Tinhte AI Podcast: AI, Doanh nghiệp và tầm nhìn tương lai với giám đốc quốc gia Intel Việt Nam

Doanh nghiệp gần bạn nhất

được xác nhận bởi itcctv

Tinhte AI Podcast: AI, Doanh nghiệp và tầm nhìn tương lai với giám đốc quốc gia Intel Việt Nam
Hình ảnh rao vặt

Tinhte AI Podcast: AI, Doanh nghiệp và tầm nhìn tương lai với giám đốc quốc gia Intel Việt Nam

Gần đây mình vừa có cuộc nói chuyện với anh Phùng Việt Thắng, Giám đốc Quốc gia của Intel tại Việt Nam xoay quanh các vấn đề về trí thông minh nhân tạo AI, qua đó tiết lộ được không chỉ quan điểm của một người có gần 30 năm làm việc trong lĩnh vực công nghệ mà còn cho chúng ta nhìn thấy được phần nào cách tiếp cận của Intel giữa thời đại AI này.

Trong bối cảnh sự hiện diện của AI gần như là tâm điểm của mọi công nghệ trong đời sống và công việc của chúng ta như hiện tại, dần chứng minh được những lợi ích thiết thực của nó, cuộc trò chuyện tiếp tục đưa hành trình tìm hiểu về AI đến một chủ đề rộng hơn: AI và những tác động sâu rộng của nó đối với doanh nghiệp, cùng với tầm nhìn chiến lược của một trong những gã khổng lồ đã khai sinh ra kỷ nguyên máy tính cá nhân là Intel.



Với gần ba thập kỷ kinh nghiệm trong ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam, làm việc cho nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, anh Thắng mang đến một góc nhìn độc đáo, vừa sâu sắc về công nghệ, vừa am hiểu bối cảnh kinh doanh tại Việt Nam trong nhiều năm qua. Qua đó, chúng ta sẽ phần nào hiểu được cách AI đang thay đổi cuộc chơi cho các doanh nghiệp Việt Nam và vai trò của Intel trong việc thúc đẩy, dẫn dắt sự chuyển đổi này, đặc biệt là thông qua khái niệm AIPC (AI Personal Computer) đang ngày càng phổ biến.




Cuộc trò chuyện bắt đầu không phải bằng những dự đoán tương lai xa vời, mà bằng một cái nhìn thực tế về quá trình phát triển của AI. Anh Thắng nhấn mạnh rằng sự bùng nổ của AI mà chúng ta chứng kiến trong vài năm qua, đặc biệt với sự xuất hiện của các mô hình ngôn ngữ lớn như ChatGPT hay các công cụ tạo ảnh, không phải là một cuộc cách mạng diễn ra chỉ sau một đêm.

"Thực ra là nếu mọi người theo dõi về sự phát triển của công nghệ thì AI nó không phải là một kết quả sau một sự thay đổi gì đó quá đột biến," anh Thắng chia sẻ ngay từ đầu. "Mà thực ra AI mà ngày hôm nay chúng ta nhìn thấy... là kết quả của một quá trình rất lâu dài từ những nghiên cứu khoa học cơ bản cho đến những công nghệ nền tảng."



Anh giải thích rằng, trước khi AI trở thành một thuật ngữ quen thuộc với công chúng, nó đã âm thầm hiện diện và mang lại giá trị trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong nội bộ các tập đoàn công nghệ lớn. Anh tiết lộ rằng "Ví dụ cụ thể như Intel chẳng hạn, AI chính là quá trình tự động hóa đã áp dụng từ lâu trong hoạt động của Intel, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nhiều năm nay rồi," Điều này cho thấy, đối với những người trong cuộc, AI không phải là phép màu mới xuất hiện, mà là sự hội tụ của nhiều thập kỷ nghiên cứu và ứng dụng.

Sự khác biệt lớn nhất hiện nay, theo anh Thắng, nằm ở khả năng tiếp cận. Anh Thắng chia sẻ: "AI ngày hôm nay cho chúng ta cảm giác hạnh phúc vì ai cũng có thể nhìn thấy, ai cũng có thể sờ được, ai cũng có thể sử dụng và sử dụng rộng rãi. Những khả năng mà AI đem lại cho mọi người đang được tiếp cận rất dễ dàng. Điều đó khác hẳn so với ngày xưa vốn AI có thể chỉ nằm trong giới học thuật hay trong các quy mô nhỏ hơn... thì bây giờ AI có thể tiếp cận được tới rất nhiều đối tượng."

