Đúng ngày này tròn 40 năm về trước, 26/10/1984, tác phẩm phim hành động, phong cách khoa học viễn tưởng của đạo diễn tài ba James Cameron, The Terminator ra rạp, hay với anh chị em Việt Nam thì thân quen hơn với cái tên Kẻ Hủy Diệt. Khi ấy phim giải trí và cháy nổ tưng bừng. Nhưng cùng lúc, nó cũng chính là mồi lửa châm lên nỗi sợ hãi của tất cả mọi người về việc máy móc hoàn toàn không thể đàm phán. Nói theo cách của một nhân vật trong phim, rằng chúng “chắc chắn không dừng lại, cho tới khi bạn chết.” Cốt truyện xoay quanh hệ thống trí tuệ nhân tạo siêu thông minh mang tên Skynet, thống trị toàn thế giới bằng cách khiến chiến tranh hạt nhân bùng nổ. Giữa sự đổ nát hệ quả của cuộc chiến ấy, những con người còn sống sót, dưới sự dẫn dắt của John Connor, đã chiến đấu lại được máy móc hủy diệt. Phản ứng lại điều đó, Skynet tìm ra được cách du hành thời gian, gửi một robot ám sát do Arnold Schwarzenegger thủ vai trở về năm 1984, trước cả khi Connor sinh ra, để tiêu diệt mẹ anh, Sarah. Trong cốt truyện của phim, dù sơ sài, nhưng AI coi sự hiện diện của Connor là quá quan trọng, dẫn tới việc Skynet sẵn sàng thay đổi lịch sử để đảm bảo AI này tồn tại. Góc nhìn năm 1984, ở năm 2024 Tua nhanh tới năm 2024, sự chú ý và quan tâm của cộng đồng với trí tuệ nhân tạo chưa bao giờ cao đến vậy. Những công ty đang phát triển những AI nổi tiếng đều hứa hẹn rằng công nghệ của họ có thể làm những nhiệm vụ công việc hàng ngày nhanh và chính xác hơn cả con người. Họ khẳng định AI có thể nhận ra những mẫu trong dữ liệu mà con người khó lòng phát hiện, từ đó cải thiện khả năng đưa ra quyết định của con người. Hiện tại đang có cách nhìn phổ biến rằng, AI có thể thay đổi mọi thứ, từ nền kinh tế toàn cầu tới cả quân sự. Những nguy cơ hiển hiện ngay lập tức bao gồm nguy cơ hiện diện thiên lệch trong những thuật toán sử dụng trong quá trình quét thông tin hồ sơ ứng tuyển xin việc, cho tới việc AI tạo sinh có thể đe dọa thay thế con người trong nhiều ngành nghề, chẳng hạn như lập trình phần mềm… Nhưng “Kẻ Hủy Diệt”, dù là phần đầu hay toàn bộ 6 phần phim từ năm 1984 tới nay, luôn luôn chiếm lấy tâm trí số đông khi nhắc về AI, tạo ra nỗi sợ về nguy cơ hiện sinh của chính loài người. Theo một số người, cách những bộ phim ấy mô tả những nguy cơ mà những cỗ máy do AI điều khiển tự động hoàn toàn đã khiến tất cả không quan tâm gì nữa tới những lợi ích đáng kể mà công nghệ trí tuệ nhân tạo có thể mang lại. Nếu là một người hâm mộ điện ảnh, chắc chắn anh em sẽ biết The Terminator hoàn toàn không phải cái tên đầu tiên mô tả trí tuệ nhân tạo đi ngược lại lợi ích của con người, để rồi đe dọa con người. Và cũng sẽ rất dễ nhận ra những sự tương đồng giữa The Terminator, bộ phim hành động chất lượng hạng B khi ấy, với một trong những tác phẩm kinh điển của Stanley Kubrick, 2001: A Space Odyssey (1968), cũng như sự tương đồng giữa AI Skynet trong Kẻ Hủy Diệt với AI HAL 9000 trong A Space Odyssey… Ý tưởng trí tuệ nhân tạo ấy cũng được lấy cảm hứng từ tác phẩm ra mắt năm 1818 của Mary Shelley, Frankenstein, rồi