Rene Haas, CEO ARM nói về tương lai của AI và của chính tập đoàn Anh Quốc

Doanh nghiệp gần bạn nhất

được xác nhận bởi itcctv

Rene Haas, CEO ARM nói về tương lai của AI và của chính tập đoàn Anh Quốc
Hình ảnh rao vặt

Rene Haas, CEO ARM nói về tương lai của AI và của chính tập đoàn Anh Quốc

Hai tuần trước, khi DeepSeek xóa bay 1000 tỷ USD giá trị vốn hóa của các tập đoàn giao dịch trên thị trường chứng khoán, CEO ARM, ông Rene Haas đang ngồi trên chiếc xe đạp tập trong nhà: “Màn hình TV chiếu đến đâu là sắc đỏ đến đó. Mọi thứ đều tuột dốc, còn tôi thì nghĩ, thật luôn? Thật hả? Mọi người đang nghĩ cái gì vậy?”

Cơn hoảng loạn được kích hoạt bởi việc DeepSeek ra mắt mô hình R1, thứ mà phía startup Trung Quốc này nói rằng sức mạnh của nó ngang ngửa với mô hình tư duy lý luận logic mà OpenAI đang sử dụng cho ChatGPT, nhưng với cả chi phí huấn luyện lẫn chi phí vận hành chỉ bằng một phần rất nhỏ.

Khi các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu công nghệ mà họ đang nắm giữ, Nvidia, nhà sản xuất những con chip GPU xử lý AI máy chủ đám mây mạnh nhất hành tinh ở thời điểm hiện tại mất trắng 600 tỷ USD giá trị vốn hóa chỉ trong ngày hôm ấy. ARM cũng không khác, khi giá cổ phiếu của đơn vị phát triển kiến trúc chip xử lý này cũng giảm 10%, tương đương 17 tỷ USD giá trị vốn hóa mất đi, chỉ tính riêng trong ngày hôm đó. Giờ mọi chuyện đã bình ổn trở lại đối với rất nhiều startup và tập đoàn công nghệ phương Tây.



Với việc thiết kế và bán bản quyền sở hữu trí tuệ kiến trúc tập lệnh và kiến trúc nhân chip xử lý đang được ứng dụng trong hầu hết mọi chiếc smartphone trên toàn thế giới, cùng lúc đang hợp tác chặt chẽ với những cái tên như Nvidia, thì ARM đương nhiên không thể tránh được mọi tác động từ thị trường chứng khoán và những cổ phiếu liên quan tới ngành trí tuệ nhân tạo, cũng như phản ứng của các nhà đầu tư về triển vọng dự báo của ngành AI toàn cầu.


Đầu tiên, Haas tuyệt đối không đồng tình với quan điểm của nhà đầu tư nổi tiếng Marc Andreessen cho rằng những gì DeepSeek làm được với ngành AI giống như Liên Xô phóng được vệ tinh Sputnik ra ngoài vũ trụ, thứ khởi đầu cuộc chạy đua khám phá không gian thời chiến tranh lạnh: “Ngành AI giờ có tốc độ nghiên cứu phát triển nhanh tới nỗi, sau khi bạn viết xong cái bài phỏng vấn tôi, có thể sẽ có một thứ công nghệ mới toanh được công bố.”

Đương nhiên, CEO của ARM kể từ năm 2022 tới nay cũng đồng ý rằng DeepSeek đã gây ra bất ngờ: “Thứ nhất, một mô hình AI mã nguồn mở trên lý thuyết đã bắt kịp với một trong số những mô hình lý luận logic phiên bản thương mại tốt nhất hiện nay.” Thực tế là mô hình này có nguồn gốc từ Trung Quốc “cũng là một điều quan trọng”, dựa trên sự thật là hầu hết mọi tiến bộ trong ngành trí tuệ nhân tạo tính đến thời điểm hiện tại đều đến từ những đơn vị ở Silicon Valley.