Trên thực tế, đây chính là điểm mấu chốt cho sự bùng nổ của AI như hiện tại. Sự dân chủ hóa của AI, được thúc đẩy bởi các mô hình ngôn ngữ lớn và giao diện người dùng thân thiện, đã đưa công nghệ này từ các phòng thí nghiệm và dây chuyền sản xuất khép kín trước đây ra đến tận tay người dùng cá nhân. Tuy nhiên, sự dễ dàng tiếp cận này lại đặt ra một nghịch lý thú vị khi xét đến khối doanh nghiệp.


Trong khi người dùng cá nhân nhanh chóng đón nhận các ứng dụng AI mới, từ trợ lý ảo đến công cụ sáng tạo nội dung, thì các doanh nghiệp, đặc biệt là tại Việt Nam, dường như lại có một sự dè dặt nhất định. Trong cuộc nói chuyện, anh Thắng đã chia sẻ và xác nhận quan sát này của mình. Anh cho biết "Mỗi một doanh nghiệp còn đang rất băn khoăn không biết đầu tư vào AI theo cách nào, không biết AI đem lại giá trị gì cho chúng ta và trên thực tế, thậm chí họ còn không rõ nên sử dụng ứng dụng AI gì để có lợi ích cho doanh nghiệp,"

Có một thực tế rằng trước giờ, các doanh nghiệp luôn là nơi được áp dụng những kỹ thuật, công nghệ mới sớm hơn so với người dùng cá nhân. Tuy nhiên đối với AI tại Việt Nam thì điều đó lại ngược lại.



Tại sao lại có sự chậm trễ này? Anh Thắng cho rằng có nhiều yếu tố dẫn đến thực trạng đó. Bên cạnh câu hỏi muôn thuở về chi phí đầu tư và lợi tức (ROI), các doanh nghiệp còn phải đối mặt với những lo ngại sâu sắc hơn về bảo mật dữ liệu và độ tin cậy của công nghệ. "Đối với doanh nghiệp thì họ quan tâm đến nhiều giá trị khác nữa. Ví dụ như là tính bảo mật. Ví dụ như là sự tin cậy," anh nhấn mạnh. "Doanh nghiệp họ sẽ lo lắng, sẽ quan tâm hơn rất nhiều so với cả một cá nhân."

Có thể thấy sự phức tạp này tạo ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Anh Thắng cho biết thêm rằng: "Doanh nghiệp một mặt thì rất muốn có lợi từ công nghệ AI, một mặt khác thì lại không biết đầu tư như thế nào cho hiệu quả. Và kể cả khi họ có sẵn năng lực đầu tư đi chăng nữa, họ cũng không biết là có nên đầu tư hay không."

Đây là một khoảng trống quan trọng, một bài toán hóc búa mà giới công nghệ cần đưa ra lời giải. Và theo anh Thắng, Intel đang tích cực tham gia vào quá trình này. "Câu hỏi đấy đang được dần được trả lời bởi giới công nghệ. Và một trong những đươn vị có thể giúp cho các doanh nghiệp trả lời điều đó chính là Intel," ông khẳng định.

Anh cho biết Intel đang tiếp cận bài toán này thông qua khái niệm "Enterprise AI" – AI dành cho doanh nghiệp. Cách tiếp cận này tập trung vào việc cung cấp các giải pháp tính toán phù hợp với nhu cầu xử lý dữ liệu, yêu cầu bảo mật và độ tin cậy đặc thù của từng doanh nghiệp, thay vì chỉ chạy theo các mô hình AI đám mây quy mô lớn vốn đòi hỏi nguồn lực đầu tư khổng lồ.


Trọng tâm trong chiến lược của Intel nhằm đưa AI đến gần hơn với cả người dùng cá nhân và doanh nghiệp chính là AIPC – AI Personal Computer. Đây không chỉ là một chiêu bài marketing, mà là một sự thay đổi nền tảng trong kiến trúc máy tính.

