Đánh giá kỹ lưỡng Dell G15 5515: Liệu có đáng mệnh danh là Alienware bình dân?

Doanh nghiệp gần bạn nhất

được xác nhận bởi itcctv

Đánh giá kỹ lưỡng Dell G15 5515: Liệu có đáng mệnh danh là Alienware bình dân?
Hình ảnh rao vặt

Đánh giá kỹ lưỡng Dell G15 5515: Liệu có đáng mệnh danh là Alienware bình dân?

Cũng được một thời gian kể từ khi ra mắt phiên bản Dell G5 SE, thương hiệu nước Mỹ mới lại trở lại với một series sản phẩm sử dụng vi xử lý AMD. Không chỉ mang trên mình bộ đôi phần cứng Đỏ - Xanh mạnh mẽ, sức hút của Dell G15 5515 Ryzen Edition còn đến từ những chỉnh sửa cả về ngoại hình – vẫn đậm chất Alienware để thu hút được sự chú ý. 

Có người gọi vui rằng đây là một chiếc “Alienware tầm trung”, nhưng những gì sản phẩm này làm được có xứng tầm với biệt danh đó? Hãy cùng Chúng tôi tìm hiểu thông qua bài đánh giá chi tiết này nhé. 

Thiết kế - Phom dáng “Tàu bay” khó lẫn đi đâu khác

Về thiết kế thì một lần nữa, chúng ta sẽ có được một dáng vẻ rất “Alienware” trên Dell G15 5515 Ryzen Edition, có điều cụm đuôi sau sẽ được làm hầm hố hơn mà thôi. Có vẻ công ty nước Mỹ vẫn muốn sử dụng công thức thành công như đã có với Dell G7 15 7500 của năm 2020, và điều này có vẻ một lần nữa lại tỏ ra hiệu quả - ít nhất là về mặt thẩm mỹ - với chiếc máy của chúng ta. Đặt cạnh một số đối thủ ra mắt cùng năm, Dell G15 5515 Ryzen Edition vẫn nổi bật hơn hẳn. Trong khi thiết kế của MSI – dù có đôi chút chỉnh sửa – vẫn chưa thể tỏ ra quá mới mẻ, thì Lenovo Legion lại thiên về sự tinh tế, tối giản – hướng tới đối tượng hoàn toàn khác. 

Bao phủ dáng dấp “tàu bay” đặc trưng của Dell G15 515 sẽ là lớp sơn phủ màu Bạc Phantom Grey nhám nhẹ, điểm xuyết những chấm đen nhỏ trang trí. Cá nhân người viết rất thích lớp phủ này, cảm giác chạm rất vừa tay, mà lại không “mỏng manh” dễ xước như trên Alienware m15-series. Ngoài ra, G15 5515 cũng có một số chi tiết nhỏ để tạo sự mới mẻ và tăng tính nhận diện so với các sản phẩm khác, có thể kể đến hoạ tiết tam giác ở nắp máy hay logo G-Shift tinh tế ở bên phải đuôi máy. 

Về chất lượng build, chiếc này sẽ dừng ở mức ổn với lớp vỏ cấu thành hoàn toàn từ nhựa. Hiện tượng flex vẫn có thể thấy được ở một vài điểm chẳng hạn như khung phím, nhưng phải có lực tương đối thì điều này mới xảy ra, không ảnh hưởng tới trải nghiệm dùng thông thường. Nhưng dù sao thì về cân nặng (2.5kg) và độ dày (2.72cm cho phần đuôi), sản phẩm vẫn nhỉnh hơn đa phần đối thủ cùng tầm. Vậy nên sẽ tốt hơn nếu chất build đi kèm đó cũng được đảm bảo. 

Nhưng cũng nhờ độ dày lớn mà Dell G15 5515 vẫn tương đối đầy đủ cổng kết nối như thường lệ. Ở mặt sau máy chúng ta sẽ có 1 cổng USB-C 3.2 Gen2 tích hợp DisplayPort 1.4, 1 cổng USB-A 3.2, cổng HDMI và cổng nguồn ở cạnh sau – đều là những kết nối cần dây dài; cổng LAN RJ45 và jack tai nghe 3.5mm combo ở cạnh trái và 2 cổng USB-A 3.2 Gen1 ở cạnh phải (1 cổng có PowerShare). 

Hơi tiếc một chút là chúng ta sẽ không có khe thẻ SD để có thể tận dụng máy tốt hơn cho các công việc liên quan đến multimedia. Và lưu ý một chút là với hai cổng USB-A ở cạnh phải, chỉ tuỳ chọn cao cấp sử dụng RTX 3060 mới có được. Còn lại thì các máy chạy RTX 3050 hay 3050Ti thì sẽ chỉ là USB-A 2.0 với tốc độ truyền tải dữ liệu chậm hơn. 

Bản lề của máy cho cảm giác mở đầm, chắc chắn để an tâm sử dụng – khá là bất ngờ khi cụm màn hình của máy theo cảm nhận của người viết là nặng hơn so với những thế hệ trước đó. 

