Nhà sáng lập DeepMind: Trí tuệ nhân tạo tổng quát sẽ giúp con người bớt ích kỷ hơn

Doanh nghiệp gần bạn nhất

được xác nhận bởi itcctv

Nhà sáng lập DeepMind: Trí tuệ nhân tạo tổng quát sẽ giúp con người bớt ích kỷ hơn
Hình ảnh rao vặt

Nhà sáng lập DeepMind: Trí tuệ nhân tạo tổng quát sẽ giúp con người bớt ích kỷ hơn

Nếu anh em tin rằng trí tuệ nhân tạo là một sự đột phá mang tính thay đổi căn bản cho loài người, thì những gì Demis Hassabis nghĩ trong đầu sẽ là những thứ xứng đáng được chia sẻ và nghiền ngẫm. Hassabis dẫn đầu nỗ lực cạnh tranh AI của Google. Hiện giờ cạnh Microsoft, họ có lẽ là công ty có tiềm lực tốt nhất trong số những công ty đang chi hàng tỷ USD để thay đổi thế giới công nghệ. Ông là một trong những nhà lãnh đạo quyền lực nhất trong ngành công nghệ, và cũng là một trong những người đang nỗ lực xây dựng trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI), thứ công nghệ hứa hẹn sẽ khiến máy móc làm mọi thứ con người làm, nhưng tốt hơn.

Tuy nhiên, không ai trong số các đối thủ cạnh tranh của ông giành được giải Nobel và tước hiệp sĩ cho những thành tựu của họ. Ngài Demis là một ngoại lệ. Điều hiếm người biết, ông đã đạt được thành tựu ấy với xuất phát điểm là một lập trình viên phát triển trò chơi điện tử.

Lớn lên ở London, ông từng là một kỳ tài cờ vua tuổi teen. Năm 13 tuổi, ông xếp hạng thứ hai toàn thế giới trong nhóm tuổi của mình. Ông cũng bị cuốn hút bởi các trò chơi máy tính phức tạp, vừa là kỳ thủ ưu tú, sau đó là nhà thiết kế và lập trình viên của những tựa game kinh điển như Theme Park.



Nhưng niềm đam mê thực sự của ông là tạo ra những cỗ máy thông minh như chính khối óc của ông vậy. Ông thậm chí còn bỏ lại thế giới trò chơi để nghiên cứu về não bộ và lấy bằng Tiến sĩ Khoa học Thần kinh Nhận thức vào năm 2009. Một năm sau, ông bắt đầu một cuộc phiêu lưu tham vọng nhất, hành trình phát minh ra trí tuệ nhân tạo tổng quát thông qua phòng lab ông đồng sáng lập, DeepMind.


Google mua lại công ty này vào năm 2014 và gần đây đã hợp nhất nó với một nhóm AI định hướng sản phẩm hơn, Google Brain, mà Hassabis đứng đầu. Trong số những việc khác, ông đã sử dụng cách tiếp cận giống như trò chơi để giải quyết vấn đề khoa học về dự đoán cấu trúc protein từ trình tự axit amin, AlphaFold, phát minh giúp ông đoạt giải Nobel Hóa học năm ngoái.

Bây giờ Hassabis đang tập trung mạnh hơn nữa vào có lẽ là trò chơi lớn nhất, phát triển ra AGI trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt với các công ty khác, chưa bàn đến cả đất nước Trung Quốc nữa. Nếu điều đó chưa đủ, ông còn là CEO của một công ty trực thuộc Alphabet có tên Isomorphic, nhằm khai thác những khả năng của AlphaFold và các đột phá AI khác để khám phá thuốc chữa bệnh cho con người.



Khi thành lập DeepMind, bạn nói rằng nó có một nhiệm vụ 20 năm là giải quyết trí tuệ và sau đó sử dụng trí tuệ đó để giải quyết mọi thứ khác. Bạn đang ở năm thứ 15, bạn có nghĩ bản thân đang đi đúng hướng không?

Chúng tôi hoàn toàn đi đúng hướng. Trong khoảng từ 5 đến 10 năm tới, có thể có 50% khả năng chúng ta làm được một thứ đúng với định nghĩa AGI.

Định nghĩa đó là gì và làm thế nào chúng ta biết mình đang ở gần như vậy?

Có một cuộc tranh luận về các định nghĩa của AGI, nhưng chúng tôi luôn nghĩ về nó như một hệ thống có khả năng thể hiện tất cả các khả năng nhận thức mà con người có.

