Bên cạnh việc đầu tư cho những startup nghiên cứu AI có tiềm năng, các quỹ đầu tư mạo hiểm còn vừa tìm được một thị trường hoàn toàn mới để đầu tư sinh lời: Cho các đơn vị vận hành máy chủ đám mây mới xuất hiện, gọi chung bằng khái niệm neocloud, vay nợ để mua chip xử lý hiệu năng cao từ Nvidia, rồi cung cấp dịch vụ cho các đơn vị và startup nghiên cứu AI, vốn không có nguồn lực tự đầu tư xây dựng data center như những tập đoàn lớn. Như tiêu đề, các đơn vị lớn nhất phố Wall, bao gồm cả những cái tên vô cùng nổi tiếng như BlackStone, BlackRock, Pimco, Carlyle đã tạo ra một thị trường cho vay đầy tiềm năng. Tổng cộng, ước tính những quỹ đầu tư đã đổ hơn 11 tỷ USD để các đơn vị neocloud đặt mua món hàng hot nhất toàn ngành công nghệ ở thời điểm hiện tại: Những con chip GPU máy chủ do Nvidia phát triển và sản xuất. Có thể kể tới vài cái tên các đơn vị neocloud mới nổi, như CoreWeave, Crusoe hay Lambda Labs. Họ đã đi vay nợ để đặt mua hàng vạn sản phẩm chip xử lý máy chủ của Nvidia, thứ quan trọng nhất để nghiên cứu, huấn luyện và vận hành những mô hình AI. Rồi chính những con chip này, nhờ giá trị và hiệu quả của chúng, đã trở thành tài sản thế chấp cho các quỹ đầu tư. Nền kinh tế GPU Những con số kể trên đã mô tả “nền kinh tế kinh doanh GPU và sức mạnh điện toán” mà Silicon Valley đang theo đuổi, rồi được cấp nguồn vốn từ những nhà đầu tư ở New York. Và cùng lúc, những thương vụ cho vay hàng tỷ USD cũng đã dấy lên những lo ngại về việc cho vay bất chấp, tài chính tuần hoàn, hay chính bản thân vị thế độc tôn của Nvidia ở thời điểm hiện tại trên thị trường AI. Cũng phải thừa nhận, nguồn hàng chip xử lý AI mà Nvidia, tập đoàn giá trị vốn hóa trên 3 nghìn tỷ USD cung cấp cho những tập đoàn vận hành đám mây mới nổi đã khiến các nhà đầu tư phố Wall tự tin rót hàng tỷ USD cho vay, để những đơn vị vận hành data center tiếp tục mua thêm chip của Nvidia. Ngược lại, đôi lúc, Nvidia lại chính là đối tác đầu tư cho những đơn vị neocloud như vậy, vừa đầu tư vừa bán sản phẩm cho họ. Trong mắt các nhà phân tích, thứ họ đặt câu hỏi chính là giá trị của những chip xử lý máy chủ được dùng làm chính tài sản thế chấp, khi những thế hệ chip mới ra mắt thị trường. Hoặc khi cuộc chạy đua đổ tiền xây dựng cơ sở hạ tầng máy chủ AI diễn ra chậm lại, thì chuyện gì sẽ xảy ra. Nate Koppikar, một nhà đầu tư chuyên bán khống tại Orso Partners cho biết: “Những đơn vị cho vay đều nhảy vào để đẩy câu chuyện rằng bạn có thể vay tiền và thế chấp chính sản phẩm bạn đi mua, để thêm dầu vào lửa giữa cơn sốt AI. Nhưng chip xử lý là tài sản khấu hao, không phải tài sản tăng giá trị qua thời gian.” Giá trị vốn hóa 19 tỷ, nợ 10 tỷ CoreWeave, trụ sở tại New Jersey hiện tại là đơn vị neocloud lớn nhất. Năm 2017 khi họ thành lập, họ bắt đầu với việc mua số lượng rất lớn máy đào tiền mã hóa. Nhưng hai năm sau đó, họ chuyển hướng sang xây dựng máy chủ đám mây vận hành AI. Hiện tại họ tự nhận là đơn vị vận hành