Không thể phủ nhận rằng sự thiếu hụt chất bán dẫn đang diễn ra khiến cho việc sở hữu phần cứng chơi game mới trở thành một thách thức với bất kỳ game thủ nào. Ở phân khúc entry-level thì điều này còn ảnh hưởng lớn hơn khi ngân sách phải chi trả là thứ quan trọng hơn cả. AMD biết điều này và hãng không bỏ rơi đối tượng game thủ phổ thông với combo phần cứng kết hợp giữa CPU Ryzen 5 5600X đã có được chỗ đứng trong thời gian qua, và GPU Radeon RX 6500 XT vừa mới ra mắt đầu 2022. Hứa hẹn bộ đôi này sẽ lấp vào khoảng trống phân khúc chơi game 1080p phổ thông hướng tới những game thủ mới build máy trong năm 2022 này.
Chi tiết kỹ thuật
Điểm qua về thông số của Ryzen 5 5600X, sở hữu 6 nhân / 12 luồng, tốc độ xung nhịp 3.7GHz / tối đa 4.6GHz, bộ nhớ đệm (L3 Cache) 32MB, TDP mặc định 65W. Nếu chỉ nhìn vào các con số, gần như không khác biệt khi đặt cạnh Ryzen 5 3600X, nhưng những cải tiến bên trong đến từ vi kiến trúc “Zen 3” giúp cho 5600X có hiệu suất chơi game tốt hơn đến gần 40%. Khiến nó trở thành CPU chơi game tốt nhất phân khúc trong một khoảng thời gian dài. Thậm chí khi so sánh với Ryzen 7 5800X cao cấp hơn, hiệu suất cũng không chênh lệch nhiều ở đa số các game, bởi chỉ có rất ít các game hiện nay có thể tận dụng tối đa 8 nhân cùng lúc.
Trong khi đó Radeon RX 6500 XT chỉ vừa mới ra mắt trong năm 2022, các thông số cơ bản gồm 16 CU kiến trúc “RDNA 2”, 1024 Stream Processor, bộ nhớ 4GB GDDR6 tốc độ 18Gbps cùng 16MB Infinity Cache. Xung nhịp mặc định rất cao lên tới 2815 MHz, cao nhất trong các card đồ họa từ trước đến nay, nhưng lại gây bất ngờ với công suất tiêu thụ chỉ 107 W, đồng nghĩa với yêu cầu cho bộ nguồn rất nhẹ nhàng chỉ tối thiểu từ 400 W. Thông số cũng chỉ ra đây là GPU định vị chơi game 1080p ở mức đồ họa từ Trung bình đến Cao.
Tương tự RX 6600 Series, RX 6500 XT không có phiên bản thiết kế tham chiếu từ AMD, người dùng sẽ lựa chọn các phiên bản thiết kế tùy chỉnh đến từ các hãng ASUS, Gigabyte, MSI, Sapphire, Power Color và ASRock. Hầu hết các phiên bản đều sở hữu 2 quạt tản nhiệt nhỏ gọn, kế thừa đặc điểm thiết kế từ những dòng card cao cấp hơn. Việc làm mát cho RX 6500 XT không hề khó khăn bởi điện tiêu thụ chỉ 107 W, hầu như luôn yên tĩnh trong suốt quá trình trải nghiệm, nhiệt độ cũng không bao giờ vượt quá 70 độ C.
Trải nghiệm chơi game
Hệ thống trải nghiệm ngoài nhân vật chính là CPU Ryzen 5 5600X và GPU Radeon RX 6500 XT, bao gồm bo mạch chủ MSI MAG B550M Mortar, bộ nhớ RAM Kingston HyperX Fury DDR4-3200 CL16 (2x16GB), nguồn Corsair CV650, ổ cứng SSD Kingston NV1 500GB.
Trải nghiệm được thực hiện trên nhiều tựa game, cả mới và cũ, tất cả đều trên độ phân giải 1920 x 1080.
