Đánh giá kỹ lưỡng Lenovo Legion 5 AMD: Hoàn hảo xuất sắc

Doanh nghiệp gần bạn nhất

được xác nhận bởi itcctv

Đánh giá kỹ lưỡng Lenovo Legion 5 AMD: Hoàn hảo xuất sắc
Hình ảnh rao vặt

Đánh giá kỹ lưỡng Lenovo Legion 5 AMD: Hoàn hảo xuất sắc

Dù đã xuất hiện từ lâu, nhưng thương hiệu Legion Gaming của Lenovo vẫn chưa bao giờ hạ nhiệt. Tiêu biểu cho điều này đến từ thành công của chiếc Legion Y530 nổi tiếng một thời, hay dòng Legion Y545 cao cấp với build chắc chắn và cấu hình mạnh mẽ nhưng mức giá lại vô cùng phải chăng. Chưa dừng lại ở đó, vào năm nay, Lenovo đã quyết định thay đổi lại cách thức đặt tên của các dòng máy này, là Legion 5, cho phân khúc tầm trung, Legion 5P với hiệu năng đồ hoạ cao, và Legion 7 là gaming cao cấp.

Như mọi lần, Lenovo Legion 5, như bao người đàn anh Y530 và Y540 khác, luôn là tâm điểm của mọi cuộc thảo luận, khi dòng máy này luôn cho hiệu năng cao, thiết kế đẹp nhưng mức giá lại cực kỳ ổn. Nhưng năm nay, điều làm mọi người chú ý nhiều hơn chính là Lenovo đã mang lên dòng máy này phiên bản chip AMD Ryzen Renoir, với tiến trình 7nm mạnh mẽ. Với mức giá mềm hơn phiên bản Intel, cùng việc sử dụng card đồ hoạ Turing được trang bị bộ nhớ đồ hoạ GDDR6, Lenovo Legion 5 AMD thực sự là cơn sốt của năm nay ở cả cộng đồng công nghệ nói chung và giới game thủ nói riêng.

Phiên bản Lenovo Legion 5 AMD được đánh giá trong bài có cấu hình ở mức tương đối cơ bản, với màn hình Full HD 15.6 inches, APU AMD Ryzen 5 4600H, 8GB RAM và ổ cứng chuẩn NVMe với dung lượng 512GB. Đây có thể nói là cấu hình đáp ứng đủ nhu cầu gaming cho hầu hết các tựa game hiện nay, cũng như thực hiện các công việc đồ hoạ đa phương tiện ở mức tốt. Đa phần các mẫu laptop gaming luôn có những tuỳ chọn ở mức cơ bản để dễ dàng tiếp cận với nhiều đối tượng học sinh – sinh viên hơn, và chiếc Legion 5 này cũng không phải là ngoại lệ. Vậy chiếc Legion 5 sơ khai, sở hữu con chip AMD Ryzen 4000 này có điểm nổi bật.

Thiết kế

Lenovo quyết định thay đổi phong cách thiết kế của mình kể từ phiên bản Legion Y530 và được giới công nghệ cực kỳ đón nhận, cho tới giờ, Lenovo vẫn sử dụng phong cách thiết kế ấy. Quả thực, đúng như câu nói “cái gì đã quá tốt, thì đừng nên thay đổi”, cách Lenovo gọt đẽo ra chiếc máy này gần như không quá khác Legion Y540 trước đó. Dù kiểu thiết kế đơn giản này khá đẹp và bắt mắt, nhưng nó lại có chút gì đó hơi nhàm chán.

Bỏ qua những điểm đó, ta sẽ có một chiếc máy có kích thước không quá lớn, ngang một cuốn sổ giáo án mà giáo viên hay sử dụng, và dù hơi khó nhận ra, chiếc máy cũng đã mỏng đi đôi chút so với phiên bản tiền nhiệm vào khoảng 1mm ở khu vực dày nhất, và 2mm nếu đo ở khu vực mỏng nhất.

Về tổng thể, Lenovo Legion 5 sử dụng chủ yếu vật liệu nhựa, hơi có phần kém sang trọng khi cầm lên. Phần kê tay sử dụng vật liệu nhựa cứng chắc chắn, thêm vào đó, bề mặt được phủ lên một lớp soft-touch mịn màng, cho trải nghiệm gần như tương tự những chiếc ThinkPad cao cấp, nhưng không để lại vân tay nhiều, vốn luôn là nhược điểm của ThinkPad. Cũng giống như Legion Y540, cũng như Y7000 phiên bản 2019, nút nguồn của Lenovo Legion 5 được đặt chính giữa máy, ngay phía dưới dòng chữ “Legion”, tạo ra sự cân bằng, tương xứng. Máy sử dụng kiểu bản lề hai bên quen thuộc, cho khả năng gập mở một tay dễ dàng, và có thể mở tới 180 độ. Khác với những phiên bản trước đây, Lenovo dường như đã khắc phục được sự cố “khuất một bên rãnh bản lề” như những phiên bản trước đó.

