Một cựu kỹ sư người Trung Quốc tại Google vừa bị cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại về trí tuệ nhân tạo, một lần nữa gây nên lo ngại đáng kể về gián điệp kinh tế và an ninh quốc gia trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực công nghệ.
Từ những năm 1990, Mỹ đã nhiều lần cáo buộc Trung Quốc thực hiện các hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ, gián điệp mạng và gián điệp kinh tế để đạt được lợi thế công nghệ. Nhiều vụ việc nổi bật đã xảy ra, như trường hợp Micron Technology bị đánh cắp thiết kế chip hay Huawei bị cáo buộc chiếm đoạt công nghệ của Mỹ. Vấn đề này đã trở thành một điểm mâu thuẫn lớn trong quan hệ Mỹ-Trung, với việc Mỹ coi đây là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh kinh tế và quốc gia. Để đối phó, Bộ Tư pháp Mỹ đã ưu tiên chống lại hành vi đánh cắp công nghệ thông qua các biện pháp mạnh mẽ nhằm ngăn chặn việc khai thác các công nghệ tiên tiến bởi các đối thủ nước ngoài như Trung Quốc.
Trung Quốc từ lâu đã đối mặt với cáo buộc ăn cắp công nghệ, bí mật thương mại từ Mỹ
Một sự việc gần đây lại làm dấy lên mối lo ngại về hành vi đánh cắp trí tuệ và bí mật thương mại từ phía Trung Quốc. Linwei Ding, một kỹ sư người Trung Quốc được Google tuyển dụng vào năm 2019 để làm việc với các trung tâm dữ liệu siêu máy tính, đã bị cáo buộc có hành vi sai trái. Trong thời gian làm việc tại Google, Ding bắt đầu tải các tệp tin mật vào tài khoản cá nhân. Từ năm 2022 đến năm 2023, ông đến Trung Quốc và làm việc tại Beijing Rongshu Lianzhi Technology với vai trò CTO, đồng thời thành lập công ty khởi nghiệp Shanghai Zhisuan Technology. Cả hai công ty này đều hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và học máy (machine learning). Tuy nhiên, Ding không báo cáo những hoạt động này với Google.
Lingwei Ding, cựu kỹ sư Trung Quốc đã có những hành vi đánh cắp thông tin bí mật từ Google
Đầu năm 2024, Google phát hiện Ding cố tải thêm tài liệu mật chứa thông tin nhạy cảm về siêu máy tính, thiết kế chip và cơ sở hạ tầng AI. Sau đó, Ding đột ngột từ chức, làm tăng nghi ngờ về hành vi sai trái của ông. Sau khi xem xét nội bộ, Google có thể đã báo cáo vấn đề này lên FBI. Điều này dẫn đến việc FBI khám xét nhà riêng của Ding và thu giữ nhiều thiết bị điện tử cùng dữ liệu liên lạc liên quan đến các công ty hoặc tổ chức chính phủ Trung Quốc.
FBI ban đầu đưa ra cáo buộc rằng Ding đã đánh cắp bí mật thương mại. Sau khi điều tra sâu hơn, Ding bị phát hiện đã tải hơn 1.000 tệp tin mật từ Google trong khoảng thời gian từ tháng 5/2022 đến tháng 5/2023. Các tệp tin này chứa thông tin quan trọng về trung tâm dữ liệu siêu máy tính của Google, bao gồm cơ sở hạ tầng phần cứng, nền tảng phần mềm và thiết kế chip tùy chỉnh được sử dụng để huấn luyện các mô hình AI lớn.
Ngoài ra, việc Ding hợp tác với hai công ty tại Trung Quốc trong vai trò lãnh đạo và tích cực quảng bá các công ty này mà không minh bạch với Google cũng là yếu tố khiến ông bị cáo buộc tận dụng bí mật thương mại bị đánh cắp. Đến tháng 2/2025, các công tố viên Mỹ mở rộng cuộc điều tra và bổ sung thêm bảy tội danh gián điệp kinh tế cùng bảy tội danh đánh cắp bí mật thương mại. Mỗi tội danh gián điệp có mức án tối đa là 15 năm tù giam và phạt tiền 5 triệu USD; mỗi tội danh đánh cắp bí mật thương mại có mức án lên đến 10 năm tù giam và phạt tiền 250.000 USD.
Những hành động của Ding cùng các cáo buộc trên tiếp tục làm dấy lên lo ngại về an ninh quốc gia Mỹ. Các bí mật thương mại bị đánh cắp bao gồm thiết kế chip tiên tiến và hệ thống có thể nâng cao khả năng của các mô hình trí tuệ nhân tạo. Những công nghệ này không chỉ quan trọng đối với ứng dụng thương mại mà còn tiềm năng sử dụng trong quân sự, khiến việc đánh cắp trở thành mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia Mỹ.
Thời đại công nghệ số đặt ra nhiều rủi ro về vấn đề sở hữu trí tuệ
Ngoài ra, hành vi này cũng gây ra những tác động kinh tế nghiêm trọng. Nó cho phép các đối thủ nước ngoài rút ngắn quy trình phát triển sản phẩm mà không cần đầu tư vào nghiên cứu đổi mới. Giám đốc FBI Christopher Wray nhấn mạnh rằng những hành động như vậy có thể dẫn đến mất việc làm và gây thiệt hại cho vị thế kinh tế của Mỹ trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo toàn cầu.
Những cáo buộc trên càng làm căng thẳng thêm mối quan hệ vốn đã đầy xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh tranh chấp thương mại và cạnh tranh công nghệ ngày càng gay gắt. Cả hai quốc gia đều coi trí tuệ nhân tạo là lĩnh vực chiến lược quan trọng để đảm bảo vị thế vững mạnh cũng như an ninh quốc gia.
Vụ việc Linwei Ding là minh chứng rõ ràng cho mối đe dọa ngày càng tăng từ hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ trong thời đại kỹ thuật số. Sự gia tăng của gián điệp mạng khiến việc tiếp cận thông tin nhạy cảm trở nên dễ dàng hơn, đặt ra thách thức lớn cho cả doanh nghiệp lẫn chính phủ.
Nguồn:
Reuters Nguồn:tinhte.vn/thread/cuu-ky-su-google-doi-mat-voi-cao-buoc-danh-cap-bi-mat-thuong-mai-ve-tri-tue-nhan-tao-cho-trung-quoc.3955019/