Tương lai của Tim Cook tại Apple: Hào quang quá khứ liệu có đủ để vượt qua thời đại AI?

Doanh nghiệp gần bạn nhất

được xác nhận bởi itcctv

Tương lai của Tim Cook tại Apple: Hào quang quá khứ liệu có đủ để vượt qua thời đại AI?
Hình ảnh rao vặt

Tương lai của Tim Cook tại Apple: Hào quang quá khứ liệu có đủ để vượt qua thời đại AI?

Đã từng có thời điểm vị trí của Tim Cook với tư cách là một trong những CEO thành công nhất trong lịch sử công nghệ gần như không thể bị tranh cãi. Kể từ khi tiếp quản Apple sau sự ra đi của huyền thoại Steve Jobs, Tim Cook đã đưa Apple lên những tầm cao chưa từng có. Nhưng giờ đây, khi làn sóng trí tuệ nhân tạo đang định hình lại toàn bộ ngành công nghiệp, khiến di sản mà ông tạo dựng đứng trước một dấu hỏi lớn
Steve Jobs không chỉ là người đồng sáng lập Apple mà ông là biểu tượng của sự đổi mới trong công nghệ với những triết lý về sự đơn giản, hoàn mỹ. Apple dưới sự lãnh đạo của Jobs đã tái định nghĩa lại cả ngành công nghiệp giải trí, di động và máy tính với những sản phẩm đột phá như iPod, iPhone, iPad và MacBook. Ông không chỉ tạo ra thiết bị, mà còn định hình cách con người tương tác với công nghệ trong cuộc sống hàng ngày.



Steve Jobs là biểu tượng cho sự đổi mới công nghệ tại Apple

Mặc dù Steve Jobs là biểu tượng của sự sáng tạo và đã mang đến cho Apple nhiều sản phẩm mang tính cách mạng, nhưng dưới thời ông, giá trị vốn hóa của công ty vẫn còn khiêm tốn so với hiện tại. Khi Jobs rời vị trí CEO vào năm 2011, Apple chỉ đạt mức vốn hóa khoảng 300-350 tỷ đô, thấp hơn rất nhiều so với mức 3.2 nghìn tỷ đô hiện nay dưới thời Tim Cook. Ngoài ra, cổ phiếu Apple trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ của Jobs cũng chưa đạt được mức tăng trưởng mạnh mẽ như các năm sau đó, và Apple vẫn chưa thể vượt qua các tập đoàn lớn khác về giá trị thị trường trong phần lớn thời gian ông lãnh đạo. Điều này cho thấy, dù đặt nền móng cho sự đổi mới, di sản của Jobs vẫn còn những giới hạn nhất định về quy mô tài chính và tốc độ tăng trưởng của Apple.

Nhưng rõ ràng, khi Jobs giao lại quyền lãnh đạo cho Tim Cook vào năm 2011, nhiều người đã đặt ra câu hỏi rằng liệu Apple có còn giữ được tinh thần sáng tạo vốn có hay không.
Tim Cook không phải là một người truyền cảm hứng như Jobs, nhưng ông lại là một bậc thầy trong việc vận hành và tối ưu hoá quy trình. Dưới thời Cook, Apple đã không còn dựa nhiều vào những bước đột phá trong công nghệ mà thay vào đó là khả năng thực thi hoàn hảo những chiến lược đã định. Và điều này đã mang lại kết quả vượt ngoài mong đợi: giá trị vốn hoá của Apple tăng từ khoảng 300 tỷ đô thời điểm Jobs qua đời lên đến 3.2 nghìn tỷ đô vào hiện tại, tương đương mức tăng trưởng trung bình hàng năm hơn 18% suốt 14 năm. Về mặt tài chính, Cook đã tạo ra giá trị cho cổ đông nhiều hơn bất kỳ CEO nào trong lịch sử Apple, kể cả Steve Jobs.



Còn Tim Cook lại thiên về vận hành và quy trình, từ đó đưa Apple đạt được những nấc thang tài chính

Tuy nhiên, ẩn dưới lớp vỏ những thành tựu tài chính ấn tượng này, Apple của Cook lại thiếu đi những sản phẩm “wow” thực sự làm thay đổi ngành công nghệ. Phần lớn các sản phẩm mới đều là sự hoàn thiện hoặc mở rộng từ di sản mà Steve Jobs để lại, như iPhone, iPad, hay MacBook. Các sản phẩm như Apple Watch, AirPods hay iPad Mini dù thành công về thương mại nhưng vẫn bị đánh giá là chưa tạo ra một kỷ nguyên công nghệ mới như iPhone từng làm được. Đa phần các bản nâng cấp sản phẩm đều mang tính cải tiến nhỏ, tập trung vào tối ưu hoá trải nghiệm thay vì tạo ra sự đột phá khiến thị trường phải kinh ngạc

Và dù đạt được cột mốc tài chính 3.2 nghìn tỷ, trong 12 tháng qua, cổ phiếu Apple đã giảm 7,2%, trong khi chỉ số S&P 500 tăng 6,5% và Nasdaq tăng 12,9%. Đây là mức tụt hậu đáng chú ý so với các chỉ số lớn và cũng là lần hiếm hoi Apple bị các đối thủ vượt mặt về tăng trưởng trên thị trường chứng khoán. Và điều đó đến từ làn sóng AI, khi nó phơi bày toàn bộ các điểm yếu của Tim Cook và Apple.
Một giai đoạn công nghệ mới lại đến, đó là thời đại của trí tuệ nhân tạo và thường Apple vốn không đi đầu nhưng sẽ biết cách đột phá, nhưng lần này thì không chắc. Làn sóng AI dường như đang khiến những điểm hạn chế về tầm nhìn sản phẩm của Tim Cook dần hiện rõ.