Eric Schmidt, người từng điều hành Google, đã nói rằng nếu Trung Quốc chạm được tới AGI trước thì chúng ta sẽ gặp rắc rối, vì người đầu tiên đạt được nó sẽ sử dụng công nghệ đó để tạo ra những lợi thế lớn hơn và lớn hơn nữa. Bạn không tin điều đó sao?


Đó là một điều chưa chắc chắn. Đây thường được gọi là kịch bản "khởi động nhanh", trong đó AGI có thể tự lập trình ra các phiên bản tiếp theo của chính nó với tốc độ cực kỳ nhanh. Vì vậy, một lợi thế nhỏ có thể đột ngột trở thành một khoảng cách lớn chỉ sau vài ngày. Tôi đoán rằng nó sẽ diễn ra ở tốc độ dần dần. Sẽ mất một khoảng thời gian để tác động của trí tuệ nhân tạo thực sự ảnh hưởng đến nhiều thứ trong thế giới thực, có lẽ phải đợi thêm khoảng một thập kỷ nữa.

Vì kịch bản "khởi động nhanh" là thứ hoàn toàn có thể xảy ra, Google có tin rằng việc đạt được AGI đầu tiên là mục tiêu sống còn không?

Đây là thời điểm rất căng thẳng trong lĩnh vực AI. Với vô số nguồn lực đổ vào đó, sẽ có nhiều áp lực và nhiều thứ cần phải nghiên cứu. Chúng ta chắc chắn muốn tất cả những điều tuyệt vời mà các hệ thống AI này có thể làm. Những phương pháp chữa bệnh mới, những nguồn năng lượng mới, những điều đáng kinh ngạc cho nhân loại. Nhưng nếu các hệ thống AI đầu tiên được xây dựng với các hệ giá trị sai lầm hoặc được xây dựng không an toàn, thì hậu quả có thể rất tồi tệ.

Có ít nhất hai rủi ro mà tôi lo lắng. Một là những kẻ xấu, dù là cá nhân hay quốc gia thù địch, lợi dụng AGI cho mục đích gây hại. Rủi ro thứ hai là rủi ro kỹ thuật của chính AI. Khi AI trở nên mạnh mẽ và chủ động hơn, liệu chúng ta có thể đảm bảo rằng các biện pháp bảo vệ an toàn và không thể bị phá vỡ hay không?



Cách đây chỉ hai năm, các công ty AI, bao gồm cả Google, đã từng lên tiếng đề xuất: "Xin hãy quản lý chúng tôi." Bây giờ, ít nhất là ở Hoa Kỳ, chính quyền dường như ít quan tâm đến việc áp đặt quy định lên AI, trái lại kích thích và thúc đẩy ngành để chạy đua đánh bại Trung Quốc. Bạn có còn yêu cầu điều chỉnh không?


Ý tưởng về quy chế quản lý thông minh rất hợp lý. Quy định phải thay đổi nhanh chóng, vì kiến thức từ quá trình nghiên cứu ngày càng tốt hơn. Nó cũng cần được áp dụng và hợp tác trên phạm vi quốc tế. Đó là vấn đề lớn hơn.

Nếu bạn đạt đến điểm mà tiến bộ vượt quá khả năng đảm bảo an toàn cho các hệ thống, bạn có sẽ tạm dừng nghiên cứu phát triển không?

Các hệ thống hiện tại không gây ra bất kỳ rủi ro nào về tồn vong loài người, vì vậy nguy cơ vẫn đang chỉ mang tính lý thuyết. Những lo ngại liên quan tới tình hình địa chính trị có thể thực sự khó khăn trong việc dự đoán hệ quả hơn. Nhưng có lẽ chúng ta sẽ kiểm soát được, với thời gian và sự cẩn thận và chu đáo, và sử dụng phương pháp khoa học...

Nếu khung thời gian chặt chẽ như bạn nói, chúng ta không có nhiều thời gian để cẩn thận và chu đáo.

Chúng ta đúng là không có nhiều thời gian. Chúng tôi đang nỗ lực đầu tư nguồn lực vào bảo mật và những thứ tương tự như an ninh mạng và cũng nghiên cứu về khả năng kiểm soát và hiểu các hệ thống này, đôi khi được gọi là diễn giải cơ học. Và đồng thời, chúng ta cũng cần phải có các cuộc tranh luận xã hội về xây dựng thể chế. Chúng ta muốn quá trình quản trị vận hành như thế nào? Làm thế nào để đạt được sự đồng thuận quốc tế, ít nhất là về một số nguyên tắc cơ bản xung quanh cách các hệ thống này được sử dụng và triển khai, rồi cả quá trình xây dựng nữa?



Bạn nghĩ AI sẽ thay đổi hoặc loại bỏ việc làm của mọi người đến mức nào?

