OpenAI từ vài năm trở lại đây đã được coi là cái tên “tiêu chuẩn” của những nỗ lực nghiên cứu phát triển công nghệ AI của toàn ngành công nghệ toàn cầu. Nhưng bản thân startup ấy cũng đôi khi đối mặt với những rắc rối không hề nhỏ. Ở thời điểm hiện tại, OpenAI đang cố gắng tạo ra những thay đổi đáng kể trong đội ngũ quản trị công ty, hay thậm chí là chính cách vận hành startup, giữa lúc đơn vị này đang cố gắng lôi kéo nguồn tiền vốn từ những tập đoàn và quỹ đầu tư giàu có nhất hành tinh. Trong những tháng vừa rồi, OpenAI đã mời không ít những chuyên gia và giám đốc công nghệ nổi tiếng, rồi trong đó có cả những chuyên gia về thông tin sai lệch cũng như những nhà nghiên cứu an toàn AI có tiếng tăm. Rồi ở ban lãnh đạo của startup, họ mời thêm 7 thành viên mới, trong đó có cả một cựu tướng 4 sao của quân đội Mỹ, người từng đứng đầu cơ quan an ninh quốc gia của đất nước này. Tất cả những động thái ấy đều để khẳng định một điều, công nghệ AI mà OpenAI tạo ra sẽ không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với xã hội và người dùng. Từ trái qua: Sarah Friar, Kevin Weil, Ben Nimmo và Joaquin Candela Còn ở khía cạnh đầu tư, hiện tại OpenAI được cho là đang có những đàm phán với Microsoft, với Apple, với Nvidia và quỹ đầu tư Thrive để gọi thêm khoản vốn giúp giá trị của startup này đạt ngưỡng 100 tỷ USD. Để thu hút các nhà đầu tư, hiện tại OpenAI đang sẵn sàng thay đổi cả cách vận hành và cơ cấu tập đoàn. Không thiếu những lần các nhà nghiên cứu và các nhà kinh doanh có những xung đột khi cùng ở chung mái nhà OpenAI, thậm chí có lần ban lãnh đạo còn bất ngờ sa thải Sam Altman khỏi vị trí CEO của OpenAI hồi tháng 11 năm ngoái. Đến giờ, những người cũ góp công gây dựng OpenAI có được như ngày hôm nay, bao gồm cả trưởng khoa học gia Ilya Sutskever đều đã rời khỏi startup. Bây giờ, OpenAI phải xây dựng lại hình ảnh của một đơn vị không có những drama nhảm nhí, sẵn sàng dẫn dắt cả ngành công nghệ toàn cầu tiến vào kỷ nguyên AI. Chặng đường thay đổi bộ mặt Tuy nhiên, những cuộc phỏng vấn 20 cá nhân đã và đang làm việc tại OpenAI, bao gồm cả nhân sự lẫn nhà quản trị tại startup này cho thấy, quá trình chuyển dịch để thay đổi bộ mặt của OpenAI hiện tại vẫn đang diễn ra một cách vô cùng khó khăn. Những nhân viên đã gắn bó kể từ thời điểm OpenAI được thành lập cứ liên tục rời đi, kể cả khi có những thay đổi với những nhân sự mới và những giám đốc mới gia nhập startup. Tốc độ phát triển thần tốc của OpenAI vẫn chưa giải quyết được một câu hỏi mang tính căn bản về startup này: Liệu OpenAI là một phòng thí nghiệm nghiên cứu công nghệ AI cao cấp, hoạt động vì lợi ích của cả nhân loại, hay chỉ đơn giản là một gã khổng lồ trong ngành công nghệ làm việc vì lợi nhuận? Hiện tại, OpenAI đang có hơn 1700 nhân viên. 80% trong số đó gia nhập OpenAI sau khi ChatGPT chính thức ra mắt thị trường vào tháng 11/2022. Nếu như chính bản thân CEO Sam Altman cùng một vài giám đốc cấp cao khác đã đích thân tham gia quá trình tuyển dụng các nhân sự và nhà nghiên cứu mới cho OpenAI, thì chủ tịch mới của ban lãnh đạo startup này, Bret Taylor, là người quản lý việc mở rộng chính bản thân ban lãnh đạo. Ông Taylor đưa ra tuyên bố chính thức: “Hầu hết các startup đều thay đổi một cách tự nhiên, biến đổi một cách linh động khi tác động của nó đối với thị trường và xã hội lớn dần. Chúng tôi lại nhận ra rằng OpenAI đang có quá trình chuyển dịch và thay đổi ở tốc độ chưa từng thấy. Ban quản trị và những nhóm nhân sự chuyên