Các nhà mạng lớn đã ngừng hỗ trợ các gói cước di động giá rẻ, không giới hạn dung lượng để phục vụ chiến lược kinh doanh mới.
Các gói cước di đọng giá rẻ đã từng là một công cụ hữu ích giúp nhà mạng thu hút được thuê bao mới. Tuy nhiên, sau khi vượt qua giai đoạn tăng trưởng số lượng người sử dụng, chiến lược này không đem lại nhiều hiệu quả nữa, và có nguy cơ trở thành một điểm yếu khiến người tiêu dùng đánh giá sai về chất lượng dịch vụ của nhà cung cấp.
Từ tháng 6, ba nhà mạng lớn tại Việt Nam bao gồm Viettel, Vinaphone, MobiFone đã điều chỉnh hoặc ngừng hỗ trợ một số gói cước dữ liệu giá rẻ hoặc không giới hạn để phản ánh tình hình mới. Theo đánh giá của cơ quan quản lý, việc cắt giảm gói cước giá rẻ là để giảm rủi ro liên quan đến vấn đề SIM rác.

Hiện tại, trang web của nhà mạng đã thông báo về việc ngừng hỗ trợ cho hàng trăm gói cước di động khác nhau. Trên các diễn đàn công nghệ và cộng đồng chia sẻ thông tin dịch vụ viễn thông, các doanh nghiệp đã thông báo về việc ngừng đăng ký cho nhiều gói cước giá rẻ và không giới hạn dữ liệu. "Một số gói cước cũ vẫn có thể sử dụng nếu khách hàng nạp trước tiền vào tài khoản để duy trì số dư cho quá trình gia hạn tự động", một doanh nhân kinh doanh sim điện thoại tiết lộ.
Các gói cước di động ngừng hoạt động thường có mức phí hàng tháng dưới 70.000 đồng, được sử dụng trước đây để duy trì các SIM số chưa sử dụng hoặc để tích ưu đãi cộng dồn. Ngoài ra, các gói cước nghe gọi và gói dữ liệu "không giới hạn" cũng sẽ được điều chỉnh.

Nhà mạng thường phát hành các gói cước di động không giới hạn dữ liệu truy cập hàng tháng, nhưng có điều khoản về tốc độ truy cập cao và sẽ chuyển sang kết nối chậm khi vượt quá dung lượng quy định. Điều này khiến nhiều khách hàng không hiểu rõ thông tin và cảm thấy nhà mạng cung cấp dịch vụ "chất lượng thấp" khi tốc độ truy cập trên thiết bị di động không đạt mong đợi. Từ tháng 6, thuê bao sử dụng hết dung lượng tốc độ cao sẽ không thể truy cập internet và buộc phải đăng ký gói dữ liệu mới.
Động thái không chỉ được thấy ở 3 nhà mạng lớn mà còn đang xuất hiện ở các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn. Gần đây, một nhà cung cấp dịch vụ mạng di động ảo (sử dụng hạ tầng của Vinaphone) đã thực hiện điều chỉnh vào gói cước di động của mình, bao gồm việc loại bỏ gói dữ liệu không giới hạn với giá rẻ và tăng chi phí, cùng việc mở thêm lựa chọn cho chủ thuê bao nhưng điều khoản không còn "thoáng" như trước.

Theo quy định, doanh nghiệp viễn thông có quyền tự quyết định các gói cước di động và chỉ có Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) mới có thẩm quyền chỉ định giá cước trong trường hợp không đảm bảo giá thành, có hiện tượng áp đặt, phá giá, gây mất ổn định thị trường hoặc thiệt hại cho người sử dụng.
Trên toàn cầu, nhiều nhà mạng cũng áp dụng chiến lược tương tự bằng việc loại bỏ hình thức “bóp băng thông” và chuyển sang cung cấp gói cước di động theo dịch vụ. Khi các dịch vụ viễn thông truyền thống không còn hiệu quả, các doanh nghiệp đã bắt đầu hợp tác để phát triển dịch vụ nội dung thay vì tập trung vào kinh doanh thuần túy như trước.