Đánh giá Nintendo Switch OLED: Sự thành công có phụ thuộc vào màn hình?

Doanh nghiệp gần bạn nhất

được xác nhận bởi itcctv

Đánh giá Nintendo Switch OLED: Sự thành công có phụ thuộc vào màn hình?

Nếu là người theo sát bước tiến của Nintendo Switch, hẳn các bạn đã không còn xa lạ với những tin đồn về một thứ gọi là “Nintendo Switch Pro": Mạnh hơn, pin lâu hơn, xuất được hình 4K hay thậm chí có cả… DLSS 2.0. Trên lý thuyết thì với sự phát triển của phần cứng hiện thời, những điều trên không phải là không thể xảy ra. Nhưng phàm những gì được kỳ vọng nhiều cũng có tỉ lệ gây thất vọng cao (ví dụ như Cyberpunk… thôi bỏ đi), và Nintendo đã chứng minh luôn điều này khi giữ nguyên gần như mọi thứ trên cỗ máy mới nhất: . 

Nghe qua cái tên thôi thì chắc hẳn, nhiều bạn cũng biết ngay đâu sẽ là điểm cần lưu tâm trên chiếc máy này rồi. Nhưng thực sự thì liệu đó có phải sự thay đổi duy nhất? Và tất cả có đủ chất lượng để chúng ta xuống tiền nâng cấp? Hãy cùng khám phá với Chúng tôi qua bài trải nghiệm thực tế Nintendo Switch OLED hôm nay nhé. 

Mở hộp

Với Nintendo Switch OLED, “nhà Đỏ" đã có sự cải tiến rõ rệt trong cách đóng hộp sản phẩm so với các phiên bản V1 và V2. Hộp đựng máy giờ đây đã gọn hơn rất nhiều, rất dễ cầm và tiết kiệm diện tích nếu bạn có nhu cầu giữ lại để trưng bày. Điều này có được chủ yếu nhờ sự thay đổi của Nintendo trong cách sắp xếp linh phụ kiện, khi joy-con và thân máy thay vì đặt ngang nhau thì nay sẽ được để theo kiểu trên - dưới. 

Nhấc phần ngăn đựng thân máy ra thì chúng ta sẽ thấy được ngăn phụ kiện bên dưới, với đầy đủ những grip, cục nguồn, dây HDMI, đôi strap hay dock sạc như thường lệ. Với việc phiên bản Switch OLED mà người viết đang trải nghiệm có màu Trắng, vậy nên chiếc dock và dây strap của máy cũng sẽ có sự đồng bộ. Để có cái nhìn sâu hơn về từng linh kiện trong hộp, bạn có thể ghé qua bài viết này. 

Màn hình OLED 

Nói đến màn hình OLED thì 2021 rồi, có lẽ nhiều tín đồ công nghệ đã “nhẵn mặt" với những ưu điểm về hiển thị mà nó có thể đem lại: Từ độ sáng cao, màu sắc rực rỡ, tương phản ấn tượng và còn rất nhiều nữa. Chính vì vậy nên với một cỗ máy có “tử huyệt” nằm ở màn hình như Switch V1/V2, sự xuất hiện của công nghệ này nghe có vẻ ít nhưng lại đem về rất nhiều ý nghĩa. Có điều để cảm nhận được, bạn sẽ cần phải là người chơi hệ di động: Mang máy mọi nơi, giải trí mọi lúc - cơ bản là trông như thế này:

Nói về thói quen trải nghiệm thì người viết cũng gần giống nhân vật trong clip, luôn sẵn máy bên mình và đắm chìm vào thế giới ảo bất cứ khi nào có thể. Vậy nên còn nhớ hồi mới mua chiếc Nintendo Switch V1, cảm giác có thể “bỏ túi" những siêu phẩm như The Elder Scroll V, Breath of the Wild,... với người viết là rất tuyệt vời. Nhưng ở trong chăn mới biết chăn có rận, nhiều vấn đề qua thời gian cũng dần xuất hiện và liên quan phần nhiều tới màn hình LCD của máy. Chẳng hạn có thể kể tới viền dày, kích thước hiển thị quá nhỏ để chơi đông người, độ sáng chưa đủ cao và còn nhiều nữa.

