io: Studio làm thiết bị trợ lý AI của Jony Ive, OpenAI vừa mua lại với giá 6.5 tỷ USD

Doanh nghiệp gần bạn nhất

được xác nhận bởi itcctv

io: Studio làm thiết bị trợ lý AI của Jony Ive, OpenAI vừa mua lại với giá 6.5 tỷ USD
Hình ảnh rao vặt

io: Studio làm thiết bị trợ lý AI của Jony Ive, OpenAI vừa mua lại với giá 6.5 tỷ USD

Trong những năm gần đây, sự phát triển của AI tạo sinh đã làm thay đổi sâu sắc thế giới công nghệ, đảo lộn cách thức phần mềm được tạo ra, cách mọi người tìm kiếm thông tin và cách hình ảnh, video có thể được tạo ra, tất cả chỉ với vài dòng lệnh cho chatbot.

Tuy nhiên, công nghệ này vẫn chưa tìm được một hình thái phổ biến trong các thiết bị vật lý, hàng ngày. AI chủ yếu vẫn là ứng dụng trên điện thoại di động, bất chấp những nỗ lực của các công ty khởi nghiệp và những người khác nhằm đưa nó vào các thiết bị. Bây giờ, OpenAI, startup nghiên cứu AI hàng đầu thế giới, đang thử sức để giải quyết câu đố này.

Ngày 21/5, Sam Altman, CEO của OpenAI, cho biết công ty sẽ chi 6.5 tỷ USD để mua lại io, một startup mới được thành lập bởi Jony Ive, cựu giám đốc điều hành cấp cao phụ trách mỹ thuật công nghiệp của Apple. Thương vụ mua bán bằng cổ phần OpenAI này, về cơ bản kết hợp những “ông vua” của Thung lũng Silicon, nhằm mục đích mở ra những gì hai người gọi là "một thế hệ sản phẩm mới" cho kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI), một thuật ngữ viết tắt chỉ công nghệ tương lai đạt được trình độ thông minh ngang bằng con người.



Thương vụ mua lại lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại của OpenAI sẽ đưa Ive và đội ngũ khoảng 55 kỹ sư, nhà nghiên cứu phần cứng của ông về máy nhà OpenAI. Họ sẽ chịu trách nhiệm sáng tạo và thiết kế cho OpenAI và xây dựng phần cứng giúp mọi người tương tác tốt hơn với công nghệ AI.


Trong một cuộc phỏng vấn chung, ông Ive và ông Altman từ chối tiết lộ những thiết bị này sẽ có hình dạng trông như thế nào và chúng hoạt động ra sao, nhưng họ cho biết hy vọng sẽ chia sẻ chi tiết vào năm tới. Ông Ive mô tả tham vọng của họ là mang tính vũ trụ, với mục tiêu tạo ra “những sản phẩm tuyệt vời nâng tầm cho nhân loại.”

“Chúng tôi đã chờ đợi điều gì đó đột phá trong suốt 20 năm,” ông Altman cho biết. "Chúng tôi muốn mang đến cho mọi người một thứ vượt xa những sản phẩm truyền thống mà chúng ta đã sử dụng từ lâu."

Altman và Ive đang nhìn xa hơn kỷ nguyên smartphone, thứ thiết bị cá nhân quan trọng nhất của mọi người kể từ khi iPhone ra mắt vào năm 2007. Nếu hai người thành công, dù điều này còn rất nhiều thách thức phía trước, họ có thể thúc đẩy những gì được gọi là "điện toán môi trường". Thay vì gõ và chụp ảnh trên smartphone, các thiết bị tương lai như mặt dây chuyền hoặc kính sử dụng AI có thể xử lý thông tin trong thế giới theo thời gian thực, trả lời câu hỏi và phân tích hình ảnh, âm thanh một cách liền mạch.



Ông Altman đã từng đầu tư vào startup phát triển Humane, một công ty theo đuổi tầm nhìn này với việc tạo ra chiếc ghim AI. Tuy nhiên, công ty khởi nghiệp này đã sụp đổ không lâu sau khi sản phẩm của họ thất bại. Trong cuộc phỏng vấn, Jony Ive bày tỏ một số lo ngại về iPhone và cho biết điều đó đã thúc đẩy ông hợp tác với Altman. “Tôi phải chịu trách nhiệm về nhiều thứ mà iPhone đã mang lại cho chúng ta,” ông nói, đề cập đến sự lo lắng và xao nhãng của con người khi liên tục kết nối với máy tính trong túi.

Altman có chung quan điểm: “Tôi không cảm thấy thoải mái về mối quan hệ của mình với công nghệ hiện tại,” ông nói. "Nó giống như bị chen lấn trên một con phố đông đúc ở New York, hoặc bị tấn công bởi thông báo và đèn nhấp nháy ở Las Vegas." Ông cho biết mục tiêu là tận dụng AI để giúp mọi người làm rõ hay lọc đi những thứ ồn ào xao nhãng đó.

