đổ 277 triệu USD để xây dựng nhà máy sản xuất pin xe điện, đi vào vận hành từ tháng 10 vừa rồi. Một vị giám đốc của SAIC nói kế hoạch của họ là biến Trịnh Châu trở thành
“căn cứ sản xuất và xuất khẩu xe xanh.”
Năm 2022, An Wei, bí thư thành ủy thành phố Trịnh Châu đã nói rằng ông sẽ biến thành phố này trở thành nơi sản xuất ô tô chạy năng lượng sạch lớn nhất Trung Quốc. Những chính sách như hỗ trợ nghiên cứu phát triển, rồi những khoản thưởng dựa trên doanh số xe bán ra thị trường lần lượt được đưa ra, với mục tiêu thu hút đầu tư nghiên cứu công nghệ pin, động cơ điện và thuật toán xe tự hành.
Nhờ nhà máy của BYD, sản lượng ô tô điện mà Trịnh Châu sản xuất trong năm 2023 đã tăng gấp hơn 3 lần so với 2022, đạt 320 nghìn chiếc. Thị trưởng thành phố, ông He Xiong, hồi tháng 9 đã tuyên bố rằng kế hoạch đặt ra đến năm 2025 là Trịnh Châu sẽ xuất xưởng hơn 1.5 triệu chiếc ô tô. Mục tiêu nữa được đặt ra là 60% linh kiện phụ tùng được sản xuất trong chuỗi cung ứng đặt trong thành phố này.
Tính đến trước thời điểm BYD mở nhà máy lắp ráp ô tô điện, kinh tế thành phố Trịnh Châu vẫn chỉ phụ thuộc vào hai cái tên duy nhất: Foxconn và iPhone. Tập đoàn gia công thiết bị công nghệ Đài Loan kể từ năm 2010 đã sở hữu những nhà máy ở thành phố này, tạo ra 60% tổng số iPhone bán ra trên toàn cầu.
Tuy nhiên theo cục thống kê thành phố, so sánh với mức đỉnh năm 2017, sản lượng smartphone xuất xưởng của Trịnh Châu năm 2023 chỉ còn có 140%, giảm tới một nửa. Apple hay những đối tác của họ trong chuỗi cung ứng đang dần chuyển dịch các nhà máy sản xuất iPhone sang Ấn Độ hay những quốc gia khác vì những lo ngại căng thẳng địa chính trị, đặc biệt là cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Một nhân viên Foxconn làm việc ở Trịnh Châu cho biết: “Chúng tôi từng phải làm việc 3 ca một ngày ở thời điểm bận rộn nhất, nhưng giờ có bận mấy thì cũng chỉ vận hành nhà máy 2 ca mỗi ngày.”