Intel từng là một thương hiệu nổi tiếng ở Mỹ. Anh em dùng máy tính chắc đều biết tới logo Intel Inside được dán trên hầu hết các thiết bị máy tính cá nhân. Nhưng rồi những năm gần đây hãng công nghệ này liên tục thất bại trong cuộc đua AI và đâu là lý do khiến việc này xảy ra? Intel cùng vi xử lý x86 và Microsoft trở nên hùng mạnh vào những năm 2000Intel được thành lập vào những năm 1960 bởi Gordon Moore và Robert Noyce, cùng với nhà đầu tư Arthur Rock. Ban đầu, Intel tập trung vào việc phát triển chip nhớ, trở thành một nhà sản xuất quan trọng trong việc phát triển công nghệ SRAM và DRAM. Sau đó, công ty đã tạo ra vi xử lý thương mại 4-bit đầu tiên trên thế giới, Intel 4004, vào năm 1971. Tuy nhiên, phải đến khi máy tính cá nhân thành công vào đầu những năm 1990, vi xử lý mới trở thành lĩnh vực kinh doanh chính của Intel. Vi xử lý x86 đưa Intel thống lĩnh thị trường Andrew Grove, người gia nhập Intel từ khi mới thành lập, đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của công ty. Là CEO thứ ba của Intel, Grove đã chuyển đổi công ty từ một nhà sản xuất chip nhớ thành nhà sản xuất vi xử lý hàng đầu thế giới. Ông thực hiện các thay đổi chiến lược trong trọng tâm của công ty, đặc biệt là chuyển khỏi sản xuất DRAM do cạnh tranh từ các nhà sản xuất Nhật Bản và tập trung vào vi xử lý. Dưới sự lãnh đạo của ông từ năm 1987 đến 1998, Intel đã trải qua sự tăng trưởng vượt bậc, với sự gia tăng đáng kể về vốn hóa thị trường và sự thống trị trong ngành PC. Phong cách quản lý của Grove nhấn mạnh vào việc ra quyết định nghiêm ngặt và đối thoại xây dựng, tạo ra một văn hóa đổi mới và hiệu quả tại Intel. Steve Jobs, Bill Gates, Andy Grove, ba người có vai trò rất lớn tác động đến thị trường máy tính cá nhân Thêm vào đó, sự hợp tác giữa Intel và Microsoft, được biết đến với tên gọi “Wintel,” đã đóng vai trò quan trọng trong việc định hình thị trường máy tính cá nhân. Sự hợp tác này kết hợp các vi xử lý x86 của Intel với hệ điều hành Windows của Microsoft, tạo ra một tiêu chuẩn mạnh mẽ cho máy tính để bàn. Trong cuối những năm 1980 và 1990, liên minh này cho phép cả hai công ty thống trị thị trường PC đang phát triển nhanh chóng tại thời điểm đó. Với quan hệ hợp tác này, thị phần của Intel trong lĩnh vực vi xử lý đạt khoảng 90%. Công ty đã đầu tư mạnh vào thiết kế vi xử lý mới, đóng góp đáng kể vào sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp máy tính. Những đổi mới của Intel, như chiến dịch tiếp thị Intel Inside và các tiến bộ trong công nghệ vi xử lý, đã giúp củng cố vị thế của hãng như một thương hiệu quen thuộc. Công ty cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các đổi mới phần cứng như PCI Bus và USB, trở thành các thành phần tiêu chuẩn trong PC. Sự hợp tác giữa Intel và Microsoft trong giai đoạn này không chỉ định nghĩa một kỷ nguyên phát triển công nghệ mà còn đặt nền móng cho việc áp dụng rộng rãi máy tính cá nhân trên toàn cầu. Tuy nhiên, khi công nghệ phát triển, những thách thức mới đã xuất hiện dẫn đến những thay đổi trong động lực thị trường. Ngã rẽ vi xử lý đồ hoạ Intel dưới sự lãnh đạo của Andy Grove, mối quan hệ hợp tác WinTel đã trở thành nhà sản xuất vi xử