Không chỉ đem lại cho con người nhiều lợi ích, sự phát triển của công nghệ cũng có thể để lại nhiều hệ lụy nếu bị tận dụng sai mục đích. Một trong số đó chính là những vụ lừa đảo qua cuộc gọi, tin nhắn,.. vốn đã quá quen thuộc lâu nay trên không gian mạng. Ngày nay, người dùng mạng đã cảnh giác với những chiêu trò thường thấy, nhưng kẻ xấu đã bắt đầu tìm ra các biện pháp tinh vi hơn, vượt qua cả những phép kiểm tra tưởng chừng đáng tin nhất.
Cụ thể, chúng sẽ đi thu thập những video cũ của người dùng, sau đó cắt ghép hoặc sử dụng công nghệ Deepfake để tạo ra các thành phẩm giả. Khi nạn nhân muốn kiểm tra bằng cách gọi trực tiếp, chúng sẽ phát lại những video này nhưng với chất lượng rất kém. Người trong video thường sẽ có quen biết với nạn nhân ngoài đời, và tất nhiên sẽ phát ra giọng điệu, cách xưng hô quen thuộc. Khi ấy nạn nhân sẽ chẳng mảy may nghi ngờ, chỉ nghĩ là người kia đang gọi ở khu vực có sóng yếu.
Dạo quanh trên mạng thời gian gần đây, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những sự vụ đáng tiếc như vậy. Trường hợp của chị M (Hà Nội) là một trong số đó, khi kẻ lừa đảo đã dùng một video có mặt bạn của chị để thuyết phục, nhờ chuyển cho hắn một số tiền lớn. Thấy tin tưởng sau khi gọi video, chị đã chuyển ngay tiền cho “bạn”. Tuy nhiên đến tối, “người thật” lại thông báo tài khoản của mình đã bị hack, lúc ấy nạn nhân mới tá hỏa là bị lừa.
Khi gọi video để xác nhận, đầu dây bên kia vẫn hiện lên khuôn mặt và giọng của người nhận, xưng hô cũng rất chuẩn. Có điều hình ảnh lúc đó rất mờ, âm thanh khó nghe, nhưng khi đã nhận dạng bên kia đầu dây thành công thì nạn nhân chỉ nghĩ đó là do sóng yếu.
Vậy là một trong những phương pháp có thể coi là an toàn nhất để chống lừa đảo cũng đã bị “qua mặt”, ít nhất là với bộ phận không nhỏ người dùng phổ thông với hiểu biết cơ bản về công nghệ. Theo giới chuyên gia, các đối tượng lừa đảo sẽ thu thập rất nhiều thông tin được đăng tải công khai bởi nạn nhân trên MXH, qua đó tạo ra những chiêu trò lừa đảo sao cho hợp lý.
Khi nạn nhân tỏ ra cảnh giác và muốn gọi điện thoại để kiểm tra, chúng sẽ dùng các phần mềm cắt ghép chỉnh sửa để đánh lừa. Lúc đó, rất nhiều người sẽ khó có thể nhận biết, khi video dùng để lừa đảo có đủ các yếu tố cơ bản để họ nhận dạng người quen từ ngoại hình, giọng nói, xưng hô, v.v.
Hack Facebook để dễ bề lừa đảo qua danh sách bạn bè, đó là chiêu trò đã quen thuộc trong nhiều năm gần đây. Tuy nhiên giờ đây thay vì chỉ nhắn tin qua Messenger, những kẻ lừa đảo đã táo bạo hơn nhiều nhờ học hỏi được cách sử dụng công cụ tân tiến.
Để tránh những thiết hại đáng tiếc, người dùng tốt hơn hết phải đề cáo cảnh giác hơn nữa khi được người quen hỏi mượn tiền hay giả mạo các sự vụ nghiêm trọng cần tiền gấp. Một trong những cách có thể dùng là hỏi thêm những câu mà đáp án chỉ hai bên biết, khi đó tỉ lệ khiến kẻ xấu lộ diện sẽ cao hơn.
Tham khảo GenK và VTV