Anh Thắng giải thích rõ ràng về bản chất của AIPC: "Để có được một chiếc AIPC thật là tốt thì đầu tiên nó phải là một chiếc PC tốt đã! Và đấy chính là bản chất mà Intel trong rất nhiều, rất nhiều chục năm qua theo đuổi để trở thành đơn vị đi đầu trong việc sáng tạo ra PC. Tương tự như vậy, ngày hôm nay Intel cũng lại sáng tạo ra AIPC để đem lại cho người dùng."



Điểm cốt lõi tạo nên sự khác biệt của AIPC chính là việc tích hợp một thành phần xử lý mới bên cạnh CPU (Bộ xử lý trung tâm) và GPU (Bộ xử lý đồ họa) truyền thống chính là NPU (Neural Processing Unit – Bộ xử lý thần kinh).

"NPU là sản phẩm tính toán dựa trên mô phỏng cấu trúc hoạt động thần kinh của con người và vì thế giúp cho những tính toán AI nó có hiệu quả hơn. Và đặc biệt là NPU thì có một cái lợi rất là khác so với cả trước đây đấy chính là có thể tính toán offline. Có nghĩa là tính toán mà khi mà không cần phải kết nối máy tính của chúng ta ra bên ngoài."

Theo Intel, việc bổ sung NPU không chỉ giúp tăng tốc các tác vụ AI mà còn mang lại hiệu quả năng lượng vượt trội. Bằng cách phân chia công việc một cách thông minh, trong đó CPU xử lý các tác vụ chung, GPU đảm nhận đồ họa và các tính toán song song cường độ cao, còn NPU chuyên trách các thuật toán AI, toàn bộ hệ thống có thể hoạt động hiệu quả hơn, tiết kiệm pin hơn, cho phép tạo ra những chiếc laptop mỏng nhẹ hơn mà vẫn mạnh mẽ. Anh Thắng ví von sự phân chia này giống như "chuyên môn hóa một cái dây chuyền sản xuất trong một nhà máy," giúp tối ưu hóa toàn bộ quy trình.

Một điểm đáng chú ý mà anh đưa ra là, theo nghiên cứu của Intel, khoảng "60% nhu cầu AI dựa trên CPU chứ không phải là GPU." Điều này cho thấy vai trò trung tâm của CPU vẫn rất quan trọng và việc tích hợp NPU giúp giảm tải cho CPU và GPU, tối ưu hóa hiệu năng tổng thể và năng lượng tiêu thụ. Kết quả là những chiếc AIPC "vừa là tính toán AI tốt, vừa là mỏng nhẹ, pin bền hơn và cuối cùng là năng lượng sử dụng rất tiết kiệm," anh mô tả.


Trong buổi nói chuyện, anh Thắng chia sẻ rằng khái niệm AI PC tiên phong bởi Intel đang nhanh chóng được thị trường đón nhận với những con số ấn tượng minh chứng cho điều này.

“Khi Intel đưa ra xu hướng AIPC và đồng thời cũng sáng tạo ra chip để phục vụ cho AIPC thế hệ đầu tiên, chúng tôi kỳ vọng trong năm đầu tiên sẽ có độ khoảng 40 triệu chiếc AIPC dùng chip của Intel được xuất xưởng. Trên thực tế con số ấy đã vượt xa.” Sự thành công này đã tiếp thêm động lực cho Intel. "Và kế hoạch năm 2025 này trên toàn cầu, chúng tôi cũng kỳ vọng sẽ xuất xưởng khoảng 100 triệu chip thế hệ mới của Intel phục vụ cho việc sản xuất các AIPC".



Tại Việt Nam, dù có độ trễ nhất định so với thị trường toàn cầu, sự hiện diện của AIPC cũng đang tăng lên nhanh chóng. "Tại thời điểm ngày hôm nay chúng ta đang ngồi ở đây, tôi đang thực sự rất bận rộn với việc tham gia cùng với cả các cái đối tác của chúng tôi, các OEM, để đem những sản phẩm rất cụ thể về Việt Nam... Hiện tại ở Việt Nam chúng ta đã có hàng chục các cái sản phẩm AIPC của các hãng ở tại Việt Nam."

Điều này cho thấy AIPC không còn là một khái niệm xa vời mà đã trở thành những sản phẩm hữu hình, sẵn sàng để người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam trải nghiệm và sở hữu.

