Theo video thử nghiệm mới nhất của The PC Security Channel (TPSC), Windows 11 vẫn đang âm thầm gửi nhiều dữ liệu người dùng về máy chủ mà không hề báo trước. Với tiêu đề “Phải chăng Windows đã biến thành phần mềm gián điệp?” (Has Windows become Spyware?), TPSC đã kiểm chứng điều này bằng cách cài mới hệ điều hành lên một chiếc laptop có Internet, sau đó theo dõi lưu lượng dữ liệu DNS vào ra thông qua phần mềm có tên Wireshark.
Ngay khi chiếc laptop vừa mới bật lên, kênh này đã phát hiện Windows 11 lập tức liên lạc với máy chủ bên thứ ba mà không hề thông báo hoặc cấp quyền quản lý cho người dùng. Thông qua Wireshark, TPSC nhận thấy Windows 11 đang kết nối với nhiều dịch vụ trực tuyến do Microsoft cung cấp như MSN, Bing hay Windows Update.
Tuy nhiên, cũng có khá nhiều đơn vị thứ ba khác đã xuất hiện trong danh sách theo dõi sau đó, tiêu biểu có thể kể tới Steam, McAfee hay - một dịch vụ nghiên cứu và báo cáo về xu hướng, hành vi của người dùng trên Internet. Ngoài ra, những dịch vụ có liên quan đến định vị vị trí địa lý như cũng có mặt, và tất cả đều không cần được cấp quyền hoặc thông qua hoạt động sử dụng website của chúng ta.
TSPC đã không ngần ngại nhận xét rằng, Windows thế hệ mới dường như được thiết kế để “do thám” bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu và vào bất kỳ lúc nào. Điều này hoàn toàn trái ngược so với những thế hệ Windows cũ như Windows XP - với gần như không có hoạt động cung cấp dữ liệu nào ra bên ngoài thông qua bài kiểm tra sử dụng Wireshark.
Đồng ý rằng ở thời điểm hiện tại, việc các nhà phát triển thu thập dữ liệu của người dùng để cá nhân hóa trải nghiệm không còn là điều lạ. Và ở thời buổi dữ liệu cá nhân vẫn là chủ đề tương đối nhạy cảm, những công ty rất lớn như Microsoft hẳn sẽ càng phải để ý.
Tuy nhiên, đôi lúc chúng ta vẫn cần tới những bài thử nghiệm như TPSC vừa làm. Ít nhất khi biết phần mềm mình đang dùng đưa thông tin gì đi đâu, chúng ta sẽ có thể yên tâm hơn và tự mình đánh giá mức độ nghiêm trọng của vấn đề, tránh những ý kiến cực đoan hoặc sai lệch không đáng có.
Theo TechSpot