Màn hình – Mượt mà, rộng rãi, đảm bảo về màu sắc

Màn hình của Dell G15 5515 Ryzen Edition có được phần viền tương đội mỏng, đặc biệt là ở hai bên – phát huy rất tốt ưu điểm từ G7 15 7500. Viền dưới và trên có dày hơn nhưng không quá ảnh hưởng về thẩm mỹ, và cũng đủ để chúng ta có những tiện ích cần thiết như webcam HD để stream, học hay làm việc online. Đi kèm với kích thước 15.6-inch, độ phân giải FullHD (1920 x 1080) cùng tần số quét tương đối cao là 165Hz; trải nghiệm hình ảnh máy cho ra khi chơi game là rất sắc nét và mượt mà, phù hợp từ để giải trí thông thường cho tới “tryhard” với các tựa game Esports có tính cạnh tranh cao (CS:GO, VALORANT, Apex Legends, v.v). 

Lưu ý một chút là về tần số quét, Dell G15 5515 Ryzen Edition sẽ có hai tuỳ chọn là 120Hz – tương tự với Dell G5 2020 - và 165Hz như người viết đang trên tay. Tương ứng với đó sẽ là các mức độ phủ màu và độ sáng khác nhau (64% sRGB và 250 nits với bản 120Hz, 100% sRGB và 300 nits với bản 165Hz). Điểm chung về chất lượng màu của hai phiên bản này có chăng sẽ là độ tương phản ấn tượng (1300:1). 

Màn hình của Dell G15 5515 Ryzen Edition cũng có được một lớp chống chói đặc trưng, giúp trải nghiệm sử dụng ở nhiều điều kiện ánh sáng khác nhau của máy là đảm bảo chất lượng. Cộng thêm việc đang sở hữu phiên bản có chất lượng màu tốt (100%), nên người viết cũng thử tận dụng để làm một số công việc liên quan tới hình ảnh như cắt ghép, chỉnh sửa màu sắc, v.v. ở mức cơ bản và cảm thấy tương đối hài lòng. 

Bàn phím và touchpad – Tốt nhất từ trước đến nay trên Dell G?

Bàn phím là một trong những điểm mạnh nhất trên Dell G15 5515 Ryzen Edition, với hành trình có được là rất sâu cùng trải nghiệm gõ đậm chắc – khác hẳn cảm giác có được trên các sản phẩm Dell G của 2020. Khung phím có flex khi nhấn mạnh nhưng lúc gõ thì vẫn chắc chắn, không có gì bất thường; và ở dưới sẽ là hệ thống đèn nền với hai nấc sáng – tuỳ từng phiên bản sẽ là LED đơn sắc Đỏ hay RGB 4 vùng. 

Kích thước của phím vẫn sẽ là full-size đầy đủ số và chữ, phù hợp để sử dụng với đa dạng nhu cầu từ làm việc cho tới gaming. Điều mà người viết chưa hài lòng ở đây có chăng sẽ năm ở cụm phím mũi tên, hơi nhỏ nên việc sử dụng sẽ có phần khó khăn. 

Phía trên bàn phím sẽ là hệ thống khe thoát khí được làm đan chéo khá bắt mắt. Kết hợp với hai khe hai bên và hai khe ở thân sau hứa hẹn sẽ cho ra khả năng lưu thông tốt. 

Touchpad của sản phẩm được phủ nhựa, cho trải nghiệm tracking vẫn ổn nhờ driver Windows Precision. Có điều kích thước của nó sẽ hơi nhỏ và khi nhấn vào hai bên thì có hiện tượng chòng chành – chưa rõ đây là lỗi chung hay chỉ duy nhất trên sản phẩm này. 

Hiệu năng – Bung toả tối đa 

Dell G15 5515 Ryzen Edition sở hữu khá nhiều mức cấu hình khác nhau, vì vậy nên cũng có những sản phẩm có mức giá khởi điểm tương đối ổn (từ 27.990.000đ với tuỳ chọn cơ bản, tham khảo tại hệ thống máy tính Chúng tôi). Sản phẩm người viết có dịp trải nghiệm là bản cao cấp với APU AMD Ryzen 7 5800H 8 nhân 16 luồng, card đồ hoạ NVIDIA RTX 3060 6GB, 16GB RAM DDR4-3200MHz chạy kênh đôi và 512GB SSD NVMe phục vụ lưu trữ. Với các sản phẩm từ tầm giá 35 triệu Đồng trở lên thì đây là tổ hợp xuất hiện tương đối thường xuyên, và bạn hoàn toàn có thể yên tâm thực hiện đa phần các tác vụ hiện thời mà không gặp vấn đề gì. 

