Vị doanh nhân khởi nghiệp nhìn quanh một nhà hàng ở Seattle để tìm cho mình một chỗ ngồi kín đáo, nơi anh có thể trò chuyện riêng tư. Là đồng sáng lập của Annapurna Labs, một công ty thiết kế chip bí ẩn đến từ Israel, Nafea Bshara đã quá quen với việc hoạt động trong chế độ bảo mật cao. Startup của anh gần như không muốn xuất hiện trên báo chí và truyền thông, đến mức gần như không có cả trang web.
Nhưng tối hôm đó, anh thậm chí còn kín đáo hơn, vì một cuộc gặp gỡ bí mật của anh là với một lãnh đạo cấp cao từ một trong những công ty có giá trị lớn nhất thế giới. Và nó đã dẫn đến một trong những thương vụ quan trọng nhất trong lịch sử ngành công nghệ.
Cuộc thảo luận về chip bắt đầu bằng bia và rượu vang, và cuối cùng đã dẫn đến việc Amazon mua lại startup bí ẩn này với khoảng 350 triệu USD vào năm 2016. Gần mười năm sau, startup này đã trở thành yếu tố mấu chốt cho sự thành công của cả tập đoàn công nghệ khổng lồ.
Amazon từ lâu đã phụ thuộc vào doanh thu từ dịch vụ
điện toán đám mây Amazon Web Services, và tương tự, AWS lại đang phụ thuộc vào Annapurna. Toàn bộ chiến lược
AI của Amazon hiện nay được xây dựng trên nền tảng các
chip xử lý do Annapurna thiết kế, quan trọng đến mức các nhà phân tích mô tả những die silicon tùy chỉnh của Annapurna chính là "bí quyết thành công" của AWS.
Có lẽ, người hiểu rõ nhất về giá trị của Annapurna có lẽ là CEO của Amazon. Trước khi kế nhiệm Jeff Bezos, Andy Jassy đã dẫn dắt mảng kinh doanh điện toán đám mây khổng lồ của công ty và thực hiện thương vụ này.
“Nếu họ kể lại câu chuyện về AWS, thì việc chúng tôi mua lại Annapurna là một trong những khoảnh khắc quan trọng nhất," CEO Jassy kể lại.
Annapurna trở nên quan trọng hơn nữa đối với Amazon, khi sự bùng nổ của AI tạo sinh đã châm ngòi cho cuộc chạy đua công nghệ trị giá hàng nghìn tỷ USD. Ở cuộc đua đó, Microsoft và Google đã đầu tư số tiền khổng lồ vào việc phát triển những con chip hiệu năng cao, bộ não của cuộc đua trí tuệ nhân tạo. Tất cả các gã khổng lồ điện toán đám mây đều đang tự mình xây dựng phần cứng tùy chỉnh, một phần để giảm bớt sự phụ thuộc vào Nvidia. Và không có công ty nào chi tiêu nhiều hơn Amazon.
Năm nay, Amazon dự kiến sẽ chi hơn 100 tỷ USD cho các khoản đầu tư vốn, chủ yếu dành cho cơ sở hạ tầng AWS cần thiết cho các hệ thống AI. Họ thậm chí còn đang xây dựng một siêu máy tính khổng lồ, một “siêu cluster” dựa trên chip AI hiệu năng cao do Annapurna thiết kế. Tất cả những die silicon tự thiết kế và sản xuất này là lý do tại sao nó có thể cung cấp khả năng tính toán nhanh hơn, rẻ hơn và hiệu quả hơn.
Về cơ bản, có thể hiểu ngắn gọn rằng startup bán sách trực tuyến của vài thập kỷ trước giờ đang bị ám ảnh bởi chip xử lý và cơ sở hạ tầng AI. Và chiến lược của họ ngày hôm nay đã được tạo điều kiện trong im lặng từ một thập kỷ trước thông qua việc mua lại một công ty mà hầu hết mọi người chưa từng nghe đến tên.