Một lo ngại thường trực với công nghệ mới là giá cả. Liệu AIPC có quá đắt đỏ? Ông Thắng thừa nhận rằng sản phẩm thế hệ mới thường có giá cao hơn, nhưng Intel và các đối tác OEM luôn cung cấp một dải sản phẩm rộng, tương tự như các thế hệ PC trước đây (ví dụ Core Ultra 3, 5, 7, 9), để đáp ứng các mức ngân sách và nhu cầu khác nhau. "Từ những cái sản phẩm mà có giá rất là phù hợp cho đến những sản phẩm có giá cao hơn một chút cho đến những sản phẩm cao cấp," ông khẳng định, đảm bảo rằng AIPC không chỉ dành cho phân khúc cao cấp.


Phần cứng mạnh mẽ là nền tảng, nhưng giá trị thực sự của AIPC nằm ở các ứng dụng phần mềm có thể tận dụng được sức mạnh xử lý AI chuyên dụng đó. Qua đó, anh Thắng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ sinh thái (ecosystem).

Anh giải thích rằng “Để chia những tác vụ đấy cho CPU, GPU, NPU thì chúng ta bao giờ cũng cần phải có phần mềm, Cái phần mềm mà chạy trên cái sản phẩm chip mới của Intel... tối ưu những cái tác vụ AI để chạy được tốt nhất trên Intel thì hiện nay là đang ra đời đều đặn càng ngày càng nhiều hơn.”

Intel tự hào về lịch sử lâu đời làm việc chặt chẽ với các nhà phát triển phần mềm độc lập (ISV). Khi ra mắt chip Core Ultra thế hệ đầu, đã có 100 ISV sẵn sàng với các ứng dụng tối ưu hóa. Con số này đang tiếp tục tăng lên. Đặc biệt, công ty chia sẻ một tin vui về nỗ lực thúc đẩy hệ sinh thái tại Việt Nam: "Khi chúng tôi làm việc ở Việt Nam, đem chip mới của Intel về Việt Nam, chúng tôi cũng đã nghĩ ngay đến cái việc làm thế nào để hỗ trợ cho cộng đồng phát triển phần mềm ở Việt Nam sản xuất ra những sản phẩm phần mềm và được tối ưu về mặt tính toán AI trên những chip mới của Intel."

Cách tiếp cận "open source" (mã nguồn mở) cũng là một lợi thế cạnh tranh quan trọng của Intel. "Khi Intel đã phát triển theo hướng open source đồng nghĩa đã hỗ trợ cộng đồng ở mức độ tốt nhất, ở mức độ có thể sáng tạo cao nhất thì cái cộng đồng của chúng tôi rất là mạnh,". Theo Intel, hệ sinh thái phần mềm mạnh mẽ này sẽ là yếu tố then chốt giúp Intel tự tin đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các nhà sản xuất chip khác như AMD hay Qualcomm, vốn cũng là những công ty đang bước vào thị trường AIPC.


Ngoài những khía cạnh công nghệ và kinh doanh, cuộc trò chuyện còn chạm đến một tầng sâu hơn: cách chúng ta nên nhìn nhận và ứng xử với AI. Mình khá ấn tượng với một phát biểu trước đây của anh Thắng và đã nhờ anh nhắc lại quan điểm của mình một cách rõ ràng hơn: "AI không phải là mục tiêu mà hãy xem nó như là một phương tiện."



Anh diễn giải rằng : "Thực ra cái quan trọng nhất của công nghệ chính là nó đem lại giá trị tốt nhất và tạo cuộc sống tốt hơn cho con người. Đấy là mục đích của công nghệ... Khi mà chúng ta coi việc đem lại giá trị tốt nhất cho con người là mục đích và chúng ta dùng công nghệ là một phương tiện thì chúng ta sẽ hiểu rõ về cách mà chúng ta làm việc với công nghệ như thế nào."

Theo cá nhân mình, quan điểm này đặc biệt hữu ích trong bối cảnh nhiều người đang cảm thấy "FOMO" (Fear Of Missing Out – Sợ bỏ lỡ) trước tốc độ phát triển chóng mặt của AI. Cảm giác bị tụt hậu, bị công nghệ vượt mặt là có thật. Tuy nhiên, anh Thắng cho rằng chìa khóa để vượt qua cảm giác này là sự hiểu biết.