Với kiến trúc Zen 3 tăng cường khả năng tính toán, tiến trình 7nm tối ưu hơn về điện năng cùng số nhân luồng lớn; APU AMD Ryzen 7 5800H vẫn tỏ ra cực kỳ mạnh mẽ trước hầu hết các ứng dụng mà chúng ta sử dụng mỗi ngày. Xung nhịp của nó lúc chạy nặng cũng lên được tương đối cao là 4.4GHz, góp phần giúp các tác vụ được hoàn thành nhanh chóng. Trong khi đó với card đồ hoạ RTX 3060 6GB, công suất toả nhiệt của linh kiện này có thể lên tới 125W (đã có Dynamic Boost 2.0), một mức điện rất cao với series 3060 Mobile nói chung. 

Thử nghiệm Dell G15 5515 Ryzen Edition với một số tựa game AAA đang hot như Deathloop, Cyberpunk 2077 hay Control: Ultimate Edition thì với High Settings, mức FPS người chơi có được sẽ dao động vào khoảng 65 – 85 tuỳ từng tựa game. Còn với các tựa game Esports như CS:GO, VALORANT thì FPS sẽ trên 150, thoải mái để tương thích với tần số quét 165Hz. Ngoài ra, MUX Switch cũng là một yếu tố đáng lưu tâm trên sản phẩm này, với khả năng giúp card đồ hoạ rời trở thành công cụ đảm đương trực tiếp việc xuất hình lên màn hình hiển thị, hạn chế hiện tượng nghẽn và sẽ giúp FPS game được đẩy lên cao. 

Tuy nhiên theo một số nguồn đánh giá uy tín, con số này có thể được nâng cao hơn nữa (khoảng 5-7 FPS) nếu chúng ta thay đôi RAM x16 bên trong máy bằng một đôi RAM x8. Đây cũng là vấn đề mà người dùng cần để ý khi chọn mua máy. 

Về nhiệt độ thì với Dell G15 5515 Ryzen Edition, con số vẫn sẽ là tương đối cao với hơn 90 độ C cho CPU và khoảng 80 – 85 độ C cho GPU. Với những ai đã quen với các sản phẩm thì đây cũng không phải điều lạ, khi hãng vẫn luôn chấp nhận đánh đổi nhiệt độ cao để giúp phần cứng bung toả công suất toả nhiệt. May mắn thay là phần phím của máy sẽ không quá nóng, nhiều khu vực bề mặt vẫn có con số dưới 40 độ C. 

Thời lượng pin – Tương đối ổn so với cấu hình

Cuối cùng thì về thời lượng pin, Dell G15 5515 Ryzen Edition với viên pin 87Wh hoàn toàn có thể cho ra thời lượng pin tạm ổn. Tất nhiên để làm được điều này thì chúng ta sẽ cần tắt NVIDIA Optimus đi, qua đó chỉ để card tích hợp chạy để tránh tiêu tốn năng lượng. Với các tác vụ văn phòng cùng độ sáng 50%, máy có thể cho ra khoảng 4 – 4.25h on-screen, có thể xem là ổn xét tới cấu hình “quái vật” mà chúng ta đang có, chưa kể thêm màn 165Hz vốn tiêu tốn nhiều năng lượng nữa. 

Kết luận

Và đó là những đánh giá của về Dell G15 5515 Ryzen Edition, chiếc đang nhận được không ít sự chú ý của cộng đồng từ giữa năm đến giờ. Tuy vẫn chỉ đơn giản là dùng lại công thức thành công của Dell G7 15 7500, nhưng cũng không thể phủ nhận sự cố gắng của hãng khi cũng đã đưa vào những nâng cấp nhỏ nhưng cần thiết. 

Nhìn chung, 5515 vẫn có những điểm yếu, nhưng ít nhất chúng sẽ không khiến mọi thứ trở nên tệ đi như phiên bản G5 SE chạy vi xử lý AMD gần nhất của hãng. Trái lại, chúng hoàn toàn có thể được sửa nếu bạn thêm tiền để lên những phiên bản cao cấp, và khi đó thì chúng ta sẽ có được một sản phẩm thực sự ổn – một Dell G5 5515 Ryzen Edition ở “đỉnh cao phong độ”. 

Ngoài ra, Chúng tôi cũng đang kinh doanh một số mẫu laptop Dell khác như,,,, ...Hãy ghé qua ngay hôm nay để nhận được nhiều ưu đãi nhé!

---------------------------

Chúng tôi là hệ thống bán lẻ máy tính và phụ kiện uy tín tại Việt Nam với chuỗi cửa hàng trải nghiệm độc đáo và đội ngũ tư vấn chuyên sâu, hình thức thanh toán đa dạng và bảo hành uy tín, tin cậy giúp khách hàng tự tin lựa chọn các sản phẩm công nghệ phù hợp nhất.

Nguồn: Đánh giá chi tiết Dell G15 5515: Xứng đáng là "Alienware trung cấp"?
💬 bình luận

Bình luận

Trở thành viên của itcctv — Đăng ký
Thủ thuật tin học văn phòng Thủ thuật Word Thủ thuật Excel
Cuộn