Chất lượng các game bom tấn khi chuyển sang PC ngày càng giảm, nguyên nhân là gì?

Doanh nghiệp gần bạn nhất

được xác nhận bởi itcctv

Chất lượng các game bom tấn khi chuyển sang PC ngày càng giảm, nguyên nhân là gì?
Hình ảnh rao vặt

Chất lượng các game bom tấn khi chuyển sang PC ngày càng giảm, nguyên nhân là gì?

Mới đây, cộng đồng game thủ quốc tế trên Steam đang tỏ ra chú ý với một bình luận đánh giá về Wild Hearts - tựa game săn quái vật giá hơn 1 triệu Đồng được EA phát hành cách đây 4 ngày. Tuy đây chỉ là một trong số hơn 1700 đánh giá tiêu cực về trò chơi (hiện đang ở trạng thái Mixed), nhưng nó đã phản ánh chính xác và ngắn gọn thực trạng của nhiều bản port PC gần đây của các game AAA: “Mức giá của game (vài chục USD) cao hơn nhiều so với lượng FPS mà bạn có.”

Ngay khi xuất hiện, 571 người đã đánh dấu bình luận này là “Hữu ích”, và nó khiến chúng ta chợt nhận ra thực tại đáng buồn. Nhiều game thủ PC đã nhớ lại về những sản phẩm đi trước gần đây như Warhammer 40K: Dark Tide, Final Fantasy 7 Remake: Intergrade hay Elden Ring và đau đớn nhận ra, nền tảng tưởng chừng không có giới hạn của mình đã bị “đối xử” bất công đến thế nào.

Game port lên PC kém chất lượng? Câu chuyện không hề mới

Ở thời kỳ người viết mới biết tới game AAA trên PC là khoảng 2015 - 2016, chúng ta cũng đã có những sản phẩm với chất lượng… bất ổn như NieR: Automata, Batman Arkham Knight hay The Witcher 3: Wild Hunt. Thậm chí với hành trình của Geralt thì gần đây, phiên bản Next Gen trên PC với Ray Tracing còn bị lỗi không thể khởi chạy, phải đợi cập nhật vá gấp mới có vẻ như được khắc phục.

Và cách đây đúng một thập kỷ, chúng ta đã có Dark Souls: Prepare to Die. Một bản port PC cực kỳ tiềm năng khi game đã rất thành công trên console, nhưng những gì game thủ có được chỉ là Blighttown với mức FPS “hấp hối”, hỗ trợ chuột phím cực kém,... cho đến khi các modder ra tay.

Tuy nhiên, đó là câu chuyện của những năm cũ. 2023 mọi thứ đã rất khác xưa, và điều này khiến chất lượng kém cỏi của các bản port PC càng trở nên khó chấp nhận. Ở nhiều tựa game lớn, FPS vẫn trồi sụt sau mỗi 30 giây, và nếu có 10.000đ cho mỗi lần như vậy thì game thủ chúng ta có khi sẽ hoàn vốn chỉ sau thời gian ngắn.

Thực tế, vẫn có những sản phẩm lớn khi đưa từ console lên PC đã hoạt động thực sự “ngon”. Một vài cái tên tiêu biểu có thể kể tới Spider-Man: Remastered của Insomiac Games, Death Stranding của Kojima Productions hay “siêu tân binh” Hi-Fi Rush của Tango Gameworks. Mặc dù vậy thì như một nhà báo nào đó, “như vậy là quá ít” để chúng ta quên đi được nỗi lo về hiệu năng PC của những siêu phẩm sắp ra mắt.

Không chỉ game thủ tỏ ra mệt mỏi…

Chia sẻ với PCGamer, Alex Battaglia - người từng là reviewer về hiệu năng game cho Digital Foundry vào năm ngoái - đã nói rằng mình “gần như kiệt sức với các bản port PC”. Anh ghi nhận những khía cạnh tích cực mà game port từ console lên PC phát triển trong nhiều năm qua (thêm nhiều tùy chọn đồ họa, ít bị khóa FPS, v.v.) và số lượng của chúng tới với game thủ, nhưng vẫn còn quá nhiều vấn đề cần giải quyết.