lý hàng đầu thế giới. Sự tăng trưởng này tiếp tục vào đầu những năm 2000, được thúc đẩy bởi sự thống trị của trong thị trường PC và các khoản đầu tư chiến lược vào nghiên cứu và phát triển. Thế nhưng, ở thời điểm đỉnh cao này, có những ngã rẽ xảy ra mà mãi sau này nhìn lại, người ta mới nhận ra tác động mà nó để lại. Vào năm 2005, CEO của Intel lúc đó là Paul Otellini đã đề xuất ý tưởng mua lại NVIDIA, một công ty đang nổi lên với các vi xử lý đồ hoạ mạnh mẽ cho game thủ, cùng mức giá 20 tỉ đô la. Không chỉ CEO của Intel, mà nhiều lãnh đạo cấp cao khác cho rằng đây là một hướng đi đúng đắn vì thiết kế của chip đồ hoạ có thể đóng vai trò quan trọng trong các trung tâm dữ liệu, một trong những mảng kinh doanh thế mạnh và chiến lược của Intel. CEO Intel vào năm 2005 đã cố gắng mua lại NVIDIA nhưng không được chấp thuận Quảng cáoAdmicro AdX Về cơ bản, cấu trúc chip của Intel tuy mạnh mẽ nhưng chỉ có thể xử lý các tác vụ một cách tuần tự. Trong khi đó, vi xử lý mà NVIDIA thiết kế lại có hiệu năng xuất sắc hơn khi phân nhỏ các tác vụ và xử lý song song với nhau. Cách tiếp cận khác biệt này đã giúp NVIDIA sau đó mở rộng ra các lĩnh vực khác và cuối cùng là bùng nổ với làn sóng AI sau này. Tuy nhiên, hội đồng quản trị từ chối đề xuất này vì lo ngại “thành tích” của Intel trong những vụ sát nhập, đồng thời quy mô của ý tưởng này khá lớn tại thời điểm đó. Quyết định đó với Intel, vốn coi các vi xử lý như bộ não chiến lược không chỉ cho máy tính, mà còn cho cả doanh nghiệp của mình, khiến dòng chảy công nghệ đi theo một hướng hoàn toàn khác. Paul Otellini đối mặt với quan ngại của hội đồng quản trị cũng đã không thúc đẩy ý tưởng này. Một thời điểm được gọi là định mệnh, đưa Intel đang ở vị thế đỉnh cao sau đó đối mặt với nhiều thách thức khi bỏ lỡ thị trường chip AI, và đi xuống. Nỗ lực sửa chữa nhưng với cách quản lý sai lầm Dự án Larrabee Sau quyết định đó, Intel không hẳn là bỏ mặc AI mà đã thực hiện những dự án nội bộ cho hướng đi này. Nổi bật trong số đó là Larrabee với mục tiêu tạo ra kiến trúc lai giữa x86 và xử lý đồ hoạ để cạnh tranh với các đối thủ khác. Kiến trúc này được thiết kế như một bộ xử lý x86 nhiều lõi thực hiện lệnh theo thứ tự, cùng với các tính năng của GPU. Dự án được lãnh đạo bởi Patrick Gelsinger, CEO hiện tại của Intel, và tốn kém hàng trăm triệu đô la trong thời gian 4 năm. Với Larrabee, Intel đã quá tự tin, hay có thể gọi là kiêu ngạo khi cho rằng kiến trúc này có thể thay đổi ngành công nghiệp chip bán dẫn một lần nữa. Vào năm 2008, Gelsinger tự tin cho rằng cấu trúc đồ hoạ của NVIDIA sẽ đi tới hồi kết khi Larrabee ra mắt. Tuy nhiên, dù có thiết kế sáng tạo, Larrabee gặp phải sự chậm trễ và vấn đề về hiệu suất khi không thể sánh ngang với các GPU tại thời điểm đó như NVIDIA GTX 285. Ngoài ra, kiến trúc khác lạ khiến việc tích hợp với các các API đồ họa tiêu chuẩn như DirectX trở nên khó khăn hơn vì chúng cần được dịch thành tập lệnh mà lõi của Larrabee có thể hiểu được. Điều này đòi hỏi một lớp phần mềm phức tạp nữa thay vì một trình điều khiển như các GPU truyền thống. Larrabee thất bại nhưng sau đó một số công nghệ được sử dụng cho Xeon Phi Quảng cáo Chính những khó