GPU máy chủ của Nvidia lớn nhất khu vực Bắc Mỹ với hơn 45 ngàn chip trong hệ thống của họ. Một giám đốc một quỹ đầu tư giấu tên nói: “Thành công bước đầu của Coreweave là việc họ có được nguồn cung GPU từ Nvidia ở đúng thời điểm Chat GPT cũng như AI bắt đầu bùng nổ.” Được chính Nvidia hậu thuẫn, cùng vài quỹ đầu tư phố Wall khác, giá trị vốn hóa của CoreWeave trong 18 tháng đã tăng từ 2 lên 19 tỷ USD. Họ đang lên kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào nửa đầu năm 2025, giai đoạn có thể giúp con số 19 tỷ USD kia tăng mạnh. Quảng cáoAdmicro AdX Thiên đường sinh quyển 5-6 sao tại Bình Tiên - Vĩnh Hyanarabinhtien.com Và trong vòng 12 tháng qua, CoreWeave đã có khoản nợ hơn 10 tỷ USD, vay của những quỹ như Blackstone, Carlyle và Magnetar Capital… Tháng trước họ công bố tiếp gói tín dụng trị giá 650 triệu USD từ những ngân hàng đầu tư lớn như JPMorgan, Goldman Sachs và Morgan Stanley. Khoản nợ này được thế chấp bằng cổ phiếu CoreWeave và khối tài sản khổng lồ 45 nghìn GPU Nvidia. Số tiền đi vay được dùng để mua tiếp GPU mở rộng quy mô data center mà CoreWeave vận hành. Từ nay tới cuối năm 2024, CoreWeave dự kiến sẽ sở hữu 28 data center tại Mỹ và châu Á, con số cao gấp 9 lần so với thời điểm đầu năm 2023. Những con số thuần túy tài chính kể trên chứng tỏ CoreWeave đang có hệ số đòn bẩy và tỷ lệ nợ so với tài sản rất cao. Khi họ công bố khoản nợ 2.3 tỷ USD vào tháng 8/2023, bao gồm khoản vay 1 tỷ USD từ Blackstone, doanh thu của họ chỉ là 25 triệu USD trong cả năm. Nhưng giờ doanh thu của họ trong năm 2024 dự kiến sẽ đạt ngưỡng 2 tỷ USD. Vài nhà đầu tư và nhà cho vay của CoreWeave bị thuyết phục rót tiền cho startup này nhờ vào thỏa thuận hợp tác đầy tiềm năng mà CoreWeave đã ký kết được với Microsoft. Chỉ nhờ thương vụ này, mỗi năm CoreWeave sẽ kiếm được doanh thu hơn 1 tỷ USD trong nhiều năm tới. Một người có liên quan tới thương vụ cho biết: “Hợp đồng với Microsoft là thứ cực kỳ quan trọng. Họ có được hợp đồng ấy, rồi nói rằng cần 2 tỷ USD mua GPU, khi ấy việc đầu tư trở nên hợp lý hơn.” CoreWeave càng vay được nhiều, thì ngược lại cũng càng nhiều nhà đầu tư nhận ra thị trường tiềm năng và nhảy vào cuộc chơi, tìm những đơn vị neocloud để cho vay mua GPU vận hành máy chủ đám mây. Hầu hết mọi đơn vị neocloud đều có quỹ đầu tư mạo hiểm chống lưng, nhưng họ lại là những dạng startup có phần kỳ dị vì vốn đầu tư rất cao, đôi khi muốn mở rộng kinh doanh chỉ có một cách là tìm đến những đơn vị cho vay tín dụng. Quảng cáo Tháng 4 vừa rồi, Macquarie đã cho Lambda Labs vay nửa tỷ USD. Crusoe thì vay được 200 triệu USD từ Upper90 vào năm ngoái. Tờ Financial Times đưa tin tuần trước, cũng là Crusoe đã gọi được 500 triệu USD tiền vốn vay từ vài nhà đầu tư, trong đố bao gồm Founders Fund của tỷ phú công nghệ Peter Thiel. Tháng 10, Crusoe chốt tiếp được thỏa thuận vay 3.4 tỷ USD từ Blue Owl Capital để xây dựng data center mới tại Texas, phục vụ cho những