Vì những lo ngại thông tin sai lệch hoặc thậm chí là định hướng sai lầm cho con em, các vị phụ huynh lẫn các học giả tại Hàn Quốc đang phản đối dữ dội kế hoạch của bộ giáo dục nước này, sử dụng những sách giáo khoa điện tử được viết ra với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo. Không chỉ dừng ở đó, các bậc phụ huynh cũng lo ngại rằng, dùng sách giáo khoa điện tử sẽ vô tình kích thích việc trẻ em sử dụng thiết bị công nghệ và nhìn màn hình thiết bị nhiều hơn. Tuần trước, bộ trưởng giáo dục Hàn Quốc Lee Ju-ho đã có tuyên bố như thế này, rằng những chiếc máy tính bảng cài những ứng dụng và tính năng AI sẽ là những thiết bị mang giá trị bước ngoặt trong kế hoạch cải cách giáo dục và trường học ở đất nước này. Theo kế hoạch của bộ giáo dục Hàn Quốc, những chiếc máy tính bảng với tính năng và ứng dụng AI sẽ được đưa vào các lớp học của các em từ 8 tuổi trở lên. Đề xuất này được chính phủ Hàn Quốc gọi là đầu tiên trên thế giới. Tuy nhiên nó đang vấp phải sự phản đối của rất nhiều ông bố bà mẹ, vốn đã đang lo ngại việc con em họ hàng ngày đã bỏ quá nhiều thời gian nhìn vào màn hình smartphone và máy tính bảng. Trong thang đo bài kiểm tra PISA (Programme for International Student Assessment) của tổ chức OECD, Hàn Quốc từ trước tới nay luôn được đánh giá là quốc gia có nền giáo dục mạnh. Nhưng các quan chức ở Seoul thì lo ngại rằng việc giáo dục truyền thống, nhấn mạnh vào học thuộc lòng có thể ngăn cản sự sáng tạo của các em, giữa thời điểm đất nước này đang tìm cách giảm phụ thuộc vào những ngành công nghiệp sản xuất truyền thống. Bộ trưởng Lee nói: “Tất cả chúng ta đều có thể đồng ý với nhau rằng chúng ta cần thay đổi từ lối học một chiều, dựa trên học thuộc lòng, biến lớp học thành một không gian nơi các em học sinh có thể tương tác và tự chủ với việc học. Năm 2025 sẽ là năm bản lề cho sự thay đổi đó, và chúng ta cần tận dụng sách giáo khoa AI để giúp các giáo viên biến đổi bài giảng của họ.” Ý tưởng của cơ quan quản lý giáo dục Hàn Quốc là, những sách giáo khoa điện tử này sẽ được tùy chỉnh nội dung cá nhân hóa cho từng em học sinh, dựa trên tốc độ ghi nhớ và học hỏi kiến thức của các em, rồi công cụ AI sẽ đưa ra những bài tập với mức độ phức tạp khác nhau, phù hợp với từng học sinh. Nhưng chính phủ Hàn Quốc lại chưa đưa ra nhiều chi tiết cụ thể về cách những cuốn sách giáo khoa điện tử này, cùng những công cụ AI dùng trong giáo dục đang được LG và Samsung phát triển, sẽ vận hành như thế nào. Quan trọng hơn, làm thế nào để tránh tình trạng công cụ AI tạo sinh bị ảo giác, tạo ra những thông tin sai lệch cho các em học sinh. Tới năm 2028, Hàn Quốc muốn áp dụng AI để tạo ra những ứng dụng hỗ trợ mọi môn học, ngoại trừ âm nhạc, mỹ thuật, đạo đức và thể dục. Các giáo viên sẽ theo dõi tiến trình học tập của học sinh thông qua nền tảng số. Một quan chức trong bộ giáo dục Hàn nói: “Sách giáo khoa AI sẽ giúp các giáo viên đánh giá học lực của mỗi học sinh, và tốc độ học tập của các em dựa trên dữ liệu, rồi từ đó thiết kế chương trình giáo dục phù hợp nhất cho mỗi em.” Vị quan chức này nói thêm: “Nhiều em học sinh có xu hướng ngủ gật trong lớp vì trước đó đi học thêm đã học đến những bài đang được giảng trên lớp, còn số khác thì chẳng hiểu gì. Sắp tới các em sẽ được suy nghĩ mở, vì sách giáo khoa AI có thể giúp tạo ra những nội dung học tập mới cho mọi đối tượng và mọi tình huống, giúp các em có thêm đam mê học tập, và tư duy sáng tạo hơn.” Một vài công cụ AI khác sẽ được ứng dụng trong các lớp học ở Hàn Quốc bao gồm những chương trình chuyển đổi lời giảng của giáo viên khi họ đi quanh lớp học, trực tiếp biến thành những dòng chữ trên bảng điện tử trong lớp học để các em tiện theo dõi bài giảng. Ngay ở thời điểm hiện tại, Hàn Quốc đã thử nghiệm những chatbot tạo ra những câu trả lời bằng mô hình AI khi học sinh có những câu hỏi liên quan tới bài học. Dĩ nhiên, nhiều nhà quan sát bày tỏ nghi ngại về kế hoạch lột xác ngành giáo dục của chính phủ Hàn Quốc. Giáo sư xã hội học thuộc đại học Chung-Ang, Shin Kwang Young cho rằng chính phủ đang muốn ứng dụng sách giáo khoa AI “một cách vội vàng mà không cân nhắc đầy đủ những tác động tiêu cực, đơn giản chỉ vì AI đang là xu hướng bao trùm toàn bộ thế giới hiện nay,.” Quảng cáoAdmicro AdX Đã có hơn 50 nghìn vị phụ huynh ký tên vào đơn phản đối, yêu cầu chính phủ cân nhắc hơn cho sức khỏe tinh thần và thể chất của các em: “Chúng tôi, những vị phụ huynh, đã và đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng nảy sinh từ việc con em của chúng tôi được tiếp cận thiết bị điện tử.” Lee Sun-young, một người mẹ 41 tuổi ở Seoul cho rằng, bà muốn con học thêm với giáo viên sau giờ học, thay vì để con bà sử dụng sách giáo khoa AI: “Tôi lo rằng dùng thiết bị điện tử nhiều quá có thể gây ra những tác động tiêu cực đối với quá trình phát triển não bộ, khả năng tập trung và khả năng giải quyết vấn đề. Giờ đám nhỏ đã dùng smartphone nhiều lắm rồi.” Còn về phần các giáo viên Hàn Quốc, theo khảo sát của Liên đoàn giáo viên Hàn Quốc, 54% số giáo viên tại các trường công lập được hỏi cho biết họ ủng hộ việc ứng dụng sách giáo khoa điện tử. Xu hướng này thực sự cũng đi ngược lại với nhiều quốc gia khác. Nếu các nước khác đang cố tìm ra cách để giảm thời gian sử dụng thiết bị công nghệ hàng ngày của các bạn nhỏ, đặc biệt là ở trường học, thì Hàn Quốc lại đang muốn ứng dụng chúng nhiều hơn. Giáo sư Shin lo ngại AI trong lớp học có khả năng “vượt tầm kiểm soát”, với những nguy cơ tạo ra những thông tin sai lệch, đạo văn hay để lộ thông tin cá nhân của các em học sinh. Theo FT Quảng cáo