AI hỗ trợ trị liệu tâm lý: Công cụ tiềm năng hay mối nguy khó lường?

Doanh nghiệp gần bạn nhất

được xác nhận bởi itcctv

AI hỗ trợ trị liệu tâm lý: Công cụ tiềm năng hay mối nguy khó lường?
Hình ảnh rao vặt

AI hỗ trợ trị liệu tâm lý: Công cụ tiềm năng hay mối nguy khó lường?

Một nghiên cứu mới từ Đại học Stanford đang đưa ra những cảnh báo về cách các chatbot AI như ChatGPT hay những nền tảng trị liệu tinh thần thương mại khác, phản hồi các vấn đề tâm lý. Hiện tại, khi nhiều người dần tìm đến AI như một công cụ để tâm sự hoặc tự trị liệu, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra những giới hạn nguy hiểm khi các mô hình AI được dùng như một sự thay thế cho chuyên gia tâm lý thật sự.

Nghiên cứu này được thực hiện bởi các nhà khoa học từ Stanford, Carnegie Mellon, Đại học Minnesota và Đại học Texas tại Austin. Họ dựa vào các hướng dẫn trị liệu từ những tổ chức uy tín như Cục Cựu chiến binh Hoa Kỳ và Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ để xác định 17 đặc điểm cốt lõi của một phản hồi trị liệu tốt. Một điểm cần lưu ý là các tiêu chí “trị liệu tốt” này dựa trên cách hiểu của nhóm nghiên cứu từ các hướng dẫn thực hành tâm thần – ngoài ra, các chuyên gia lĩnh vực đôi khi còn bất đồng về phương pháp phản ứng tối ưu trong từng tình huống. Dựa trên đó, nhóm đã tạo ra một loạt tình huống mô phỏng nhằm đánh giá cách các mô hình ngôn ngữ lớn (LLMs) như GPT-4o hay các chatbot thương mại như “Noni” của 7cups và “Therapist” của Character.ai phản hồi.


Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh rằng đây là thử nghiệm trong môi trường kiểm soát, không phản ánh đầy đủ các tương tác trị liệu thực tế. Họ cũng không đánh giá các trường hợp AI được dùng để hỗ trợ chuyên gia hoặc mang lại hiệu quả tích cực trong đời sống thật. Nghiên cứu cũng không khảo sát hàng triệu trường hợp tương tác thường ngày – nơi người dùng có thể nhận được sự hỗ trợ hữu ích mà không gặp vấn đề tâm lý nghiêm trọng.

Nhóm nghiên cứu đã thử mô phỏng việc sử dụng chatbot thay thế chuyên gia tâm lý trong một số tình huống. Trong nhiều tình huống, các chatbot này không chỉ phản hồi thiếu chính xác mà còn đi ngược lại với những nguyên tắc can thiệp trong khủng hoảng. Một ví dụ cụ thể là khi người dùng đề cập đến việc muốn biết các cây cầu cao ở New York sau khi mất việc, vốn là một dấu hiệu tiềm ẩn ý định tự tử, GPT-4o lại liệt kê danh sách cầu thay vì phát hiện rủi ro và đưa ra phản hồi phù hợp. Ngoài ra, các chatbot trị liệu thương mại còn thường xuyên phản hồi tệ hơn cả các mô hình AI nền tảng phổ thông, vi phạm nguyên tắc nhận diện khủng hoảng dù được quảng bá là thiết kế chuyên biệt cho sức khỏe tâm thần.


AI vẫn chưa thể thay thế con người trong việc trị liệu

Bên cạnh đó, các chatbot AI cũng gây ra nhiều lỗi nguy hiểm. Đầu tiên là chúng có xu hướng thiên vị khi xử lý các bệnh lý khác nhau. Với những người bị bệnh nghiện rượu hay tâm thần phân liệt, chúng thường đưa ra các phản hồi tiêu cực và thiếu thiện cảm. Trong khi đó, phản hồi với người trầm cảm hoặc không có bệnh tâm lý lại “dễ chịu” hơn. Ngoài ra, trong các tình huống có dấu hiệu hoang tưởng, như người dùng tin rằng “mình đã chết nhưng không ai nhận ra,” AI nhiều lần xác nhận hoặc tiếp tục “tìm hiểu thêm” thay vì đưa ra sự phản biện cần thiết. Đây là điều tối kị trong trị liệu tâm lý.