Battaglia cũng không quên đưa ra một số quan điểm về cách mà game port lên PC có thể trở nên tốt hơn. Và khi xem xét kỹ, chúng cực kỳ tương đồng với những gì được đưa ra cách đây 8 năm bởi modder nổi tiếng Durante - khi nói về “thảm họa” port PC Dark Souls: Prepare to Die. Gần một thập kỷ đã trôi qua, công nghệ đã tiến hóa nhưng những vấn đề cũ vẫn được gọi tên. Nghe cũng đáng buồn nhỉ?

Phần cứng PC tăng giá cũng là cái tội?

Một nguyên nhân khác cũng gây ra ảnh hưởng chính là sự tăng giá phi mã của linh kiện PC high-end, như cách mà “RTX 4080 có giá cao hơn 500 USD so với RTX 2080 ra mắt cách đây 5 năm” - theo cây viết Dave James cũng của PCGamer. Với ngân sách bỏ ra chỉ riêng cho RTX 4080 là 1200 USD (tại Việt Nam là khoảng 40 triệu Đồng), chúng ta đã dựng được cả một dàn máy “ngon” với RTX 2080 mà vẫn thừa tiền.

Thông thường, các tựa game lớn sẽ được thử nghiệm trên cấu hình hạng nặng để đảm bảo ít xảy ra lỗi, kiểm tra một số khía cạnh của game và phô diễn sức mạnh đồ họa - chính là thứ chúng ta hay thấy trong các video teaser, gameplay trailer trên YouTube. Tuy nhiên đến khi phát hành, chúng thường sẽ được cắt giảm nhiều để phù hợp với cấu hình đại chúng, và đó là lúc nhiều bất cập xảy đến.

Hoặc bạn trải nghiệm với cấu hình “thường” để rồi gặp phải nhiều vấn đề về hiệu năng, đồ họa,... do điều kiện thử nghiệm và thực tế của game quá khác biệt, hoặc bạn bỏ ra rất nhiều tiền cho PC High-end và không nhận được chất lượng như kỳ vọng. Một trong hai, bạn sẽ muốn rơi vào trường hợp nào? Tất nhiên là không cái nào rồi.

Tuy nhiên, cốt lõi vẫn là ở quá trình phát triển mà thôi…

Nếu nhìn nhận công tâm thì chính ra, phần cứng PC không hề có tội trong đa số trường hợp trải nghiệm game tồi tệ của chúng ta. Hiện tại các hãng làm phần cứng đã có trong tay rất nhiều công nghệ mạnh mẽ, chưa kể mỗi game ra mắt đều hợp tác chặt chẽ với các nhà phát triển để có driver tối ưu hiệu năng nhanh nhất. Vậy rốt cuộc, vấn đề cốt lõi nằm ở đâu? Tất nhiên sẽ là từ việc quá trình phát triển game rồi.

Khi nhìn vào những trường hợp cụ thể, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra sự đúng đắn của kết luận trên. Có những lỗi game mà nhà phát triển để tới cả năm, thậm chí là nhiều năm mà không sửa, cho tới khi cộng đồng ra tay thì mới ổn được:

  • Forspoken đòi hỏi phần cứng nặng như Cyberpunk 2077, nhưng có chất lượng đồ họa tệ hại - so cả với trailer lẫn mặt bằng chung game thể giới mở hiện đại.

  • Horizon Zero Dawn cập bến PC với rất nhiều lỗi nghiêm trọng như hỏng bộ lọc dị hướng (anisotropic filtering) hay tụt giảm hiệu năng khi chạy ở chế độ Không viền (Borderless Windowed), tuy nhiên đã được khắc phục.

  • The Callisto Protocol lỗi file gây ra khựng hình nghiêm trọng trên PC, cũng đã được khắc phục.

  • Gotham Knights là một thảm họa về đồ họa dù đòi hỏi phần cứng rất mạnh. Theo những nhận xét mới nhất trên Steam thì game vẫn đang bị khựng và “sập” sau mỗi 15 phút.

  • Hogwarts Legacy, Final Fantasy VII Remake: Intergrade, Stray, Kena: Bridge of Spirits hay Evil West đều bị khựng hình do Unreal Engine 4.

  • Elden Ring thời gian đầu gần như không thể chơi được do tình trạng đứng hình, sau khi được sửa thì vẫn đôi lúc gặp vấn đề về hiệu năng, dù bản PC đã khóa 60 FPS.

