TikTok: Thứ hiếm hoi thoát ra được khỏi tình trạng hiện tại của ngành công nghệ TQ

Doanh nghiệp gần bạn nhất

được xác nhận bởi itcctv

TikTok: Thứ hiếm hoi thoát ra được khỏi tình trạng hiện tại của ngành công nghệ TQ
Hình ảnh rao vặt

TikTok: Thứ hiếm hoi thoát ra được khỏi tình trạng hiện tại của ngành công nghệ TQ

Phải thừa nhận, dù chính quyền hai quốc gia vẫn đang coi nhau là thế lực thù địch, nhưng những tương tác giữa con người với con người, những người trung lưu bình thường làm công ăn lương ở cả hai bờ Thái Bình Dương, những người Trung Quốc và những người Mỹ trên ứng dụng Xiaohongshu đôi khi là những khoảnh khắc thực sự ấm lòng và dễ thương.

Cỡ nửa triệu người dùng Mỹ chuyển qua đăng ký tài khoản Xiaohongshu, hay tiếng Anh là Red Note, tiếng Việt là Tiểu Hồng Thư, vào cuối tuần vừa rồi. Đó đơn giản chỉ là một hành động phản kháng lại quyết định cấm TikTok của chính phủ Mỹ. Họ tự gọi bản thân là “người tị nạn từ TikTok sang”, và “chào hỏi” những người dùng địa phương bằng những hình ảnh và video thú cưng.

Dưới phần bình luận, người Mỹ trả lời hết những câu hỏi của những “người bạn mới” Trung Quốc, với 1001 thắc mắc: Có phải ở vùng hẻo lánh Mỹ nhà nào cũng có một cánh đồng rộng mênh mông, một căn nhà gỗ lớn, ít nhất ba đứa con và vài chú chó bự không? Có phải người Mỹ phải làm hai việc một lúc mới đủ tiền sống hay không? Có phải người Mỹ tệ môn địa lý như trong video trên mạng mô tả, đến mức họ tin Africa là một quốc gia? Có phải người Mỹ được nghỉ hai ngày mỗi tuần không?

Ngược lại, người Mỹ cũng có vô vàn những câu hỏi cho một người bình thường bên Trung Quốc: Tôi nghe nói mỗi người ở đó có một con gấu trúc to bự, tôi có được nhận không? Để rồi một người dùng Trung Quốc hóm hỉnh “Tin tôi, thật đấy”, kèm thêm một cái hình chế gấu trúc đang giặt đồ.



Những gì diễn ra trên Xiaohongshu cuối tuần vừa rồi chính xác là những gì internet được tạo ra để phục vụ con người: Kết nối tất cả mọi người không phân biệt khoảng cách. Nhưng quan trọng hơn, nếu gạt bỏ mọi thứ về ý thức hệ và lợi ích địa chính trị, Xiaohongshu mô tả mức độ cạnh tranh của một ứng dụng do người Trung Quốc tạo ra mạnh tới cỡ nào, nếu chỉ xét trên khía cạnh sản phẩm công nghệ thuần túy.

Nói thẳng ra thì, với thị trường 1 tỷ dân, và một đội ngũ nhân sự công nghệ dồi dào, sẵn sàng làm 12 tiếng mỗi ngày, chỉ nghỉ chủ nhật, những nền tảng trực tuyến của Trung Quốc được thiết kế, sở hữu tính năng và trải nghiệm người dùng với chất lượng ở tầm quốc tế. Không phải tự nhiên mà TikTok có hẳn 170 triệu người dùng ở Mỹ.

Thế sao những sản phẩm như vậy, bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc chẳng ai dùng? Cùng lắm thì chỉ có cộng đồng người gốc Hoa tại các quốc gia sử dụng trong trường hợp họ còn gia đình ở Đại Lục.



Từng có thời điểm, cả thế giới chờ đợi những ứng dụng trực tuyến Trung Quốc xâm chiếm cả thế giới, đặc biệt là sau khi Alibaba chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng trên sàn Nasdaq ở New York vào năm 2014, hay sau khi ứng dụng gọi xe Didi vượt qua Uber ở Trung Quốc vào năm 2016, rồi tới khi Facebook bắt chước WeChat với tham vọng tạo ra những ứng dụng phục vụ cho mọi nhu cầu…

Có thời điểm, 5 trong số 10 tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới xét theo giá trị vốn hóa là những tập đoàn Trung Quốc. Còn bây giờ, cái tên duy nhất còn sót lại là Tencent, nhà phát triển WeChat, nhà phát hành game lớn thứ nhì hành tinh sau Sony Interactive Entertainment.



