Được phát triển bởi Irdeto, một công ty có trụ sở tại Salzburg, vào năm 2014, Denuvo đến nay vẫn là một trong những sản phẩm phần mềm bảo vệ bản quyền nội dung số (DRM - Digital Right Management) nổi tiếng nhất thế giới. Với sức “phòng thủ” cao, Denuvo đã nhận được sự tín nhiệm của các hàng loạt nhà phát triển và phát hành, với mong muốn sản phẩm sẽ khó bị bẻ khóa để bán được càng nhiều càng tốt.
Tuy nhiên, Denuvo sớm vướng vào những rắc rối liên quan đến trải nghiệm người dùng. Dễ thấy nhất trên Internet là những lùm xùm về hiệu năng, khi công cụ bảo mật này bị cho là gây áp lực lớn tới vi xử lý máy tính, dẫn tới tiêu tốn tài nguyên và khiến game chạy chậm hơn so với khi chúng không có DRM.
Hiện tại, danh sách game được cho là bị ảnh hưởng hiệu năng do Denuvo đang có mặt rất nhiều tên tuổi lớn. Ví dụ điển hình có thể kể tới Resident Evil Village, khi tựa game của Capcom đã được chuyên trang về hiệu suất nổi tiếng Digital Foundry xác nhận là chạy tốt hơn nếu không có DRM.
Điều này đồng nghĩa rằng khi mua game về, có thể bạn sẽ còn không chơi mượt bằng khi dùng bản bẻ khóa (hay bản “crack”). Mặc dù các nhà phát triển đôi lúc sẽ gỡ bỏ Denuvo sau một hay hai năm phát hành game, nhưng những gì công cụ này gây ra trước đó hẳn vẫn sẽ khiến nhiều người chơi phiền lòng.
Và đến lúc này, có vẻ Denuvo đã chán bị réo tên mỗi khi một tựa game lớn nhỏ nào đó gặp vấn đề về hiệu năng. Vậy nên trong bài phỏng vấn vài ngày trước trên Ars Technica, COO của Irdeto - công ty đã mua lại Denuvo hồi 2018 - đã công khai bảo về công cụ DRM này:
“Sẽ là khập khiễng nếu so sánh giữa phiên bản có và không có DRM của một trò chơi bát kỳ, vì gần như chúng không bao giờ ở cùng một phiên bản để game thủ có thể trải nghiệm. Hơn nữa, một tựa game trong suốt vòng đời của mình thường sẽ được cập nhật liên tục, và nó hoàn toàn có thể trở nên tốt hơn hoặc tệ đi theo nhiều cách.
Chúng tôi đã nỗ lực để khiến Denuvo trở nên hiệu quả hơn về mặt bảo mật, cũng như xác thực rằng nó không ảnh hưởng đến hiệu năng của game. Tôi nghĩ rằng mình sẽ cần tuyên bố rõ ràng rằng nhờ được phát triển hợp lý, DRM của chúng tôi không có tác động nào quá rõ ràng lên hiệu năng xử lý game.”
Tất nhiên, trăm nghe không bằng một thấy. Vậy nên để lấy lại lòng tin từ cộng đồng PC, vị này còn tiết lộ rằng Irdeto đang chuẩn bị mời các trang tin công nghệ thử nghiệm chi tiết giữa các bản game có và không có Denuvo, qua đó đưa ra cái nhìn chính xác nhất. Dự định, quá trình này sẽ bắt đầu trong vài tháng tới.
Ngoài ra, khá thú vị khi sau đó, đại diện Irdeto cũng thừa nhận phần nào ảnh hưởng của Denuvo tới hiệu năng game. Tuy nhiên điều này sẽ tới từ phần mềm chống gian lận Denuvo Anti Cheat, và mức độ ảnh hưởng cũng chỉ dưới 1%.
Về Denuvo Anti Cheat, công cụ này nhìn chung không quá phổ biến trong thế giới game, khi các nhà phát triển đang có xu hướng tin dùng nhiều hơn những BattlEye (PUBG), EasyAntiCheat (Elden Ring) hay Valve Anti-Cheat (CS:GO).
Một điều chúng ta có thể để ý hơn nữa là trong buổi phỏng vấn với Ars Technica, không có bất kỳ thông tin nào liên quan tới phần mềm bảo vệ trình giả lập Nintendo Switch. Ra mắt lần đầu vào tháng 8/2022 và không có sự hỗ trợ của Nintendo, phần mềm này đã không quá thành công khi vẫn để lọt rất nhiều game được lên các trình giả lập nổi tiếng của hệ máy này trên PC như Yuzu và Ryujinx.
Tham khảo Wccftech và Tinhte