Trong tất cả những sản phẩm cùng dòng thì có lẽ, là cái tên thể hiện rõ nhất chất “Air” khi được so sánh với lông vũ tại sự kiện WWDC 2022. Để rồi những gì chúng ta có được là một chiếc máy tưởng nặng nề nhưng lại cực kỳ nhẹ nhàng, đi kèm với mức hiệu năng mà người dùng sẽ khó có thể chối từ với con chip Apple M2. MacBook Air M1 thực sự là một chiếc máy rất tốt ở nhiều mặt, với mức giá tuyệt vời cùng nhiều điểm mạnh vẫn còn giá trị. Tuy nhiên có vẻ giờ đây, đáng tiếc là nó lại phải nhường chỗ cho bản M2 một mẫu mà người viết tin rằng sẽ trở thành ‘quốc dân” khi tới thời điểm thích hợp.
Vậy chiếc này có gì hay? Nó có những điểm mạnh gì và vấn đề gì đáng được lưu tâm? Không để bạn đọc phải chờ lâu nữa, hãy đến ngay với bài đánh giá chi tiết sản phẩm này ngay bây giờ nhé.
Thiết kế - Lột xác gần như toàn diện
Lần đầu tiên sau nhiều năm, MacBook Air đã không còn thiết kế vát nhọn về trước nữa. Thay vào đó chúng ta có ở đây một chiếc máy vuông vắn, cực kỳ mỏng, nhìn từ xa có thể còn dễ nhầm với một chiếc iPad Pro 12.9-inch. Cảm giác đầu tiên của người viết khi chạm vào MacBook Air M2 là “Chà, nhẹ thực sự luôn!”. Những tưởng thân hình vuông vắn sẽ khiến máy nặng nề hơn nhưng không, sản phẩm của chúng ta lại nhẹ hơn (1,26kg) so với phiên bản M1 (1,29kg), cầm một tay rất thoải mái.
Với độ mỏng chỉ 0.44-inch, MacBook Air M2 có thể được bỏ dễ dàng vào đủ loại túi xách, balo,.. cùng với sách vở tài liệu và nhiều thứ khác để ra ngoài cùng người dùng. Ai cũng nghĩ với thiết kế hình nêm cũ thì bản M1 mới là mỏng hơn, nhưng sự thật thì điểm dày nhất của nó có thể lên tới 0.63-inch.
Phiên bản mà người viết đang trải nghiệm là màu Starlight - một dạng Vàng nhưng hơi nhạt. Nước sơn đem lại cảm giác sang trọng và tinh tế, hiện được nhiều bạn ưa thích. Một màu khác của MacBook Air M2 rất hot là Midnight (Xanh đậm) cũng đang được đánh giá rất nhiều gần đây. Về mặt thẩm mỹ thì chiếc này rất đẹp, nhưng nếu dính vân tay hay bị xước sơn thì dấu vết hiện cực kỳ rõ.
Về kích thước tổng thể, MacBook Air M2 nhỏ hơn bản M1 20% nhưng lại sở hữu màn hình to hơn với 13.6-inch. Điều này là nhờ phần viền của nó đã được làm mỏng đi và đều ở cả bốn cạnh, mở ra thêm về chiều rộng để đem lại không gian sử dụng lớn hơn. Phần tai thỏ vẫn sẽ là thứ thu hút nhiều sự chú ý nhất, nhưng chúng ta sẽ nói về nó sau.
Phần chân đế đã được làm phẳng và cao hơn một chút so với thế hệ cũ. Điều này giúp tạo khoảng cách lớn hơn giữa đáy máy và mặt bàn, hỗ trợ cho khả năng tản nhiệt thụ động. Ở đây thì chúng ta sẽ không có tên sản phẩm khắc chìm như trên MacBook Pro 14 / 16-inch M1 Pro.
Nhìn chung, MacBook Air M2 có thể xem là một sự lột xác gần như toàn diện so với phiên bản tiền nhiệm. Và với xu hướng thẩm mỹ của người dùng laptop hiện tại, đây sẽ là một trong những chiếc máy đẹp nhất mà các bạn có thể tìm mua ở khoảng giá 30 triệu Đồng.
Có thể bạn quan tâm:
Cổng kết nối - Không còn nỗi lo “thiệt” cổng
Về cổng kết nối thì bên cạnh hai cổng Thunderbolt, MacBook Air M2 sẽ còn có thêm một cổng MagSafe 3 để sạc. Sự có mặt của MagSafe sẽ giúp người dùng không còn bị thiệt mất một cổng kết nối khi vừa dùng vừa cắm điện, qua đó có thể làm được nhiều việc hơn như cắm thêm nhiều ổ cứng, vừa cắm ổ cứng vừa sạc điện thoại, v.v.
Bên cạnh phải của máy sẽ là jack tai nghe 3.5mm combo. Apple cho biết jack này sẽ có thể “kéo” được cả những mẫu tai nghe có trở kháng cao, phù hợp với những bạn đề cao trải nghiệm âm thanh.
Màn hình - Bốn viền đều đổi một tai thỏ
Về màn hình của MacBook Air M2, Apple đã đem lại những thay đổi mà phần lớn sẽ ảnh hưởng tới trải nghiệm không gian hiển thị. Đầu tiên thì đó là cả bồn viền đều được làm mỏng, giúp kích thước được mở rộng lên 13.6-inch thay vì 13.3-inch như thường lệ. Nếu từng khó chịu vì hai viền trên dưới dày cộm của MacBook Air M1, bạn sẽ không còn cảm thấy điều đó trên sản phẩm mới nữa. Tuy nhiên thì webcam của máy vẫn cần chỗ để, và đó là lý do chúng ta có phần notch chen vào giữa.
Chiếc notch này từ lâu đã trở thành tâm điểm của nhiều cuộc tranh luận, khi hầu hết cho rằng nó quá xấu và ảnh hưởng rất nhiều tới việc sử dụng. Cá nhân người viết cũng có khó chịu với khu vực này trong khoảng một tuần đầu, nhưng sau thì qua từng tác vụ thì lại đỡ hơn một chút.
Lý do có lẽ là vì không gian hiển thị còn lại trên máy vẫn là quá lớn, chúng ta sẽ tập trung vào đó khi dùng hơn là phần notch nhỏ phía trên. Ngoài ra thì khi làm các tác vụ toàn màn hình, Apple cũng rất khéo léo che đi phần notch bằng cách làm đen phần tai thỏ, màu đen hòa với viền màn hình cùng lắm chỉ dày như trên MacBook Air M1.
Về chất lượng, gần như không có gì để phàn nàn về MacBook Air M2. Chúng ta sẽ có một màn hình với độ phân giải 2560 x 1664, đem lại trải nghiệm xem video, phim hay chỉnh sửa ảnh là cực kỳ sắc nét. Độ phủ màu của máy cũng lên tới 107% sRGB và 75,9% DCI-P3, đi kèm với mức sai lệch màu chỉ khoảng 0,3 - có thể xem là hàng top ở các sản phẩm trong tầm giá dưới 35 triệu Đồng.
Sử dụng máy xem thử một vài trailer phim mới nhất như Black Panther: Wakanda Forever hay Minion: The Rise of Gru, chúng ta có thể thấy được những lợi ích mà bộ thông số kể trên đem lại. Trong khi những đường nét và tone màu tươi sáng của Minions được tái tạo cực kỳ nổi bật và chi tiết thì với những phân cảnh tối tại Wakanda và Atlantis, tương phản cũng là tương đối ấn tượng.
Cuối cùng, chất lượng webcam của MacBook Air M2 cũng là điểm đáng nói, khi độ phân giải của nó đã được nâng lên từ 720p lên 1080p - phục vụ tốt hơn việc đàm thoại. So với MacBook Air M1 mà người viết đang dùng, nước ảnh nó cho ra cũng có một chút cải thiện.