Và với đặc tính vốn có, màn hình OLED đã giải quyết hoàn toàn những nhược điểm trên. Mọi hình ảnh trong game trên chiếc Switch mới hiện ra cực kỳ rực rỡ, cộng thêm việc được mở rộng hơn 10% diện tích hiển thị (7.0-inch so với 6.2-inch) nên trải nghiệm chung lại càng tuyệt vời. Nghe có vẻ không nhiều, nhưng nếu nhìn thử ở hình dưới đây thì người viết tin rằng, bạn sẽ phần nào thấy rõ hơn sự khác biệt. Và chừng đó là vừa đủ để mặt cỏ trong FIFA, thế giới trong Super Mario Odyssey hay căn bếp của Overcooked 2 trở nên sống động và thoáng đãng hơn bao giờ hết - chơi một mình hay với bạn bè đều tuyệt cả.

Một điểm thú vị là không chỉ có lợi khi chơi game, trải nghiệm mãn nhãn mà màn hình Switch OLED đem lại còn rất có lợi cho việc… xem YouTube. Đúng vậy, eShop trước giờ vẫn luôn có một ứng dụng YouTube dành riêng cho Switch, và với một người đã xem tới gần 200h trên thiết bị này thì việc có được màn OLED thực sự là rất tuyệt. 

Những tiểu tiết đáng giá khác ở thân máy

Ngoài tấm nền, thân máy Switch OLED cũng còn có được nhiều thay đổi đáng giá khác. Nổi bật nhất có thể kể tới phần chân đế: To hơn, cứng cáp hơn và nghiêng được góc cực rộng. So với phần chân trên V1 thì đây là cả một sự khác biệt, không còn “khẳng khiu” dễ gãy và hữu dụng hơn đáng kể. Việc điều chỉnh được góc kê màn hình rất hữu ích mỗi khi người viết muốn chơi game cùng bạn bè ở ngoài, giúp ai cũng có được góc nhìn tốt nhất, không bị loá do lớp phủ gương bóng của màn OLED. 

Đồng thời, loa của Switch OLED cũng to hơn và cải thiện một chút về chất âm so với V1 / V2, giúp việc thưởng thức những bản nhạc hay nghe tiếng động trong game được tốt hơn bao giờ hết. Ảnh hưởng của việc này thế hiện rất rõ ở hai tựa game mà người viết hay chơi với bạn: FIFA 22 Legacy Edition và Overcooked 2. Với FIFA, đó là sự tăng cường độ vang và ấm với tiếng hò reo của cổ động viên. Còn qua căn bếp của Overcooked thì đó lại là sự trong trẻo dành cho các bản soundtrack vui nhộn, tiếng chặt thái nguyên liệu giòn giã, v.v. 

Còn về những thay đổi nhỏ khác như khe thẻ nhớ, chất liệu vỏ,... người viết sẽ không viết thêm ở đây vì đã làm quen khá nhanh và không gặp nhiều vấn đề. Nhưng nếu vẫn muốn biết thêm về chúng, bạn đọc có thể ghé qua bài viết

Joy-con đã bớt trôi?

Về joy-con của Switch OLED thì ngoài màu Trắng lần đầu xuất hiện, gần như chúng ta sẽ không thấy được điều gì quá khác biệt so với trên V1 / V2. Cảm giác cầm và sử dụng vẫn vậy, và có lẽ mong muốn của người viết về việc thay đổi cụm D-pad sang dạng chữ thập (giống Switch Lite) sẽ còn phải chờ thêm ít lâu nữa. Tuy nhiên, theo chia sẻ từ Nintendo, từng đôi joy-con trên Switch OLED nay đã được chỉnh sửa để hạn chế tối đa hiện tượng drift - cơn ác mộng ám ảnh biết bao người chơi kể từ ngày dòng máy xuất hiện. Nhưng thực tế mọi thứ ra sao thì chỉ dùng vài ngày, vài tuần,... sẽ không thể xác định được. 