Thông thường, những công việc mới sẽ được tạo ra để tận dụng các công cụ hoặc công nghệ mới và thực tế tốt hơn. Chúng ta hãy xem liệu lần này có khác không, nhưng trong vài năm tới, chúng ta sẽ thấy những công cụ đáng kinh ngạc giúp tăng năng suất của chúng ta và gần như khiến chúng ta trở nên siêu phàm trong môi trường công sở.

Nếu AGI có thể làm mọi thứ mà con người có thể làm, thì liệu nó cũng có thể làm những công việc mới được không?

Có rất nhiều điều mà chúng ta sẽ không muốn để máy móc làm. Một bác sĩ có thể được hỗ trợ bởi một công cụ AI, hoặc thậm chí có một bác sĩ AI. Nhưng bạn sẽ không muốn một y tá robot. Luôn có điều gì đó về khía cạnh thấu cảm của con người trong việc chăm sóc lẫn nhau, một đặc tính nhân văn.

Hãy cho tôi biết bạn hình dung tương lai của chúng ta như thế nào sau 20 năm và, theo dự đoán của bạn, AGI ở khắp mọi nơi?

Nếu mọi thứ diễn ra tốt đẹp, thì chúng ta có thể sẽ bước vào một kỷ nguyên thịnh vượng cực độ, một loại kỷ nguyên vàng. AGI có thể giải quyết những vấn đề gốc rễ trên thế giới, cải thiện sức khỏe và kéo dài tuổi thọ, tìm kiếm các nguồn năng lượng mới. Nếu điều đó xảy ra, thì đó sẽ là một kỷ nguyên của sự phát triển tối đa của con người, nơi chúng ta du hành vào các vì sao và thuộc địa hóa thiên hà. Tôi nghĩ rằng điều đó sẽ bắt đầu xảy ra vào năm 2030.



Tôi thì hoài nghi. Chúng ta có sự thịnh vượng đáng nể ở thế giới phương Tây, nhưng chúng ta không phân phối nó một cách công bằng. Về việc để AI giải quyết những vấn đề lớn, chúng ta không cần câu trả lời mà cần sự quyết tâm. Chúng ta không cần AGI để nói cho chúng ta biết làm thế nào để khắc phục biến đổi khí hậu, thực sự là chúng ta biết nên và cần phải làm thế, nhưng chúng ta lại không làm.

Tôi đồng ý với điều đó. Chúng ta, trên cương vị một giống loài, một xã hội, trong suốt quá trình lịch sử rõ ràng là chưa tốt trong việc hợp tác với nhau. Môi trường sống tự nhiên của chúng ta đang bị phá hủy, và phần lớn là vì nó sẽ đòi hỏi mọi người phải hy sinh, và mọi người không muốn làm vậy. Nhưng sự thịnh vượng cực độ này từ AI sẽ khiến mọi thứ cảm thấy như một trò chơi không phải có tổng bằng 0.

AGI sẽ thay đổi hành vi của con người?

Đúng vậy. Hãy cho tôi một ví dụ rất đơn giản. Tiếp cận nguồn nước sẽ là một vấn đề lớn, nhưng chúng ta có giải pháp, làm ngọt nước biển. Nó sẽ tốn nhiều năng lượng, nhưng nếu có năng lượng tái tạo, sạch và miễn phí [nhờ AI nghĩ ra], thì đột nhiên bạn giải quyết được vấn đề tiếp cận nước. Đột nhiên nó không còn là một trò chơi có tổng bằng 0, có kẻ thắng người thua nữa.

Nếu AGI giải quyết những vấn đề đó, liệu chúng ta sẽ trở nên ít vị kỷ hơn?

Đó là điều tôi hy vọng. AGI sẽ mang lại cho chúng ta sự thịnh vượng cực độ và sau đó, chúng ta thay đổi tư duy của mình như một xã hội để loài người từ bỏ lối suy nghĩ kẻ thắng người thua. Đây là khía cạnh tôi nghĩ rằng chúng ta cần một số nhà triết học hoặc các nhà xã hội học tham gia đề xuất ý kiến.



Bất cứ khi nào tôi viết về AI, tôi nhận được phản hồi từ những người rất tức giận. Nó gần như nghe thấy tiếng kêu gào của những thợ thủ công bị mất việc do cuộc Cách mạng Công nghiệp. Họ cảm thấy rằng AI đang được áp đặt lên công chúng mà không có sự đồng ý của họ. Bạn đã trải qua phản ứng và sự tức giận đó chưa?

