Chào mừng anh em đã đến với câu chuyện Apple của năm năm 2025, nơi mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn rất nhiều, hoặc vô cùng hoàn hảo đối với tập đoàn này.
Trong số tất cả những vấn đề mà Apple đang phải đối mặt ở thời điểm hiện tại, AI có lẽ là mối đe dọa lớn nhất ở tầm dài hạn. Apple đã xây dựng đế chế trị giá hàng nghìn tỷ USD của mình dựa trên những sản phẩm tuyệt vời, những sản phẩm thành công nhờ “tích hợp sâu các khía cạnh phần mềm, phần cứng và dịch vụ,” như cái cách mà CEO Tim Cook thường nhắc nhở chúng ta trong mỗi sự kiện ra mắt.
Gần đây, hai ngành được coi là trụ cột quan trọng của Apple là phần mềm và dịch vụ đang ngày càng tập trung vào AI. Trớ trêu thay, Apple hiện tại không nằm trong danh sách ngắn các công ty dẫn đầu cuộc đua AI. Google. Meta. Microsoft. OpenAI. Vài tuần một lần, họ liên tục chia sẻ những công cụ và bản cập nhật AI tạo sinh mới toanh. Còn Apple? Ít nhất nó vẫn sản xuất phần cứng để chạy những thứ "xịn" của người khác chứ, đúng không?
Vào hôm 7/5 vửa rồi, trong quá trình thẩm vấn nhân chứng tại vụ kiện chống độc quyền đối với Alphabet, Eddy Cue, phó chủ tịch cấp cao về dịch vụ của Apple, cho biết công ty đang đàm phán và có khả năng sẽ hợp tác với các công ty AI để tích hợp nhiều các công nghệ của họ vào Safari và các sản phẩm khác, để thay thế cho công cụ tìm kiếm mặc định là Google. Trong khi đó, Bloomberg và The Information từng có những bài viết đưa tin rằng Apple đã thực hiện những thay đổi nội bộ để khắc phục tình hình phát triển phiên bản mới ứng dụng LLM của Siri chẳng khác gì một mớ hỗn độn đúng nghĩa đen.
Vậy điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Có vẻ như hiện giờ đang có hai con đường rõ ràng. Anh em hãy nghiên cứu và bàn luận về hai kịch bản định đoạt số phận của Apple trong năm 2025 theo hai hướng, phụ thuộc hoàn toàn vào việc họ thành công hay thất bại với Apple Intelligence.
Từ năm 2011, Phil Schiller, một lãnh đạo cấp cao của Apple, đã giới thiệu Siri là "trợ lý thông minh của bạn, giúp bạn làm mọi việc chỉ bằng cách đưa ra câu hỏi." Kể từ đó, Apple đang cố gắng, xin phép nhấn mạnh một lần nữa là đang cố gắng thực hiện lời hứa đó. Dựa trên quá khứ và sự thất vọng mà các công cụ Apple Intelligence ban đầu mang lại, rất dễ hiểu tại sao gần như tất cả chúng ta đều đang nghi ngờ vào khả năng thành công của Apple.
Bây giờ, mức độ rủi ro đối với mô hình kinh doanh của Apple đã cao hơn nhiều. Chúng ta không chỉ nói về các lệnh giọng nói cơ bản và những câu đùa nhạt nhẽo như ngày xưa nữa. Chúng ta đang nói về công nghệ có khả năng sẽ điều khiển giao diện của mọi thiết bị, từ các thiết bị công nghệ hiện tại của Apple (iPhone, AirPods, Apple Watch) đến các thiết bị trong tương lai (kính thông minh, robot gia đình và hơn thế nữa).
Nếu Apple không thể đột phá để tạo ra những công cụ AI mạnh mẽ và hữu ích, thì Siri phiên bản mới sẽ có hai hệ quả:
Phần cứng vượt trội của Apple so với những nền tảng Android hay Windows giờ đã trở thành nền tảng cho các sản phẩm của các công ty khác, ví dụ như Gmail, Docs và Calendar của Google. Không thiếu người dùng iPhone hay MacBook chỉ dùng những ứng dụng của các bên thứ ba, không dùng những trình duyệt hay ứng dụng cài sẵn trong iOS và macOS. Nếu Apple Intelligence tiếp tục thất bại, thế kiềng ba chân phần cứng - phần mềm - dịch vụ của Apple sẽ bị lung lay.
Trong quá trình thẩm vấn tại tòa, phó chủ tịch Eddy Cue cho biết Apple đã trao đổi với Perplexity về việc tích hợp sâu hơn công cụ tìm kiếm và chatbot của họ vào iPhone. Ông cũng đưa ra dự đoán rằng các nhà cung cấp tìm kiếm bằng AI, bao gồm OpenAI, Perplexity và Anthropic, sẽ dần thay thế các công cụ tìm kiếm truyền thống như Google hay Bing.
Meta đã biến cặp kính có camera cơ bản mà họ hợp tác phát triển với Ray-Ban thành thiết bị AI tốt nhất ở thời điểm hiện tại. Hiện giờ không thiếu người dùng đeo cặp kính Ray-Ban Meta với tần suất gần như hàng ngày và hỏi AI những câu hỏi khác nhau, từ dự báo thời tiết cơ bản hoặc cách chữa ống nước bị rò rỉ, chứ chẳng ai dùng Siri.
