Big tech và cơn "khủng hoảng trung niên" vì tìm kiếm cách ứng dụng công nghệ AI

Doanh nghiệp gần bạn nhất

được xác nhận bởi itcctv

Big tech và cơn "khủng hoảng trung niên" vì tìm kiếm cách ứng dụng công nghệ AI
Hình ảnh rao vặt

Big tech và cơn "khủng hoảng trung niên" vì tìm kiếm cách ứng dụng công nghệ AI

Có lẽ đến chính những gã khổng lồ ở Silicon Valley khi phải đối mặt với một xu hướng mới, cũng không tránh khỏi “khủng hoảng tuổi trung niên.” Một phút trước đó thôi, họ là người đi đầu, lật đổ các ngành công nghiệp cũ kỹ. Nhưng rồi ngay phút tiếp theo, họ lại đối diện với vực thẳm như cái cách mà Elon Musk thường nói, và chứng kiến sự gián đoạn trong quá trình kinh doanh và phát triển.

Hầu hết, nếu như không phải tất cả, trong số 7 tập đoàn công nghệ lớn nhất, được Phố Wall đặt cho biệt danh là Magnificent Seven đều đang ở vào tình thế đó. Họ đang cố gắng tìm hiểu mối đe dọa đến mô hình kinh doanh truyền thống từ trí tuệ nhân tạo.

Sự thật này đã được phơi bày trong những tuần gần đây: Cổ phiếu tập đoàn Alphabet giảm hơn 7% vào hôm thứ 4 tuần trước, sau khi một lãnh đạo cấp cao của Apple tiết lộ rằng lưu lượng tìm kiếm trên các thiết bị Safari của Apple đã giảm lần đầu tiên sau 20 năm. Google sau đó thì làm rõ rằng họ vẫn thấy sự tăng trưởng tổng thể trong việc tìm kiếm, ngay cả từ các thiết bị của Apple.

Về phần mình, CEO của Apple, Tim Cook, đang cố gắng kéo dài thời gian cho công ty, thúc giục các nhà đầu tư kiên nhẫn với những trì hoãn ra mắt và ứng dụng các tính năng AI trên iPhone trong lần báo cáo kết quả kinh doanh quý gần đây.



Kế đến, là nỗ lực của Mark Zuckerberg, đồng sáng lập Facebook, để vẽ nên một tương lai tươi sáng cho đế chế quảng cáo trực tuyến của mình, cố gắng tạo ra một người bạn đồng hành AI cho những người cô đơn.

Ngay cả Musk cũng dường như đang lo lắng khi ông quay trở lại Tesla sau khoảng thời gian đến Washington để dẫn đầu bộ DOGE, khi ông này cố gắng ngăn chặn sự sụt giảm giá cổ phiếu của nhà sản xuất xe điện bằng những lời hứa về việc triển khai xe tự lái. “Chúng tôi không đứng trên bờ vực tử thần, không một chút nào cả,” Musk nói với các nhà phân tích thị trường gần đây.

Thực tế, không ai trong số những gã khổng lồ này đã bị loại bỏ hoàn toàn khỏi cuộc chơi, ít nhất là chưa. Và họ có rất nhiều lý do để cảm thấy ổn, họ là những trụ cột sinh lời cao của nền kinh tế toàn nước Mỹ và cùng nhau đại diện cho khoảng 7 nghìn tỷ USD giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, ngã rẽ mà tất cả họ cùng đang đứng, và cách họ phản ứng, xét từng cái tên đơn lẻ, trông giống như những cập nhật, những ví dụ hoàn hảo trong thế kỷ XXI để chứng minh cho những luận điểm đã từng được tác giả Clayton Christensen đề cập trong cuốn sách kinh doanh kinh điển "The Innovator's Dilemma" (Nghịch lý của người đổi mới).

Trong cuốn sách đó, tác giả Clayton Christensen đã cố gắng giải thích cách các sản phẩm hoặc dịch vụ mới thay thế những người chơi hiện tại bằng cách tạo ra các thị trường mới. Đó là một cuốn sách đã khiến thuật ngữ “gián đoạn” (disrupt) trở nên phổ biến trong các phòng họp, ngay cả khi được sử dụng theo cách mà nhà nghiên cứu quá cố Christensen không phải lúc nào cũng nghĩ đến.



Bản chất của lý thuyết của ông Christensen, là những công ty thành công, dường như làm mọi thứ đúng đắn, có thể thất bại khi các công ty nhỏ hơn, không bị ràng buộc bởi những gì đã từng xảy ra, trỗi dậy, thường với các công nghệ hoặc quy trình hoàn toàn mới. Một ví dụ của nghịch lý này, anh em hãy nghĩ về cách Netflix tiếp cận người đăng ký thuê đĩa phim qua đường bưu điện so với mô hình cửa hàng của Blockbuster.

Nhiều người tìm đến cuốn sách này để giải thích sự bùng nổ dot-com đã giúp tạo ra những ông lớn của Silicon Valley ngày hôm nay. Ngày nay, ở thời kỳ AI, đã nhìn thấy những điểm tương đồng phần nào. Giống như internet là một công nghệ mới có thể làm được rất nhiều thứ, AI nắm giữ vô số hứa hẹn. Nhưng ở giai đoạn đầu này, không rõ AI sẽ được triển khai như thế nào, hoặc bởi ai và khi nào. Cái thời bong bóng dot-com, kết cục thì trang web Pets.com chẳng phải là người chiến thắng mà nhiều người nghĩ. Đó là điều trớ trêu.


