Đã bao giờ bạn “vung” rất nhiều tiền một lúc mua vật phẩm trong game như skin, trang bị, v.v. để rồi ngay lập tức hối hận vì tiêu hoang hay chưa? Nếu đã từng thì không sao hết, vì ngay cả những người rất thành công như ông Bernard Kim, CEO của Tinder, cũng có lúc làm giống bạn. Chia sẻ trong một bài nói chuyện gần đây, ông đã nói về khoảng thời gian mình chơi và “nạp VIP” vô tội vạ cho tựa game Clash of Clans. Cụ thể thì chỉ trong ba tháng, vì nghiện chơi mà Bernard đã tiêu tới 50.000 USD (khoảng 1,2 tỷ Đồng) để rồi nhận ra mọi thứ thật vô nghĩa.
“Không ai chơi mấy tựa game đó mãi cả, tới một thời điểm là họ sẽ chán ngấy những gì mà chúng đem lại. Rồi sau đó thì sao, người chơi còn lại gì? Tôi đã tiêu 50.000 USD chỉ trong ba tháng vào Clash of Clans, và tới tận bây giờ thì đó vẫn là điều rất đáng xấu hổ. Lạy chúa, tiêu nhiều tiền thế thì rồi có lại được gì? Mấy bức tường thành trong game được “độ” thì cũng hay đấy, nhưng chẳng có giá trị gì thiết thực.”
Điểm đặc biệt của câu chuyện này là nó được chia sẻ ngay giữa một hội nghị về việc hẹn hò trực tuyến, vậy nó có tác dụng gì? Hóa ra con số 50.000 USD đó không phải để Bernard pha trò hay muốn xem ai cũng nghiện game, mà đó là đòn bẩy để ông nâng cao công dụng tính năng Tinder Gold - dịch vụ trả tiền hàng tháng giúp người dùng “quẹt” và nhắn tin thoải mái hơn so với bản miễn phí:
“Nhìn vào Tinder nhé, bạn tiêu tiền vào dịch vụ Gold là đã có thêm khả năng gặp được vợ tương lai rồi. Nếu thực sự gặp được thì cô ấy chính là phần thưởng vô giá cho bạn, có thể theo và sống cùng bạn một đời hạnh phúc. Cũng có khi mọi thứ lại không được như ý, nhưng ít nhất nó cũng đã đem lại những xúc cảm nhất định cho chúng ta.”
Mặc dù không nhất thiết phải trả tiền để có thể gặp ai đó hay ho trên Tinder, nhưng việc dùng dịch vụ Gold sẽ tăng mạnh khả năng này lên với những ai đang hơi… bế tắc. Ít nhất những cuộc trò chuyện trên ứng dụng hẹn hò có thể đem lại sự vui thú kéo dài, tất nhiên là nếu bạn đủ khéo, còn niềm vui trong trò chơi điện tử thì hiếm khi để lại được dư vị quá lâu.
Tuy nhiên, ví dụ về game mà Bernard đưa ra lại có phần trái khoáy, khi trong quá khứ ông đã từng làm chức cao trong nhiều đơn vị nổi tiếng ở mảng này như… EA hay Zynga. Một người như vậy mà lại không muốn người dùng tiêu tiền nhiều vào các game do công ty mình làm ra? Nghe cũng hơi sai phải không nào?
Nếu đã sống qua thời mà Võ Lâm Truyền Kỳ (bản xịn nhé), Thiên Long Bát Bộ,... còn thống trị quán net, hẳn bạn cũng đã từng nghe không ít về những truyền thuyết nạp tới cả tỷ Đồng như CEO Tinder. Gần hơn một chút thì chúng ta có những pha mua bán vật phẩm Diablo với giá cực đắt, hay hiện đại hơn sẽ là con dao, găng tay,... cực hiếm trong CS:GO được rao bán và giúp chủ của chúng thu về số tiền kếch sù. Những chuyện như của ông Bernard cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm mà thôi.
Theo The Verge