ARM Holding Plc vừa có động thái mới nhất, rằng họ sẽ hủy giấy phép sử dụng sở hữu trí tuệ kiến trúc tập lệnh do hãng chip Anh Quốc này phát triển và bán cho Qualcomm. Đây là động thái mới nhất kể từ khi ARM khởi kiện Qualcomm hồi năm 2022, ngay sau khi hãng chip xử lý có trụ sở tại San Diego, California, Mỹ mua lại startup phát triển chip xử lý Nuvia, do một vài kỹ sư cấp cao của Apple thành lập. Dựa vào những tài liệu mà Bloomberg có được, ARM đã gửi thông báo tới Qualcomm, trong vòng 60 ngày kể từ khi tài liệu này được gửi, ARM sẽ hủy giấy phép sử dụng thiết kế chip, kiến trúc tập lệnh và những sở hữu trí tuệ do ARM tạo ra, mọi thỏa thuận sử dụng sản phẩm ARM thiết kế và phát triển sẽ không còn hiệu lực. Động thái này có khả năng gây ảnh hưởng tới toàn bộ thị trường smartphone và thậm chí là cả máy tính cá nhân toàn cầu. Cùng lúc, với việc dừng hợp tác với một trong những đối tác và khách hàng lớn nhất, cả ARM lẫn Qualcomm đều có nguy cơ bị ảnh hưởng về mặt kinh doanh. Về phần Qualcomm, dựa trên thiết kế kiến trúc tập lệnh ARM, hàng năm họ bán ra thị trường hàng trăm triệu con chip xử lý để các nhà sản xuất smartphone, máy tính hay các thiết bị sản phẩm công nghệ trang bị. Số lượng những nhà sản xuất SoC điện thoại Android trên toàn thế giới chỉ đếm trên đầu ngón tay, và những con chip Snapdragon được trang bị trên hàng tỷ chiếc smartphone chạy Android đang vận hành trên toàn thế giới. Nếu quyết định hủy giấy phép sử dụng thương quyền thiết kế chip ARM được thực hiện, Qualcomm sẽ phải dừng bán những sản phẩm, ở đây là những con chip Snapdragon được tạo ra và vận hành dựa trên kiến trúc tập lệnh ARM. Doanh thu bị ảnh hưởng có thể chạm ngưỡng gần 40 tỷ USD. Một giải pháp khác, là Qualcomm sẽ phải dàn xếp vụ kiện với ARM tại tòa án, và trả khoản phí khổng lồ để ARM rút đơn kiện, với những cáo buộc vi phạm thỏa thuận và vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ. Câu hỏi là vì sao ARM và Qualcomm lại đến nông nỗi này? Mua lại Nuvia, sản xuất Snapdragon X Elite Năm 2022, ARM, thuộc quyền sở hữu của tập đoàn Nhật Bản SoftBank, đã khởi kiện Qualcomm ngay sau khi Qualcomm bỏ 1.4 tỷ USD mua lại startup nghiên cứu chip xử lý kiến trúc tập lệnh ARM Nuvia, được những cựu kỹ sư và giám đốc của Apple tách ra thành lập. Theo ARM, khi Qualcomm sở hữu Nuvia, họ cũng sẽ phải có thoả thuận mới để tiếp tục sử dụng những thương quyền sở hữu trí tuệ mà Nuvia trước đó đã mua của ARM. ARM hiện tại đang bán thương quyền kiến trúc tập lệnh và kiến trúc nhân chip xử lý mà họ phát triển cho nhiều bên, như Apple, Qualcomm hay cả Nvidia, để họ tạo ra những con chip thương mại hoá, chẳng hạn như A18 Pro trên iPhone 16 Pro, M4 trên iPad Pro mới, Snapdragon 8 Gen 3 của Qualcomm, hay chip CPU Grace trong hệ thống siêu chip Grace Hopper vận hành AI trên máy chủ đám mây của Nvidia. Sau khi mua lại Nuvia, Qualcomm đưa nhóm kỹ sư thiết kế chip xử lý