Annapurna Labs thành lập vào năm 2011, ở một nơi rất xa phòng thí nghiệm nghiên cứu tại Austin, Texas, nơi các kỹ sư tại đây hiện đang thiết kế và thử nghiệm thế hệ chip tiếp theo. Nó được thành lập tại Israel bởi các doanh nhân có nhiều kinh nghiệm trong ngành công nghiệp chip bán dẫn, và họ quyết định cùng nhau mở một công ty.
Vào thời điểm đó, hầu hết mọi người trong ngành công nghệ đều bị cuốn hút bởi các sản phẩm tiêu dùng, từ điện thoại, máy tính bảng và thiết bị di động. Bshara và những người đồng sáng lập Annapurna lại bị thu hút hơn bởi các sản phẩm cơ sở hạ tầng: Chip xử lý, máy chủ và phần cứng cơ sở hạ tầng.
Xét một cách tổng thể, rất khó để xây dựng các sản phẩm tiêu dùng thành công bên ngoài nước Mỹ, vì vậy các công ty Israel có xu hướng tập trung vào một thị trường ngách đầy tiềm năng nhưng bị bỏ qua trong ngành công nghệ. “Chúng tôi là những người làm cơ sở hạ tầng,” Bshara nói, hiện là Phó Chủ tịch AWS, làm việc tại Silicon Valley.
Và họ đã ở đúng vị trí vào đúng thời điểm. Khi điện toán đám mây bùng nổ trong thập kỷ qua, nhu cầu đối với các sản phẩm cơ sở hạ tầng đó cũng tăng lên. Họ đặt tên startup của mình là Annapurna, lấy tên theo ngọn núi hiểm trở ở Nepal mà họ dự định chinh phục, nhưng rồi họ quá bận rộn làm việc.
Thật ra, Amazon cũng có những kế hoạch nghe có vẻ khó khăn và điên rồ, chẳng khác gì việc leo lên một trong những đỉnh núi nguy hiểm nhất thế giới.
Đối với người tiêu dùng bình thường, Amazon giống như một cửa hàng bán tất cả mọi thứ, nơi mọi người có thể đặt hàng đồ để họ ship đến tận nhà vào ngày hôm sau. Nhưng hiện nay, cỗ máy in tiền của Amazon đến từ các bộ phận kinh doanh khác. Trên thực tế, mảng điện toán đám mây AWS đóng góp hơn một nửa lợi nhuận của Amazon năm ngoái và vượt quá 100 tỷ USD doanh thu, khiến nó lớn hơn nhiều công ty lớn nhất nước Mỹ.
Khi Annapurna được thành lập, Amazon mới chỉ bắt đầu suy nghĩ về việc phát triển chip để cung cấp cho khách hàng AWS nhiều lựa chọn hơn với giá cả thấp hơn, đồng thời kiểm soát tốt hơn chuỗi cung ứng của mình.
Người thúc đẩy Amazon đổi mới đến mức tự phát triển chip xử lý chính là James Hamilton, một giám đốc điều hành của Amazon mang chức danh “kỹ sư cao cấp”. Ông dành những ngày làm việc của mình để suy nghĩ về những cơ sở hạ tầng mà hầu hết chúng ta không bao giờ nghĩ đến. Hamilton nói: “Với nhiều người, có lẽ nó không thú vị. Nhưng đối với tôi, nó thực sự hấp dẫn.”
Những cấp trên của ông đã rất thích thú khi ông viết một bản ghi nhớ cho Bezos và Jassy vào năm 2013 lập luận rằng đã đến lúc Amazon nên tự thiết kế chip. Vào thời điểm đó, nhiều người nghĩ điều này hoàn toàn điên rồ. Jassy biết rằng định hướng này sẽ tốn kém và vô cùng khó khăn. “Việc thiết kế và chế tạo một con chip không phải việc dành cho những người yếu tim.” Ông cũng biết rằng Amazon sẽ cần một đối tác để thực hiện được điều này.