Những công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc vẫn tạo ra được những sản phẩm có thể cạnh tranh hay chiếm được thị phần nếu đem so sánh với bất kỳ ứng dụng nào khác của phần còn lại của thế giới. Những nhân viên của những tập đoàn Trung Quốc vẫn giữ vững tâm lý làm việc chăm chỉ hơn bất kỳ tập đoàn nào khác ở Silicon Valley. Điều này có nghĩa là lề lối làm việc 996, tức là từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày mỗi tuần vẫn hiện diện.


Rồi giữa lúc phía Mỹ tìm cách cấm vận những tập đoàn sản xuất bán dẫn tại Trung Quốc, họ vẫn tìm ra cách để tận dụng những thiết bị họ được đặt mua, gia công những con chip phục vụ cho nhu cầu trong nước, từ chip điện thoại đến chip xử lý AI máy chủ. Nhưng phương Tây nói chung hầu hết đều đã quên đi những cái tên dẫn đầu thị trường công nghệ Trung Quốc, thậm chí coi họ là một phần của nguy cơ cạnh tranh những lợi ích khoa học công nghệ và địa chính trị.

Nói một cách ngắn gọn, ngành công nghệ Trung Quốc không có được vị thế như kỳ vọng. Chuyện gì đã xảy ra?



Năm 2017, tác giả bài viết này, cô Li Yuan đã viết một bài có tiêu đề “Phía sau vạn lý trường thành ảo, ngành internet Trung Quốc đang bùng nổ.” Ở đó, cô Li gửi tới những độc giả nói tiếng Anh quan điểm kêu gọi họ hãy vượt qua suy nghĩ cho rằng Trung Quốc chỉ sao chép những mô hình doanh nghiệp, và kiểm duyệt những công nghệ và ứng dụng của phương Tây. Lý do là khi ấy, tốc độ số hóa của Trung Quốc đang diễn ra ở tốc độ chóng mặt.

Năm ấy, doanh thu của Tencent tăng 56%. Con số ấy của Alibaba thì tăng tới 60%. Didi gọi được 10 tỷ USD tiền vốn để hoạt động, hầu hết từ các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có cả những quỹ đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại các quốc gia phương Tây.

Quá khứ ấy, nếu so sánh với những gì đang diễn ra hiện tại, có cảm tưởng như nó đã diễn ra từ rất lâu rồi, chứ không phải mới chưa đầy 1 thập kỷ trước. Giờ rất khó để các tập đoàn công nghệ Trung Quốc phát triển và kiếm lời như xưa.




Trung Quốc đang phải trải qua cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong vòng nhiều thập kỷ. Rất ít người tin vào con số tăng trưởng 5% của toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc mà chính phủ nước này công bố hồi năm 2024. Sức mua của thị trường tiêu dùng đang thấp kỷ lục. Những cái tên từng bùng nổ trên đất Đại Lục, từ Uniqlo tới Starbucks thì đang mất khách hàng vào tay những thương hiệu giá rẻ hơn.

Giữa lúc cả nền kinh tế Trung Quốc gặp suy thoái, thực sự rất khó để một trong những trụ cột của cả nền kinh tế có được tốc độ tăng trường như kỳ vọng. Doanh thu của những tập đoàn công nghệ Trung Quốc đã mô tả điều đó.

2024 là thời điểm năm thứ ba liên tiếp dân số Trung Quốc tăng trưởng âm. Điều này đồng nghĩa với việc các tập đoàn công nghệ đang bị thu hẹp tập khách hàng đăng ký tài khoản mới. Nhờ việc được kiều bào ở nước ngoài sử dụng, tổng số tài khoản WeChat giờ còn cao hơn cả tổng dân số Trung Quốc. Rồi những ứng dụng mạng xã hội được xếp hạng 2 như Xiaohongshu cũng có hơn 300 triệu người dùng.

Cách duy nhất để họ phát triển giữa thời điểm Trung Quốc đang phải đối mặt với những vấn đề kinh tế xã hội được mô tả ở trên, là đánh chiếm thị trường nước ngoài.