Thứ mà ông Haas ít cảm thấy ấn tượng hơn, là những tuyên bố nói rằng quy trình huấn luyện R1 của DeepSeek chỉ tiêu tốn có 5.6 triệu USD, con số lẻ của số lẻ của kinh phí các startup và tập đoàn Mỹ tiêu để huấn luyện một mô hình ngôn ngữ thế hệ mới. Ông cho biết, ông đơn giản là không tin “những tin đồn” rằng “họ làm được với kinh phí cực kỳ nhỏ. Tôi nghĩ điều đó chính là thứ khiến nhiều người cường điệu lên là mọi thứ đã chấm dứt đối với các đơn vị phương Tây.”

Theo ông Haas, bất kỳ ai lo lắng về tương lai của ngành AI đều nên nhìn vào những đơn vị, quỹ và cá nhân đang đầu tư rất mạnh tay: “Thứ cần để ý là khi những vị giám đốc như Satya Nadella hay Sundar hay Zuckerberg nói. Chẳng hạn nếu họ nói rằng ‘các bạn còn nhớ khoản chi phí vốn 80 tỷ USD mà tôi từng nói tập đoàn sẽ đầu tư hay không, tôi nghĩ tôi sẽ cắt 2/3 số đó.’ Đấy mới là lúc phải lo.”

Ông cũng nghi ngờ rằng, chưa chắc giải pháp huấn luyện mô hình AI mà DeepSeek ứng dụng là thứ thực sự tạo ra cuộc cách mạng. Ông tin rằng họ đã dùng một kỹ thuật gọi là “chắt lọc dữ liệu”, để AI của họ học từ những mô hình AI khác. OpenAI đồng tình với quan điểm này, với bằng chứng là chỉ vài ngày sau khi R1 ra mắt, đơn vị nghiên cứu AI hàng đầu nước Mỹ nói rằng họ có bằng chứng cho thấy startup Trung Quốc đã sử dụng dữ liệu có bản quyền của OpenAI để huấn luyện R1.



Dự đoán của ông Haas, là tương lai của DeepSeek không hẳn là chỉ có màu hồng, và nghĩ rằng có thể DeepSeek sẽ bị giới hạn mọi thứ mà họ làm trong tương lai. Chính quyền Washington đang “cố gắng tìm ra giải pháp với chuyện này. Bạn thử nghĩ xem, nếu họ không muốn TikTok vận hành khi đang được một tập đoàn Trung Quốc điều khiển, làm gì có chuyện họ để DeepSeek tự do?” Đương nhiên, ông Haas cũng nhấn mạnh rằng đây chỉ là quan điểm riêng của cá nhân ông.


ARM, trong khi đó, vận hành và kinh doanh ở một phần khác, dù rất liên quan tới toàn bộ hệ sinh thái công nghệ toàn cầu. Nguồn gốc của họ có thể truy về tận chiếc máy BBC Micro, một hệ thống máy tính rất quen thuộc trong những phòng học ở Anh Quốc thập niên 1980, bên trong nó là chip vi xử lý đầu tiên của ARM phát triển.

Các nhà sáng lập ARM khởi đầu ở một trại nuôi gà tây ở Cambridgeshire, bán bản quyền thiết kế chip cho Apple để sử dụng trên chiếc máy tính cầm tay Newton, rồi sau đó là những chiếc điện thoại di động thế hệ đầu tiên. Khi Apple bắn phát súng hiệu của cuộc cách mạng điện thọa idi động với iPhone năm 2007, họ cũng tìm tới ARM. Kể từ thời điểm ARM thành lập năm 1990, tổng số thiết bị công nghệ bán ra trên toàn thế giới sử dụng chip xử lý ứng dụng kiến trúc tập lệnh của họ đã ngót nghét chạm tới cột mốc 300 tỷ.



Rene Haas, một người đàn ông đứng tuổi, cao ráo. Tháng 2 này chính là thời điểm tròn 3 năm ông đảm nhiệm chức vụ CEO ARM, nhưng ông đã làm cho tập đoàn này từ năm 2013, sau 7 năm gắn bó với Nvidia, nơi ông là một trong những người thân cận nhất của CEO Jensen Huang. Khởi đầu sự nghiệp, ông đến Texas Instrument, sau khi cha của ông nhen nhóm tình yêu của ông với máy tính điện toán.

