Mỗi khi mùa xuân đến, các nhà nghiên cứu đặt hơn 1.600 thiết bị ghi âm trong rừng ở dãy Sierra Nevada, miền tây nước Mỹ. Khi hè qua đi, các thiết bị này ghi lại hàng triệu giờ âm thanh, bao gồm cả tiếng nhưng loài chim đang bị đe dọa tuyệt chủng. Nhưng khối lượng âm thanh quá lớn khiến con người không thể nghe và phân tích hết. Tuy nhiên, các nhà khoa học có thể xử lý lượng dữ liệu khổng lồ này nhờ BirdNET, một hệ thống AI ra mắt năm 2018, có thể nhận diện hơn 6.000 loài chim chỉ qua âm thanh. BirdNET được phát triển bởi Phòng thí nghiệm Điểu học Cornell phối hợp với Đại học Công nghệ Chemnitz (Đức). Hệ thống này đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của lĩnh vực âm sinh học.
Trong thập kỷ qua, đã có một số ứng dụng ra đời tận dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo để nhận diện tiếng chim. Cả các nhà khoa học lẫn người yêu chim đều sử dụng chúng. Tất nhiên, những ứng dụng này vẫn có điểm yếu: đôi khi chúng nhận diện sai loài chim. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy AI có thể xác định hành vi và vùng phân bố của chim, vốn là yếu tố then chốt cho việc bảo tồn.
BirdNET, cho phép mọi người tải lên các bản ghi âm của họ từ nhiều thiết bị khác nhau như laptop hay smartphone. Kể từ đó đến nay, BirdNET đã thu thập được khoảng 150 triệu bản ghi âm tiếng chim chất lượng cao.
Một ứng dụng khác có tên là Merlin cũng góp phần làm phong phú thêm kho dữ liệu với hơn 3 triệu người dùng thường xuyên, cung cấp dữ liệu âm thanh liên tục cho hệ thống. App sẽ chuyển tiếng hót của chim thành hình ảnh sóng âm gọi là phổ kế (spectrogram). Sau đó, hình ảnh này được đưa vào thuật toán của app, từ đó thuật toán có thể xác định được sự thay đổi tần số đặc trưng, thời gian và cường độ âm thanh của từng tiếng kêu cụ thể. Một số chuyên gia cho biết những mẫu âm thanh mà thuật toán phát hiện ra tinh tế và chi tiết hơn rất nhiều so với khả năng của con người. BirdNET giúp các nhà khoa học biết được biến động của các loài chim đang bị đe dọa tuyệt chủng và lên kế hoạch khôi phục và bảo tồn.
Tuy nhiên, giống như hầu hết các công nghệ dựa trên AI, những ứng dụng này cũng không tránh khỏi các hạn chế. BirdNET không phải lúc nào cũng ghi nhận được tiếng hót của chim, và đôi khi lại nhận nhầm với loài khác, điều này dẫn đến các kết quả “dương tính giả”. Người dùng app Merlin cũng từng báo cáo các trường hợp nhận diện sai loài, điều này có thể gây ảnh hưởng không tốt đến các dự án nghiên cứu dựa trên dữ liệu do cộng đồng đóng góp.

Ngoài ra, các ứng dụng nhận diện tiếng hót của chim đã giúp việc quan sát chim trở nên dễ tiếp cận hơn với nhiều người, đặc biệt là những ai bị suy giảm thính lực. Đó là trường hợp của Erin Rollins-Pletsch. Khoảng năm năm trước, cô tỉnh dậy vào một buổi sáng và phát hiện mình đã mất khoảng 80% thính lực do một căn bệnh hiếm gặp. Ban đầu, cô gặp rất nhiều khó khăn khi phải làm quen với một thế giới mới, yên tĩnh hơn rất nhiều. Sau đó, cô tình cờ đến với thú quan sát chim. Tuy nhiên, cô không thể nghe được phần lớn những tiếng huýt sáo, ríu rít hay líu lo tần số cao – những âm thanh giúp người yêu chim định vị loài khi chúng khuất tầm mắt. Vì vậy, giờ đây cô luôn mang theo smartphone và bật ứng dụng Merlin mỗi khi ra ngoài. Khi cô làm vườn hoặc thay thức ăn trong máng ăn cho chim trong sân, cô chỉ cần bấm ghi âm trên điện thoại. Rồi khi chim bắt đầu cất tiếng hót, chúng hiện lên màn hình từng con một. App sẽ đọc tên từng loài chim qua tiếng hót.
Theo Natgeo. Nguồn:tinhte.vn/thread/ai-dang-giup-cac-nha-khoa-hoc-bao-ton-chim-tot-hon.3983191/