Theo anh, "Đầu tiên là chúng ta phải hiểu công nghệ thế nào và cụ thể trong trường hợp này là chúng ta phải hiểu là AI là cái gì. Những hiểu biết về AI sẽ cho chúng ta một sự nhìn nhận mạch lạc hơn, tự tin hơn... Qua đó chúng ta thấy rằng chúng ta nằm trong sự phát triển cùng với cả AI, chứ không nằm ngoài."

Khi hiểu rõ bản chất, ưu điểm và cả hạn chế của AI, chúng ta có thể coi nó như một công cụ mạnh mẽ để nâng cao năng lực, thay vì một thế lực đáng sợ cần né tránh. "Chúng ta sẽ đi cùng nó," anhkết luận một cách lạc quan.


Nhìn về tương lai, anh Thắng vẽ ra một bức tranh nơi AI trở nên phổ biến, tích hợp liền mạch vào mọi khía cạnh của cuộc sống và công việc.

"Tôi đang hình dung ra một thế giới trong một vài năm tới sẽ là AI ở tất cả mọi nơi, AI everywhere. AI sẽ len lỏi vào tất cả mọi thứ xung quanh chúng ta, từ làm việc cho đến trong cuộc sống, học tập, giải trí. Tất cả mọi thứ đều có AI ở trong đó."

Lúc bấy giờ, sự ra đời của AIPC chính là một bước đi quan trọng để hiện thực hóa tầm nhìn này, cung cấp một "công cụ để mọi người có thể tiếp cận một cách dễ dàng, một cách phổ biến và ai cũng có thể tận dụng được cái giá trị của AI."

Đến lúc đó, anh tin rằng, AI sẽ trở thành một phần bình thường của cuộc sống, giống như Internet không dây hay điện thoại thông minh ngày nay vốn đều là những công nghệ từng gây xáo trộn lớn nhưng giờ đã trở nên quen thuộc và không thể thiếu. "Chúng ta có thể coi đó là một phương tiện gắn với cả cuộc sống của chúng ta một cách bình thường," anh dự đoán.

Cuộc trò chuyện kéo dài gần một giờ đồng hồ với anh Phùng Việt Thắng đã mang lại cho mình nhiều thông tin và góc nhìn mới về AI. Rời khỏi quán cà phê Tinhte, mình mang theo hình dung rõ ràng hơn về cách một gã khổng lồ công nghệ đang định vị lại mình trong kỷ nguyên AI, không chỉ bằng việc tạo ra phần cứng mạnh mẽ hơn, mà còn bằng việc xây dựng hệ sinh thái, định hình xu hướng thị trường (với AIPC) và quan trọng hơn cả là giúp các doanh nghiệp và người dùng hiểu và khai thác hiệu quả sức mạnh của công nghệ mới này.

Câu chuyện của Intel tại Việt Nam phản ánh một xu hướng lớn hơn trên toàn cầu: AI đang chuyển từ giai đoạn thử nghiệm sang ứng dụng thực tế, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà cung cấp công nghệ, nhà phát triển phần mềm và chính người dùng cuối. Thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam là không nhỏ, nhưng cơ hội mà AI mang lại cũng vô cùng lớn. Với những nền tảng như AIPC và sự hỗ trợ từ các công ty như Intel, cùng nhiều OEM khác, hành trình làm chủ AI của Việt Nam, dù còn nhiều việc phải làm, nhưng đang được dánh giá là chắc chắn đang đi đúng hướng. Cuộc cách mạng AI chỉ mới bắt đầu và những gì diễn ra tại đây, tại một trong những nền kinh tế số năng động nhất thế giới, chắc chắn sẽ rất đáng để theo dõi trong tương lai.

Nguồn:tinhte.vn/thread/tinhte-ai-podcast-ai-doanh-nghiep-va-tam-nhin-tuong-lai-voi-giam-doc-quoc-gia-intel-viet-nam.4016196/
💬 bình luận

Bình luận

Trở thành viên của itcctv — Đăng ký
Thủ thuật tin học văn phòng Thủ thuật Word Thủ thuật Excel
Cuộn