Cha của ông Haas, một người Do Thái, rời bỏ nước Đức thời kỳ đảng Quốc Xã lên nắm quyền, đến Bồ Đào Nha khi còn rất nhỏ vào đầu thập niên 1930. Cha của ông gặp mẹ ông ở Bồ Đào Nha, rồi họ tới Mỹ, sống ở New York, nơi cha của Rene làm việc cho mảng nghiên cứu của tập đoàn danh tiếng Xerox.

Xerox có một đơn vị kết nghĩa, làm nghiên cứu ở bờ Tây nước Mỹ: Palo Alto Research Group. Địa điểm huyền thoại của ngành công nghệ này được coi là nơi Steve Jobs lần đầu tiên được thấy một thứ gọi là giao diện người dùng trên máy tính vào năm 1979. Khi còn nhỏ, Rene Haas không thiếu những lần đến thăm trung tâm này, và đương nhiên bị choáng ngợp bởi những gì cậu bé khi ấy được nhìn thấy: “Nó cứ như là bước vào một bộ phim khoa học viễn tưởng vậy. Máy tính, trò chơi điện tử, liên lạc với nhau, ở cái thời điểm 50 năm về trước.”


Năm 2006, Haas tới làm việc cho Nvidia. Thời điểm ấy mỗi năm Nvidia chỉ kiếm được có 4 tỷ USD doanh thu, giá trị vốn hóa chỉ là 10 tỷ USD, 1/300 so với con số hiện giờ.

View attachment 8165579

Haas nhanh chóng tạo dựng được mối quan hệ thân thiết với Jensen Huang, và thừa nhận khi ấy công ty làm việc đúng kiểu “giật gấu vá vai”, hoạt động phía sau cái bóng khổng lồ của Intel. Nhưng rồi như anh em đã biết, vị thế của Nvidia và Intel hoán đổi:

“Intel luôn có tư tưởng làm gì cũng phải qua hội đồng quản trị, tức là họ đổi mới và đưa ra những quyết định kinh doanh chậm chạp hơn rất nhiều. Còn ở Nvidia, một trong những siêu năng lực của họ chính là có thể chuyển hướng, thay đổi chiến lược và định hướng rất nhanh. Quan trọng hơn, Jensen làm được điều đó, và cả công ty đều đồng lòng theo định hướng của ông ấy.”

Rồi tới khi Haas sang ARM làm việc, đơn vị này giao dịch trên sàn chứng khoán London lẫn Nasdaq. Ba năm sau đó, SoftBank bỏ 32 tỷ USD mua lại ARM. CEO SoftBank, Masayoshi Son từng muốn chia ARM làm hai, một nửa tập trung vào mảng IoT, và dịch vụ, còn mảng thứ hai tập trung nghiên cứu phát triển những kiến trúc tập lệnh và kiến trúc chip xử lý truyền thống. Haas được đề nghị làm giám đốc điều hành mảng thứ hai này:

“Masa có góc nhìn tổng quán rằng chúng tôi có thị phần rất rất lớn, nhưng gần như chẳng thu được mấy doanh thu và giá trị từ thị phần ấy. Nhưng rồi ông Son bắt đầu bị mất tập trung bởi những thứ khác. Ông ấy mở quỹ Vision Fund, rồi đổ tiền cho WeWork. Ông ấy từng cố thực hiện thương vụ sáp nhập T-Mobile với Sprint. Trong đầu và trên giấy tờ ông ấy luôn cố gắng làm cả triệu việc cùng một lúc.”



Thế là tình cờ, Haas lại được thử nghiệm những chiến lược mới. Ông quyết định biến đổi mô hình kinh doanh của ARM, đòi chi phí sở hữu trí tuệ cao hơn trên từng thiết bị được trang bị những con chip ứng dụng kiến trúc mà họ làm ra, thay vì chỉ tập trung vào khoản tiền mua lại sở hữu trí tuệ mà các hãng trả ngay từ ban đầu. Từng có thời điểm, một con chip kiến trúc ARM điều khiển cái máy xay cũng đem về cho họ số tiền ngang ngửa với một con chip trang bị trong máy chủ đám mây hiệu năng cao, thứ mà Haas thừa nhận là “điên rồ.”

Ông tái cơ cấu công ty theo ngành dọc, tạo ra một mảng phục vụ máy chủ, rồi một mảng phục vụ xe hơi, v.v… Những thiết kế chip của ARM phải được định giá “tương xứng với giá trị” mà chúng đem lại.

