Cho đến khi chính Microsoft đăng tải một bài blog để nói về quá trình chuẩn bị cho chiến dịch quảng cáo này. Nhóm Visual Design của Microsoft bao gồm Jay Tan, Brian Townsend và Cisco McCarthy đã sử dụng kết hợp giữa Gen AI và các cảnh quay thực tế để tạo ra một video quảng cáo cho chiếc Surface Pro và Surface Laptop Copilot+ PC.
Video được đăng tải trên YouTube được khoảng 3 tháng và chẳng có ai phát hiện ra được đó là video có sự kết hợp của những khung hình được tạo bằng AI. Vậy nhóm Visual Design của Microsoft đã tạo ra nó như thế nào?

Nhóm của Jay Tan chia sẻ rằng thay vì phải mất vài tuần để làm storyboards và lên kịch bản, nhóm chỉ mất có vài ngày để làm tất cả các việc đó nhờ vào AI.
Nhưng điều này đến từ áp lực của cấp trên (?) khi chỉ cho nhóm của Tan trong vỏn vẹn 1 tháng phải hoàn thành công việc này và đây thực sự là một task quá là khó nhằn nếu thực hiện mọi thứ như truyền thống. Chính vì sự có hạn của thời gian và nhân lực cũng như ngân sách, nhóm quyết định tìm đến Gen AI. Đây cũng không phải lần đầu tiên nhóm áp dụng các công cụ AI vào công việc, họ đã bắt đầu thử nghiệm nhiều công cụ AI tạo sinh khác nhau như một phần trong quy trình sản xuất của họ kể từ năm 2022.
Sau khi có được storyboards và kịch bản ưng ý, họ bắt đầu thực hiện quá trình tạo ra các ý tưởng, cụ thể hóa nó qua những đoạn prompt. Đây cũng không phải là một điều đơn giản, họ phải tinh chỉnh prompt, lặp đi lặp lại, từ mô tả tự nhiên gửi cho chatbot, rồi nhờ chatbot chuyển thành prompt phù hợp cho từng công cụ AI – để dần đạt được hình ảnh như ý.
Trong đoạn video chúng ta có thể thấy có rất nhiều góc quay top-down từ trên xuống để thể hiện các đặc tính hoặc tình huống cụ thể, ví dụ quay cận cảnh một người đang gõ bàn phím. Đây đều là những cảnh quay với người thực tế, để hạn chế tối đa những sai sót của AI trong việc mô phỏng lại những chuyển động của con người.
Tuy vậy khi anh em xem video thì sẽ thấy có rất nhiều cảnh chuyển, gần như toàn bộ video có hàng chục cảnh chuyển như vậy, mỗi cảnh chỉ chưa đến 1 giây và đó là lúc AI được lồng ghép vào.
Với 1 video được quảng cáo cho Surface Laptop và Surface Pro, mục đích chính vẫn là mô tả các khả năng của hai mẫu máy này, vì thế, nhóm vận dụng song song các công cụ dựng phim truyền thống để loại bỏ chi tiết bất thường, chỉ giữ lại những thành phần đẹp và ăn ý nhất. Việc ưu tiên góc nhìn từ trên xuống (top-down) cũng giúp che bớt các hiện tượng dị thường do AI tạo ra.
Video là một chuỗi các khung hình tĩnh được lồng ghép lại với nhau để tạo ra chuyển động, nhóm của Tan, Townsend và McCarthy sau khi đã tạo ra những hình ảnh vừa ý bằng prompt và đã chọn được kịch bản hoàn hảo để lồng ghép chúng vào những cảnh quay thực tế, bước tiếp theo sẽ là biến những hình ảnh tĩnh đó thành những chuyển động phù hợp.
Theo McCarthy, nhóm sử dụng các công cụ dựng video bằng AI như Kling hay Hailuo để thêm chuyển động vào những khung hình đó, đây là các công cụ dựng vieo bằng AI phổ biến hiện nay.