Thành ra, trong mắt cả ngành công nghệ Trung Quốc, ByteDance là tập đoàn có được nhiều ánh nhìn ghen tị nhất, do thành công của TikTok trên thị trường toàn cầu, trong khi ở thị trường nội địa, ứng dụng Douyin là một phiên bản độc lập. Thế nhưng thậm chí tốc độ tăng trưởng của TikTok còn mạnh hơn cả Douyin nữa.

Tuy nhiên nỗ lực ép ByteDance thoái vốn cũng như cấm TikTok của phía Mỹ, xét riêng trên quan điểm kinh doanh, mô tả những khó khăn để một tập đoàn công nghệ Trung Quốc phát triển ở quy mô toàn cầu. Khi chính quyền Bắc Kinh có những động thái thắt chặt kiểm soát ngành công nghệ nước này, thì phần còn lại của thế giới càng lúc càng khó tin tưởng việc giao dữ liệu cá nhân của người dân nước họ cho những công ty Trung Quốc.

Đương nhiên những lý do khiến chúng ta, không riêng gì các quốc gia phương Tây, không tin tưởng hoàn toàn những tập đoàn Trung Quốc. Chính bản thân các tập đoàn, các công ty tư nhân này cũng phải liên tục đáp ứng những yêu cầu và quy định quản lý. Trong những bài phát biểu, chủ tịch Tập Cận Bình không thiếu những lần bày tỏ quan điểm rằng Trung Quốc cần tập trung sản xuất công nghệ cao thay vì phát triển nền kinh tế số. Chính quan điểm ấy là tiền đề để trong khoảng thời gian 2020 và 2021, lần lượt từ Alibaba, Ant Group, Didi và cả Tencent bị điều tra, phải chịu những án phạt khổng lồ.



Vì những căng thẳng giữa chính quyền hai nước Mỹ và Trung Quốc, nên chính bản thân những tập đoàn công nghệ Trung Quốc cũng phải hứng chịu cách nhìn không mấy tin tưởng, thậm chí là thù địch từ các quốc gia phương Tây. Hầu hết mọi quỹ đầu tư tại các nước phương Tây hiện tại đều cho rằng ngành công nghệ Trung Quốc giờ không đáng để rót tiền đầu tư, đơn giản vì những căng thẳng địa chính trị giữa hai cường quốc hai bên bờ Thái Bình Dương, kết hợp với những chính sách khó lường của chính quyền Bắc Kinh.

Hiện tại, những quỹ tài trợ hay các quỹ hưu trí của các trường đại học tại Mỹ đã dừng cấp tiền cho các quỹ đầu tư mạo hiểm rót vốn cho các startup Trung Quốc. Một thế hệ các nhà đầu tư trong nước, những người đã giúp tạo ra những tập đoàn công nghệ thành công nhất Trung Quốc giờ chỉ quan tâm đến việc đi đánh golf, chạy marathon hay lên núi hiking.



Điều tương tự cũng xảy ra với các nhà đầu tư toàn cầu. Một người xin được giấu tên mới đây chia sẻ, năm 2017, khi cô gia nhập một quỹ đầy tư quản lý khối tài sản trị giá hơn 100 tỷ USD, khoảng 40% trong số đó là cổ phiếu các tập đoàn công nghệ Trung Quốc. Con số đó ngày hôm nay là chưa đầy 3%.

Có một điều chắc chắn, hệ sinh thái từng giúp nuôi dưỡng ngành công nghệ Trung Quốc giờ không còn như xưa nữa. Vốn đầu tư đổ vào ít hơn đồng nghĩa với việc có ít startup hơn, và khi không được mở chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng ở những sàn giao dịch phương Tây đồng nghĩa với việc giá trị vốn hóa của những tập đoàn Trung Quốc luôn thấp hơn các đối thủ cạnh tranh ở Mỹ.

Những sản phẩm của họ, hay chính bản thân những công ty ấy vẫn cứ là thứ có khả năng cạnh tranh rất tốt. Nhưng trong mắt của phần còn lại của thế giới, chẳng còn tập đoàn công nghệ Trung Quốc nào hợp thời nữa rồi.

Theo The New York Times
Nguồn:tinhte.vn/thread/tiktok-thu-hiem-hoi-thoat-ra-duoc-khoi-tinh-trang-hien-tai-cua-nganh-cong-nghe-tq.3950884/
💬 bình luận

Bình luận

Trở thành viên của itcctv — Đăng ký
Thủ thuật tin học văn phòng Thủ thuật Word Thủ thuật Excel
Cuộn