khăn này đã khiến Intel vào năm 2009 thông báo không tiếp tục phát triển Larrabee như một chip đồ hoạ mà dành nó cho các ứng dụng tính hoán hiệu suất cao. Tuy dự án bị dừng lại, Gelsinger vẫn cho rằng nó sẽ thay đổi ngành công nghiệp nếu Intel chịu kiên trì cho dự án thêm thời gian. Ông thể hiện quan điểm này trong cuộc phỏng vấn nhanh với Computer History Museum. Dù không thành công, nhưng một số công nghệ trong dự án này đã được sử dụng cho các chip Xeon Phi của Intel, chuyên biệt hoá cho các siêu máy tính phục vụ cho dự án khoa học. Và trong khi Intel gặp khó với Larrabee, NVIDIA tiếp tục đầu tư không chỉ vào việc thiết kế các vi xử lý mà các phần mềm hỗ trợ các lập trình viên viết nên các ứng dụng khác nhau với hệ thống phần cứng mạnh mẽ. Các dự án khác liên quan đến AI Những năm sau đó, khi AI bắt đầu bùng nổ và Intel có dấu hiệu tụt hậu, hãng đã có những động thái khác cố gắng níu kéo. Đầu tiên là vào năm 2016, Intel đã mua lại Nervana Systems, một công ty mới nổi về việc thiết kế và sản xuất vi xử lý AI với giá 400 triệu đô la. CEO của công ty này Naveen Rao được giao phó vị trí lãnh đạo bộ phận sản phẩm AI của Intel. Sau khi sát nhập, Rao đã thấy rất nhiều vấn đề ngăn cản sự phát triển của Intel, từ văn hoá của một tập đoàn lớn thích kiểm soát các kĩ sư, vấn đề sản xuất không được chú trọng đến sự cạnh tranh khốc liệt từ NVIDIA. Tại Intel, Rao đã tạo ra vi xử lý Nervana Neural Network (NNP) dành cho các tác vụ AI, nhất là các tác vụ deep learning. NNP được phát triển với tên gọi là “Lake Crest” và được sử dụng bởi Facebook. Naveen Rao đã gần hoàn thành việc phát triển NPP trước khi Intel mua lại Habana Labs Trong khi nhóm của Rao gần hoàn thành con chip này, Intel lại có một nước bước đi vào lòng đất khi mua lại một startup AI khác là Habana Labs với giá 2 tỉ vào tháng 12 năm 2019. Điều này giống như bạn làm gần xong 1 sản phẩm, rồi tự bắn vào chân mình khi chuyển sự tập trung sang một hướng đi khác và coi như 2 năm hơn phát triển trước đó gần như là đi tong. Rai quyết định từ chức ngay sau đó. CEO của Intel tại thời điểm đó là Robert Swan đã từ chối bình luận về điều này. Intel sau đó phân bổ nỗ lực của mình vào rất nhiều dự án khác nhau để phát triển các vi xử lý đồ hoạ. Các dự án này phần lớn bị ngưng phát triển giữa chừng hoặc tốn nhiều thời gian mới được ra mắt. Một số sản phẩm gần đây như Gaudi 3 nhận được sự quan tâm từ các công ty như Inflection AI khi nó có mức chi phí thấp hơn NVIDIA. Tuy nhiên, như vậy là không đủ để Intel giành lại vị thế của mình trong cuộc đua AI khi lúc này NVIDIA đã quá mạnh. Văn hoá chậm thay đổi, thiếu kiên trì chuẩn bị cho sự thay đổi Như vậy, cơ hội bị bỏ lỡ, lãnh đạo chậm thay đổi và quản lý yếu kém đã khiến Intel tụt hậu. Từ chỗ là một sản phẩm của một nền văn hoá dám nghĩ dám làm, dám cạnh tranh với mọi đối thủ từ những năm 1980 để đạt được nhiều thành công, Intel trở nên quá tập trung vào các mảng kinh doanh máy tính cá nhân, máy chủ, trung tâm dữ liệu. Ưu tiên hàng đầu là bảo vệ và phát triển thế hệ mới cho các sản phẩm vốn được coi là điểm mạnh của công ty dựa trên kiến trúc x86. Kiến trúc này như một vương miệng độc quyền và rất lợi nhuận