Kế đến, chính là việc chiếc máy này đã được thiết kế gọn gàng hơn một chút. Để có được một thân hình “gọn gàng đến kỳ lạ”, Lenovo đã thiết kế các viền benzel xung quanh chiếc máy mỏng đi rất nhiều. Lenovo cũng thêm vào một sự thay đổi tuy là rất nhỏ, nhưng lại nhận được rất nhiều sự ủng hộ, đó là di chuyển cụm camera lên phía trên như mọi chiếc máy tính khác. Tất nhiên, để thay đổi vị trí cụm camera, Lenovo phải chấp nhận làm viền màn hình trên dày hơn một chút, nhưng thay vì làm dày cả cụm viền phía trên, hãng lại thiết kế chỉ để khu vực đặt camera ở chính giữa nhô lên một chút, vô tình tạo thành một chiếc gờ vô cùng hữu dụng khi mở máy bằng một tay. Đây thực sự là một nước đi rất sáng tạo của Lenovo trong việc thiết kế trải nghiệm. Thêm vào đó, hãng cũng bổ sung cho cụm camera này một cần gạt Privacy Shutter, giống như trên những chiếc ThinkPad của mình, nhằm nâng cao tính bảo mật toàn diện cho mọi phân khúc máy tính.

Màn hình

Về tổng quan, Legion 5 sẽ có 3 tuỳ chọn màn hình bao gồm Full HD IPS 120Hz 45% NTSC, Full HD IPS 60Hz 100% sRGB và tấm màn Full HD IPS 144Hz 100% sRGB (với bản Intel thì có thêm phiên bản 240Hz, 100% sRGB – 500 nits). Tuỳ chọn Full HD IPS 60Hz và 144Hz sẽ có độ sáng 300 nits và tích hợp công nghệ Dolby Vison.

Phiên bản được đánh giá ở đây được trang bị màn hình Full HD với tần số quét 144Hz. Màn hình cho khả năng hiển thị chi tiết, vừa đủ độ sắc nét, do được tích hợp với công nghệ Dolby Vision. Thoạt đầu khi nghe quảng cáo rằng tấm màn hình này hỗ trợ tới 100% sRGB, ai cũng tỏ ra nghi ngờ vì đây có thể chỉ là chiêu trò quảng cáo của hãng. Nhưng sự thực lại không phải vậy, hoàn toàn không có chiêu trò gì ở đây cả.

Sau khi đo đạc kỹ lưỡng, thậm chí đo đi đo lại nhiều lần, màn hình vẫn cho ra kết quả đúng, thậm chí hơn những gì nhà sản xuất đưa ra, với 100% sRGB, 77% AdobeRGB, 80% DCI-P3. Còn về độ sáng, lần này Lenovo đã nói dối người dùng, khi thông số nhà sản xuất đưa ra là 300 nits, nhưng chiếc máy lại cho kết quả là 340 nits. Đây thực sự là một màn hình rất phù hợp cho công việc thiết kế đồ hoạ, cũng như chỉnh sửa ảnh và dựng video.

Bên cạnh đó, con số 144Hz cũng là điểm đáng chú ý. Từ đầu năm nay, có vẻ như các hãng sản xuất các dòng laptop gaming từ phổ thông cho đến cao cấp đều có xu hướng phổ cập màn hình tần số quét cao cho sản phẩm của mình, ngoại trừ, phân nửa số đó đều sử dụng những tấm màn tần số quét cao nhưng chất lượng hình ảnh không được tốt. Nhưng Lenovo đã làm được điều đó khi sử dụng tấm màn hình cao cấp, cân bằng được giữa tần số quét lẫn chất lượng hình ảnh trên một chiếc máy gaming tầm trung. Với màn hình 144Hz và độ trễ 3ms, chiếc máy cho mức độ phản hồi cực tốt khi gaming, nhất là ở những tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất.

Tuy vậy, tấm màn hình này cũng có một vài nhược điểm. Do sử dụng lớp phủ matte không quá dầy như những dòng laptop doanh nhân, đôi khi chiếc máy hơi bị loá sáng khi bị ánh sáng mạnh chiếu vào, gây chút bất tiện trong quá trình sử dụng. Thêm vào đó, màn hình cũng không được trang bị Adaptive Sync, nên không thể đồng bộ khung hình trong những tựa game có mức FPS tối đa chỉ ở ngưỡng 60, rất dễ gây ra hiện tượng xé hình.