của startup này từ nghiên cứu chip xử lý máy chủ sang phát triển chip xử lý máy tính cá nhân. Những nhân CPU Oryon trên Snapdragon X Elite và sắp tới đây là Snapdragon 8 Gen 4 chính là thành quả nghiên cứu của các kỹ sư từng thuộc Nuvia. Quảng cáo ARM nói rằng, thiết kế kiến trúc Oryon trên Snapdragon X Elite dự kiến trang bị cho những laptop đạt chuẩn Copilot+ PC của Microsoft chính là thành quả kỹ thuật từ những nghiên cứu của Nuvia. Nhưng trước đó, sau khi mua lại Nuvia, Qualcomm đã không gia hạn thương quyền những sáng chế và kiến trúc tập lệnh. ARM cho biết đã huỷ thương quyền ứng dụng thiết kế và kiến trúc mà họ phát triển rồi bán cho Nuvia. Nói cách khác, theo ARM, Qualcomm không có những chi trả hợp lý về thương quyền với những con chip Snapdragon X Elite và Plus mà họ chuẩn bị bán ra thị trường, trang bị trong những chiếc laptop của các OEM. Qualcomm thì phủ nhận cáo buộc này, nói rằng giấy phép sử dụng thương quyền sở hữu trí tuệ mà họ ký kết với ARM đã bao gồm cả những sản phẩm chip xử lý dành cho máy tính cá nhân. Ở thời điểm ARM khởi kiện Qualcomm năm 2022, những thoả thuận này hoàn toàn không có thay đổi gì. Ann Chaplin, tư vấn pháp lý của Qualcomm đưa ra tuyên bố chính thức ở thời điểm ấy, rằng “những khiếu nại của ARM đã lờ đi một thực tế rằng Qualcomm có thương quyền phổ rộng và được áp dụng từ lâu, áp dụng cho những thiết kế nhân CPU dựa trên kiến trúc tập lệnh mà họ phát triển, và chúng tôi tin chắc rằng những quyền lợi ấy của chúng tôi sẽ được bảo vệ.” Giờ sao? Sau khi thông tin được Bloomberg phát hiện, họ đã hỏi đại diện của cả ARM lẫn Qualcomm. Phía ARM từ chối đưa ra tuyên bố chính thức. Người phát ngôn của Qualcomm thì nói rằng công ty Anh Quốc “đang cố gắng bắt nạt một đối tác lâu năm”: “Có vẻ như đây là một nỗ lực để làm gián đoạn quá trình thực hiện thủ tục pháp lý, và yêu cầu hủy giấy phép của họ hoàn toàn vô căn cứ. Chúng tôi tự tin rằng quyền và lợi ích của Qualcomm dựa theo thỏa thuận với ARM sẽ được đảm bảo.” Quảng cáo Như đã nói, yêu cầu của ARM là Qualcomm đối với những nhân CPU Oryon do các kỹ sư Nuvia phát triển phải bị hủy bỏ và dừng bán những sản phẩm mà ARM cho rằng là vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ, do được Nuvia phát triển trước khi Qualcomm bỏ tiền mua lại startup này. Những sản phẩm do Nuvia phát triển ra, bao gồm Oryon, dựa trên sở hữu trí tuệ của ARM đều không được phép chuyển giao sang Qualcomm mà không được phép. Tháng 11/2023, giấy phép sử dụng sở hữu trí tuệ mà ARM cấp cho Nuvia đã bị hủy. Giống rất nhiều cái tên lớn khác, từ Apple đến Nvidia, Qualcomm cũng phụ thuộc vào kiến trúc tập lệnh mà tập đoàn trụ sở Cambridge, Vương Quốc Anh tạo ra. Nếu ARM nghiêm túc trong việc hủy giấy phép sử dụng thương quyền và sở hữu trí tuệ mà họ có với Qualcomm, hãng chip Mỹ sẽ bị cấm phát triển và sản xuất những con chip xử lý dựa trên kiến trúc tập lệnh ARM. Qualcomm