Theo Hiệp hội Công nghiệp Chip Toàn cầu SEMI, trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc đã chi tiền cho các thiết bị sản xuất chip nhiều hơn so với cả Hàn Quốc, Đài Loan và Hoa Kỳ cộng lại. Điều này diễn ra trong bối cảnh quốc gia này thúc đẩy mạnh mẽ việc nội địa hoá nguồn cung cấp chip và giảm thiểu rủi ro về các hạn chế xuất khẩu trong thời gian tới từ phương Tây. Theo dữ liệu của SEMI, Trung Quốc đã chi 25 tỉ USD cho các công cụ sản xuất chip trong 6 tháng đầu năm 2024, một mức chi tiêu kỉ lục. Mức chi tiêu mạnh mẽ này vẫn được duy trì cho đến tháng 7 và có thể đang trên đà lập một kỷ lục khác cho cả năm. Trung Quốc cũng dự kiến sẽ là nhà đầu tư lớn nhất vào việc xây dựng các nhà máy sản xuất chip mới, bao gồm cả việc mua thiết bị, với tổng chi tiêu dự kiến đạt mức 50 tỉ USD cho cả năm. “Chúng tôi thấy Trung Quốc tiếp tục mua tất cả các thiết bị mà họ có thể cho các cơ sở sản xuất chip dựa trên các tiến trình cũ của họ”, Giám đốc Cấp cao Clark Tseng của SEMI nhận định, “Những lo ngại về các hạn chế tiềm ẩn (hạn chế xuất khẩu) cũng thúc đẩy họ thu hút và đảm bảo có nhiều thiết bị có thể mua trước hơn”. Tseng còn cho biết khoản đầu tư kỷ lục của Trung Quốc vào các thiết bị sản xuất chip không chỉ được thúc đẩy bởi các nhà sản xuất chip top đầu như SMIC mà còn là từ các nhà sản xuất chip vừa và nhỏ. Có ít nhất hơn 10 nhà sản xuất chip cấp 2 cũng đang tích cực mua các công cụ mới, cùng nhau thúc đẩy chi tiêu chung. Đặc biệt, Trung Quốc là quốc gia duy nhất tiếp tục tăng chi tiêu hàng năm cho các thiết bị sản xuất chip trong nửa đầu năm nay trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái. Đài Loan, Hàn Quốc và Bắc Mỹ đều chi ít hơn cho các thiết bị sản xuất chip so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng trưởng khoảng 20% của ngành công nghiệp bán dẫn trong năm nay chủ yếu là do nhu cầu về chip nhớ tăng trở lại cùng với nhu cầu về chip liên quan đến AI tăng đột biến. Còn các lĩnh vực khác chỉ tăng trưởng khiêm tốn từ 3 đến 5% vì thị trường chip ô tô và chip công nghiệp đều đang trong giai đoạn điều chỉnh. Trung Quốc cũng là nguồn doanh thu lớn nhất cho các nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip hàng đầu, chiếm lần lượt 32, 39 và 44% doanh thu của Applied Materials, Lam Research và KLA của Hoa Kỳ trong kết quả kinh doanh quý gần đây nhất của họ. Thị trường này thậm chí còn lớn hơn đối với nhà sản xuất công cụ chip số 1 của Nhật Bản là Tokyo Electron, chiếm 49,9% doanh thu trong quý 2, và ASML của Hà Lan, chiếm 49% doanh thu, theo tiết lộ của các công ty. → Xem thêm: Mỹ cân nhắc quy định cấm vận chip mới với Trung Quốc, lần này kiểm soát cả chip nhớ HBM Trung Quốc thắt chặt nguồn cung đất hiếm, trả đũa phương Tây cấm vận chip bán dẫn Trung Quốc: Thuê máy chủ AWS xử lý AI, vậy là qua mặt được quy định cấm vận chip của Mỹ Nikkei