khiến Intel sẵn sàng làm mọi thứ để duy trì nó. Vì thế, dù các dự án AI được tạo ra, theo đuổi hàng năm trời nhưng vẫn bị dừng đột ngột vì lãnh đạo Intel không đủ kiên nhẫn và coi việc đầu tư vào các thiết kế chip mới trở thành ưu tiên phụ. Điều này đã khiến Intel tụt hậu vì không chuẩn bị đủ cho sự thay đổi trong tương lai. Sự chậm thay đổi, văn hoá tập đoàn, quyết định sai lầm đã khiến Intel phải trả giá Ngay cả các lãnh đạo cũ của Intel cũng kiểu nửa đùa nửa thật rằng Intel hoạt động thống nhất thật, mọi người tưởng như đồng lòng nhưng lại như một hệ khép kín không tiếp nhận bất kì thông tin nào từ môi trường bên ngoài để thay đổi. Cách nói mỉa về văn hoá này của Intel cũng cho thấy tác hại của cấu trúc tập đoàn. Nó khiến các công ty như Intel ngại thử và thất bại để rồi bỏ mất cơ hội. Ngay chính các cựu lãnh đạo Intel sau này cũng thừa nhận điều này khi cho rằng các chip x86 vừa là con gà đẻ trứng vàng, vừa gieo thuốc độc khiến các sản phẩm khác không phát triển được. Nỗ lực hiện tạiThời điểm này, NVIDIA là nhà sản xuất chip AI hàng đầu, một trong những công ty có vốn hoá lớn nhất thế giới với giá trị thị trường hơn 3 ngàn tỉ, vượt qua cả Apple hay Microsoft. Intel, từng là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong ngành công nghiệp bán dẫn, đã bỏ lỡ cơ hội AI và đang đối mặt với những khó khăn khi giá trị thị trường bị giảm xuống dưới 100 tỉ. Điều mà mọi người không nghĩ tới lại có thể xảy ra khi Qualcomm đã tiếp cận Intel và đưa ra lời đề nghị mua lại mảng thiết kế chip. Chip Lunar Lake được ra mắt gần đây được giới công nghệ đánh giá tích cực Những khó khăn này đặt áp lực rất lớn lên CEO hiện tại Patrick Gelsinger, vốn đang tập trung vào việc sản xuất và tái cấu trúc Intel. Dưới sự lãnh đạo của ông, Intel cũng đã có được những sự thay đổi đáng kể khi cho ra mắt một vi xử lý như Arrow Lake, Gaudi 3 và mới đây là Lunar Lake gây ấn tượng tích cực với thị trường về hiệu năng cũng như khả năng hỗ trợ AI. Tuy nhiên, điều khó khăn khác là Intel đang đối mặt với những thách thức về công nghệ sản xuất tụt hậu so với các đối thủ như TSMC hay Samsung. Chính vì thế, những con chip này được sản xuất bởi TSMC. Điều này phần nào làm giảm lợi nhuận của Intel và cũng chính là lý do khiến Gelsinger đang tập trung vào việc cải thiện mặt sản xuất của Intel. Kết LuậnHiện tại, Intel vẫn đang cố gắng theo đuổi AI vì nó vẫn là một cơ hội lớn khi các doanh nghiệp sử dụng trí tuệ nhân tạo ngày một nhiều. Và mặc dù thị trường doanh nghiệp là lãnh địa của Intel khi phần lớn dữ liệu đều nằm ở các trung tâm vận hành bởi các vi xử lý của hãng, NVIDIA đã bỏ quá xa và có lẽ Intel không có cơ hội để cạnh tranh sòng phẳng. Nhìn qua người bạn vàng Microsoft vốn cũng từng đối mặt với giai đoạn tương tự khi ngủ quên trên lĩnh vực máy tính cá nhân mà quên mất hướng đi di động cùng tìm kiếm để rồi mãi vẫn không thể cạnh tranh được với Google, có lẽ Intel cũng cần một hướng đi khác như cách Microsoft đã làm để vực dậy mình qua giai đoạn khó khăn này. Và nếu tồn tại một hướng đi như vậy, thì hi vọng những sai lầm về cách quản lý, văn hoá sẽ không lặp lại như cách Intel đã làm với AI. Nguồn [1][2][3][4][5][6]