Khả năng nâng cấp – bảo trì

Việc tháo phần nắp máy hơi khó khăn một chút do các khớp nhựa được ráp lại rất chặt. Nhìn sơ bộ thì cách bố trí trên mainboard của Legion 5 không khác Legion Y540 mấy, với RAM được che lại bằng một miếng thép, 2 quạt đối xứng 2 bên. Tuy nhiên để ý kỹ thì cách bố trí cũng đã được thay đổi. Thay vì sử dụng thỏi pin chữ L như những phiên bản trước, Legion 5 sử dụng viên pin thẳng, có dung lượng 60Wh (ngoài ra có thêm tuỳ chọn 80Wh). Cũng chính vì điều này, mainboard của chiếc máy được thiết kế cân bằng hơn, có tính thẩm mỹ cao hơn. Khu vực lắp SSD chính cũng được chuyển qua bên cạnh card Wi-Fi, thay vì lắp dưới chipset.

Về khả năng nâng cấp, máy có 2 khe RAM để nâng cấp. Phiên bản được đánh giá đã được lắp sẵn một RAM của Kingston, sử dụng chip nhớ Hynix CJR với bus 3200MHz. Bên cạnh đó, máy có 1 khe SSD đã được lắp sẵn, một khay lắp ổ cứng 2.5 inches, và một khe m.2 hỗ trợ giao thức NVMe nữa, tuy nhiên khe này bị che bởi khay 2.5, vậy nên người dùng chỉ có thể lắp hoặc ổ m.2 hoặc ổ 2.5. Tuy nhiên, trong trường hợp chiếc máy của người dùng sử dụng pin dung lượng 80Wh thì chỉ có thể lắp ổ m.2. Wi-Fi cũng là một thành phần nâng cấp được, nhưng việc sử dụng sẵn Wi-Fi 6 rồi thì chiếc máy này cũng không cần phải nâng cấp thêm làm gì.

Bàn phím và Touchpad

Điểm đáng chú ý nhất trên chiếc máy này chính là hệ thống bàn phím. Lenovo đã lắng nghe ý kiến người dùng, đưa lại hệ thống bàn phím số truyền thống lên, thay vì sử dụng form phím số như các phiên bản trước đó. Hành trình phím cũng được làm sâu hơn, cỡ 1.7mm, thêm nữa keycaps cũng được bo cong lại nhiều hơn, tạo cảm giác ôm tay. Nếu so với bàn phím của người đàn anh ThinkPad T580 trước đây, bàn phím này cũng ở mức một 9 một 10, nhưng nếu so về sự chắc chắn và cảm giác gõ, Legion 5 sẽ cần phải rất lâu nữa mới có thể bằng được. Cũng chính vì hệ thống phím số được thiết kế lại, bàn phím chiếc máy tràn rộng ra hai bên, gần như sát mép mặt kê tay.

Hệ thống đèn led của phím ở mức khá ổn. Phiên bản được đánh giá sử dụng Led trắng, với hai mức sáng vừa phải, nhưng lại rất hữu dụng khi sử dụng vào ban đêm. Ngoài ra máy còn có thêm tuỳ chọn bàn phím RGB 4 vùng, phù hợp cho những đối tượng yêu thích một chiếc bàn phím nhiều màu sắc.

Touchpad cũng được thiết kế lại với việc lược bỏ 2 nút chuột cứng, thay vào đó là một khối liền mạch, giúp tăng đáng kể diện tích. Bề mặt touchpad được phủ một lớp sơn nhám, nhưng lại rất mịn màng khi sử dụng. Hai nút chuột nhạy, hành trình sâu, tuy nhiên âm thanh phát ra hơi lớn. Hệ thống cử chỉ nhạy, rất mượt khi sử dụng, do touchpad đã được tích hợp sẵn Windows Precision Driver. Tuy nhiên, do touchpad khá nhỏ, cỡ tương đương Macbook Pro 15 Late 2015, nên không thể phát huy hết khả năng khi sử dụng.

Cổng kết nối

Hệ thống cổng kết nối của chiếc máy vô cùng đầy đủ, tối ưu cho cả trải nghiệm gaming lẫn thực hiện các công việc đồ hoạ multimedia.

Cạnh trái bao gồm USB-A 3.2 Gen 1 hỗ trợ sạc nhanh và 1 jack tai nghe 3.5mm.

Cạnh phải chỉ có một USB-A 3.2 Gen 1, một đèn báo trạng thái nguồn và nút Reset cứng.

