Độ sáng HBM trên Reno13 5G là 1200 nits, con số này nhìn ngoài trời ở điều kiện thông thường thì cũng ổn, nhưng nếu nhìn dưới nắng gắt thì máy sẽ hơi tối một chút, đây là điểm mình cảm thấy chưa ưng nhất trên màn hình của Reno13 5G.
Còn lại thì đây là tấm nền có chất lượng hiển thị màu sắc tốt, tươi tắn, không quá rực và nó sở hữu tấm nền 10-bit màu, tức là hiển thị được hơn 1 tỷ màu, được nhiều anh em đánh giá cao, mình thì không quan trọng lắm điều này trên một thiết bị di động như điện thoại, mà điều mình thích đó là nó có khả năng cảm ứng rất tốt khi màn hình ướt, điều này đã từng có trên Reno12 Series, cùng với lớp kính Corning Gorilla Glass 7i được quảng cáo là chống va đập rất tốt, mình thì không dám thử nhưng đã từng chứng kiến độ bền bỉ của nó trong sự kiện ra mắt Reno12 Series năm ngoái.
Kích thước 6.59-inch mặc dù chưa nhỏ gọn như một số mẫu điện thoại có màn hình 6.1 hay 6.2-inch, nhưng nó vẫn vừa vặn để mình sử dụng, gõ bàn phím hay chụp ảnh. Mình là người thích dùng điện thoại nhỏ gọn, không thích màn hình quá lớn nên xưa giờ không thích dùng lắm mấy dòng Ultra, Pro Max hay màn hình kích thước to oạch 6.9-inch, với mình, tầm 6.59-inch đổ lại là vừa vặn.
Reno13 5G có tốc độ làm tươi là 120Hz, nhưng mặc định OPPO sẽ chọn Auto Select cho người dùng, mình thấy rằng nó sẽ giới hạn tốc độ làm tươi còn 90Hz cho một số ứng dụng mà mình thì không thích điều đó, nên mình thường chọn là High rồi chỉnh những app hay dùng lên 120Hz cho sướng, pin thì không hao lắm, mình thấy cũng chẳng khác gì, nhưng lướt sướng hơn thì tội gì không dùng.
À, năm nay Reno13 5G còn cho người dùng tuỳ chọn về độ phân giải màn hình, mình cũng chọn tuỳ chọn cao nhất, mặc dù thấy nó không khác gì nhiều. Duy chỉ có điều, mình thấy font chữ trên Reno13 5G được OPPO đẩy sharpen lên khá cao nên nhìn gai gai, không thuận mắt mình cho lắm, nhưng nhìn kỹ mới thấy.