Google cũng đang phát triển kính cạnh tranh, và OpenAI được đồn đại là hợp tác với cựu giám đốc thiết kế của Apple, Jony Ive, để làm một thiết bị trợ lý AI. Đã có những tin đồn về những cặp tai nghe hoặc một thiết bị không có màn hình, con người tương tác với thiết bị qua giọng nói, và nghe câu trả lời phát ra từ loa. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2023, CEO của OpenAI Sam Altman từng trấn an mọi người rằng thiết bị AI họ đang nghiên cứu phát triển hoàn toàn không phải là điện thoại thông minh.
Tương tự như vậy, Apple cũng được đồn đại là đang làm việc trên các dự án tương tự: AirPods có camera, kính thông minh và thiết bị gia đình. Nhưng nếu thiếu công nghệ AI cốt lõi để hỗ trợ chúng, chúng có thể không gây ấn tượng với mọi người.
"Apple đã trở thành một kẻ theo sau đúng nghĩa. Họ có nguy cơ không còn được coi là một nhà đổi mới hàng đầu trong hầu hết các lĩnh vực công nghệ," David Yoffie, giáo sư tại Trường Kinh doanh Harvard, người đã nghiên cứu Apple trong nhiều năm, nhận xét. Đương nhiên điều đó không phải là một bản án tử hình đối với Apple, như cái cách chính họ đã hạ gục Nokia và Blackberry năm xưa. Dựa trên cơ sở tập khách hàng khổng lồ của mình, Apple có một vùng đệm nhất định, nhưng nguy hiểm nằm ở chỗ điều gì sẽ xảy ra nếu họ tụt lại quá xa.
Kịch bản thứ hai, lý tưởng nhất là Siri sẽ trở thành một công cụ AI cực mạnh, đủ sức trở thành một trợ lý cho tất cả mọi người. Ở kịch bản này, Apple sẽ phải thành công trong việc khắc phục mọi vấn đề về AI của họ. Thay vì lãng phí thời gian vào cái ứng dụng tạo emoji gắn một chiếc mũi heo lên mặt chó của Genmoji, thì họ sẽ phải củng cố các mô hình ngôn ngữ lớn và nhỏ của mình, tăng cường hiệu năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên và thêm một chút "ma thuật" đặc trưng của gã khổng lồ xứ Cupertino.
Khi ấy, anh em sẽ thấy cách Apple Intelligence thay đổi cách mọi người sử dụng thiết bị công nghệ của Apple: Đầu tiên, trợ lý ảo Siri sẽ thực sự đáp ứng được lời hứa ban đầu. Không còn những lỗi chính tả kỳ quặc, các tìm kiếm web tự phát hoặc những khoảnh khắc "hỏi ChatGPT" dù đã có Siri.
Thứ hai, Siri phiên bản hoàn hảo và tuyệt vời này sẽ “sống” trong những cặp kính thông minh với thiết kế vô cùng thời trang của Apple, rồi hàng ngày hàng giờ phục vụ người dùng. Nó sẽ có khả năng nhìn thấy những gì anh em nhìn thấy và đưa ra thông tin hữu ích, chẳng hạn như xác định một vết phát ban kỳ lạ để đưa ra lời khuyên y khoa có phần hữu ích.
Thứ ba, với khía cạnh nhà thông minh và tự động hóa, robot gia đình của Apple đủ sức làm việc nhà, lau nhà, gấp quần áo và biết cách pha cà phê cho chủ nhà. Nó có khi còn có thể đặt lịch hẹn làm đẹp hay đặt bàn ở nhà hàng.
Tất nhiên, để sống trong thiên đường tự động hóa, mọi thứ đều nhờ AI của Apple như thế này có lẽ sẽ đòi hỏi một gói đăng ký Apple Intelligence+ hàng tháng với giá chừng 30 USD chứ không có chuyện mọi thứ miễn phí. Nói chuyện hơi xa nhưng thực tế Samsung hay LG cũng đang muốn tạo ra một tương lai gần kết hợp giữa robot và AI như vậy, chứ cũng không phải là quá hão huyền.
"Bạn có thể không cần tới chiếc iPhone sau 10 năm nữa, dù nghe có vẻ điên rồ," phó chủ tịch Cue nói trong quá trình thẩm vấn của mình tại tòa án, đồng thời cho biết công nghệ thay đổi như AI tạo ra những cơ hội mới cho các đối thủ cạnh tranh và sản phẩm mới. Nếu không phải là iPhone, thì rõ ràng Apple muốn trở thành trung tâm của bất cứ thứ gì tiếp theo.
Để làm được điều đó, Apple có thể cần tăng tốc hơn nữa, nhưng không được phép đưa ra những lời hứa hẹn quá mức và thất bại trong việc thực hiện như bây giờ nữa. Nhưng WWDC 2025 đang đến rất gần, và rất có thể ở hội nghị nhà phát triển của Apple, những lời hứa mới sẽ lại được đưa ra. Chúng ta sẽ phải chờ xem những lời hứa này trông sẽ như thế nào, rồi kế đến sẽ là chờ đợi xem Apple thực hiện lời hứa tốt đến mức nào.
Phó chủ tịch cấp cao Craig Federighi của Apple đã từng nói vào hồi tháng 10/2024 rằng đây là “một quá trình kéo dài nhiều năm, thậm chí hàng thập kỷ, khi công nghệ trí tuệ nhân tạo hoàn thiện và phát triển.” Hy vọng chúng ta sẽ không phải chờ đợi đến năm 2035 để Apple Intelligence trở thành thứ thực sự có ích cho mọi người.
Theo WSJNguồn:tinhte.vn/thread/apple-se-cho-chung-ta-xai-ai-gi-trong-nam-2025-nay.4016924/