Âm thanh - Loa ẩn nhưng chất lượng lại “nổi”
Thường âm thanh sẽ là phần được để ở gần cuối bài viết, nhưng Apple đã chuyển loa gắn vào bên trong bản lề - tương đối sát màn hình - nên người viết lại muốn đảo nó lên trước. Và đừng quên rằng, số loa của MacBook Air M2 đã là 4 thay vì 2, chất lượng âm thanh phát ra vẫn là rất tốt, rất nảy, to hơn và vang hơn so với mọi khi. Bạn nào hay video call hay nghe nhạc, nghe tiếng video bằng loa ngoài laptop chắc chắn sẽ cảm thấy hài lòng.
Bàn phím và trackpad - To hơn, tốt hơn
Về bàn phím, thay đổi lớn nhất mà MacBook Air M2 sẽ là với cụm phím chức năng. Chúng được làm to hơn, bằng với các phím ký tự, và cảm biến vân tay ở ngoài cùng cũng được làm dạng tròn thay vì vuông như trước. Cảm giác sau khi được làm mới thì hàng phím này dùng ổn hơn, bấm ít nhầm, vân tay dạng tròn lõm xuống đặt tay vào cũng dễ hơn hẳn.
Trải nghiệm gõ phím trên MacBook Air M2 ở mức tạm được, hành trình phím không quá sâu nhưng nảy, phản hồi tốt. Người viết không gặp vấn đề gì khi soạn thảo văn bản dài, trả lời mail nhanh hay tăng giảm độ sáng, âm lượng với cụm phím này. Nếu muốn dùng trong phòng tối, người dùng cũng sẽ có đèn nền trợ giúp. Độ sáng không khác so với bản M1 nhưng vẫn là rất tốt.
Trackpad của MacBook Air M2 được làm lớn hơn một chút so với bản M1, nhờ vậy nên việc di chuột hay thu phóng nhiều ngón dễ dàng thêm một chút. Trải nghiệm tổng thể thì vẫn tuyệt vời chuẩn MacBook, tất cả đều là nhờ bề mặt phủ kính trơn mượt và cảm ứng lực chân thực, không dễ để các mẫu máy Windows có thể bắt kịp.
Hiệu năng MacBook Air M2 dẫn đầu phân khúc
Với công việc thường ngày của người viết bao gồm soạn thảo bài viết, tải bài lên CMS, xem thông tin trên 15-20 tab Chrome cùng lúc hay chỉnh sửa ảnh RAW bằng Adobe Lightroom Classic, con chip Apple M2 trong MacBook Air M2 vẫn xử lý cực kỳ trơn tru. Rất ít khi máy tỏ ra chậm trễ, có chăng thì đó là lúc người viết nhờ bạn thử mở gần 100 tab Chrome mà thôi. Tuy nhiên nhìn chung là MacBook Air M2 chạy mượt, không bị sụt giảm hiệu năng bất thường với bất kỳ tác vụ nào.
Thử benchmark máy để tìm hiểu thêm thì với Geekbench 5.4, MacBook Air M2 đạt 1.932 điểm đơn nhân và 8.919 điểm đa nhân - trung bình nhỉnh hơn lần lượt 11% và 17% so với MacBook Air M1. Kết quả này cũng không chênh lệch so với MacBook Pro M2 với việc cả hai dùng chung con chip (1.898 điểm đơn nhân và 8.911 điểm đa nhân).
So sánh với một số sản phẩm chạy Windows đang nổi gần đây, MacBook Air M2 đều có thể dễ dàng đánh bại về điểm đa nhân. Một vài ví dụ có thể kể đến ASUS ZenBook S13 OLED (7.606) và Lenovo Yoga 9i Gen 7 (7.140), có chăng chỉ Dell XPS 13 Plus dùng CPU Intel Core i7 thế hệ 12 mới có thể làm khó sản phẩm của chúng ta (10.621).