khách hàng lớn như Oracle và OpenAI. Phụ thuộc hoàn toàn vào Nvidia? Đó là sự thật. Những đơn vị neocloud hoàn toàn phụ thuộc vào quan hệ đối tác giữa họ với Nvidia. Lấy ví dụ, thành công ban đầu của CoreWeave có được nhờ vào hàng vạn con chip H100 kiến trúc Hopper mà họ đặt mua được từ Nvidia. Và để tiếp tục phát triển, có đối tác thuê máy chủ đám mây nghiên cứu vận hành AI, họ sẽ cần lượng GPU kiến trúc Blackwell y hệt từ Nvidia. Nvidia trước giờ luôn phủ nhận việc họ ưu tiên bất kỳ khách hàng nào, bao gồm cả những đơn vị mà họ đầu tư: “Chúng tôi không giúp ai nhảy cóc cả,” lời của Mohamed Siddeek, giám đốc NVentures, đơn vị đầu tư của tập đoàn Nvidia. Một nhà phân tích thị trường thì cho rằng: “Trong mắt các đơn vị cho vay, đó là điều tốt. Họ có quyền kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng. Không ưu tiên ai là điều tốt vì Nvidia sẽ không để tình hình thị trường trở nên tồi tệ.” Tuy nhiên ở vài thị trường trên thế giới, giá giao dịch GPU máy chủ vận hành AI đã sụt giảm trong vài tháng qua. Hồi đầu năm, chi phí một giờ vận hành máy chủ ước tính khoảng 8 USD. Con số này hiện giờ chỉ còn 2 USD. Ngay cả khi nhu cầu chip xử lý vẫn sẽ tiếp tục tăng, thì nguồn cung cũng đã đáp ứng được nhu cầu thị trường. Còn số lượng những đơn vị còn nguồn lực và còn cần tự phát triển mô hình AI nền móng cho các dịch vụ AI đã giảm dần. Vài tập đoàn khác thì đang tự phát triển chip xử lý AI của riêng họ, như Microsoft, Amazon và Google. AMD cũng đã có những GPU hiệu năng cao trang bị trong data center để giành thị phần với Nvidia. Một giám đốc ở một đơn vị đầu tư đang cho CoreWeave vay nợ nói: “Một năm trước, có nguồn GPU máy chủ giống như tấm vé vàng. Giờ thì không.” Và như đã nói, giá trị trong tương lai của những con chip xử lý từ Nvidia cũng là thứ đáng đặt ra câu hỏi, nhất là khi chúng được dùng làm tài sản thế chấp cho những khoản nợ hàng chục tỷ USD. Hợp đồng mua hiệu năng máy chủ giữa các tập đoàn công nghệ với các đơn vị neocloud chỉ có giá trị trong vòng vài năm. Sau đó những GPU đã qua sử dụng sẽ tràn ngập thị trường. Cùng lúc, những tập đoàn công nghệ cũng đang tự bỏ hàng chục tỷ USD xây dựng cơ sở hạ tầng AI. Nhưng đổi lại, họ cũng đang gặp áp lực phải tìm ra được lợi nhuận để hợp lý hóa khoản đầu tư khổng lồ. Tháng 6, David Cahn ở Sequoia Capital cho biết, doanh thu mà các tập đoàn dự báo khi xây dựng cơ sở hạ tầng AI, so với doanh thu thực tế đang chênh lệch chừng nửa tỷ USD. Nhưng các đơn vị cho vay để các startup neocloud đầu tư mở rộng quy mô data center vẫn đang rất tự tin vào cuộc chạy đua phát triển AI: “Dự báo nhu cầu là thứ rất khó khăn, nhưng những dự báo trong quá khứ đã đánh giá thấp nhu cầu thực tế của nhiều ngành, smartphone là một ví dụ. Hiện giờ ngành này cần đầu tư một cách cấp thiết, và chính các công ty công nghệ cũng đang sẵn sàng đầu tư mạnh tay để giành vị trí dẫn đầu,” dẫn lời Erik Falk, giám đốc chiến lược của Magnetar. Theo FT