Theo phần của thương vụ, ông Ive và studio thiết kế của ông, LoveFrom, sẽ vẫn độc lập và tiếp tục thực hiện các dự án riêng biệt với OpenAI. Scott Cannon, Evans Hankey và Tang Tan, những người cũng đồng sáng lập io với ông Ive, sẽ trở thành nhân viên của OpenAI và báo cáo cho Peter Welinder, phó chủ tịch sản phẩm, người sẽ giám sát bộ phận io. Thương vụ mua lại này là một khoản lợi nhuận đáng kể cho ông Ive.

OpenAI đã sở hữu 23% cổ phần của io như một phần thỏa thuận giữa hai công ty vào cuối năm ngoái, theo hai nguồn tin am hiểu về thương vụ, vì vậy hiện tại họ đang chi khoảng 5 tỷ USD để mua đứt startup do Ive thành lập. OpenAI còn có một Quỹ Khởi nghiệp, nơi đã đầu tư vào startup của ông Ive vào năm ngoái. Thương vụ này sẽ phải được phê duyệt bởi cơ quan quản lý.




OpenAI đã châm ngòi cho sự bùng nổ của AI vào cuối năm 2022 khi ra mắt chatbot ChatGPT. Vào tháng 3, họ đã hoàn tất một vòng tài trợ trị giá 40 tỷ USD, định giá nó ở mức 300 tỷ USD, khiến nó trở thành một trong những công ty tư nhân có giá trị cao nhất thế giới không giao dịch trên sàn chứng khoán. Vòng gọi vốn mới nhất do tập đoàn đầu tư Nhật Bản SoftBank dẫn đầu.

Khi OpenAI phát triển, công ty đã gặp khó khăn trong việc áp dụng một cấu trúc doanh nghiệp mới. Được thành lập vào năm 2015 với tư cách là một tổ chức phi lợi nhuận, startup AI này đang cố gắng tái định hình thành một công ty kinh doanh vì lợi nhuận, để dễ dàng hơn trong việc huy động vốn từ các nhà đầu tư. Nếu nó không tái cấu trúc trước cuối năm, SoftBank có thể cắt giảm một nửa khoản đầu tư của mình vào công ty.

Điều đó khiến số tiền hàng tỷ USD mà OpenAI đang chi cho startup của ông Ive là một khoản chi lớn, đặc biệt khi bản thân startup này kinh doanh cũng chưa có lãi. Việc xây dựng công nghệ hỗ trợ ChatGPT và các dịch vụ khác tốn kém vô cùng, và OpenAI đang chịu áp lực phải tăng doanh thu.

OpenAI dự kiến doanh thu khoảng 3.7 tỷ USD năm nay và khoảng 11.6 tỷ USD vào năm tới. Công ty cũng đang đàm phán để mua lại Windsurf, một đơn vị phát triển công cụ lập trình hỗ trợ AI, với giá khoảng 3 tỷ USD.



Khi được hỏi OpenAI sẽ tìm nguồn tiền từ đâu để mua lại IO, Altman nói rằng giới báo chí lo lắng về nguồn vốn và doanh thu của OpenAI hơn là bản thân công ty. “Chúng tôi sẽ ổn thôi,” ông nói. "Cảm ơn vì đã quan tâm."

Thương vụ này diễn ra sau khi ông Ive, một học trò của người sáng lập Apple Steve Jobs, người đã chắp bút thiết kế iPod và nhiều sản phẩm kinh điển khác của Apple, trở nên thích thú với AI. Ông cảm thấy bản thân hơi lạc lõng sau khi rời Apple vào năm 2019, ông nói, và rất muốn tìm kiếm chương tiếp theo trong sự nghiệp của mình.

Hai năm trước, Charlie Ive, một trong hai người con trai sinh đôi 21 tuổi của Jony, đã kể cho ông về ChatGPT. Tò mò về sự hào hứng của con trai với chatbot, Ive đã kết nối với Altman. Họ trở thành bạn bè. Ive cho biết ông rất say mê công nghệ đến mức đã thành lập io vào năm ngoái cùng một số đồng nghiệp để hình dung các sản phẩm phần cứng mới phù hợp với công nghệ AI. Đến đầu năm nay, đã có những thông tin rõ ràng rằng ông và ông Altman muốn hợp tác để làm việc, tạo ra một thế hệ thiết bị mới, ông nói.

Ông Ive cho biết sự hợp tác này không được thúc đẩy bởi nhu cầu tài chính mà xuất phát từ mong muốn xây dựng các sản phẩm “mang lại lợi ích cho nhân loại.”

“Tôi tin rằng mọi thứ tôi đã làm trong suốt sự nghiệp của mình đã dẫn tôi đến với điều này,” Ive nói.

Theo The New York Times
Nguồn:tinhte.vn/thread/io-studio-lam-thiet-bi-tro-ly-ai-cua-jony-ive-openai-vua-mua-lai-voi-gia-6-5-ty-usd.4020120/
💬 bình luận

Bình luận

Trở thành viên của itcctv — Đăng ký
Thủ thuật tin học văn phòng Thủ thuật Word Thủ thuật Excel
Cuộn