God of War: Ragnarok đến nay coi như đã lộ diện những yếu tố quan trọng nhất của mình: Bối cảnh, các nhân vật, lối chơi và quan trọng nhất là ngày ra mắt như trong trailer Father and Son hồi Tháng 7. Từ giờ cho tới hôm đó (09/11) nghe có vẻ lâu, nhưng rồi nó cũng sẽ qua rất nhanh mà thôi. Đến nay, đã có rất nhiều đơn vị được trải nghiệm sớm và đưa ra cảm nhận ban đầu. Hầu hết đều đánh giá rất cao những gì game làm được: Từ gameplay, đồ họa, hiệu suất và hơn thế nữa.
Chỉ còn hơn một tuần nữa là God of War: Ragnarok ra mắt rồi, còn gì lý tưởng hơn là cùng nhau nhìn lại những gì chúng ta đã biết về nó. Không để bạn đọc chờ lâu nữa, đây sẽ là những gì Chúng tôi đã tìm được về tựa game nặng ký cho danh hiệu Trò chơi của Năm (GOTY) 2022.
Ngày ra mắt của God of War: Ragnarok
Theo như được Sony công bố vào ngày 06/07, tựa game đã được ấn định sẽ ra mắt vào ngày 09/11 trên PlayStation 4 và PlayStation 5. Vậy là trái với những tin đồn về việc bị hoãn sang 2023, hành trình của cha con chiến thần vẫn sẽ đến trong năm nay. Lý do khiến cộng đồng tin vào việc trì hoãn vì trước đó, Ragnarok đã phải lùi lịch một lần từ 2021. Ngoài ra khi được phỏng vấn về khả năng này trên Ragnarok, Cory Barlog - đạo diễn của phần game 2018 - cũng không chia sẻ nhiều.
Ragnarok là gì?
Dành cho các bạn thắc mắc thì cơ bản, Ragnarok là tên của một chuỗi các sự kiện và thảm họa - đỉnh điểm là một trận chiến lớn - mà theo thần thoại Bắc Âu là có thể “xóa sổ vũ trụ và khiến nhiều vị thần phải ngã xuống”. Nếu đã xem Thor 3 ở ngoài rạp thì đúng vậy, tên của phần phim cũng có ý nghĩa tương tự. Trong thần thoại thì khi Ragnarok ập tới, hàng loạt thảm họa tự nhiên như núi lửa, động đất, đại hổng thủy,... sẽ xuất hiện. Midgard - tức Trái Đất - sẽ chìm xuống biển sâu, để rồi chín ngày sau lại nổi lên và sẵn sàng để được hồi sinh bởi các vị thần còn sống sót đã trở về Asgard.
Câu truyện trong God of War: Ragnarok
God of War: Ragnarok được xác nhận lấy bối cảnh “vài năm sau những sự kiện diễn ra trong God of War 2018”. Theo những chia sẻ trên blog của Sony, chúng ta đã được biết thêm về những gì mà các nhân vật trong game trải qua trong khoảng thời gian giữa hai tựa game: “Những cơn gió băng giá của Fimbulwinter đã tràn tới Midgard, khiến cuộc sống tại vùng hoang dã Bắc Âu trở nên khắc nghiệt hơn trước với Kratos, Atreus và Mimir. Trong God of War: Ragnarok, mối quan hệ giữa hai cha con đã tương đối bền chặt, tuy nhiên tương tác giữa họ vẫn còn nhiều phức tạp.”
Sony cũng cho biết là trong God of War: Ragnarok, bản tính tò mò của Atreus sẽ trỗi dậy mạnh mẽ. “Giống như bao người trẻ khác, Atreus khao khát được biết thêm về con người thật của mình. Cậu muốn có thể giữ an toàn cho những người thân yêu, nhưng cũng không thể khoanh tay đứng nhìn Cửu Giới bị hủy hoại bởi xung đột.”
Trong khi đó với Kratos, anh sẽ giúp con trai mình tránh khỏi “những bài học xương máu bản thân từng học được từ những cuộc xung đột giữa các vị thần”. Cùng nhau, hai cha con sẽ phải lựa chọn con đường mà mỗi người muốn đi, đồng thời phải cân nhắc tới cả an nguy của người dân toàn Cửu Giới khi Ragnarok tới gần.
Còn nhớ trong God of War 2018, Kratos đứng trước một bức tranh tiên đoán về cái chết của chính mình. Rất nhiều “fan cứng” của chiến thần đã tỏ ra lo lắng, đặc biệt là khi game còn nói về Ragnarok - ngày tận thế trong thần thoại Bắc Âu. Tuy nhiên cũng trong phần game trước, chiến thần đã liên tục nhắc tới việc thay đổi định mệnh. Bản thân sự xuất hiện của Kratos đã là điều gì đó nằm ngoài quy luật ở Cửu Giới, vậy nên cũng có khả năng cái kết xấu sẽ không diễn ra.