Về mặt sản phẩm, Apple bị đánh giá là đang tụt hậu so với các đối thủ trong việc tích hợp AI vào thiết bị và dịch vụ của mình. Dù đã giới thiệu “Apple Intelligence” với nhiều kỳ vọng, thực tế cho thấy công ty vẫn đang phải phụ thuộc vào các đối tác như OpenAI để cải thiện Siri, trợ lý ảo vốn bị chê bai trong nhiều năm qua. Ngoài ra, anh em chắc cũng thấy rõ, Apple Intelligence được ra mắt với những quảng bá rầm rộ, nhưng phần lớn các tính năng nổi bật vẫn chưa triển khai thực tế. Nhiều người dùng, kể cả mình, cảm thấy thất vọng vì khoảng cách giữa lời hứa và trải nghiệm thực tế. Việc Apple phải cân nhắc sử dụng mô hình AI từ bên ngoài như OpenAI, Anthropic, hoặc thậm chí mua lại Perplexity AI cho thấy công ty chưa có giải pháp AI đột phá tự phát triển, đồng thời cho thấy sự bị động trong chiến lược AI của Apple. Apple đang bị bỏ quá xa trong cuộc đua này.


Nhưng rồi Apple Intelligence cho thấy một Apple thiếu định hướng, thiếu sáng tạo trong kì nguyên AI

Bên cạnh đó, đội ngũ phát triển AI nội bộ của Apple đã phải chịu áp lực lớn khi các lãnh đạo cấp cao lần lượt rời đi. Một số kỹ sư khác cũng đang cân nhắc chuyển sang Meta hoặc các công ty khác. Ngoài ra, nội bộ Apple còn có sự thay đổi về quản lý, khi Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách AI là John Giannandrea bị giảm quyền kiểm soát đối với Siri và các dự án AI then chốt, làm ảnh hưởng đến tinh thần đội ngũ.

Và rồi trong vài tuần gần đây, một loạt nhân sự chủ chốt của mảng trí tuệ nhân tạo tại Apple đã rời đi, trong đó có cả giám đốc AI hàng đầu Ruoming Pang khi chuyển sang làm việc tại Meta, chuyên gia Tom Gunter – càng khiến bức tranh nhân sự cấp cao thêm bất ổn. Cùng lúc đó, Jeff Williams, COO kỳ cựu với 27 năm cống hiến, cũng tuyên bố sẽ nghỉ hưu vào cuối năm. Bức tranh về một cuộc “chảy máu chất xám” ở cấp lãnh đạo dần được lộ rõ.

Rõ ràng, trong bối cảnh AI được xem là “công nghệ nền tảng” giống như internet năm 2000 hay điện năng đầu thế kỷ 20, việc Apple không dẫn đầu cuộc đua này là một tín hiệu đáng lo ngại. Những công nghệ mang tính nền tảng thường không xuất hiện nhiều trong lịch sử, nhưng khi chúng đến, chúng định nghĩa lại cách doanh nghiệp vận hành – và ai không kịp thích nghi sẽ bị bỏ lại phía sau.

Tim Cook rõ ràng là một trong những CEO thành công nhất mọi thời đại, nhưng nhiều người và chuyên gia, hay phố Wall bắt đầu đặt câu hỏi liệu ông có phù hợp với giai đoạn tiếp theo, nơi mà sự đổi mới sản phẩm sẽ lại trở thành yếu tố sống còn. Nhà phân tích Craig Moffett, dù rất ngưỡng mộ Cook, cũng thẳng thắn chỉ ra rằng Apple không tạo ra sản phẩm đột phá nào thực sự mới trong suốt một thập kỷ qua, ngoài có lẽ là tai nghe không dây AirPods. Dưới thời Cook, công ty tập trung cải tiến quy trình hơn là sản phẩm. Và điều này, phũ phàng mà nói thì không đủ trong kỉ nguyên của trí tuệ nhân tạo.



Và di sản của Tim liệu có thể được duy trì tiếp thay cần sự thay đổi

Bên cạnh đó, sự thất vọng với Apple Intelligence đã làm dấy lên khủng hoảng niềm tin vào khả năng đổi mới của Apple. Nếu Apple không sớm chứng minh được năng lực AI thực sự, ban lãnh đạo có thể sẽ phải cân nhắc thay đổi CEO để phù hợp với thời đại mới, khi mà đổi mới công nghệ là yếu tố sống còn. Còn không, viễn cảnh về một Nokia, một Blackberry khác hoàn toàn có thể xảy ra với biểu tượng sáng tạo một thời này.

Dẫu vậy, Apple luôn nổi tiếng là bí mật và bất ngờ. Vẫn có khả năng công ty sẽ tung ra một thiết bị AI hoàn toàn mới, hoặc thậm chí thâu tóm một công ty AI lớn và xoay chuyển cục diện. Nhưng nếu điều đó không xảy ra sớm, thì ban giám đốc Apple cần đối diện với thực tế rằng không có CEO nào là phù hợp mãi mãi, và thời đại AI có thể cần một người lãnh đạo khác.
Nguồn:tinhte.vn/thread/tuong-lai-cua-tim-cook-tai-apple-hao-quang-qua-khu-lieu-co-du-de-vuot-qua-thoi-dai-ai.4036414/
💬 bình luận

Bình luận

Trở thành viên của itcctv — Đăng ký
Thủ thuật tin học văn phòng Thủ thuật Word Thủ thuật Excel
Cuộn