Cựu CEO Google: Phương Tây phải tập trung nghiên cứu AI nguồn mở thì mới cạnh tranh được với TQ

Doanh nghiệp gần bạn nhất

được xác nhận bởi itcctv

Cựu CEO Google: Phương Tây phải tập trung nghiên cứu AI nguồn mở thì mới cạnh tranh được với TQ
Hình ảnh rao vặt

Cựu CEO Google: Phương Tây phải tập trung nghiên cứu AI nguồn mở thì mới cạnh tranh được với TQ

Đó là tuyên bố của ông Eric Schmidt, CEO Google từ năm 2001 đến 2011. Theo ông Schmidt, các quốc gia phương Tây cần tập trung xây dựng những mô hình trí tuệ nhân tạo theo dạng mã nguồn mở, thay vì là những mô hình kinh doanh thương mại có thương quyền, nếu như không muốn nhận phần thua trước Trung Quốc trong cuộc chạy đua phát triển công nghệ AI toàn cầu.

Chắc chắn tuyên bố của ông Schmidt có phần nào tác động từ những gì DeepSeek với hai mô hình ngôn ngữ và mô hình tư duy V3 cũng như R1 của họ đã làm được kể từ hồi đầu tháng 2 tới giờ.

Sau khi đảm nhiệm chức vụ giám đốc điều hành Google tới năm 2011, rồi sau đó là chủ tịch điều hành tập đoàn đến năm 2015, ông Schmidt đã trở thành một nhà đầu tư và làm từ thiện có tiếng. Trong cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times mới đây, ông cho rằng hầu hết những mô hình ngôn ngữ lớn tốt nhất từ các nhà phát triển Mỹ giờ đều được kinh doanh dưới dạng mua thương quyền, từ Gemini của Google, tới Claude của Anthropic, cho tới GPT-4 của OpenAI. Ngoại lệ duy nhất có lẽ chính là Llama của Meta.

Theo ông Schmidt: “Nếu chúng ta không thay đổi, Trung Quốc rồi sẽ trở thành cái tên dẫn đầu thế giới về khả năng phát triển những mô hình AI mã nguồn mở, trong khi phần còn lại của thế giới sẽ quanh quẩn với những mô hình mã nguồn đóng.” Theo ông, nếu như không có những khoản đầu tư và nghiên cứu phát triển tương xứng cho công nghệ AI mã nguồn mở, thứ bị kìm hãm sẽ là những phát kiến khoa học kỹ thuật tại các trường đại học ở các quốc gia phương Tây, những nơi mà các sinh viên, giáo sư và các nghiên cứu sinh không có tiềm lực tài chính để tiếp cận những mô hình AI bán thương quyền mạnh nhất hiện tại.

Tuần này, tại hội nghị thượng đỉnh về AI, tổ chức ở Paris, Pháp, ông Schmidt cũng có mặt. Ở đó, phó tổng thống Mỹ JD Vance đã có tuyên bố khẳng định nước Mỹ sẽ làm mọi cách để giữ vững vị thế dẫn đầu cả thế giới trong ngành trí tuệ nhân tạo.


Còn trong khi đó, tháng trước, chính bản thân CEO OpenAI, Sam Altman cũng từng thừa nhận rằng anh “đã đứng nhầm bên trong lịch sử” nếu xét về quá trình nghiên cứu mô hình AI mã nguồn mở. Anh ngầm thừa nhận rằng, OpenAI cần phải xây dựng những chiến lược để không bị kéo theo quá trình phát triển những mô hình AI bán thương quyền đắt đỏ và tốn kém.

Thế nhưng thực tế hiện tại thì OpenAI có vẻ không có ý định làm điều đó, khi họ đang đàm phán với SoftBank của chủ tịch Masayoshi Son để nhận khoản đầu tư tối đa 40 tỷ USD, biến OpenAI trở thành một đơn vị nghiên cứu có giá trị vốn hóa lên tới 260 tỷ USD. Những tập đoàn khổng lồ khác của nước Mỹ, từ Amazon cho tới Google cũng đầu tư hàng chục tỷ USD để phát triển những mô hình để họ kinh doanh. Hiện giờ hầu hết mọi đơn vị của Mỹ đều tin rằng, những mô hình mã nguồn đóng, bán thương quyền là cách tốt nhất để đảm bảo doanh thu, bù đắp cho khoản đầu tư khổng lồ mà họ đã bỏ ra.

Nhưng ông Schmidt cho rằng: “Tôi thì nghĩ Altman đang hơi vội,” và cho rằng tương lai của ngành trí tuệ nhân tạo sẽ cần tới việc kết hợp cả những mô hình bán thương quyền lẫn những mô hình mã nguồn mở.

Hiện giờ đương nhiên nước Mỹ vẫn dẫn đầu cả thế giới trong ngành AI, với những mô hình rất mạnh như GPT-4. Nhưng theo ông Schmidt, châu Âu lại có lợi thế cạnh tranh khác, có cơ hội để gặt hái những lợi ích kinh tế bằng cách tư duy, tìm cách ứng dụng AI cho doanh nghiệp bằng cách phát triển những ứng dụng vận hành dựa trên thứ công nghệ đang rất hot này: “Châu Âu phải tự tìm ra cách. Mảng ứng dụng là thứ cực kỳ mạnh, hoàn toàn đủ sức giúp châu Âu vận hành hiệu quả hơn.”

Hôm thứ 4 vừa rồi, ông Schmidt tuyên bố sẽ đầu tư 10 triệu USD để xây dựng một chương trình đảm bảo an toàn AI trong nghiên cứu khoa học thông qua quỹ phi lợi nhuận Schmidt Sciences, do ông cùng vợ là bà Wendy Schmidt sáng lập. Chương trình này sẽ hỗ trợ cho 27 dự án đang được thực hiện, phục vụ nghiên cứu cơ bản về an toàn AI.

Những nhà khoa học được nhận tiền đầu tư hỗ trợ nghiên cứu có thể kể tới Yoshua Bengio, một nhà khoa học máy tính từng được nhận giải thưởng Turing, hiện đang phát triển một công nghệ giới hạn nguy cơ cho các hệ thống mô hình AI. Một người khác là Zico Kolter, thành viên ban quản trị OpenAI, giáo sư trường đại học Carnegie Mellon, hiện đang nghiên cứu về việc thực hiện tấn công công nghệ cao bằng AI.

Cùng chủ đề này, ông Schmidt kêu gọi phương Tây hợp tác với Trung Quốc về vấn đề an toàn AI, vì mọi quốc gia đều sẽ phải đối mặt với cùng những nguy cơ và vấn đề xoay quanh cùng một thứ công nghệ có tiềm năng rất lớn. Ông so sánh việc này với việc quân đội các nước chia sẻ thông tin khi họ thử nghiệm tên lửa.

Theo FT
Nguồn:tinhte.vn/thread/cuu-ceo-google-phuong-tay-phai-tap-trung-nghien-cuu-ai-nguon-mo-thi-moi-canh-tranh-duoc-voi-tq.3958676/
💬 bình luận

Bình luận

Trở thành viên của itcctv — Đăng ký
Thủ thuật tin học văn phòng Thủ thuật Word Thủ thuật Excel
Cuộn