sau đó là vở kịch R.U.R. (1921) của Karel Čapek, mô tả việc nhà phát minh mất quyền điều khiển tác phẩm họ tạo ra. Quảng cáoAdmicro AdX Khi ra mắt, The Terminator được The New York Times mô tả là “bộ phim hạng B với dấu ấn riêng.” Rồi dần dần, về sau nó được coi là một trong số những bộ phim khoa học viễn tưởng xuất sắc nhất mọi thời đại. Đến thời kỳ AI tạo sinh tạo ra cơn sốt toàn cầu, bộ phim 40 năm tuổi bỗng nhiên lại nhen nhóm lại nỗi sợ hãi từ rất lâu của con người về việc máy móc nổi dậy kiểm soát con người, dù rằng nó được mô tả thông qua lăng kính xã hội Mỹ thập niên 1980. Giống hệt như bộ phim ra mắt năm 1983, WarGames, nơi một cậu bé thiếu niên suýt khiến chiến tranh hạt nhân nổ ra, sau khi hack được vào một siêu máy tính của quân đội, Skynet của Kẻ Hủy Diệt cũng nhấn mạnh nỗi sợ của con người ở những năm Chiến tranh lạnh, sự sợ hãi chiến tranh hạt nhân, kết hợp với sự hoảng sợ khi công nghệ thay đổi quá nhanh. 40 năm sau khi ra rạp, Elon Musk là một trong những lãnh đạo ngành công nghệ đang giúp mọi người tập trung vào nguy cơ hiện sinh mà AI tạo ra với nhân loại. Chủ sở hữu mạng xã hội X đã liên tục nhắc đi nhắc lại series The Terminator mỗi lần ông này bày tỏ lo ngại về quá trình phát triển AI với trí tuệ siêu phàm. Quảng cáo Nhưng những so sánh ấy thường khiến những người hoạt động vì sự phát triển của công nghệ cảm thấy khó chịu. Cựu bộ trưởng công nghệ Anh Quốc, Paul Scully phát biểu tại một hội thảo tổ chức ở London vào năm 2023: “Nếu bạn chỉ nói về sự diệt vong của nhân loại chỉ thông qua viễn cảnh AI mất kiểm soát như trong Kẻ Hủy Diệt, bạn sẽ bỏ qua hết mọi thứ tuyệt vời mà AI có thể làm." Nói vậy cũng không đồng nghĩa với việc chúng ta có thể lờ đi những nguy cơ thực sự đang hiện hữu, chẳng hạn như cách ứng dụng AI trong quân sự, một trong những cách sử dụng trí tuệ nhân tạo chẳng khác mấy so với Kẻ Hủy Diệt. Hệ thống vũ khí điều khiển bằng AI Để làm yên lòng nhiều người, các quan chức quân đội Mỹ nói rằng AI sẽ không bao giờ được phép đưa ra quyết định có sử dụng vũ khí hạt nhân hay không. Nhưng kết hợp AI với vũ khí tự động trên chiến trường là thứ hoàn toàn khả thi. Những hệ thống vũ khí tự động này đã tồn tại nhiều thập kỷ, không phải lúc nào cũng cần tới AI để vận hành. Một khi được kích hoạt, chúng có thể tự lựa chọn và tấn công mục tiêu mà không cần tới sự can thiệp của con người. Năm 2016, tướng Paul Selva của không quân Mỹ đã đưa ra khái niệm “vấn đề Terminator” khi nhắc tới những vấn đề về đạo đức và pháp lý do những hệ thống vũ khí tự động này tạo ra. Stuart Russell, một nhà nghiên cứu khoa học máy tính hàng đầu Anh Quốc đã và đang đấu tranh để chính phủ đưa ra lệnh cấm sử dụng mọi hệ thống vũ khí tự động hoàn toàn có thể tiêu diệt con người, bao gồm cả những hệ thống vận hành bằng AI. Theo ông, nguy cơ lớn nhất không đến từ một hệ thống trí tuệ nhân tạo như Skynet mất kiểm soát, mà ông lo rằng những hệ thống này sẽ nghe lời quá mức, tiêu diệt những lực lượng đối địch với độ chính xác đáng sợ. Ông Russell đưa ra một tình