Card màn hình là một phần không thể thiếu giúp xử lí hình ảnh của bất cứ bộ máy tính nào, từ máy dùng cho công việc học tập, văn phòng cho tới những bộ máy tính chơi game, làm đồ họa cao cấp. Tuy nhiên, khác với Destop , card màn hình laptop thường khó lựa chọn và nâng cấp hơn. Chính vì vậy hãy cùng Hà Nội Computer tìm hiểu về card màn hình Laptop trong bài viết này nhé !
Card màn hình laptop là gì?
Tương tự như trên PC, card màn hình laptop cũng đóng vai trò như một chiếc card đồ họa VGA ( Video Graphics Adaptor ) . Đây chính là thiết bị xử lí hình ảnh xuất ra màn hình để người dùng có thể thao tác và làm việc trên máy tính. Và bộ phận có vai trò quan trọng nhất đối quyết định sức mạnh card đồ họa là GPU (Graphic Processing Unit). Card đồ họa càng tốt thì tốc độ xử lý hình ảnh càng mượt mà và dễ dàng thao tác. Đối với các game thủ và những người có công việc liên quan đến chỉnh sửa ảnh thì card đồ họa lại càng quan trọng.
Có mấy loại card màn hình laptop
Tương tự như trên máy tính để bàn, card màn hình laptop cũng phân thành hai loại là card onboard và card màn hình rời
Card màn hình onboard (card màn hình tích hợp trên main)
Đây chính là chiếc card màn hình phổ thông nhất trong tất cả các bộ máy bàn cũng như laptop. Nó hoạt động bằng cách tích hợp vào sẵn trong CPU và thậm chí, ngày trước nó còn được tích hợp sẵn bên trong chipset cầu bắc của mainboard. Chiếc card đồ họa tích hợp này được hoạt động là nhờ vào sức mạnh của CPU và RAM (có nghĩa là CPU mạnh và RAM mạnh thì card này sẽ phát huy tối đa tốc độ và thao tác xử lý đồ họa)
Việc ngày nay các nhà sản xuất tích hợp card đồ họa onboard này vào bên trong CPU là việc giúp giảm đi chi phí đáng kể cho một chiếc máy tính hay laptop nhưng vẫn đảm bảo được việc xử lý đồ họa và xử lý hình ảnh hiển thị.
Card màn hình rời
Đây chính là chiếc card màn hình mà được đại đa số anh em sử dụng laptop ngày nay quan tâm nhất. Nó là một chiếc card được thiết kế riêng biệt trên bảng mạch riêng và được giao tiếp với mainboard chính của laptop thông qua 2 cách như sau:
- Hàn chết card màn hình vào bảng mạch của laptop ( rất khó nâng cấp thể loại này)
- Gắn qua cổng giao tiếp (tiện nâng cấp thường là các laptop workstation hay laptop gaming)
Card màn hình rời laptop
Hiện nay, hầu hết các card màn hình rời trên laptop thường được hàn luôn vào bo mạch của máy. Chính vì vậy, bạn không thể nâng cấp hay thay thế chúng một cách dễ dàng như trên máy bàn. Do vậy, khi lựa chọn laptop bạn nên lựa chọn loại máy có card màn hình rời phù hợp nhất với nhu cầu sử dụng của mình nhé.
Cách kiểm tra card màn hình laptop của bạn
Kiểm tra card màn hình bằng lệnh DXDIAG
Bước 1: Đầu tiên các bạn cần mở của sổ Run bằng cách ấn tổ hợp phím Window + R hoặc gõ Run vào ô tìm kiếm trên window
Bước 2: Sau khi hộp thoại Run hiện ra, các bạn gõ lệnh "dxdiag" và ấn OK
Bước 3: Sau khi bảng DirectX Diagnostic Tool hiện ra, các bạn chọn vào mục Display 1 và Display 2 để xem card màn hình của máy mình đang sử dụng.
Cửa sổ DirectX Diagnostic Tool
Kiểm tra card màn hình bằng chuột phải
Có một cách kiểm tra card màn hình laptop vô cùng đơn giản khác mà bạn có thể thực hiện đó là click chuột phải ngay trên màn hình Destop của bạn.
Khi đó sẽ có 2 trường hợp
Nếu bạn thấy dòng Intel (R) HD Graphics thì máy của bạn đang sử dụng card màn hình onboard. Nếu thấy dòng NVIDIA Control Panel thì bạn đang sử dụng card màn hình rời của NVIDIA. Trong trường hợp xuất hiện cả hai thì máy của bạn sử dụng cả 2 loại card màn hình này.
Kiểm tra card màn hình laptop bằng chuột phải. Ở đây máy của mình đang chạy card màn hình rời.
Nếu máy laptop của bạn sử dụng đồng thời cả 2 loại card rời và onboard thì nguyên lý hoạt động của chúng như sau:
Khi bạn sử dụng những ứng dụng hay tác vụ nhẹ, máy sẽ ưu tiên dùng card màn hình laptop onboard trước.
Khi bạn chơi game hay sử dụng những tác vụ xử lý hình ảnh mạnh, máy laptop sẽ chuyển sang dùng card màn hình rời.
Trên đây là các thông tin về card màn hình laptop mà HACOM chia sẻ với bạn. Hi vọng đây là các thông tin hữu ích giúp bạn hiểu rõ hơn về bộ phận này của laptop để lựa chọn cho mình một sản phẩm phù hợp nhất.