Câu chuyện tạo chuyển động cho các khung hình tĩnh được nhóm lấy cảm hứng từ câu chuyện vào năm 1878, nhiếp ảnh gia Eadweard Muybridge tạo ra "The Horse in Motion" để trả lời câu hỏi liệu ngựa có nhấc cả bốn chân khỏi mặt đất khi phi nước đại không.
Đại ý của nó là điện ảnh hay phim ảnh đã có những bước tiến qua từng thời đại khác nhau, từ Charlie Chaplin cho đến những cảnh quay CGI trong TItanic hay The Jurassic Park. Lịch sử điện ảnh đã trải qua các thời kỳ để đem lại điều kỳ diệu cho những khoảnh khắc lịch sử, và có thể một "khoảnh khắc điện ảnh" khác sẽ bắt đầu với AI.
Đoạn video quảng cáo của Microsoft với các khung hình được chèn bằng AI thực sự thú vị và gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ sau những chia sẻ từ Microsoft. Dưới đây là vài chia sẻ của mình.
Thứ nhất, theo chính chia sẻ của McCarthy, nó giúp nhóm của ông tiết kiệm khoảng 90% thời gian lẫn kinh phí so với quy trình truyền thống. Điều này có nghĩa nếu bạn không có quá nhiều thời gian hay rộng hơn là điều kiện để thực hiện một dự án với những quy trình phức tạp, thì cách mà nhóm của Tan, Townsend và McCarthy đã làm sẽ trở thành một "case study" cho những đội nhóm marketing vừa và nhỏ.
Video đăng tải lên YouTube của Microsoft đã đạt được ít nhất 50.000 lượt xem, và nhóm Visual Design đều là những dân chuyên, hoàn toàn không phải tay mơ và khi công cụ AI vào tay những nhà sáng tạo chuyên nghiệp và có kinh nghiệm, nó vẫn có thể phát huy giá trị.
Bây giờ chúng ta không khó để thấy những chiến dịch quảng cáo sử dụng AI, có những chiến dịch thành công (như của Microsoft) và cũng có những thất bại (cái này thì nhiều hơn) và nó cũng nói lên rằng không phải cứ phó mặc cho AI là xong.
Ví dụ như trong video của Microsoft, vì họ sử dụng chuyển cảnh rất nhiều và cắt cảnh rất nhanh nên chúng ta gần như không thể thấy được những sai sót, nhưng khi giảm tốc độ xuống khoảng 0.5 hay 1x thì bạn sẽ thấy những hình ảnh hay chuyển động do AI làm ra vẫn có gì đó sai sai.
Nhưng khi đọc qua bài viết của The Verge, họ nhận xét rằng AI trong tay người chuyên nghiệp, họ vẫn có thể đánh lừa người xem như thường và chúng ta gần như sẽ chẳng nhận ra nếu chính những người tạo ra nó không nói cho chúng ta biết.
Điều thứ hai, AI và các nhà sáng tạo nội dung vẫn đang có những tranh cãi, mình từng thấy không ít những nhà sáng tạo nội dung, đa phần là các họa sĩ (artist), các nhà làm phim, những người làm nghệ thuật nhờ vào tài năng cũng như năng khiếu của họ ở nhiều lĩnh vực đều cho rằng AI có thể tạo ra nội dung nhanh, đẹp nhưng không thể thay thế cũng như cái gọi là "cảm xúc trong nghệ thuật" như những người thật bằng xương bằng thịt.
Xin trích lại câu nói của đạo diễn James Cameron, người đã thổi hồn và tạo ra các siêu phẩm như Avatar hay Titanic rằng: "AI chỉ là thứ nhai lại trải nghiệm con người rồi nôn ra". Nguồn:tinhte.vn/thread/microsoft-dung-video-quang-cao-tao-bang-ai-suot-2-thang-nhung-khong-ai-biet-ho-da-lam-nhu-the-nao.4014651/