vẫn sẽ được phép mua thiết kế nhân CPU hay GPU do ARM tạo ra rồi phát triển thành sản phẩm thương mại, nhưng làm như vậy vừa mất thời gian, vừa khiến công sức nghiên cứu phát triển sản phẩm của họ trong vài năm qua đổ sông đổ biển. Chiến lược kinh doanh mới của ARM Trước khi xảy ra tranh chấp pháp lý liên quan tới Nuvia, ARM và Qualcomm có mối quan hệ hợp tác cực kỳ thân thiết, giúp cả ngành smartphone toàn cầu có được vị trí như ngày hôm nay. Nhưng giờ, dưới sự lãnh đạo mới, cả hai tâp đoàn này đang theo đuổi những chiến lược càng lúc càng dễ biến họ trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Về phần ARM, dưới sự điều hành của CEO Rene Haas, họ đã chuyển qua thiết kế những hệ thống chip bán dẫn hoàn thiện hơn, những thiết kế nhân chip có thể gói lại thành một sản phẩm hoàn chỉnh có thể thương mại hóa, rồi bán cho các đối tác và khách hàng. Haas tin rằng, ARM xứng đáng thu được nhiều hơn hiện tại, xét trên khía cạnh những gì các kỹ sư của tập đoàn đã làm được. Định hướng kinh doanh mới này đe dọa đến hoạt động của những khách hàng lâu năm của ARM, bao gồm cả Qualcomm, những đơn vị bỏ tiền mua bản quyền công nghệ của ARM trong những thiết kế chip thương mại hóa của rieegn họ. CEO ARM, Rene Haas Còn về phần Qualcomm, dưới sự điều hành của CEO Cristiano Amon, họ đang dần từ bỏ việc sử dụng thiết kế nhân CPU và GPU của ARM, tự phát triển sản phẩm của riêng mình. Đó chính là thứ đe dọa tới khoản tiền mà ARM nhận được từ Qualcomm. Cùng lúc, CEO Amon cũng đang mở rộng kinh doanh của tập đoàn sang nhiều lĩnh vực mới, bao gồm cả chip xử lý máy tính cá nhân. CEO Qualcomm, Cristiano Amon Đương nhiên ở thời điểm hiện tại, cả ARM lẫn Qualcomm đều đang hợp tác tương đối chặt chẽ, và Qualcomm không thể rời bỏ ARM ngay lập tức được. Hiện tại, ARM đang có hai tập khách hàng. Một là những đơn vị sử dụng thiết kế nhân chip xử lý của ARM, chẳng hạn như MediaTek. Dimensity 9400 mới nhất của họ vẫn sử dụng thiết kế nhân Cortex-X925 và Immortalis-G925 do ARM thiết kế ra. Còn tập khách hàng thứ hai là những đơn vị chỉ mua bản quyền kiến trúc tập lệnh để điều khiển chip xử lý, trong trường hợp này có thể kể đến ví dụ Apple với những chip A và M series, nhân CPU và GPU được phát triển riêng, chỉ vận hành dựa trên ARMv9.2-A mà thôi. Qualcomm, ở khía cạnh khác, cũng chẳng xa lạ gì với việc tranh chấp bản quyền sở hữu trí tuệ. Một phần không nhỏ doanh thu hàng năm của tập đoàn này đến từ việc bán thương quyền công nghệ do họ tạo ra, chẳng hạn như công nghệ chip modem 5G. Hai khách hàng lớn nhất của họ ở mảng này không ai khác chính là Samsung và Apple. Năm 2019, Qualcomm đã thắng kiện Apple, buộc nhà sản xuất iPhone phải tiếp tục sử dụng chip modem do Qualcomm phát triển. Cùng lúc, họ còn giành chiến thắng khi kháng cáo được Ủy ban thương mại liên bang ở tòa án, phủ nhận những cáo buộc Qualcomm kinh doanh theo kiểu o ép đối tác. Theo Bloomberg