Anh em có đang dùng máy ảnh số thiết kế cổ điển không? Cảm giác có mỏi tay không?

Doanh nghiệp gần bạn nhất

được xác nhận bởi itcctv

Anh em có đang dùng máy ảnh số thiết kế cổ điển không? Cảm giác có mỏi tay không?
Hình ảnh rao vặt

Anh em có đang dùng máy ảnh số thiết kế cổ điển không? Cảm giác có mỏi tay không?

Rõ ràng là đang có một vấn đề với xu hướng thiết kế máy ảnh số hiện tại.

Giống hệt như thời trang, thiết kế mỹ thuật công nghiệp cũng có xu hướng xoay vòng, vay mượn những đường nét đã trở nên bất tử trong quá khứ, được biết bao người yêu mến. Và thực tế thì với cái xu hướng hồi sinh của nhiếp ảnh phim analog, không thiếu những hãng đã ra mắt những thiết bị với hình dáng của những chiếc máy rangefinder của thời xưa cũ, hay những chiếc máy thiết kế SLR với kính ngắm đặc trưng.

Vấn đề lại nằm ở chỗ, các hãng tạo ra được những thiết kế mới dựa trên những đường nét của những chiếc máy cũ kỹ, nhưng lại quên mất một điều. Những chiếc máy như Nikon F3 hay Leica M6 được thiết kế cho những ống kính của thời bấy giờ, chứ không phải công nghệ thiết bị quang học nhiếp ảnh của thế kỷ XXI.

Lấy ví dụ luôn. Không phải tự nhiên Nikon Zf, chiếc máy mình rất thích, lại chỉ phù hợp nhất với hai dạng ống kính. Thứ nhất là hai chiếc ống Special Edition 28mm f/2.8 và 40mm f/2 mà Nikon sản xuất, và thứ hai là những chiếc ống lấy nét tay của Voigtlander. Thiết kế cổ điển của hai dạng ống kính ấy phù hợp với Zf là một nhẽ. Lý do quan trọng hơn đối với mình là kích thước những chiếc ống ấy gọn gàng, không cần lắp thêm grip, chẳng hạn như của Neewer hay Smallrig.



Nhưng hôm nào cần mang cái máy ảnh đó đi làm, thì luôn phải xác định tinh thần lắp grip, vì không có món phụ kiện này, không bao giờ dùng Zf với 24-70mm f/2.8 hay 24-120 f/4 một cách thoải mái được. Vấn đề là Zf không chỉ là một chiếc máy ảnh nhắm tới thị trường những người đam mê, mà nó vẫn còn đang là một công cụ làm việc rất mạnh nhờ thông số kỹ thuật của phần cứng bên trong.

Cá biệt hôm nọ mình lên Reddit còn thấy có ông bạn nào đó khoe hình mua Zf và Nikkor Z 50mm f/1.2 S. Cái ống kính hơn 1kg lắp lên body máy ảnh chỉ nặng chưa đầy 800 gram.

Đấy là ví dụ để chứng minh cho việc xu hướng máy ảnh số thiết kế cổ điển không thể giải quyết được những vấn đề về công năng và công thái học khi sử dụng chúng với những ống kính hiện đại nhất hiện giờ. Cũng là 50mm, cũng là phiên bản cho full frame, nhưng anh em thử nhìn Voigtlander Nokton 50mm f/1 Z mount, và Nikkor Z 50mm f/1.2 S khác nhau như thế nào về kích thước và trọng lượng:



Một ví dụ khác mô tả được sự cân bằng giữa thiết kế và công năng, là một trong những chiếc máy ảnh cảm biến APS-C tốt nhất trên thị trường hiện tại, Fujifilm X-T5. Dám khẳng định rằng, việc ứng dụng cảm biến crop thay vì full frame là một yếu tố quan trọng giúp Fujifilm tạo ra một chiếc máy thiết kế cổ điển cân bằng xuất sắc giữa thiết kế và trải nghiệm sử dụng.

