Pat Gelsinger: Không có nghiên cứu, 100 tỷ USD của TSMC không giúp ích nhiều cho ngành bán dẫn Mỹ

Doanh nghiệp gần bạn nhất

được xác nhận bởi itcctv

Pat Gelsinger: Không có nghiên cứu, 100 tỷ USD của TSMC không giúp ích nhiều cho ngành bán dẫn Mỹ
Hình ảnh rao vặt

Pat Gelsinger: Không có nghiên cứu, 100 tỷ USD của TSMC không giúp ích nhiều cho ngành bán dẫn Mỹ

Pat Gelsinger vừa đưa ra nhận định rằng, việc TSMC cam kết chi thêm 100 tỷ USD mở rộng quy mô các fab gia công chip bán dẫn trên những tiến trình tiên tiến nhất trên đất Mỹ sẽ không giúp ích quá nhiều để quốc gia này khôi phục vị thế dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực sản xuất chip.

Bình luận của ông được đưa ra chưa đầy một tháng sau khi Nhà Trắng ca ngợi khoản đầu tư từ TSMC, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, là một cột mốc quan trọng trong nỗ lực đưa việc sản xuất các chất bán dẫn tiên tiến nhất trở lại đất Mỹ.

Ông Gelsinger đưa ra tuyên bố như thế này: "Nếu không có những hoạt động nghiên cứu và phát triển được thực hiện tại Mỹ, bạn sẽ không thể duy trì vị thế lãnh đạo về chip tại Mỹ. Toàn bộ quá trình nghiên cứu phát triển sản phẩm của TSMC đều diễn ra ở đảo Đài Loan, và họ chưa đưa ra bất kỳ thông báo nào về việc chuyển nó đi.”

Trước đó, ngày 24/3 vừa rồi, startup ứng dụng công nghệ Gloo, tạo ra những công cụ công nghệ cho các nhà thờ Thiên Chúa giáo cũng như những nhóm tôn giáo khác nhau cho biết, cựu CEO Intel, ông Pat Gelsinger đã gia nhập startup này với chức vụ giám đốc công nghệ kiêm chủ tịch điều hành. Tại đây, ông Gelsinger sẽ giúp đơn vị này phát triển những công cụ AI như trợ lý ảo hay chatbot.

Đọc thêm: Công việc mới của Pat Gelsinger: Giám đốc công nghệ Gloo, làm chatbot AI phục vụ cho tôn giáo


Cựu CEO Intel cũng cho biết, các chính sách và chiến lược thuế quan do tổng thống Donald Trump áp đặt kể từ khi nhậm chức hồi đầu năm nay ít nhất đã "tạo ra những lợi ích ở quy mô nhỏ" cho nước Mỹ, bằng cách tạo thêm động lực cho các nhà sản xuất chip như TSMC xác định kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất sản xuất chip bán dẫn của họ trên lãnh thổ Mỹ.

Trước khi khoản đầu tư 100 triệu USD được công bố, chính quyền Trump đã gây nhiều áp lực lên TSMC, giữa những nghi ngờ về khả năng Intel giành lại vị thế dẫn đầu toàn cầu mà công ty này đã mất vào tay đối thủ Đài Loan cách đây một thập kỷ.



Hôm 4/3 vừa rồi, CEO của TSMC, tiến sĩ C.C. Wei cùng tổng thống Donald Trump đã cùng tuyên bố kế hoạch đầu tư thêm ít nhất 100 tỷ USD để xây dựng thêm những fab gia công chip bán dẫn trên đất Mỹ trong những năm tới. Khoản đầu tư này sẽ được sử dụng để xây dựng thêm ba fab gia công bán dẫn nữa, cũng trên mảnh đất mà TSMC đang xây dựng fab ở bang Arizona. Cùng với đó, sẽ là hai nhà máy đóng gói die silicon thành chip xử lý phiên bản thương mại hóa, cùng một trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ mới.

Đọc thêm: Tổng thống Trump và TSMC công bố kế hoạch xây dựng 5 nhà máy sản xuất chip ở Mỹ, trị giá 100 tỷ USD

Việc ông Gelsinger rời khỏi chiếc ghế CEO của Intel vào cuối năm ngoái được nhiều nhà phân tích giải nghĩa, là thời điểm hội đồng quản trị đã mất niềm tin và bác bỏ kế hoạch tái cấu trúc phức tạp của ông, bao gồm cả việc cố gắng xây dựng lại cơ sở sản xuất của Intel, một quá trình lâu và tốn kém. Người kế nhiệm, ông Lip-Bu Tan, vừa được bổ nhiệm vào đầu tháng này, vẫn chưa công bố chi tiết chiến lược của mình.

Còn ở khía cạnh chưa chính thức, theo hai nguồn tin của Reuters, điều đầu tiên ông Tan muốn làm sẽ là mạnh tay tái cơ cấu hai mảng bên trong tập đoàn. Thứ nhất, là mảng gia công bán dẫn với những fab mà Intel tự xây dựng và vận hành. Và thứ hai, thứ đã tạo ra chính những xung đột giữa ông Tan và CEO cũ, Pat Gelsinger, là mảng nghiên cứu phát triển chip xử lý AI.



Hai nguồn tin của Reuters mô tả chi tiết hơn những ý tưởng trong đầu ông Tan như thế này. Định hướng phát triển trong tương lai gần của Intel sẽ là tái cơ cấu cách Intel nhìn nhận và khai thác thị trường trí tuệ nhân tạo. Và thứ hai, như đã nói, cắt giảm mạnh nhân sự, để biến đổi một bộ máy của Intel bị ông Tan coi là cồng kềnh, chậm chạp và ì ạch.

