Eric Rosengren, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Boston nhận định làn sóng tăng giá của tiền mã hóa Bitcoin sẽ không kéo dài lâu.
“Bản thân tôi rất ngạc nhiên khi Bitcoin liên tục tăng giá mạnh”, Rosengren chia sẻ với New York Times. Tính đến 20/2, giá trị tiền mã hóa này đã vượt mức 50.000 USD/đồng, vốn hóa hơn 1 nghìn tỷ USD. Tính từ 1/1, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới đã tăng giá trị hơn 86% trong chưa đầy 2 tháng.
Làn sóng tăng giá Bitcoin được cho là đến từ tỷ phú Elon Musk, các doanh nghiệp tài chính như Bank of New York Mellon tích cực đón nhận loại tiền này.
Trước khi được CEO Tesla nhắc đến, Bitcoin đã trải qua năm 2020 nhiều biến động. Trong thời gian đó, hãng thanh toán PayPal giới thiệu tính năng lưu trữ, giao dịch tiền mã hóa. Giám đốc các quỹ đầu cơ như Paul Tudor Jones, Stanley Druckenmiller cũng nhận định tiềm năng phát triển của Bitcoin, tuyên bố đây là loại tài sản giống như vàng.
Michael Hartnett, Giám đốc đầu tư chiến lược Bank of America nhận định Bitcoin là “mẹ của mọi bong bóng”, so sánh với "bong bóng dot-com".
Theo Rosengren, “bong bóng Bitcoin” sẽ không kéo dài lâu, đặc biệt khi các ngân hàng trung ương đang có kế hoạch ra mắt tiền mã hóa của riêng họ.
“Tôi cho rằng một số ngân hàng sẽ có tiền mã hóa riêng. Khi đó, không rõ lý do gì để mọi người sử dụng Bitcoin, trừ các nền kinh tế ngầm”, Rosengren cho rằng theo thời gian, giá trị Bitcoin sẽ gặp nhiều biến động.
Theo Rosengren, Trung Quốc và Thụy Điển là 2 nước có quan điểm tích cực về tiền mã hóa, bản thân Ngân hàng Dự trữ Liên bang Boston cũng đang nghiên cứu tiền mã hóa riêng của Mỹ.
Jerome H. Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) xác nhận sẽ xem xét kỹ kế hoạch ra đời tiền mã hóa, đặc biệt khi đồng USD đóng vai trò quan trọng với kinh tế toàn cầu.
Khác với Mỹ, phát triển tiền mã hóa với các quốc gia nhỏ là điều dễ dàng hơn. Năm 2020, ngân hàng trung ương Bahamas (quốc gia thuộc vùng Caribbean) đã ra mắt Sand Dollar, phiên bản kỹ thuật số của đồng dollar Bahamas.
Xem thêm: Top 10 đồng điện tử được chú ý nhất hiện nay