Nhờ cảm biến nhỏ hơn, nên kích thước ống kính lấy nét tự động không hề cồng kềnh và nặng nề như ống kính full frame, kể cả là khi anh em dùng tới Fujinon XF 56mm f/1.2. Kích thước và trọng lượng của máy hoàn hảo để cầm máy 1 tay chụp, trong mọi điều kiện, vì cả chiếc máy nặng chưa đầy 1kg, và không bị lệch trọng tâm:



Đấy có lẽ cũng là lý do, tin đồn chiếc máy Nikon Zs kết hợp giữa cảm biến full frame, ngàm Nikkor Z với thiết kế của chiếc máy rangefinder SP sẽ rất khó trở thành hiện thực, nhất là khi anh em đòi hỏi bên trong chiếc máy ấy vẫn phải là hệ thống IBIS, rồi cả những công nghệ mạnh nhất của thế hệ ngàm Z hiện giờ.


Làm ra thì được, nhưng để tận dụng hết khả năng của cảm biến CMOS bên trong chiếc máy, sẽ cần những ống kính Nikkor Z đời mới, với những thấu kính kích thước lớn và nặng nề để vừa triệt tiêu quang sai, vừa đảm bảo khẩu độ lớn kèm theo hệ thống mô tơ lấy nét tự động vừa phải nhanh vừa phải yên lặng gần như tuyệt đối. Khi ấy, người dùng cầm mấy chiếc máy như vậy sẽ rất khổ, nếu không có grip đi kèm.



Cũng bị mê Zf, cũng bỏ tiền mua về phục vụ cả công việc lẫn chụp vui vẻ, mình hoàn toàn hiểu những lý do khiến chiếc máy này được hàng trăm nghìn người khác yêu mến như mình. Lý do chiếc máy này thành công thì nhiều, nhưng một phần trong đó cũng chính là lý do vì sao Fujifilm X lại thành công đến mức ấy.

Lý do ấy kết hợp giữa sự hoài cổ của rất nhiều người, giữa cái thời điểm cứ lên mạng xã hội mà nói về câu chuyện nhiếp ảnh số là kiểu gì cũng sẽ có người bình luận là điện thoại là quá đủ rồi. Khi con người muốn sống chậm lại, muốn cẩn thận hơn trong từng tấm hình họ chụp, giống như cái cách thời xưa các nhiếp ảnh gia tính toán từng bố cục khung hình và tốc độ màn trập, thì ắt hẳn chúng ta cũng sẽ muốn một chiếc máy tạo ra trải nghiệm có phần cổ điển và tương đồng, chứ không phải những body máy ảnh SLR hay DSLR hiện đại, nhìn cục mịch và thiếu cảm hứng.

Chúng ta, suy cho cùng, thèm muốn sự cổ điển, đưa chúng ta về cái thời xưa cũ, nhưng kèm với đó phải là những công nghệ mới nhất của thế kỷ XXI. Giờ còn mấy ai quan tâm việc đo sáng để chỉnh tốc độ màn trập khớp với ISO của những cuộn phim nữa? Bật chế độ Aperture Priority hay Shuttle Priority là xong.



Đương nhiên cũng có một giải pháp cho xu hướng máy ảnh thiết kế cổ điển, đấy là những chiếc máy compact ống kính liền. Nhưng để có được X100VI, sẽ phải đánh đổi vài thứ để máy gọn gàng, cụ thể hơn là cái màn trập.

Khi công nghệ màn trập điện tử còn chưa hoàn thiện, Sony a9 III vẫn còn bị phàn nàn, thì chúng ta vẫn sẽ cần đến màn trập cơ. Nhưng máy compact ứng dụng màn trập leaf trên ống kính thay vì ngay trước cảm biến, để kích thước máy và ống gọn nhất có thể. Đổi lại, màn trập trên ống kính bị phụ thuộc vào khẩu độ tối đa có ống kính. Khẩu càng nhỏ thì tốc độ màn trập sẽ càng nhanh.



Không phải tự nhiên mà từ cái thời ngài Giorgetto Giugiaro chắp bút thiết kế những đường nét đầu tiên của Nikon F4 năm 1988, nó đã trở thành một trong những thứ định hình thiết kế máy ảnh trong 30 năm kế tiếp. Thiết kế máy ảnh cũ vẫn luôn đẹp, nhưng để cầm nó lên làm việc với nó cả ngày, đặc biệt là với những ống kính tốt nhất của năm 2025, có lẽ hơi khó.
Nguồn:tinhte.vn/thread/anh-em-co-dang-dung-may-anh-so-thiet-ke-co-dien-khong-cam-giac-co-moi-tay-khong.4038804/
💬 bình luận

Bình luận

Trở thành viên của itcctv — Đăng ký
Thủ thuật tin học văn phòng Thủ thuật Word Thủ thuật Excel
Cuộn