Cá nhân tôi thì chưa tận mắt thấy hiện tượng đó nhiều. Nhưng tôi đã đọc và nghe rất nhiều về điều đó. Điều đó hoàn toàn dễ hiểu. Cuộc cách mạng AI ít nhất là sẽ có tác động lớn như cuộc Cách mạng Công nghiệp, có lẽ còn lớn hơn nữa. Thật đáng sợ khi mọi thứ thay đổi.

Mặt khác, khi tôi nói chuyện với mọi người về lý do tại sao tôi đang xây dựng AI để thúc đẩy khoa học và y học và hiểu biết về thế giới xung quanh chúng ta. Tôi có thể chứng minh rằng đó không chỉ là lời nói suông. Chẳng hạn như là AlphaFold, một đột phá đoạt giải Nobel có thể giúp đỡ trong y học và khám phá thuốc. Khi họ nghe điều đó, mọi người nói tất nhiên chúng ta cần điều đó, sẽ vô đạo đức nếu chúng ta không có nó khi nó nằm trong tầm tay của chúng ta.

Tôi sẽ rất lo lắng về tương lai của chúng ta nếu tôi không biết một thứ gì đó mang tính cách mạng như AI đang đến để giúp giải quyết những thách thức khác. Tất nhiên, đó cũng là một thách thức bản thân nó. Nhưng nó thực sự có thể giúp đỡ những thách thức khác nếu chúng ta làm được điều đó.



Bạn có xuất phát điểm từ ngành phát triển game. Điều đó ảnh hưởng đến những gì bạn đang làm hiện tại như thế nào?

Một số kinh nghiệm tôi tích lũy được khi còn là thiếu niên, chơi cờ vua ở đấu trường quốc tế, áp lực rất hữu ích cho thế giới cạnh tranh hiện tại của chúng ta.

Các hệ thống thuật toán trong trò chơi điện tử dường như dễ dàng hơn cho AI làm chủ vì chúng bị ràng buộc bởi các quy tắc. Chúng ta đã thấy những khoảnh khắc thiên tài trong các lĩnh vực đó, chẳng hạn tôi đang nghĩ đến những nước đi bất ngờ mà các hệ thống AI thực hiện trong các trò chơi khác nhau, chẳng hạn như nước đi được mệnh danh là "Bàn tay của Chúa" trong trận đấu cờ vua giữa Gary Kasparov với Deep Blue, hay Nước đi thứ 37 trong trận đấu giữa kỳ thủ Lee Sedol với AlphaGo. Nhưng thế giới thực phức tạp hơn nhiều. Chúng ta có thể mong đợi các hệ thống AI đưa ra những nước đi thông minh, phi trực giác tương tự trong đời thực không?

Đó là giấc mơ đấy.

Liệu họ có thể nắm bắt được các quy tắc của sự tồn tại không?

Đó chính xác là điều tôi hy vọng từ AGI, một lý thuyết vật lý mới. Chúng ta không có hệ thống nào có thể tạo ra một trò chơi như cờ vây ngày nay. Chúng ta có thể sử dụng AI để giải quyết một bài toán về số học, thậm chí cả một bài toán trong Giải thưởng Thiên niên kỷ. Nhưng bạn có thể có một hệ thống tạo ra thứ gì đó hấp dẫn như Riemann Hypothesis không? Không. Điều đó đòi hỏi khả năng sáng tạo thực sự, và tôi nghĩ rằng các hệ thống hiện tại chưa có.

Sẽ thật đáng kinh ngạc nếu AI có thể giải mã mã nguồn tạo ra nền tảng của vũ trụ.

Đóchính là lý do tôi bắt đầu nghiên cứu. Đó là mục tiêu của tôi ngay từ khi còn bé.

Để giải quyết những thắc mắc về sự tồn tại?

Không, thực tế. Tìm ra bản chất của thực tế cơ. Tiểu sử MXH X của tôi hoàn toàn không vô nghĩa: “Cố gắng hiểu bản chất cơ bản của thực tế.” Đó có lẽ là câu hỏi sâu sắc nhất. Chúng ta không biết bản chất của thời gian, hay ý thức và thực tế là gì. Tôi không hiểu tại sao mọi người lại không nghĩ về chúng nhiều hơn. Ý tôi là, điều này đang hiển hiện ngay trước mắt chúng ta.

Theo Wired
Nguồn:tinhte.vn/thread/nha-sang-lap-deepmind-tri-tue-nhan-tao-tong-quat-se-giup-con-nguoi-bot-ich-ky-hon.4024340/
💬 bình luận

Bình luận

Trở thành viên của itcctv — Đăng ký
Thủ thuật tin học văn phòng Thủ thuật Word Thủ thuật Excel
Cuộn