trách ở OpenAI vẫn đang tập trung vào một mục tiêu duy nhất, đó là xây dựng những AI vận hành an toàn, giải quyết được những vấn đề khó khăn cho tất cả mọi người.” Trong số những nhà quản trị mới của OpenAI, có những cái tên từng nắm giữ các chức vụ cao ở nhiều tập đoàn nổi tiếng khác. Giám đốc tài chính mới của OpenAI, cô Sarah Friar từng là CEO của Nextdoor. Kevin Weil, giám đốc sản phẩm mới của OpenAI từng là phó chủ tịch phụ trách phát triển sản phẩm ở Twitter. Ben Nimmo thì từng dẫn dắt những cuộc chiến pháp lý chống lại những chiến dịch truyền thông dắt mũi dư luận khi còn làm việc ở Facebook. Joaquin Candela từng là người đứng đầu nhóm nghiên cứu chống lại những tác động tiêu cực khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo ở Facebook. Quảng cáoAdmicro AdX Hôm thứ 6 tuần trước, OpenAI đã công bố thông tin tới toàn thể nhân sự, giám đốc pháp chế toàn cầu mới của startup này sẽ là Chris Lehane, một cố vấn từng làm việc cho tổng thống Mỹ Bill Clinton. Người mới đến, người cũ đi Nhưng trong số 13 con người đầu tiên gây dựng OpenAI từ những ngày đầu, khi startup thành lập năm 2015, chỉ còn sót lại 3 người vẫn còn đang ở lại. Đầu tiên là chủ tịch Greg Brockman. Bản thân anh này cũng đang xin nghỉ từ nay đến hết năm, xin cho bản thân khoảng thời gian dành cho cá nhân sau gần 1 thập kỷ làm việc liên tục. Jason Kwon, giám đốc chiến lược của OpenAI nói: “Cũng là chuyện bình thường khi thấy ngươi mới đến, và người cũ ra đi, nhưng chúng tôi thường có xu hướng bị theo dõi sát sao hơn từ cộng đồng và báo giới. Mọi thông tin nhân sự cũ từ nhiệm, mọi nhân sự mới tuyển dụng đều trở thành chuyện lớn.” Kể từ những ngày đầu thành lập, lúc vẫn còn là một phòng nghiên cứu phi lợi nhuận, bản thân OpenAI cũng đã gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa các mục tiêu đặt ra. Năm 2018, Elon Musk, một trong những nhà đầu tư đầu tiên khi OpenAI thành lập, đã rời bỏ startup này sau những bất đồng với các nhà đồng sáng lập khác. Đầu năm 2022, một nhóm các nhà nghiên cứu chủ chốt của OpenAI bày tỏ lo ngại rằng mảng kinh doanh của OpenAI đang tập trung đẩy thứ công nghệ mới này ra thị trường trước khi những mô hình ấy được áp dụng những hàng rào kiểm soát nội dung tạo sinh phù hợp. Họ rời bỏ OpenAI và thành lập một đơn vị khác, giờ trở thành một cái tên cạnh tranh trực tiếp với OpenAI, tên là Anthropic. Quảng cáo Ngay cả drama Sam Altman bị đuổi việc cuối năm ngoái, rồi quay trở lại OpenAI chỉ sau 5 ngày, cũng có khởi nguồn từ chính những tranh cãi giữa các nhà nghiên cứu và những cái đầu kinh doanh ở startup này. OpenAI đã rời bỏ không ít những nhân viên đã từng lên tiếng chất vấn ông Altman, cũng như những cá nhân muốn làm những nghiên cứu nâng cao trong ngành công nghệ, thay vì biến OpenAI trở thành một tập đoàn công nghệ tầm thường. Một phàn nàn từng được đưa ra, đó là nếu nhân viên lên tiếng công khai phản đối những quyết định và định hướng của tập đoàn, họ sẽ bị thu hồi số cổ phần đã có được. Một nhà nghiên cứu từng nghỉ việc vì phản đối quy định này. Và hiện tại OpenAI cũng đã từ bỏ quy định kể trên. Nghiên cứu an toàn và áp lực kiếm tiền OpenAI đang phát triển nhờ vào hai động lực không phải lúc nào cũng song hành với nhau. Một mặt, họ cần tiền, rất nhiều tiền. Doanh thu hàng năm của OpenAI đã chạm ngưỡng 2 tỷ USD, theo một nguồn tin giấu tên. ChatGPT giờ có hơn 200 triệu người dùng mỗi tuần, tăng gấp đôi so với khoảng thời gian 9 tháng trước. Hiện vẫn chưa rõ khoản