Nhưng đem những sản phẩm mới đến với thị trường luôn mất thời gian, và dù rằng Haas đã phác thảo mô hình kinh doanh theo hướng có lợi hơn cho ARM, kết quả không thể đến ngay lập tức được: “Doanh thu không cải thiện thực sự nhưng tôi cũng biết là điều đó không đến ngay được.” Với tăng trưởng không mấy ấn tượng, Masayoshi Son quyết định rao bán ARM.

Cái tên duy nhất sẵn sàng trả con số mà Son muốn chỉ có Jensen Huang ở Nvidia. Nhưng rồi thương vụ đổ bể, vì nhiều cơ quan quản lý thị trường trên toàn thế giới không phê duyệt do những lo ngại độc quyền. Ông Haas cho rằng, “các nhà quản lý đúng hoàn toàn. Thị phần khổng lồ của ARM trong tay một trong chính những khách hàng của họ có thể sẽ tạo ra những bất lợi rất lớn đối với tất cả những hãng khác.”



Những sự kiện diễn ra kể từ khi thương vụ đổ bể đã chứng minh rằng, ARM không về tay Nvidia là điều đúng đắn. SoftBank sau đó quyết định đem ARM lên sàn Nasdaq giao dịch chứng khoán, từ chối lời đề nghị thực hiện IPO cho ARM ở sàn chứng khoán London. Chưa đầy 2 năm sau đó, giá trị vốn hóa của ARM vọt lên ngưỡng 175 tỷ USD.

Sự nồng nhiệt của thị trường đối với công nghệ AI có thể đã giúp ARM có được những kết quả như vậy. Nhưng rõ ràng những quyết định của Haas đã biến đổi ARM. Câu hỏi bây giờ là nguồn tăng trưởng kế tiếp sẽ đến từ đâu. Đã có những thông tin không chính thức nói rằng ARM sẽ tự phát triển chip xử lý của riêng họ, một động thái nếu là sự thật thì sẽ biến tập đoàn này trở thành một thứ khác biệt hoàn toàn so với mô hình kinh doanh chỉ bán thương quyền kiến trúc tập lệnh chip bán dẫn như bây giờ.



Gần nhất, ARM, thông qua SoftBank, sẽ là một phần của dự án Stargate, với khoản đầu tư mở rộng cơ sở hạ tầng khổng lồ phục vụ cho công nghệ AI nước Mỹ, được hé lộ bởi tổng thống Donald Trump ngay trong ngày thứ 2 của ông tại Nhà Trắng. OpenAI cũng là một phần của liên minh này, cùng lúc họ cũng đang hợp tác với ARM để cung cấp nền tảng phần cứng cho những thế hệ “trợ lý AI” mới, giúp cải thiện năng suất lao động tại các văn phòng.

Theo Haas, rồi sẽ có những chướng ngại và khó khăn, nhưng cuộc cách mạng AI là có thật, và sẽ thay đổi thế giới. Bằng chứng, theo ông, chính là bong bóng dotcom cuối thế kỷ XX, và những công ty còn tồn tại hoặc hiện diện sau khi bong bóng vỡ. Cùng lúc, ông cũng là một thành viên hội đồng quản trị AstraZeneca, và khi được hỏi về tiềm năng ứng dụng AI để tìm ra những phương thuốc chữa bệnh cho con người, ông trở nên hồ hởi hẳn:

“Hãy nghĩ về những gì bạn có thể làm ngày hôm nay với những loại thuốc hoàn toàn mới. Bạn sẽ phải thử nghiệm trên động vật trước khi thử nghiệm lâm sàng trên con người. Cái đó đã tồn tại từ thập niên 1950 rồi. AI hiện diện đồng nghĩa với việc những khuôn mẫu hiện giờ hoàn toàn có thể bị phá vỡ.”

Theo FT
Nguồn:tinhte.vn/thread/rene-haas-ceo-arm-noi-ve-tuong-lai-cua-ai-va-cua-chinh-tap-doan-anh-quoc.3956962/
💬 bình luận

Bình luận

Trở thành viên của itcctv — Đăng ký
Thủ thuật tin học văn phòng Thủ thuật Word Thủ thuật Excel
Cuộn