Đầu tiên cùng nhìn vào hiệu suất khi chơi các tựa game AAA với yêu cầu đồ họa cao. 5600X và RX 6500 XT đều làm tốt nhiệm vụ của mình khi có thể duy trì tốc độ khung hình trên 60 FPS trên tất cả các game được thử nghiệm, ngay cả với những tựa game mới nhất như Resident Evil Village, Watch Dogs: Legion. Với Assassin’s Creed Valhalla và Shadow of the Tomb Raider, mức FPS 1% thấp nhất dưới 60 FPS một chút, vì vậy nếu muốn trải nghiệm tốc độ khung hình ổn định hơn, bạn có thể giảm một số thiết lập đồ họa.
Chuyển đến các tựa game Esports nhẹ nhàng hơn. Bộ đôi AMD dễ dàng “Max setting” các tựa game phổ biến mà vẫn đảm bảo duy trì mức FPS rất cao. Chỉ riêng PUBG có phần lép vế một chút ở đây khi dù FPS trung bình đạt 90 nhưng trong 1 số cảnh giao tranh quyết liệt vào cuối game có thể giảm xuống còn 59 FPS. Nhìn chung với những con số FPS như vậy thì bạn hoàn toàn có thể sử dụng cùng các màn hình tần số quét cao mà không cần lo ngại về vấn đề tương thích.
FSR (AMD FidelityFX™ Super Resolution) là công nghệ mới được AMD giới thiệu cùng dòng Radeon RX 6000 Series cho phép tăng FPS mà không làm ảnh hưởng quá nhiều đến chất lượng hình ảnh. Chọn Resident Evil Village có hỗ trợ FSR để thử nghiệm cùng thiết lập đồ họa tối đa, FPS tăng thêm gần gấp đôi với cài đặt FSR Quality, đây cũng là mức phù hợp để trải nghiệm game mà không làm giảm chất lượng hình ảnh.
Điện năng tiêu thụ và Kết luận
Trong suốt quá trình trải nghiệm game, đo điện năng tiêu thụ từ ổ điện của toàn bộ hệ thống với thiết bị chuyên dụng cho kết quả rất ấn tượng. Trung bình chỉ 185 W khi chơi game. Người dùng chỉ cần chọn một bộ nguồn 400 - 450W là hoàn toàn có thể đáp ứng cho quá trình sử dụng. Rõ ràng những cải tiến về kiến trúc xử lý và tiến trình giảm xuống 7nm trên Ryzen 5 5600X và 6nm trên Radeon RX 6500 XT đã phát huy hiệu quả. Nhiệt độ toàn hệ thống cũng rất mát mẻ, Ryzen 5 5600X với tản nhiệt Wraith Stealth đi kèm không bao giờ vượt quá 70 độ khi chơi game.
Mặt khác, để tóm gọn hiệu suất của RX 6500 XT, card mới sẽ phù hợp với việc chơi game 1080p, kể cả đối với các tựa game mới nhất ở tốc độ trên 60 FPS. Tất nhiên không thể bật “Max” hết tất cả thiết lập đồ họa, thay vào đó khuyến nghị tốt nhất là bạn nên giảm cài đặt Chi tiết đồ họa (Texture Setting) xuống Medium hoặc High để quá trình chơi game mượt mà hơn. Ngoài ra với những tựa game tích hợp công nghệ FSR, bạn có thể tùy chọn kích hoạt để tăng cao FPS hơn nữa. Hiện tại đã có rất nhiều các tựa game đã hỗ trợ công nghệ mới này.
Trong khi đó, Ryzen 5 5600X sẽ có nhiều tiềm năng để mở rộng hiệu năng hơn nữa, kể cả khi nâng cấp lên các dòng card đồ họa cao cấp hơn. AMD đã có một bước nhảy vọt thực sự với kiến trúc “Zen 3”, không chỉ mạnh mẽ ở khả năng chơi game, ngay cả khi sử dụng cùng một số tác vụ chuyên nghiệp hơn như chỉnh sửa hình ảnh, video 4K, con chip này vẫn có thể xử lý dễ dàng.
Ngoài ra, điểm cộng của nền tảng AM4 tuy đã ra mắt từ lâu nhưng bạn hoàn toàn có thể nâng cấp trong tương lai lên các lựa chọn CPU cao cấp hơn như Ryzen 7 5800X, Ryzen 9 5900X hay thậm chí là 5950X mà không cần quá lo lắng về tính tương thích nhờ việc sử dụng chung bo mạch chủ và RAM DDR4 hiện tại.
Viết bình luận