Rồi ngay cả Christensen cũng khó có thể dự đoán trước những kẻ gây gián đoạn và thay đổi hoàn toàn thị trường một cách chóng mặt, như iPhone của Apple. Khi thiết bị này ra mắt vào năm 2007, vị giáo sư kinh tế học của đại học Harvard không coi đó là mối đe dọa đối với ngành điện thoại di động. Nhưng rồi trên thực tế, thiết bị bỏ túi của Apple đã mở ra một kỷ nguyên mới của điện toán di động và nền kinh tế ứng dụng di động.

Tuy nhiên, thị trường ứng dụng đó có thể trông rất khác nếu các công ty đang tiếp cận khách hàng theo những cách khác nhau. Ví dụ, các tác nhân AI có thể lật đổ cách thức hoạt động của App Store.



Tính đến nay, phản ứng của Apple đối với AI dường như tập trung vào việc thổi phồng khả năng của Apple Intelligence. “Chúng ta chỉ cần thêm thời gian để hoàn thành công việc sao cho nó đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng cao của chúng tôi,” Cook nói với các nhà đầu tư trong cuộc gọi báo cáo kết quả kinh doanh gần đây, giải thích cho sự trì hoãn.

Ít nhất thì về phần Google, họ vẫn có một trợ lý AI, Gemini, mặc dù không rõ liệu chatbot đó có đủ để cứu vãn hoạt động kinh doanh cốt lõi của họ, quảng cáo trực tuyến, thứ chiếm phần lớn doanh thu của họ năm ngoái hay không. Doanh thu của Google đại diện cho rất nhiều lượt quảng cáo được bán cho người dùng nhấp vào các liên kết, nhưng giờ nó đang ở trong một thế giới mà mọi người ngày càng hỏi chatbot những câu hỏi như "Cuốn "The Innovator's Dilemma" nói về điều gì", chứ không click vào link như xưa nữa

Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là, hiện giờ không có nền tảng công nghệ thống trị nào nắm được trong tay công thức chiến thắng với AI ngay từ ngày đầu.


Điều đó mang lại hy vọng cho những người như Sarah Guo, một nhà đầu tư mạo hiểm trẻ tuổi ở Silicon Valley. Cô đang cố gắng tạo dấu ấn của mình bằng cách đầu tư vào startup AI mới nổi tiếp theo, với kỳ vọng họ có thể lật đổ các "ông lớn" của ngành công nghệ Mỹ.

“Có rất nhiều tuyên bố chiến lược bạn có thể đưa ra về lý do tại sao một công ty không nên tồn tại: vì Microsoft nên xây dựng nó hoặc Apple nên xây dựng hoặc Google nên xây dựng nó,” cô nói trong tập gần đây của podcast Bold Names. Nhưng, thường đối với những công ty đã có tên tuổi và vị thế, cô nói thêm, rất khó để "sáng tạo với một sản phẩm mới đầy rủi ro".



Không đâu xa, hãy nhìn vào Google. Những ngày đầu tiên ra mắt của Gemini đầy tiếng xấu, bởi những lời xin lỗi và hứa hẹn sẽ làm tốt hơn sau khi các phản hồi trò chuyện của nó bị coi là thiên vị và, theo CEO Sundar Pichai, là không thể chấp nhận được. Việc triển khai Gemini diễn ra trong bối cảnh lo ngại rằng startup OpenAI đang đi trước trong lĩnh vực này, mặc dù Google đã làm việc về AI từ trước họ rất lâu.

“Không có AI nào hoàn hảo, đặc biệt ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển của ngành công nghiệp này, nhưng chúng tôi biết tiêu chuẩn đối với chúng tôi là rất cao và chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực cho đến khi nó hoàn thành,” Pichai viết vào thời điểm đó.

Đôi khi những đột phá sáng tạo lớn, thứ mà chúng ta muốn gọi là mang tính gián đoạn thị trường, thực sự giúp duy trì các doanh nghiệp hiện có.

Microsoft, với giá trị thị trường đã vượt qua Apple một lần nữa, đang tỏ ra rất thông minh khi chấp nhận AI cho các sản phẩm phần mềm phục vụ công việc của mình. Nvidia cũng là một cái tên được hưởng lợi lớn từ các công ty AI phải xếp hàng mua hết chip đắt tiền của họ để phát triển mô hình AI. Tuy nhiên, sự xuất hiện của DeepSeek Trung Quốc và các mô hình AI mới khác, được cho là sử dụng ít hiệu năng tính toán hơn, cũng đã đặt ra những câu hỏi mới. Vị thếcủa giá trị của công nghệ mới vẫn chưa rõ ràng.

Rõ ràng đây là một tình huống tiến thoái lưỡng nan. Ít nhất thì không ai bị biến mất – ít nhất là chưa.

Theo WSJ
Nguồn:tinhte.vn/thread/big-tech-va-con-khung-hoang-trung-nien-vi-tim-kiem-cach-ung-dung-cong-nghe-ai.4018103/
💬 bình luận

Bình luận

Trở thành viên của itcctv — Đăng ký
Thủ thuật tin học văn phòng Thủ thuật Word Thủ thuật Excel
Cuộn