Có thể người viết sẽ theo dõi chiếc Switch OLED này ở Chúng tôi thêm ít lâu nữa: Vài tháng, nửa năm,.. và sẽ cập nhật cho các bạn sớm nhất nếu như độ bền của đôi joy-con bị ảnh hưởng. 

Hiệu năng

Tới với hiệu năng, đây vốn là thứ mà người chơi Nintendo Switch mong muốn “nhà Đỏ" cải thiện từ rất lâu rồi, đặc biệt khi phần cứng đồ hoạ trên các hệ máy khác như PC, PlayStation hay Xbox đã có được những bước tiến lớn. Tuy nhiên, tên của mẫu máy chúng ta đang có là Switch OLED thay vì Switch Pro, vậy nên có lẽ bạn đọc cũng hiểu mọi thứ sẽ đi đến đâu rồi. Giống với Switch V2, Switch OLED vẫn sẽ sử dụng vi xử lý NVIDIA Tegra tuỳ chỉnh với tiến trình 20nm, đồng nghĩa với việc độ phân giải, FPS,.. của game khi cắm dock và cầm tay sẽ không có sự khác biệt. 

Với việc số game có thể chạm đến 60 FPS trên Switch còn chưa nhiều (FIFA, Mortal Kombat XI, v.v.), các game thủ vẫn hi vọng về một phần cứng mới - thứ hứa hẹn sẽ khiến các nhà phát triển có thêm động lực tối ưu nhiều sản phẩm hơn nữa. Rất tiếc là Nintendo lại chưa thể nhìn ra được điều này và đem lên Switch OLED sức mạnh mới, nhưng biết đâu Switch Pro sẽ là một câu chuyện khác?

Thay đổi “nhìn thấy được" duy nhất của Nintendo dành cho phần cứng của Switch OLED có lẽ sẽ là việc bộ nhớ trong mặc định của máy đã được nâng cấp gấp đôi, cụ thể là từ 32GB lên 64GB. Nhưng với người viết, chừng đó vẫn là khá ít để chúng ta có thể lưu trữ game thoải mái, dù bạn có là người chơi hệ dùng băng đi nữa. Vậy nên suy cho cùng thì đây cũng không phải cải tiến quá lớn, và việc mua thẻ nhớ microSD gắn thêm (nên tối thiểu là 128GB) vẫn sẽ là gần như bắt buộc. 

Về khả năng bắt sóng, người viết nhận thấy Switch OLED phần nào ổn định hơn so với Switch V2, ít nhất là tình trạng mất kết nối đã diễn ra ít hơn. Điều này có được khả năng cao là do những thay đổi nhỏ về ăng-ten bên trong máy, để quan sát được thì bạn có thể xem một số video “mổ bụng" mát trên Internet. Có điều phần ăng-ten mới như người viết đánh giá thì cũng… dễ đứt hơn, vậy nên nếu có nhu cầu tháo máy để tra kem tản, sửa chữa,.. về sau thì bạn cũng nên cẩn thận hết mức. 

Thời lượng pin

Với việc vẫn sử dụng viên pin dung lượng 4310 mAh như Switch V2, người viết cũng không kỳ vọng vào việc Switch OLED có thể tạo ra khác biệt lớn về thời lượng sử dung. Thử nghiệm điều này với việc chơi thử The Legend of Zelda: Breath of the Wild với độ sáng tự động và Wi-Fi được bật, Switch OLED cho ra khoảng 5.5 - 6h chơi - gần như tương đương với Switch V2. Nhưng bù lại, chúng ta vẫn có được trải nghiệm thị giác cực kỳ tốt trong quá trình đó với Switch OLED, vậy nên về lý thuyết thì tổng thể vẫn là tích cực hơn dành cho cỗ máy mới. 