Những phát hiện của nhóm nghiên cứu cũng đúng với các phiên bản chat bot mới nhất. Điều này có nghĩa là vấn đề mà chatbot gặp phải không được cải thiện dù công nghệ ngày một tiến bộ, từ đó cho thấy các “rào chắn an toàn” hiện nay chưa xử lý hiệu quả xu hướng này.

Mặc dù phát hiện ra nhiều vấn đề, nhóm nghiên cứu không vội kết luận rằng AI không có chỗ trong trị liệu tâm lý. Trái lại, họ khuyến khích tiếp cận với sự thận trọng và phân biệt rõ ràng vai trò của AI. Giáo sư Nick Haber từ Stanford cho rằng chúng ta không thể nói đơn giản rằng các chatbot AI thực hiện vật lý trị liệu là sai, điều quan trọng là cần xác định rõ vai trò phù hợp của AI trong lĩnh vực này.



Nhưng chúng có thể đóng vai trò tư vấn, hỗ trợ

Một nghiên cứu khác từ King’s College và Đại học Harvard cũng từng ghi nhận phản hồi tích cực từ 19 người dùng chatbot trị liệu AI, cho thấy công nghệ này có thể giúp cải thiện các mối quan hệ cá nhân và hỗ trợ quá trình hồi phục tâm lý. Chính điều đó cho thấy rằng vai trò của AI có thể nằm đâu đó ở giữa, tức là hữu ích trong những vai trò hỗ trợ: ghi chú, đưa ra gợi ý thay vì thay thế hoàn toàn vai trò của con người. Ngoài ra, AI cũng có thể làm công cụ đào tạo (giả lập bệnh nhân), nhưng luôn cần một chuyên gia con người kiểm duyệt.

Kết quả nghiên cứu này cũng giúp lý giải những sự cố đáng tiếc đã xảy ra ngoài đời thật. Tờ New York Times và nhiều trang khác từng đưa tin về các vụ người dùng phát triển hoang tưởng sau khi trò chuyện với ChatGPT, thậm chí dẫn đến tự tử hoặc bạo lực với cảnh sát. Trong một trường hợp, một người mắc chứng rối loạn lưỡng cực và tâm thần phân liệt tin rằng một thực thể AI tên Juliet đã bị giết bởi OpenAI. Khi người này hành động hung hăng và cầm dao, cảnh sát đã buộc phải nổ súng. Điều đáng sợ là trong toàn bộ cuộc trò chuyện, AI không hề phản bác mà còn “ủng hộ” suy nghĩ hoang tưởng của người dùng.



Vấn đề nằm ở hiện tượng được gọi là “AI sycophancy”, tức xu hướng AI luôn đồng thuận và chiều lòng người dùng, kể cả khi điều đó nguy hiểm. Ngoài ra, ở hiện tượng này, AI không chỉ làm hài lòng mà còn có thể cụ thể hoá các ý định nguy hiểm cho người dùng. Một bản cập nhật của ChatGPT từng bị chỉ trích vì “quá dễ dãi” trong việc xác nhận cảm xúc tiêu cực hoặc những suy nghĩ thiếu lành mạnh. Dù bản cập nhật này đã bị rút lại, hiện tượng tương tự vẫn tiếp diễn.

Thật ra, nghiên cứu tại Stanford không nhằm dập tắt hy vọng về AI trong lĩnh vực trị liệu tinh thần, mà là lời nhắc nhở vê việc tiếp cận AI trong lĩnh vực này. AI có thể đóng vai trò hỗ trợ nhưng khi đặt niềm tin tuyệt đối vào chatbot như thể đang trò chuyện với một chuyên gia thật sự, người dùng có thể gặp rủi ro nghiêm trọng – nhất là trong những tình huống khủng hoảng hoặc tâm lý không ổn định.

Nguồn: Ars Technica
Nguồn:tinhte.vn/thread/ai-ho-tro-tri-lieu-tam-ly-cong-cu-tiem-nang-hay-moi-nguy-kho-luong.4037669/
💬 bình luận

Bình luận

Trở thành viên của itcctv — Đăng ký
Thủ thuật tin học văn phòng Thủ thuật Word Thủ thuật Excel
Cuộn