huống giả định với những chiếc drone siêu nhỏ kết hợp với AI và chất nổ có thể được sản xuất số lượng lớn. Những robot giết người này có thể được triển khai như “một hệ thống vũ khí hủy diệt hàng loạt có thể chọn lọc.” Nhiều quốc gia, bao gồm cả Mỹ, luôn khẳng định sự cần thiết của con người để “thực hiện phán đoán phù hợp để sử dụng vũ lực” khi vận hành những hệ thống vũ khí tự động. Trong một số trường hợp, người vận hành có thể xác minh trực quan những mục tiêu trước khi cho phép tấn công, và có thể bỏ qua nếu tình hình thay đổi. Hiện giờ, AI đã được sử dụng để hỗ trợ tìm kiếm mục tiêu quân sự rồi. Theo vài người, đây thậm chí còn được coi là cách sử dụng công nghệ “có trách nhiệm”, vì nó có thể giảm thiểu thiệt hại ngoài mong muốn. Ý tưởng này khiến mọi người nhớ tới việc nhân vật của Schwarzenegger “quay xe” ở phần 2, bảo vệ hai mẹ con John Connor. Nhưng, AI cũng có thể làm suy yếu vai trò của người vận hành máy bay không người lái, nếu con người muốn phủ nhận những khuyến cáo mà máy móc đưa ra. Một số nhà nghiên cứu cho rằng con người luôn có xu hướng tin tưởng mọi thứ máy tính nói. “Đạn dược bay” Càng lúc, những cuộc xung đột trên toàn thế giới lại có những hình ảnh dần trở nên quen thuộc: Những chiếc drone cỡ nhỏ trang bị chất nổ, giá rẻ, có thể phát hiện và đâm vào mục tiêu. Những dạng “vũ khí bay" này có mức độ tự động hóa khác nhau. Trong nghiên cứu với đồng tác giả Ingvild Bolde, tác giả bài viết này, Tom Walts đã cho rằng, thực tế cuộc chiến đang xảy ra tại Ukraine hay những cuộc xung đột gần đây, những loại vũ khí bay lơ lửng trên trời rồi nhào xuống phá hủy địch được sử dụng rộng rãi đã làm dấy lên những lo ngại về chất lượng kiểm soát từ phía con người. Những robot quân sự dưới mặt đất hoàn toàn có thể được trang bị vũ khí, được thiết kế để vận hành trên chiến trường như những Kẻ Hủy Diệt không biết mệt mỏi. Những chiếc drone được vũ khí hóa rồi sẽ rất giống những chiếc máy bay Hunter-killer trong Kẻ Hủy Diệt. Nhưng có điều may mắn là, thứ thuật toán vận hành chúng vừa không ghét con người như Skynet, vừa không thông minh như Skynet. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là những người điều khiển các hệ thống vũ khí này vẫn có quyền kiểm soát. Có lẽ, di sản lớn nhất của The Terminator chính là việc nó đã bóp méo cách chúng ta tư duy, suy nghĩ và nói về trí tuệ nhân tạo. Điều này ở thời điểm hiện tại quan trọng hơn bao giờ hết, vì việc kiểm soát và vận hành những công nghệ này đã trở thành một cuộc chạy đua chiến lược giữa Nga, Mỹ và Trung Quốc. Theo tác giả Walts, toàn bộ cộng đồng quốc tế, bao gồm cả những cường quốc lẫn những quốc gia nhỏ hơn đều cần tìm ra những nỗ lực đối thoại và hợp tác, để kiểm soát những vấn đề đạo đức và pháp lý do việc ứng dụng AI trong quân sự có thể tạo ra, đặc biệt là giữa thời điểm tình hình địa chính trị toàn cầu càng lúc càng phức tạp. Các quan chức chính phủ các nước làm điều này càng tốt và hiệu quả, thì chúng ta sẽ càng tránh được cái tương lai được mô tả trong The Terminator. Theo The Conversation