KazeAI Giới Thiệu Dịch Vụ AI Loại Bỏ Watermark Trong Hình Ảnh: Liệu Phương Pháp Này Có Hiệu Quả?

Doanh nghiệp gần bạn nhất

được xác nhận bởi itcctv

KazeAI Giới Thiệu Dịch Vụ AI Loại Bỏ Watermark Trong Hình Ảnh: Liệu Phương Pháp Này Có Hiệu Quả?
Hình ảnh rao vặt

KazeAI Giới Thiệu Dịch Vụ AI Loại Bỏ Watermark Trong Hình Ảnh: Liệu Phương Pháp Này Có Hiệu Quả?

Hôm vừa rồi đọc tin tức trên mạng xã hội, mình lại tìm thấy một dịch vụ nữa quảng cáo là sử dụng mô hình AI để xử lý hình ảnh. Dịch vụ có tên KazeAI này, thay vì tạo ra những hình ảnh mới hoàn toàn nhờ vào những câu lệnh văn bản, những “prompt” đầy sáng tạo của người dùng như những dịch vụ tạo hình AI khác, công dụng của nó đơn giản hơn nhiều.

Chi tiết anh em có thể truy cập trang web của KazeAI: https://kaze.ai/

kaze.ai - AI-powered Free Online Removing Watermark and Logos Tool

Kaze.ai offers a free online watermark remover that uses AI technology to easily remove logos and any watermarks from photos and images files. It's the best watermark remover app in the market today.
kaze.ai


KazeAI cho biết, với mô hình AI của họ, những tấm hình có watermark chèn khắp diện tích tấm hình đều có thể bị xóa đi, tạo ra một tấm hình “sạch sẽ” không watermark bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ. Tiềm năng là rất lớn, nhưng trước khi tự tay trải nghiệm dịch vụ này, mình cũng có khá nhiều câu hỏi.

Thứ nhất là mô hình AI của KazeAI vận hành là tự phát triển từ con số 0 hay dựa trên một mô hình diffusion nội suy nào khác, cái này đơn vị vận hành dịch vụ không nói.

Thứ hai là mô hình vận hành ra sao để xóa hiệu quả những watermark với độ mờ, chi tiết, độ phân giải khác biệt trên từng tấm hình có chèn watermark kín cả hình, vận hành nhờ những bước như thế nào, đơn vị này cũng không mô tả chi tiết.


Và quan trọng hơn cả, là vấn đề thứ ba, vấn đề bản quyền. Thông thường thì những tấm hình chèn watermark kín cả hình đều là những tấm hình stock của các đơn vị bán bản quyền hình ảnh để sử dụng cho nhiều mục đích, từ cá nhân cho tới thương mại. Những tấm hình chèn đầy watermark thường chỉ là những hình ảnh dạng “preview” độ phân giải thấp để mọi người biết trước nội dung hình ảnh mà họ chuẩn bị bỏ tiền để mua. Sau khi bỏ tiền mua hình stock thì sẽ được tải về tấm hình không có watermark, tự do hơn và dễ dàng hơn trong việc sử dụng, vì cơ bản anh em đã mua bản quyền sử dụng hình ảnh ấy rồi.

Thành ra, hầu hết thời gian, nhu cầu xóa watermark trong những tấm hình đều là để phục vụ cho việc “dùng miễn phí”, bỏ qua bước mua bản quyền, để dùng những hình ảnh ấy vào nhiều mục đích. Đấy là lý do vì sao mình nghĩ rằng, ngay cả khi có cảnh báo về bản quyền sở hữu trí tuệ ở cuối trang web khi anh em dùng dịch vụ KazeAI, nhưng khá chắc là rất nhiều người sẽ lờ nó đi.



Rồi bây giờ tạm bỏ qua lo ngại về sở hữu trí tuệ, và chỉ tập trung vào khía cạnh kỹ thuật. Để tránh tuyệt đối mọi vấn đề liên quan tới bản quyền sở hữu trí tuệ, thì mình dùng hình do chính mình đã chụp trong một bài viết trên tay sản phẩm đăng trên Tinhte. Mình bỏ tấm hình ấy vào Photoshop, tự tạo một lưới watermark với độ mờ của những dòng chữ ở mức 20%. Rồi mình cũng giữ tấm hình gốc để anh em so sánh chi tiết hình ảnh cái đồng hồ chủ thể trong hình sau khi AI xử lý xóa watermark bằng công cụ AI.

Sau khi tạo tài khoản, KazeAI cho phép chỉnh miễn phí 3 hình, giữ nguyên độ phân giải hình ảnh, hết 3 hình mà còn muốn làm tiếp thì mới phải gõ thông tin thẻ tín dụng để nạp tiền. Anh em chỉ cần bỏ tấm hình gốc vào trang web, rồi đợi chừng 10 đến 20 giây để máy chủ vận hành mô hình xử lý. Sau đó kết quả được trả về cho anh em tải về máy tính hoặc thiết bị công nghệ.

Quy trình rất đơn giản, và tấm hình tạo ra đuôi png tương đối nặng, khá giống những ứng dụng làm hình bằng AI trả kết quả dưới dạng hình png lossless. Mình chỉnh lại file đuôi png thành jpg và dung lượng dưới 1MB để up lên đây cho anh em xem, nhưng vẫn có thể zoom để nhìn chi tiết hình ảnh thoải mái:



Nhìn từ xa thì có thể ứng dụng này rất có ích để xóa watermark kín hình ảnh (chí ít là đối với những người có nhu cầu, còn nhu cầu là gì thì mình xin phép không liệt kê).


