Theo thông tin từ Nikkei Asia, các ông lớn công nghệ lớn nhất Trung Quốc bao gồm Alibaba, Tencent, Baidu, NetEase và đều đang gấp rút phát triển các phiên bản AI tương tự ChatGPT của riêng mình. Bất chấp việc triển vọng thương mại của công nghệ này vẫn còn chưa rõ nét, nhưng nhìn vào sự bành trướng khủng khiếp của “siêu chatbot” này chỉ sau hai tháng ra mắt thì đúng là thật khó để không quan tâm.
Dự kiến, những cái tên trên đều sẽ tiết lộ kế hoạch của mình ngay trong tuần để thử nghiệm và ra mắt các dịch vụ giống ChatGPT của riêng mình. Họ mong muốn thế giới có thể thấy được thành quả nghiên cứu trí tuệ nhân tạo của mình, cũng như nhanh chóng đuổi kịp ChatGPT, mới đây đã chính thức trở thành ứng dụng tiêu dùng phát triển nhanh nhất lịch sử kể từ ngày ra mắt.
Một ông lớn khác là Google mới đây cũng đã không thể ngồi yên, khi đã nhanh chóng giới thiệu AI Bard - thành quả mới nhất của công ty để cạnh tranh với ChatGPT. Tuy nhiên áp lực đâu chưa thấy, chỉ thấy Bard đã trả lời sai kiến thức và ngay lập tức khiến 100 triệu USD vốn hóa của công ty mẹ Alphabet Inc. không cánh mà bay.
Bên cạnh mang ý nghĩa về công nghệ, những cuộc cạnh tranh như thế này cũng mang ý nghĩa địa chính trị sâu sắc. Cụ thể thì chắc chắn, nó sẽ liên quan không ít đến mối quan hệ Mỹ - Trung được cho là luôn căng thẳng gần đây.
Nhờ AI, cổ phiếu của các tập đoàn Trung Quốc cũng có dấu hiệu tăng mạnh. Ví dụ như với Baidu, việc tiết lộ kế hoạch ra mắt “Ernie Bot” - một dạng chatbot kiểu ChatGPT được xây dựng dựa trên công nghệ của công ty từ 2019 - đã khiến cổ phiếu của họ tăng lên mức cao nhất trong Tháng 11.
Cuộc chạy đua AI của các ông lớn công nghệ đang để lại nhiều ý kiến trái chiều trong cộng đồng. Riêng với Trung Quốc, nhiều người đã tỏ ra hoài nghi vì nguy cơ mà AI có thể đem lại đi kèm chính sách kiểm duyệt gắt gao từ quốc gia này, khiến nội dung AI cho ra có thể sẽ không đủ phong phú.
Theo Nikkei Asia