Vấn đề thứ ba, giống hệt như hai ngành xe hơi và bất động sản, mảng sản phẩm cao cấp đang tạo ra cả doanh thu lẫn tỷ suất
lợi nhuận vượt xa những phân khúc sản phẩm tầm thấp hay bình dân. Những năm vừa qua, tỷ suất lợi nhuận giữa những chip xử lý cao cấp với những sản phẩm thông thường trang bị trong những thiết bị điện tử phổ biến càng lúc càng chênh lệch lớn hơn.
Một phần lý do là nhu cầu thiết bị công nghệ tiêu dùng, từ laptop tới smartphone trong vài năm qua đã giảm mạnh, hệ quả sau sự bùng nổ doanh số những chiếc máy tính và điện thoại khi mọi người phải làm việc ở nhà, biện pháp phòng chống COVID-19 lây lan trên toàn thế giới. Nhưng yếu tố quan trọng hơn là mức giá trung bình của những chip xử lý AI cao cấp trang bị trong máy chủ hiện giờ đang cao gấp 5 lần những con chip tiêu dùng.
Cả ba vấn đề kể trên kết hợp lại với nhau, tạo ra một thị trường chip bán dẫn với tâm lý “nhất ăn tất”. Hoàn toàn không phải trùng hợp khi hai nhà sản xuất chip bán dẫn có tăng trưởng và báo cáo tài chính ấn tượng nhất ngành đều là đối tác cung ứng của Nvidia, đó là TSMC và SK Hynix. Quý vừa rồi, TSMC báo lợi nhuận đạt mức kỷ lục, tăng cả dự báo doanh thu cả năm tài khóa. Còn SK Hynix cũng báo lợi nhuận đạt mức kỷ lục trong quý vừa rồi. Cần nhắc lại, cả hai tập đoàn này đều thông báo tỷ suất lợi nhuận trên 40% xét trên doanh thu.
Điều này đồng nghĩa với việc nếu tụt hậu thì hệ quả xét trên giá cổ phiếu cũng như giá trị vốn hóa của các tập đoàn trong ngành bán dẫn sẽ bị ảnh hưởng tương đối nghiêm trọng.
Lấy ví dụ Samsung. Họ đã không đạt được dự báo lợi nhuận kinh doanh của mảng bán dẫn trong quý vừa rồi. Còn Intel thì báo khoản lỗ kỷ lục 16.6 tỷ USD, dù đang chuẩn bị sẵn sàng ra mắt những con chip Gaudi thế hệ thứ 3 để cạnh tranh với Nvidia trong ngành chip AI máy chủ. Dự báo doanh thu chip Gaudi được Intel hạ xuống chỉ còn nửa tỷ USD. Để anh em tiện so sánh, từ tháng 5 tới tháng 7 vừa rồi, doanh thu chip AI máy chủ của Nvidia là 26.3 tỷ USD.