Anh em để ý là nếu đem so sánh với việc xóa watermark thủ công bằng Photoshop, dùng công cụ được cho là vận hành bằng AI này (tại mình thấy ít thông tin về dịch vụ quá nên không dám khẳng định là dùng AI tạo sinh thật) vừa nhanh lại vừa dễ. Chi tiết hình ảnh sau khi xóa watermark không có cả những đường viền của những dòng chữ mờ mờ trên tấm hình.

Ngày trước, trước khi có những công cụ tiện lợi như thế này, đương nhiên nếu cần xóa watermark cho một tấm hình, chẳng hạn cho một nhu cầu rất căn bản và không liên quan nhiều tới sở hữu trí tuệ, chẳng hạn như cho vào slide thuyết trình trước lớp chẳng hạn, anh em dùng Photoshop rất cực. Phải dùng magic eraser xóa thủ công từng chi tiết trắng trên tấm hình. Rồi sau đó phải khoanh từng chi tiết ấy lại để đổ màu theo kiểu “content aware”, phần cứng máy tính nội suy màu sắc từng điểm ảnh dựa trên những vùng lân cận.

Còn bây giờ với những công cụ như KazeAI, chỉ việc tải hình lên, đợi 20 giây là xong. Và như mình đã nói, nhìn sơ qua thì cảm quan khá ưng ý. Thậm chí cái watermark gốc mình chèn bằng Lightroom Classic vào hình hồi viết bài trên tay chiếc đồng hồ cũng bị xóa khá mượt, giữ được bề mặt vải của cái mousepad mình dùng để làm nền chụp ảnh.

Nhưng khi zoom vào hình đã xử lý thì mới ra nhiều chuyện, nếu xét về khía cạnh chi tiết hình ảnh. Để anh em so sánh, thì dưới đây là hình gốc:



Anh em nhìn kỹ cái đồng hồ trong hình gốc và hình xóa watermark bằng AI đã thấy vấn đề nằm ở đâu chưa? Nếu chưa thì để mình đặt hai hình cạnh nhau để anh em dễ so sánh:




Zoom gần vào thì trông như thế này. Nhìn rất rõ những chi tiết không nét được xử lý không khác gì những giải pháp inpainting, nội suy điểm ảnh dựa trên màu sắc những điểm ảnh lân cận trong hình để hoàn thiện chi tiết hình ảnh:



Hãy cứ giả sử là ứng dụng xóa watermark của KazeAI ứng dụng mô hình xử lý hình ảnh bằng trí tuệ nhân tạo, thì mình có thể dự đoán họ xóa watermark trong những hình ảnh bằng cách nào. Hãy mượn một ví dụ khác để giải thích cách thuật toán vận hành. Mình lấy tấm hình cover so sánh iPhone 3GS với iPhone 16, cũng chèn thêm một lưới watermark bằng Photoshop giống hệt như tấm hình đầu tiên.

Lần này mình sẽ chọn cả hai option xóa watermark “Fast Speed” và “Best Quality” để so sánh chất lượng hình ảnh.



Kết quả như thế này. Dưới đây là hình xóa watermark bằng tùy chọn Fast Speed:



Còn đây là tùy chọn Best Quality:



Về cơ bản thì mô hình AI được huấn luyện để nhận diện những chi tiết mà nó nghĩ là watermark trong hình. Sau đó từng điểm ảnh được mô hình coi là watermark sẽ được xóa đi. Rồi kế đến, mô hình AI sẽ nội suy những điểm ảnh đã bị xóa trong hình nhờ vào màu sắc và chi tiết hình ảnh xung quanh những điểm ảnh đó.

Đấy chính là lý do vì sao, KazeAI chỉ quảng cáo dịch vụ của họ bằng những tấm hình demo với chủ thể là con người, cơ thể người hoặc những chi tiết kích thước lớn. Như anh em có thể thấy trong hai tấm hình trên đây, đôi tay của mod Tú xóa watermark được “chèn” lại những điểm ảnh thiếu sót trong hình khá mượt, không thấy bị gợn và thậm chí cũng chẳng phát hiện ra đây là hình ảnh đã xóa watermark.

Nhưng với những chi tiết hình ảnh nhỏ hơn, chi tiết hơn và phức tạp hơn, chẳng hạn như dòng chữ bé xíu trên chiếc điện thoại trên tay, thì AI ngay lập tức thể hiện yếu điểm trong quá trình nội suy. Kể cả hai lựa chọn xóa watermark dạng Best Quality hay Fast Speed, dòng chữ trên chiếc iPhone 3GS không thể đọc nổi. Nhìn khá rõ những khu vực này trông không khác gì tính năng inpainting của một phiên bản mô hình Stable Diffusion mã nguồn mở nào đó:



Tổng kết lại, thì mình có vài lời khuyên cho những anh em thực sự cần một dịch vụ như thế này. Thứ nhất là KazeAI vận hành tốt nhất với những hình ảnh với chủ thể lớn, không có quá nhiều phần phức tạp như những dòng chữ hay chi tiết nhỏ xíu, thứ mà mô hình AI chưa thể vận hành hoàn hảo để trám chi tiết vào hình đã xóa watermark. Thứ hai là đừng hy vọng hình ảnh xóa watermark sẽ chất lượng như hình có mua bản quyền. Và cuối cùng, quan trọng nhất, là đừng vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ để lấy hình có watermark, đem xóa bằng công cụ AI rồi phục vụ cho mục đích riêng của anh em.
Nguồn: KazeAI: Giờ có cả dịch vụ AI xóa watermark chèn trong hình, nhưng có thực sự hiệu quả?
💬 bình luận

Bình luận

Trở thành viên của itcctv — Đăng ký
Thủ thuật tin học văn phòng Thủ thuật Word Thủ thuật Excel
Cuộn