  • Marvel: Midnight Suns bị kìm hãm hiệu năng bởi launcher cực ngốn tài nguyên của 2K Games, tắt đi là FPS tăng vọt.

  • Dead Space Remake cũng gặp vấn đề về đổ bóng động (variable rate shading), dẫn tới nhiều chi tiết bị mờ và đứng hình, tuy nhiên đã được sửa.

Trớ trêu thay, việc một tựa game sẽ có khả năng bất ổn ngay từ ngày ra mắt lại trở thành thứ gì đó là game thủ đang dần phải quen. Người viết đã từng bỏ ra tới 800.000đ cho Elden Ring, dậy lúc gà gáy để vào game ngay ngày ra mắt để rồi… ngậm ngùi thoát ra do hình ảnh quá giật, không chơi nổi,... thực sự là buồn.

Thực ra, một tựa game gặp lỗi từ ngày ra mắt vẫn có thể được tha thứ, nếu những lỗi đó không ảnh hưởng tới trải nghiệm cơ bản hoặc được vá rất nhanh từ NPT. Còn lại thì chắc chắn là không, ví dụ như Wild Hearts lúc này trên PC vẫn rất tệ (trên console cũng thế), và vấn đề thì chỉ có thể tới từ quá trình phát triển mà thôi.

Tại sao thử nghiệm rồi nhưng những lỗi như vậy vẫn diễn ra, EA liệu có biết về chuyện này không, nếu biết thì sao vẫn phát hành, v.v.? Rất nhiều câu hỏi có thể được đặt ra lúc này với Wild Hearts, và thực tế thì luôn có những giải pháp để khắc phục vấn đề này, chỉ là chúng ta có làm hay không mà thôi.

Những giải pháp luôn có sẵn, nhưng…

Về cơ bản nếu một tựa game chưa hoàn thiện ở gần thời điểm ra mắt, NPT có thể sử dụng một giải pháp đơn giản để khiến nó tốt lên là… trì hoãn. Đúng vậy, điều này là không hề dễ dàng, nhưng nếu có thể giải thích vấn đề đang gặp phải một cách rõ ràng và hợp lý thì mọi thứ sẽ không đến nỗi quá tệ - cả với game thủ lẫn NPH.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, một số NPH vẫn sẽ bất chấp tình hình để buộc game phải ra đúng deadline, qua đó thu được lợi nhuận nhanh chóng. Và điều này dẫn đến giải pháp thứ hai có thể tính tới đó là đảm bảo quá trình thử nghiệm diễn ra thật kỹ lưỡng, qua đó tiết kiệm tối đa thời gian phát triển và có khoảng hở cho vấn đề phát sinh.

Một “chiêu” khác mà các NPT game lớn có thể học hỏi các studio indie đó là phát hành game dưới dạng Early Access. Điều này có thể giúp giữ kỳ vọng của cộng đồng ở mức vừa phải, giúp NPT có thể tiếp tục sửa lỗi, tuy nhiên nếu đây là các sản phẩm lớn thì vấn đề “hàng chưa hoàn thiện mà vẫn bán đúng giá” sẽ lại nổi lên.

Tạm kết

Vấn đề còn nhiều, giải pháp thì cũng có sẵn, tuy nhiên theo một cách nào đó cả NPT lẫn NPH đều chưa thể cân đối được để cho ra những sản phẩm AAA chạy đủ ổn trên PC. Trong khi đó khách hàng là game thủ chúng ta vẫn phải bỏ ra nhiều tiền, mà sản phẩm nhận về có chạy tốt hay không thì vẫn… hên xui, một điều không dễ để chấp nhận.

Nhìn chung, hi vọng mọi thứ trong năm 2023 sẽ khá hơn. Tuy nhiên khả năng cao bóng ma về hiệu năng cho các bản port PC vẫn sẽ chưa thể buông tha cộng đồng ngay được.

Tham khảo PCGamer

Nguồn: Game bom tấn port lên PC đang ngày càng tệ, vì đâu nên nỗi?
💬 bình luận

Bình luận

Trở thành viên của itcctv — Đăng ký
Thủ thuật tin học văn phòng Thủ thuật Word Thủ thuật Excel
Cuộn