Quay trở lại với OpenAI, năm 2019, Microsoft nhảy vào đầu tư cho startup nghiên cứu AI này, tới năm 2022, OpenAI trở thành cái tên dẫn đầu thị trường AI tạo sinh với sự ra mắt của ChatGPT vào tháng 11 năm ấy, khởi đầu cho cuộc chạy đua nghiên cứu, đầu tư và phát triển sản phẩm AI của hầu hết mọi tập đoàn công nghệ lớn ở thời điểm hiện tại.
Nhìn lại lịch sử chưa đầy 10 năm qua, dễ đi đến kết luận rằng thương vụ mua cổ phần OpenAI thất bại là nguyên nhân Intel trở nên như ngày hôm nay. Nhưng những cuộc phỏng vấn các chuyên gia trong ngành bán dẫn cũng như những cựu giám đốc của Intel cho thấy, họ đã thua sút từ rất lâu rồi. Dylan Patel, nhà sáng lập SemiAnalysis cho rằng: “Intel thất bại trên thị trường AI vì họ không có được một chiến lược sản phẩm cụ thể cho các khách hàng.”
Trong hơn 2 thập kỷ, Intel luôn tin rằng con chip CPU sẽ có thể xử lý hiệu quả những tác vụ điện toán cần thiết để xây dựng và vận hành những mô hình AI. Những kỹ sư của Intel coi những GPGPU với hàng nghìn, hàng vạn nhân xử lý của Nvidia và AMD là thứ “xấu xí”. Nhưng đến giữa thập niên 2000, mọi người, bao gồm cả các nhà nghiên cứu khoa học máy tính phát hiện ra rằng, hàng nghìn nhân xử lý song song của
GPU hiệu quả hơn nhiều những nhân CPU trong những phép tính số thực dấu phẩy động phức tạp, không chỉ cho tác vụ xử lý đồ họa game mà còn cả những thuật toán machine learning.
Rồi các kỹ sư của Nvidia cũng bỏ ra rất nhiều năm để biến đổi kiến trúc những con chip GPU họ tạo ra, tinh chỉnh nó để phục vụ mục đích vận hành AI, rồi phát triển ra cả CUDA cùng những giải pháp phần mềm để tận dụng sức mạnh của những chip xử lý ấy.
Lou Miscioscia, nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư Daiwa của Nhật nói:
“Khi cơn sốt AI đến, Intel đơn giản không có đúng sản phẩm ở đúng thời điểm.”