Sang tới bài test nén video 4K bằng Handbrake, MacBook Air M2 chỉ mất 7 phút 52 giây để hoàn thành, trong khi bản M1 thì là tới 9 phút 15 giây - cải thiện vào khoảng 15-20%. Tuy nhiên khi được so với Pro M2, nhược điểm của tản nhiệt thụ động của máy lộ ra, thể hiện ở việc nó chậm hơn đối thủ (6 phút 51 giây) do không thể duy trì hiệu suất tới hết quá trình.
Tới với công cụ PugetBench, MacBook Air M2 đạt 821 điểm cho Adobe CC Photoshop và 452 điểm cho Adobe Premiere Pro - lần lượt ngang bằng và thấp hơn một chút so với bản Pro (817 và 552 điểm). Khi đặt cạnh Dell XPS 13 Plus với lần lượt 670 và 279 điểm cho từng bài test, chiếc máy của chúng ta vẫn nhỉnh hơn đáng kể.
Về khả năng đồ họa, GPU của MacBook Air M2 có thể giúp máy thực hiện nhiều tác vụ, thậm chí là gaming ở mức độ nhẹ nhàng. Thử nghiệm với Shadow of the Tomb Raider ở độ phân giải 1920 x 1200, máy cho ra mức FPS trung bình vào khoảng 27 - tiệm cận ngưỡng ổn là 30; còn với Sid Meier's Civilization VI: Gathering Storm ở độ phân giải 1470 x 956 thì con số cho ra là 40.
Nhìn chung, MacBook Air M2 đem lại cảm giác sử dụng nhanh nhạy tuyệt vời với con chip Apple M2, ngay cả khi đang dính phải câu chuyện về SSD chậm đi 50% so với thế hệ cũ với tùy chọn 256GB. Nếu phải tìm ra điều gì chưa ổn thì có lẽ, đó sẽ là chuyện máy mới chỉ hỗ trợ xuất tối đa một màn hình rời, không tiện lắm với setup hai màn hình mà người viết đang dùng.
Thời lượng pin - Vẫn ấn tượng như vậy
Về thời lượng pin, MacBook Air M2 vẫn duy trì phong độ cao như thế hệ tiền nhiệm khi đáp ứng nguyên một ngày làm việc của người viết mà không cần đến sạc. Khi được dùng để soạn thảo văn bản, đọc tin, xem video và đôi lúc là cắt ghép, kéo màu ảnh với Adobe Photoshop với độ sáng tự động; sản phẩm của chúng ta có thể đem tới khoảng 9,5h on-screen.
MacBook Air M2 có tốt không?
Về cơ bản, đó là những đánh giá về MacBook Air M2 - một sản phẩm đang “out trình” hầu hết ultrabook cùng tầm với quá nhiều đặc điểm nổi trội. Với những ai muốn một sản phẩm có thể đáp ứng hoàn hảo công việc văn phòng hay một chút các tác vụ cao cấp hơn (Chỉnh sửa ảnh, dựng video, chơi game, v.v.), đây sẽ là cái tên mà người viết không ngần ngại khuyên dùng ngay lúc này.
Mặc dù nó vẫn có những đặc điểm gây tranh cãi, thậm chí chưa tốt khi so với laptop Windows, nhưng trong điều kiện sử dụng thực tế thì chúng rất khó cảm nhận (tốc độ đọc ghi SSD) hay tùy trường hợp mới ảnh hưởng (chỉ xuất được một màn rời thay vì hai). Nếu có gì cần lăn tăn thì đó sẽ là mức giá đắt hơn Air M1 200 USD, nhưng thực sự đây vẫn là một khoảng chênh xứng đáng với những gì mà máy có thể đem lại.
Tham khảo Tom’s Guide