Một thí nghiệm được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu của Đại học Cambridge cho thấy một góc nhìn thú vị khi AI có thể thực hiện vai trò CEO tốt hơn con người, tuy nhiên sẽ gặp khó khăn với các tình huống khủng hoảng không thể lường trước. Những người tham gia vào thí nghiệm này bao gồm các sinh viên đại học, Giám đốc Cấp cao tại ngân hàng South Asia và Mô hình Ngôn ngữ Lớn GPT-4o của OpenAI. Tất cả tham gia vào một trò chơi, đưa họ vào vai trò CEO của một công ty ô tô. Trò chơi được thiết kế để tái hiện các thách thức phải đưa ra quyết định mà CEO phải đối mặt, với các chỉ số khác nhau để theo dõi chất lượng quyết định của họ. Mục tiêu cuối cùng của trò chơi là tồn tại càng lâu càng tốt mà không bị hội đồng ảo sa thải, đồng thời tối đa hóa vốn hóa thị trường của công ty. Và kết quả cho thấy AI vượt trội hơn con người trên phần lớn các chỉ số, bao gồm lợi nhuận, thiết kế sản phẩm, quản lý hàng tồn kho và tối ưu hoá giá cả. Một ví dụ cho thấy AI hoạt động tốt hơn so với con người là khi thiết kế một chiếc ô tô. Sử dụng các yếu tố như phụ tùng có sẵn, giá cả, sở thích và nhu cầu của người tiêu dùng, AI đã tạo ra một thiết kế tối ưu, phản ánh chính xác những gì khách hàng mong muốn. Trong khi đó con người thường bị ảnh hưởng bởi sở thích cá nhân và gu thẩm mỹ trong việc định hình sản phẩm. Tuy nhiên AI có một điểm yếu chí mạng đó là không thể thích ứng để đối phó với các “Sự kiện Thiên nga Đen”. Trong kinh doanh, đây là định nghĩa về một sự kiện cực kỳ tiêu cực, khó dự đoán và gây ra các tác động lớn, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 hay đại dịch Covid-19. Trong khi những người tham gia đạt hiệu suất cao nhất có thể giải quyết được các thay đổi không thể đoán trước trong nhu cầu của khách hàng, sự thay đổi tiêu cực trong mức giá và chuỗi cung ứng, AI hoàn toàn không thể phản ứng nhanh chóng và hiệu quả bằng. “Bạn phản ứng thế nào với Covid nếu đối diện với nó lần đầu tiên? Rất nhiều người, và rất nhiều CEO, có chiến lược khác nhau”, nhà nghiên cứu Mudassir nói. “Trong trường hợp này, AI không có đủ thông tin và cách phản ứng kịp thời để ngăn bản thân bị sa thải”. Một điều thú vị khác là các giám đốc cấp cao đích thực, tham gia thí nghiệm kéo dài lâu hơn GPT-4o, nhưng lại bị hội đồng ảo sa thải nhanh hơn các sinh viên. Giống như AI, “Các giám đốc này có quá nhiều tự tin trong một hệ thống thưởng cho sự linh hoạt và tư duy dài hạn cũng như tham vọng quyết liệt”, báo cáo nêu rõ. Kết luận được đưa ra là khi AI không thể thay thế các CEO, hay ít nhất là chưa, thì những người không tận dụng được lợi ích của nó có thể bị bỏ lại phía sau. Techspot