Những địa danh người chơi sẽ được ghé qua
Trong God of War 2018, cha con Kratos đã có cơ hội ghé qua 6 vùng đất của Cửu Giới bao gồm Alfheim, Helheim, Midgard, Muspelheim, Niflheim và Jotunheim - dù nó chỉ xuất hiện rất ít. Tuy nhiên với phần game tới đây, họ đã được xác nhận là sẽ tham gia chu du tới toàn bộ 9 vùng đất của Cửu Giới - tức là có thêm Svartalfheim, Vanaheim và Asgard - quê nhà của Thor, Odin cùng rất nhiều vị thần khác.
Kẻ thù trong God of War: Ragnarok
Hiện tại, chúng ta đã được biết tới ít nhất là hai kẻ thù mà Kratos và Atreus sẽ phải đối mặt trong game. Đầu tiên là Freya - vợ của Odin, đã đồng hành cùng hai cha con trong phần game trước, còn tiếp theo là thần Thor - con trai của Odin. Mặc dù đã giúp đỡ Kratos rất nhiều, nhưng giờ Freya giờ chỉ còn ý chí báo thù khi chiến thần đã kết liễu Baldur - con trai của bà. Còn với Thor, đó là sự phẫn nộ khi hai con trai (Magni và Moldi) và em ruột đều đã bị Kratos ra tay.
Cơ chế chiến đấu trong God of War: Ragnarok
God of War 2018 đã được ngợi khen rất nhiều về cơ chế chiến đấu, và khả năng cao điều này sẽ được kế thừa nguyên vẹn trong Ragnarok. Theo Sony thì với phần game mới, người chơi sẽ được thúc đẩy để đưa ra nhiều sự lựa chọn hơn trong giao tranh, cũng như thành thạo rất nhiều combo tấn công và phòng ngự. Không chỉ vậy, chiến đấu trên không có thể sẽ trở lại. Những video mới đã cho thấy Kratos sử dụng song đao Blades of Chaos để bay lượn, vậy nên không loại trừ chúng cũng sẽ được dùng cho một số combo đặc biệt từ trên cao.
Một điểm đổi mới khác trong God of War: Ragnarok đó sẽ là sự đa dạng và khắc nghiệt của kẻ thù trong game - thể hiện rõ nhất qua những loại sinh vật hoàn toàn mới như Stalker và Dreki. Điều này có thể là khắc phục vấn đề về sự đa dạng kẻ địch trong phiên bản 2018, khi nhiều fan cho rằng chúng lặp lại khá nhiều về sau, khiến trải nghiệm bị ảnh hưởng.
God of War: Ragnarok sẽ là dấu chấm hết cho hành trình của Kratos tại Bắc Âu?
Điều này đã được chính Cory Barlog, đạo diễn của phần game 2018, xác nhận. Trả lời phỏng vấn về việc này, Cory đã nói rằng mọi thứ dừng lại đúng lúc hơn vì mặc dù có thể khai thác được rất nhiều từ thần thoại Bắc Âu, đó lại là điều mà ông cảm thấy “không thực sự cần thiết”. Tuy nhiên, cũng không loại trừ Kratos sẽ trở lại. Điều này là do một số người chơi God of War 2018 đã phát hiện ra những chi tiết rất nhỏ có thể thuộc về những nền văn hóa khác - ví dụ như Nhật Bản, Ai Cập hay Celtic.
Các nền tảng khác mà game có thể xuất hiện
Bên cạnh PlayStation 4 và PlayStation 5, sẽ không quá ngạc nhiên nếu God of War: Ragnarok đặt chân lên cả PC. Thành công của nước đi này thì cũng đã được chứng minh qua phiên bản 2018, và hơn nữa thì Sony cũng đã chịu chi để đưa về các đơn vị port game chất lượng như Nixxes. Chưa kể, dòng game này cũng đã được xác nhận sẽ đươc chuyển thể lên màn ảnh nhỏ, cụ thể là để phục vụ dịch vụ stream video trực tuyến của Amazon.
Tạm kết
Về cơ bản, đó là những thông tin sơ bộ về God of War: Ragnarok mà bạn cần biết để sẵn sàng trải nghiệm siêu phẩm này vào ngày 09/11 sắp tới. Liệu hành trình của cha con chiến thần sẽ khép lại thế nào? Nó có đủ hay để cạnh tranh với những đối thủ “cứng cựa” khác như Elden Ring cho danh hiệu Trò chơi của Năm? Hãy để lại bình luận ở phía dưới các bài đăng nhé.
Và nếu chưa có cho mình một cỗ máy PlayStation để trải nghiệm game, đừng ngần ngại ghé qua Chúng tôi để sắm cho mình một chiếc nhé. Theo những đánh giá ban đầu, trải nghiệm 60 FPS và 120 FPS trên God of War: Ragnarok là cực kỳ tuyệt vời đấy.
Theo GameSpot, Polygon, TechRadar