Không lâu sau khi viết bản ghi nhớ mang tính bước ngoặt của mình, Hamilton rời khỏi nơi làm việc vào một buổi chiều và đến Virginia Inn ở khu Pike Place Market nổi tiếng của Seattle để gặp người đồng sáng lập Annapurna. Bshara khi đó không mang theo máy tính, vì anh nghĩ rằng sẽ khó khăn khi trình bày từ một chiếc laptop trong quán bar. Thay vào đó, anh đã đến một cửa hàng UPS gần đó và in bốn trang slide giới thiệu về Annapurna giải thích họ là ai, họ làm gì và họ làm như thế nào, và tại sao họ nên làm điều đó cho AWS.
Sau khi hợp tác, ngay cả những nhân viên AWS mê kỹ thuật và công nghệ nhất cũng phải ấn tượng với Annapurna. CEO Jassy sau đó đã ký kết một thỏa thuận vào năm 2015 để mua lại toàn bộ công ty.
Khi một startup bị một gã khổng lồ công nghệ thâu tóm, điều rất hiếm khi xảy ra là hầu hết các thành viên trong nhóm vẫn ở lại, tiếp tục làm việc cả chục năm. Nhưng đó là sự thật vì hiện tại, 68% nhân viên Annapurna từ thời điểm sáp nhập vẫn còn đang làm việc ở đó. Cũng hiếm khi người sáng lập của một công ty khởi nghiệp so sánh nơi làm việc của họ với địa điểm hạnh phúc nhất trên trái đất. “Chúng tôi là Disneyland của ngành nghiên cứu kiến trúc máy tính và đổi mới trong công nghệ bán dẫn,” Bshara nói.
Ông Hamilton nói rằng, các kỹ sư Annapurna đã hòa nhập rất liền mạch vào Amazon vì nhiều lý do, bao gồm cả những lý do áp dụng được bên ngoài môi trường của tập đoàn Amazon.
Một trong số đó là các kỹ sư của Annapurna đánh giá cao tầm quan trọng của tốc độ nghiên cứu phát triển. “Họ biết rằng khi làm việc, tháng quan trọng, tuần quan trọng hơn và ngày quan trọng nhất” Hamilton nói. Nhưng ngay cả khi họ hành động và làm việc một cách nhanh chóng, họ không được phép để xảy ra sai sót. “Nếu bạn mắc lỗi trong phần mềm, có thể mất một hoặc hai tuần để sửa nó,” ông nói. “Với phần cứng, bạn có thể mất từ chín tháng đến một năm nếu mắc lỗi.”
Hiện tại, sản phẩm thú vị nhất được phát triển từ các phòng thí nghiệm của Annapurna là một chip dành cho việc huấn luyện mô hình AI có tên Trainium. Sẽ có hàng trăm nghìn chip Trainium của Annapurna bên trong hệ thống siêu máy tính mà Amazon đang cung cấp cho công ty khởi nghiệp AI Anthropic năm nay, một cluster siêu máy tính quy mô khổng lồ được đặt tên là Project Rainier, được lấy tên từ đỉnh núi lớn gần trụ sở chính của tập đoàn.
Một số chip trong trung tâm dữ liệu AWS được thiết kế bởi Annapurna, như Trainium và Graviton, bộ xử lý trung tâm phổ biến của nó cho việc tính toán đa nhiệm. Một số thì được sản xuất bởi các công ty khác, chẳng hạn như Xeon của Intel và những GPU AI của Nvidia, với những sản phẩm vẫn đủ khiến mọi nhà phát triển khác ghen tị về mặt hiệu năng. Ý tưởng đằng sau sự kết hợp đa dạng này là cung cấp nhiều lựa chọn với các mức giá khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu của khách hàng, một thứ gì đó dành cho mọi người, giống hệt như cửa hàng thương mại điện tử của Amazon.
Theo WSJ Nguồn:tinhte.vn/thread/annapurna-labs-startup-nghien-cuu-chip-ai-kin-tieng-cua-amazon.4017747/