Phía sau tập trung nhiều cổng kết nối nhất, với 2 USB-A 3.2 Gen 1, 1 cổng HDMI 2.0, cổng mạng RJ-45 Gigabit và một cổng USB-C 3.2 Gen 1, tuy nhiên chỉ hỗ trợ xuất hình, không hỗ trợ Power Delivery. Nhưng nếu suy xét kỹ hơn, việc trang bị PD cho một chiếc máy gaming có phần hơi thừa thãi, vì đa phần PD chỉ hỗ trợ công suất sạc tối đa cho những dòng máy này là 65W (Tiêu biểu như các dòng máy tính ROG Zephyrus của Asus), sẽ không đủ để cấp điện cho những chiếc máy gaming trong quá trình sử dụng.

Hiệu năng

Tuy là một chiếc máy gaming, chiếc máy lại có rất ít tuỳ chọn phần cứng, với APU chỉ gồm Ryzen 5 4600H và Ryzen 7 4800H, cùng card đồ hoạ chỉ là Nvidia GTX 1650 4GB và GTX 1650Ti 4GB, tuy vậy 2 card đồ hoạ này đều được trang bị bộ nhớ GDDR6.

Phiên bản R5 4600H, 8GB RAM và GTX 1650 đang được đánh giá ở đây cho điểm số Benchmark rất tốt. Trong bài test Cinebench R20, chiếc máy cho điểm số 449 đơn nhân, và 3312 điểm đa nhân. Đây là điểm số rất tốt, gần như bằng với CPU R5 3600 trên Desktop.

Tuy nhiên, khi thử nghiệm ở chế độ Ưu tiên hiệu năng (Kích hoạt thông qua Lenovo Vantage, hoặc phím tắt Fn+Q), máy lại cho kết quả đơn nhân cao hơn, 451 điểm và đa nhân là 3358, còn ở chế độ Yên tĩnh, điểm đơn nhân cũng rơi vào mức 451, tuy nhiên đa nhân chỉ đạt 2914.

Phải nói rằng đây thực sự là một điểm số rất tốt, với một con chip được thiết kế trên tiến trình 7nm hiện đại, thậm chí còn mạnh hơn cả Core i7 9750H về cả đơn nhân và đa nhân trên người anh em Legion Y540, hay cả Asus Zephyrus M nữa. Tuy nhiên, khi sử dụng các tác vụ nhẹ nhàng, chạy với iGPU Radeon Mobile, đôi lúc máy lại bị khựng nhẹ. Điều này là do chiếc máy mới chỉ lắp 1 thanh RAM để chạy kênh đơn (Single Channel), người dùng nên nâng cấp RAM cho chiếc máy chạy kênh đôi (Dual Channel) để có trải nghiệm tốt hơn.

Về hiệu năng đồ hoạ, chiếc máy được đánh giá trên phương diện sử dụng iGPU Radeon và dGPU GTX 1650. Với iGPU Radeon Mobile, điểm số khi test bằng 3DMark chỉ cho ra kết quả 783 cho bài test Time Spy. Khi test bằng V-ray Benchmark, Radeon Mobile cũng chỉ đạt điểm số 51. Quả đúng như dự đoán, nếu chỉ sử dụng RAM Single Channel, hiệu năng đồ hoạ trên iGPU sẽ bị giảm sút. Tất nhiên đây không phải là một card đồ hoạ yếu, vì sức mạnh đồ hoạ gần như tiệm cận với card MX250, tuy nhiên, nó sẽ chỉ phát huy khả năng khi khắc phục bằng Dual Channel.

Khi xét đến card đồ hoạ GTX 1650, đây mới thực sự là mắt xích mở ra sức mạnh của chiếc máy tính này. Bài test 3DMark cho kết quả rất tốt, 3685 điểm cho Time Spy, 8617 điểm cho Fire Strike, các bài test Fire Strike Ultra và Fire Strike Extreme lần lượt cho điểm số 1917 và 1729.

Tiếp đến, ở bài test V-ray Benchmark, máy cho điểm số 95 điểm ở Driver Gaming. Khi chuyển qua phiên bản Driver Quadro Studio, điểm số gần như không khác biệt với 96 điểm.

Nhưng đó chỉ đơn thuần là lý thuyết, còn thực tiễn thì sao?

Khi chơi tựa game Halo: Reach ở mức Setting cao, chiếc máy có FPS trung bình vào khoảng 110, cao nhất là 144 FPS, đôi khi vào lúc combat đông thì tụt xuống 78 FPS.

Đối với tựa game NieR: Automata, FPS trung bình là 56, và cao nhất chỉ là là 60 FPS, do tựa game này được port từ hệ máy console lên Windows.