Các phụ kiện khác

Về các phụ kiện đi kèm, gần như tất cả đều đem lại cảm giác sử dụng thân thuộc như trên các phiên bản cũ. Từ strap, grip gắn joy-con hay các loại dây cắm,.. Tất cả đều được giữ nguyên từ thiết kế đến độ hoàn thiện, công năng. Có chăng với chiếc dock thì với bản OLED sẽ là thay đổi nhiều nhất. Các góc của dock nay đã được bo tròn tinh tế hơn, màu Trắng phủ lên trùng màu với joy-con cũng rất đẹp và nổi. Có điều với việc được làm từ nhựa sần, khả năng cao bề mặt của dock sẽ rất dễ bám bẩn. 

Một chi tiết mà người viết không được ưng cho lắm là phần nắp sau nay đã thành nắp rời, không còn bản lề hỗ trợ gập mở như trước nữa. Bạn nào không khéo tay khi lắp vào tháo ra với phần nắp này thì sẽ dễ làm gãy các lẫy, dẫn đến không thể sử dụng được nữa. Nhưng có lẽ cũng phải có lý do để Nintendo tạo nên thay đổi này, và có lẽ đó xuất phát từ sự bổ sung cổng LAN để chúng ta cắm dây mạng, đảm bảo chiếc Switch OLED có được đường truyền và tốc độ kết nối Internet cao nhất. 

Bản thân người viết trong thời gian dùng máy thì chưa tận dụng cổng LAN do không có nhu cầu, nhưng nếu bạn thích chơi các tựa game co-op thông qua gói NSO (Nintendo Switch Online) hay thường xuyên tải game nặng từ eShop (VD: Bioshock Infinite, NBA 2K22, v.v) thì đây sẽ là sự bổ sung rất cần thiết. 

Kết luận

Về cơ bản, đó là những trải nghiệm thực tế của người viết với Nintendo Switch OLED - phiên bản “rực rỡ” hơn của cỗ máy chơi game cầm tay nổi tiếng của “nhà Đỏ". Và với những gì đã trải nghiệm thì không ngoa khi nói rằng, đây sẽ là điểm khởi đầu cực kỳ tuyệt vời với những ai mới dấn thân vào hệ máy có tính gây nghiện cao này. Còn với những ai đã sở hữu Switch V1 và V2 thì ở thời điểm bài viết lên sóng, chúng ta hoàn toàn có thể tính tới chuyện nâng cấp. Không chỉ vì màn OLED đem lại rất nhiều điểm tích cực trong trải nghiệm, mà còn vì giá bán máy cũng đã bắt đầu ổn định hơn. 

Chưa kể tại những cửa hàng như Chúng tôi, chúng ta sẽ còn có được ưu đãi như giảm 500.000đ trực tiếp vào giá niêm yết (từ 11.090.000đ còn 10.590.000đ).

Ngoài ra, bạn đọc cũng có thể liên hệ đặt hàng qua website, hotline 1900.63.3579 hoặc Fanpage Chúng tôi - Hệ thống Máy tính và Phụ kiện để được tư vấn miễn phí, hoặc ghé thăm các cửa hàng Dạo Bước Công Nghệ của Chúng tôi trên toàn quốc để trải nghiệm tận tay và mua hàng trực tiếp.

---------------------------

Chúng tôi là hệ thống bán lẻ máy tính và phụ kiện uy tín tại Việt Nam với chuỗi cửa hàng trải nghiệm độc đáo và đội ngũ tư vấn chuyên sâu, hình thức thanh toán đa dạng và bảo hành uy tín, tin cậy giúp khách hàng tự tin lựa chọn các sản phẩm công nghệ phù hợp nhất.

Nguồn: Trải nghiệm thực tế Nintendo Switch OLED: Thành bại tại màn hình?
💬 bình luận

Bình luận

Trở thành viên của itcctv — Đăng ký
Thủ thuật tin học văn phòng Thủ thuật Word Thủ thuật Excel
Cuộn