Trong những năm qua, đã có nhiều câu chuyện về các chính phủ các nước cố gắng tìm cách xây dựng các thuật toán dự đoán tội phạm. Những thông tin này đã khiến chúng ta so sánh nỗ lực ngăn chặn tội phạm với bộ phim "Minority Report" ra mắt năm 2002, mặc dù bộ phim đó liên quan đến con người có khả năng ngoại cảm chứ không phải thuật toán AI chạy bằng máy tính.
Chính phủ Anh là cái tên mới nhất bị đưa vào tầm ngắm vì đang phát triển công nghệ này, nhưng các quan chức khẳng định đây chỉ là một dự án nghiên cứu – ít nhất là cho đến nay.
The Guardian đưa tin, chương trình của chính phủ Anh, ban đầu được gọi là “Dự án Dự đoán Án mạng”, hoạt động bằng cách sử dụng thuật toán AI để phân tích thông tin của hàng trăm nghìn người, bao gồm cả nạn nhân của tội phạm. Từ đó, các nhà chức trách hy vọng có thể xác định những người có khả năng thực hiện các hành vi bạo lực nghiêm trọng nhất.
Tổ chức bảo vệ quyền công dân Statewatch đã phát hiện ra dự án này, thông qua Đạo luật Tự do Thông tin (Freedom of Information Act). Tổ chức này tuyên bố rằng công cụ này được phát triển bằng cách sử dụng dữ liệu của từ 100.000 đến 500.000 người. Statewatch cho biết, nhóm đối tượng bị theo dõi bao gồm cả những người có tiền án, cộng với cả những người đã từng là nạn nhân của bọn tội phạm. Các quan chức chính phủ Anh phủ nhận điều này, khẳng định rằng họ chỉ sử dụng dữ liệu hiện có từ những kẻ phạm tội đã bị kết án, chứ không có dữ liệu của các nạn nhân trước kia.
Dữ liệu cá nhân để dự đoán khả năng thực hiện hành vi phạm tội bao gồm tên, ngày sinh, giới tính, dân tộc, và một dãy số để xác định nhân thân của một người trên hệ thống máy tính quốc gia của
cảnh sát Anh. Nó cũng bao gồm nhiều thông tin nhạy cảm, như thông tin sức khỏe tâm thần, nghiện ngập, xu hướng muốn tự sát và khả năng dễ bị tổn thương, tự hại bản thân và tình trạng khuyết tật.
"Nỗ lực xây dựng hệ thống dự đoán án mạng này của Bộ Tư pháp là một ví dụ mới nhất, tạo ra cảm giác vô cùng lạnh gáy và phản địa đàng, về ý muốn của chính phủ trong việc phát triển các hệ thống 'dự đoán' những người có thể sẽ trở thành tội phạm," Sofia Lyall, một nhà nghiên cứu của tỏ chức Statewatch nói.
"Nghiên cứu nhiều lần chứng minh rằng các hệ thống thuật toán để 'dự đoán' tội phạm đầy những lỗi sai và thiên kiến. Mô hình mới nhất này, sử dụng dữ liệu từ cảnh sát và Bộ Nội vụ, vốn đầy sự phân biệt chủng tộc, sẽ củng cố và khuếch đại sự phân biệt đối xử, rồi lấy nó làm nền tảng cho hệ thống pháp luật hình sự.”
Các quan chức nói rằng, chương trình này là một phần mở rộng của các công cụ dự đoán rủi ro vốn đã được vận hành. Hệ thống hiện giờ thường được sử dụng để dự đoán khả năng tái phạm của tù nhân khi họ sắp mãn hạn tù. Họ cũng cho biết thêm rằng, dự án được thiết kế để xem liệu việc bổ sung các nguồn dữ liệu mới từ cảnh sát và dữ liệu giam giữ có cải thiện chất lượng đánh giá rủi ro hay không.
Một phát ngôn viên của Bộ Tư pháp Anh cho biết dự án đang được tiến hành chỉ với mục đích nghiên cứu.
Lịch sử của những nỗ lực phát triển thuật toán dự đoán tội phạm luôn luôn được so sánh với “Minority Report”. Một trong số đó, là "Dejaview" của Hàn Quốc. Dejaview là một hệ thống AI phân tích hình ảnh từ camera giám sát, để phát hiện và có thể ngăn chặn hoạt động tội phạm. Nó hoạt động bằng cách phân tích các mô hình và xác định dấu hiệu phạm tội có thể sắp xảy ra.
Vào năm 2022, các nhà nghiên cứu đại học Chicago, Mỹ, cho biết họ đã phát triển một thuật toán có thể dự đoán khả năng một người sẽ thực hiện hành vi phạm tội trong tương lai, dự báo sớm trước một tuần, với độ chính xác 90%. Cũng vào năm 2022, có thông tin cho rằng Trung Quốc đang tìm cách xây dựng hồ sơ về công dân của mình, từ đó hệ thống tự động có thể dự đoán tội phạm tiềm năng trước khi họ có cơ hội thực hiện hành vi phạm pháp. Nguồn:tinhte.vn/thread/minority-report-sap-thanh-hien-thuc-anh-quoc-dang-phat-trien-ai-du-doan-toi-pham.4003614/