Ở tựa game cuối cùng là StarCraft 2, với mức thiết đặt cao nhất, máy cho FPS trung bình là 59, mức cao nhất là 86 FPS, nhưng vào combat, FPS lập tức bị tụt rất mạnh, xuống tận 36 FPS. Điều này hoàn toàn chấp nhận được vì đây là tựa game khá cũ, được xây dựng trên nền tảng DirectX 9, nên so với những phần cứng ở thời điểm hiện tại có phần không được tối ưu.

Sau cùng, với card đồ hoạ sử dụng kiến trúc Turing, cùng bộ nhớ được cập nhật lên GDDR6, GTX 1650 hoàn toàn có thể sử dụng được thêm vài năm nữa mà không sợ bị lỗi thời. Thêm vào đó, việc dễ dàng chuyển đổi từ Gaming Driver sang Studio Driver sẽ giúp chiếc máy có thể thực hiện được không chỉ những công việc thiết kế đồ hoạ đa phương tiện, mà còn có thể dựng được các khung hình 3D, nhưng tất nhiên không thể ổn định được bằng card Quadro.

Bộ nhớ lưu trữ

Lenovo Legion 5 được trang bị ổ SSD m.2 NVMe tốc độ cao. Chiếc máy được đánh giá sử dụng ổ SSD PM981a 512GB của Samsung, cho hiệu năng bền bỉ cùng tốc độ rất cao. Tốc độ đọc lên tới 3600 MB/s và tốc độ ghi rơi vào khoảng gần 3000 MB/s. Đây là mức tốc độ phải nói là nhanh hơn cả SSD 512GB có mặt trên Asus ROG Zephyrus G14 – một chiếc máy cao cấp hơn với mức giá cao hơn.

Hệ thống âm thanh

Lenovo trang bị cho chiếc Legion 5 này đôi loa tới từ Harman Kardon, với mỗi bên loa là 2W. Đôi loa được bố trí ở hai bên cạnh, nhằm mang lại trải nghiệm âm thanh vòm trung thực. Thêm vào đó, phần mềm âm thanh của chiếc máy được tích hợp với công nghệ Dolby Audio, âm thanh phát ra rõ ràng, trong trẻo, đầy đủ các dải và không có hiện tượng khô. Tuy nhiên, khi đặt cạnh Macbook Pro 16, với hệ thống âm thanh tích hợp công nghệ Dolby, Lenovo Legion 5 lại có phần đuối hơn.

Thời lượng pin

Legion 5 AMD sử dụng viên pin 60Wh, mức pin phổ thông của dòng máy Legion 5 Intel cũng như AMD. Mặc dù dung lượng pin có vẻ hơi khiêm tốn đối với một chiếc gaming laptop, chiếc máy này lại cho thời gian sử dụng rất tốt. Với độ sáng 50%, sử dụng Wi-Fi và có mở một chút Lightroom và illustrator, máy cho thời gian sử dụng lên tới 5 tiếng 15 phút, tốt hơn nhiều so với các dòng laptop gaming trên thị trường hiện tại. Khi sử dụng Full Load, máy chỉ có thể trụ được trong vòng 1 tiếng rưỡi, tương đương phần đông các dòng laptop Windows khi chạy nặng.

Kết lại

Dù chỉ là một chiếc gaming laptop phổ thông, với cấu hình ở mức trung bình, Lenovo Legion 5 AMD lại trở thành tâm điểm đáng chú ý nhất trong cộng đồng, thậm chí hơn cả những gì mà HP hay Asus công bố về những laptop sử dụng dòng chip AMD Renoir, nhờ mức giá rẻ nhưng hiệu năng thực tế lại vô cùng ấn tượng. Cùng với đó, chiếc máy cũng mang theo nhiều thay đổi tích cực, phù hợp với người dùng trong quá trình sử dụng hàng ngày. Sau cùng, Lenovo Legion 5 AMD xứng đáng là laptop gaming phổ thông đáng mua nhất trong năm nay.

Tham khảo thêm các sản phẩm Legion 7 chính hãng khác như:,,...

Hay các mẫu laptop gaming xịn sò với đa dạng phân khúc để lựa chọn như:,,,,, ,... tại các chuỗi hệ thống cửa hàng Chúng tôi trên toàn quốc nhé!

Nguồn: Đánh giá chi tiết Lenovo Legion 5 AMD: Rất xuất sắc
💬 bình luận
1

Bình luận

Trở thành viên của itcctv — Đăng ký
Thủ thuật tin học văn phòng Thủ thuật Word Thủ thuật Excel
Cuộn