vốn đầu tư mà OpenAI đốt mỗi năm. Con số này từng được ước tính ở ngưỡng 7 tỷ USD. OpenAI đang cân nhắc việc thay đổi kết cấu doanh nghiệp để thu hút đầu tư, như đã đề cập ở trên. Ở thời điểm hiện tại, ban lãnh đạo của OpenAI, chí ít là mảng nghiên cứu phi lợi nhuận, vẫn đang điều hành toàn bộ tập đoàn. Không một nhà đầu tư nào được đưa ra quan điểm hay quyết định điều hành OpenAI. Nhưng khi đang cần thu hút đầu tư từ các tập đoàn và các quỹ lớn, OpenAI hoàn toàn có thể điều chỉnh lại toàn bộ ban lãnh đạo tập đoàn và cách họ đưa ra quyết định quản trị theo hướng vừa lòng hơn trong mắt các nhà đầu tư đổ hàng tỷ USD cho startup này. Hiện tại vẫn chưa có quyết định chính thức từ phía OpenAI. Và ở mặt khác, OpenAI cũng đang phát triển dựa trên những công nghệ đang khiến nhiều nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, bao gồm chính những nhân viên của OpenAI lo ngại. Quan điểm của những người này là những công nghệ AI tạo sinh mà OpenAI đang phát triển có thể bị lợi dụng để tuyên truyền thông tin sai lệch, sử dụng trong những cuộc tấn công mạng, hay những người nghĩ xa hơn thì cho rằng AI có thể chấm dứt cả nền văn minh loài người. Hồi tháng 5 vừa rồi, tiến sĩ Ilya Sutskever, người từng đứng đầu nhóm Superalignment, nghiên cứu những hàng rào kiểm soát công nghệ AI tạo sinh ở OpenAI từ chức để xây dựng startup AI mới của mình. Gần như ngay lập tức, cấp phó của Sutskever ở Superalignment, tiến sĩ Jan Leike cũng từ chức theo, và gia nhập Anthropic cùng những người từng gắn bó với OpenAI những ngày đầu tiên hơn chục năm về trước. Không thiếu những người khác có chung quan điểm như hai tiến sĩ Sutskever và Leike. William Sounders, một nhà nghiên cứu mới rời khỏi OpenAI nói rằng: “Tôi vẫn lo rằng OpenAI và những công ty phát triển AI khác không có một kế hoạch phù hợp để kiểm soát nguy cơ đối với những hệ thống AI có trí tuệ bằng hoặc vượt qua trí tuệ con người, những hệ thống họ đang gọi hàng tỷ USD tiền vốn để xây dựng.” Hiện giờ, nhóm nghiên cứu an toàn AI của OpenAI được một nhà đồng sáng lập khác của startup, John Schulman điều hành. Một số cựu giám đốc của OpenAI, giấu tên vì đã ký văn bản NDA, cho rằng những rắc rối khi lợi ích và mục tiêu của OpenAI không cân bằng vẫn còn hiện diện. Ba trong số những cựu quản lý ấy viện dẫn trường hợp của Aleksander Madry, người từng dẫn đầu nhóm Preparedness của OpenAI, nghiên cứu và tìm cách ngăn chặn những tình huống cực xấu khi AI không hoạt động như kỳ vọng. Sau khi bày tỏ bất đồng với các giám đốc về cách nhóm Preparedness này có giá trị như thế nào trong cả tập đoàn, tiến sĩ Madry đã chuyển qua dự án nghiên cứu khác. Đầu tháng 6 vừa rồi, một nhà nghiên cứu khác, Todor Markov đăng một tin nhắn lên hệ thống nội bộ của OpenAI, tuyên bố từ chức. Anh này cho rằng ban quản trị OpenAI đã liên tục dắt mũi nhân viên, và cho rằng đội ngũ quản lý hiện tại của OpenAI không đáng tin cậy khi xây dựng một AGI, trí thông minh nhân tạo phổ quát. Trong bức thư này, Markov viết: “Các ông cứ nói về trách nhiệm của chúng tôi khi phát triển AGI một cách an toàn và đem lại giá trị đồng đều cho tất cả. Thế trách nhiệm của các ông thì sao?” Vài ngày kể từ bức thư của Markov, OpenAI công bố thành viên ban quản trị mới, ông Paul M. Nakasone, cựu tướng 4 sao quân đội Mỹ. Gần đây ông trả lời phỏng vấn: “Tôi có phải tay mơ trong ngành AI không ấy hả? Tôi không nghĩ thế. Tôi điều hành NSA rồi. Tôi đã phải đối mặt với nó trong nhiều năm.” Theo The New York Times