Ông Gelsinger không bình luận thêm về việc liệu ông có bất đồng với các giám đốc của Intel về chiến lược kinh doanh. Nhưng ông đã thừa nhận rằng, ông đã đánh mất sự tin tưởng của hội đồng quản trị, ở thời điểm chỉ chưa đầy bốn năm sau kế hoạch hồi sinh Intel, kéo dài ít nhất 5 năm do ông đặt ra.

Đọc thêm: Tình hình hiện tại của Intel và câu chuyện ra đi của cựu CEO Pat Gelsinger | Viết bởi PTW_Dark

“Tôi vẫn chưa hoàn thành kế hoạch 5 năm khi hội đồng quản trị quyết định thay đổi hướng đi,” ông Gelsinger nói. TSMC tuyên bố rằng công việc phát triển duy nhất mà họ dự kiến thực hiện tại Mỹ sẽ tập trung vào công nghệ quy trình sản xuất hiện có, và hoạt động nghiên cứu và phát triển cốt lõi của họ vẫn sẽ được thực hiện ở Đài Loan. “Trừ khi bạn thiết kế công nghệ transistor thế hệ tiếp theo tại Mỹ, bạn sẽ không thể giành được vị thế dẫn đầu trong toàn bộ ngành bán dẫn toàn cầu."

Những tuyên bố kể trên được ông Gelsinger đưa ra hồi đầu tuần, sau khi trở thành đối tác tại Playground Global, một quỹ đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Silicon Valley, chuyên về các khoản đầu tư cho những dạng công nghệ sẽ được ứng dụng trong tương lai, bao gồm cả các lĩnh vực như máy tính lượng tử và công nghệ sản xuất chip mới.

Mặc dù mất đi vị thế dẫn đầu trong công nghệ quy trình sản xuất chip tiên tiến, ông Gelsinger cho biết Mỹ vẫn có lợi thế toàn cầu trong nhiều công nghệ tiên tiến khác có khả năng quyết định vị thế dẫn đầu ngành AI trong tương lai.




Bên cạnh những nhận xét về khoản đầu tư trị giá 100 triệu USD của TSMC, ông Gelsinger cũng bác bỏ những quan điểm được đưa ra hồi đầu năm, rằng startup AI DeepSeek của Trung Quốc đã đặt ra một thách thức nghiêm trọng đối với các tập đoàn và startup AI Mỹ. “DeepSeek có kỹ thuật tốt, nhưng không phải là những đổi mới cốt lõi. Đó không phải là những đột phá lớn."

Hồi cuối tháng 1, đầu tháng 2 vừa rồi, DeepSeek đã gây bất ngờ cho các chuyên gia và nhà đầu tư công nghệ Mỹ với công nghệ AI với chi phí huấn luyện chỉ bằng một con số lẻ nếu đem so sánh với chi phí OpenAI, Google hay Anthropic huấn luyện mô hình AI của họ.

Trong thời gian tại Intel, ông Gelsinger đã không thể thu hẹp khoảng cách với Nvidia về chip AI. Lời nói có vẻ hơi trái ngược với những gì ông đã làm được khi còn tại vị, là CEO của Intel. Trong những tuyên bố mới nhất, ông Gelsinger cho rằng công nghệ mới là thứ cần thiết để giúp AI trở nên phổ biến: “AI, dù thú vị đến đâu đi chăng nữa, hiện giờ vẫn còn quá đắt đỏ. Chúng ta phải giảm đáng kể chi phí suy luận để nó có thể được triển khai thực sự trong mọi khía cạnh của cuộc sống.”



Hồi đầu tháng 12 năm ngoái, trong chiến dịch quảng bá phần tiếp theo của series hồi ký khắc họa lại cuộc đời của ông, cũng như lịch sử thành lập TSMC, nhà sáng lập Morris Chang cũng khẳng định với báo giới: “Tôi không rõ vì sao ông Pat từ chức. Tôi không biết liệu chiến lược của ông ấy là thứ tệ hại, hay đơn giản ông ấy không có khả năng triển khai chiến lược một cách nhanh chóng và hiệu quả. So với xu hướng phát triển của ngành AI, rõ ràng là Pat tập trung nhiều vào việc biến Intel trở thành một foundry gia công bán dẫn theo hợp đồng của các khách hàng và đối tác. Dĩ nhiên bây giờ nhìn lại, điều rõ ràng là Pat nên tập trung vào mảng AI chứ không phải tiến trình gia công bán dẫn.

Những startup được quỹ Playground hỗ trợ bao gồm xLight, laser tiên tiến của họ có thể đóng vai trò trong các thế hệ thạch bản (lithography) tiếp theo cần thiết để sản xuất chip. Các khoản đầu tư khác bao gồm PsiQuantum, công ty máy tính lượng tử đầu tiên đã bắt tay vào xây dựng một cỗ máy lượng tử quy mô lớn và d-Matrix, một trong số nhiều startup đang cố gắng vượt qua Nvidia trong việc sản xuất các chip cần thiết để chạy hệ thống AI, với tác vụ nội suy dữ liệu nhờ vào mô hình AI.

Theo FT
Nguồn:tinhte.vn/thread/pat-gelsinger-khong-co-nghien-cuu-100-ty-usd-cua-tsmc-khong-giup-ich-nhieu-cho-nganh-ban-dan-my.3973976/
💬 bình luận

Bình luận

Trở thành viên của itcctv — Đăng ký
Thủ thuật tin học văn phòng Thủ thuật Word Thủ thuật Excel
Cuộn