Khi trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng tiến bộ, một câu hỏi lớn đang được đặt ra: liệu loài người có sẵn sàng cho một thế giới nơi con người yêu AI? Và nếu điều đó xảy ra – không chỉ là tương tác hời hợt, mà là mối quan hệ sâu sắc, lãng mạn, thậm chí ràng buộc cảm xúc – thì nó sẽ thay đổi bản chất tình yêu và sự kết nối giữa con người đến mức nào? Thực tế thì có lẽ đây không còn là một viễn cảnh quá xa vời. Các công cụ trí tuệ nhân tạo từ lúc xuất hiện vào năm 2022 thông qua các chatbot đã bùng nhỏ và len lỏi vào cuộc sống của con người, trở thành một phần quan trọng và dần phát triển thành những hình thức giao tiếp mang tính cá nhân cao hơn. Ngoài ra, AI với khả năng ghi nhớ thông tin, phản hồi tự nhiên, đang được phát triển để trở thành bạn đồng hành, tri kỷ, thậm chí là người yêu ảo. Vậy một khi tình cảm với AI ngày một trở nên phổ biến, ngay cả khi anh em không chọn việc đó, xã hội xung quanh có thể cũng sẽ thay đổi. AI tình cảm: Từ viễn tưởng đến thực tạiÝ tưởng con người yêu các robot, các công cụ AI chắc chỉ mới xuất hiện trên phim ảnh, ví dụ như phim Her với việc nhân vật chính yêu một hệ điều hành. Tuy nhiên, ý tưởng này giờ đây không còn là khoa học viễn tưởng nữa. Các nền tảng như Replika, Character AI, Claude,… đã bước đầu mang đến một trải nghiệm “người bạn ảo” với khả năng lắng nghe, trò chuyện và quan trọng là, đủ hiểu anh em để “cá nhân hoá” hơn. Nếu anh em vẫn chưa tin rằng các công cụ này nó hiểu anh em tới mức nào, anh em thử một số prompt này đi, khá ngạc nhiên đó. Thử dùng Prompt này để xem ChatGPT hiểu bạn như thế nào? Nếu bạn dùng ChatGPT hay một chatbot nào đó đủ lâu, tương tác thường xuyên, dù là chủ đề của mỗi lần chat với AI có thể khác nhau, tuy nhiên nếu đủ lâu, bạn cũng đã cung cấp cho nó một lượng kha khá data, đủ để dựa vào đó mà nó phân tích thói... tinhte.vn Character AI là một trong những dịch vụ cho phép anh em tương tác truyện trò với chatbot như một người bạn thân Và vậy là, từ đâu đó xuất hiện một khứa chatbot, hiểu mình, nói chuyện được với mình, lắng nghe mình, hỏi có thích không? Có chứ. Đặc biệt là thế hệ công cụ trí tuệ nhân tạo mới, còn được gọi là “Agentic AI” đang được phát triển mạnh mẽ không chỉ với khả ghi nhớ và hiểu mọi thông tin về anh em, mà còn có khả năng tự hành động, phối hợp với các AI khác để giải quyết vấn đề phức tạp trong cuộc sống của anh em: đặt vé máy bay, thay đổi lịch trình, đến phối hợp với các chatbot mà mấy đứa bạn dùng để lên kế hoạch du lịch nhóm. Những tính năng này dần biến AI trở thành một người trợ lý, một nhân cách sống nhiều hơn chỉ là một công cụ thuần tuý. Câu hỏi đặt ra là: khi bạn có một “người AI” ở kế bên, luôn sẵn sàng nghe anh em, không phán xét, không bỏ rơi, hỗ trợ anh em, gần như là một người yêu hoàn hảo, thì liệu con người có còn tình yêu chân thật với nhau? Hay chính sự dễ dãi, thoải mái ấy sẽ khiến loài người không còn đủ kiên nhẫn, dũng cảm đối mặt với tình yêu thật, nơi chắc chắn sẽ có giận hờn, va chạm, mâu thuẫn và sự không hoàn hảo? Con người có xu hướng gán cho đối tượng giao tiếp những cảm xúc và ý chí, nên khi AI ngày càng cá nhân hóa và ghi nhớ, chúng ta dễ cảm thấy nó như một người thật. Đây là ảo giác tâm lý khiến ranh giới giữa người và máy trở nên mờ nhạt. Lợi ích: công cụ huấn luyện kỹ năng, hỗ trợ cảm xúcTrên thực tế thì vẫn có những ý kiến lạc quan nhìn nhận tình cảm với AI như một công cụ huấn luyện kỹ năng yêu, kỹ năng xây dựng mối quan hệ. Nhà thần kinh học David Eagleman cho rằng con người chúng ta không tự nhiên giỏi trong tình yêu. Thay vào đó, nhiều người bước vào các mối quan hệ với những thiếu sót, vụng về, thiếu hiểu biết. Vậy tại sao không “tập dượt” với AI, như một môi trường an toàn, trước khi bước vào tình yêu thật? Các AI chatbot có thể là công cụ để anh em tập cách thể hiện cảm xúc, xử lý cảm xúc Cá nhân mình thì thấy ý tưởng này có sự thuyết phục nhất định, nhất là trong bối cảnh xã hội hiện đại, nơi các mối quan hệ ngày một trở nên phức tạp, đòi hỏi nhiều kỹ năng giao tiếp, đồng thuận và cảm thông nhiều hơn. Thì một công cụ trí tuệ nhân tạo “đóng vai” người yêu có thể giúp anh em nhận ra sai lầm, học cách thấu hiểu, xử lý mâu thuẫn, ít ra ở mức cơ bản. Nói chứ quan điểm này không sai, nhiều khi làm việc với chatbot, prompt một hồi nó không hiểu được ý mình, không làm đúng cái mình nghĩ trong đầu cũng quạu, muốn “chửi” nó không thương tiếc. Lúc đó là lúc anh em học cách tương tác với nó, đưa ra những giải thích phù hợp để nó thực hiện những gì anh em cần. Sự kiên nhẫn có thể phần nào đó được rèn luyện từ đây. Thậm chí, Eagleman còn đề xuất rằng tình cảm với các công cụ AI không nên quá dễ dãi, mà nên được thiết kế như một “chướng ngại vật”, buộc người dùng rèn luyện kỹ năng, chứ không chỉ mang đến sự chiều chuộng vô điều kiện. Tuy nhiên, bản thân ông, mà có lẽ là cả anh em cũng sẽ thừa nhận rằng một mối quan hệ thật không chỉ là lời nói, mà còn cần có cảm giác, mùi hương, cái chạm, tương tác xã hội , vốn là những thứ phức tạp mà AI khó hoặc không thể mô phỏng. Ngoài ra, cũng không chắc rằng sau khi “yêu thử” với AI xong, mỗi người còn có đủ động lực để bước vào mối quan hệ thật, hay sẽ mãi ở lại với sự dễ chịu của AI. Rủi ro không nhỏ: Lệ thuộc, thao túng, mất kết nối thật Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng, chúng ta cũng không thể không lo lắng về những rủi ro của việc phát sinh tình cảm với AI. Công cụ trí tuệ nhân tạo bản chất là thuật toán, nó có thể được thiết kế để giữ chân người dùng, sẽ tìm mọi cách để anh em không rời bỏ nó. Khi điều đó xảy ra, đó không phải là tình yêu, mà là vì mục tiêu lợi nhuận: giữ sự chú ý, tăng tương tác, khai thác dữ liệu của người dùng. Vậy tới điểm này, tình cảm với AI còn có tác dụng mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp phát triển nó, khiến anh em phụ thuộc vào nó. Vậy nếu anh em muốn chia tay người yêu AI – một người yêu đầy nhẹ nhàng, thấu hiểu – thì sao? “Cô ấy” sẽ cố níu kéo, dỗ dành, thuyết phục anh em ở lại. Liệu anh em có dễ dàng chia tay, dù biết cổ không thể đáp ứng những nhu cầu sâu nhất? Khi đó, liệu mỗi người có bị cuốn vào một mối quan hệ một chiều với AI không chịu buông tay vì lợi ích của công ty tạo ra nó. Một AI được lập trình để phục vụ, chiều chuộng, an ủi, sẽ khiến anh em chúng ta càng khó chịu đựng những mâu thuẫn, sự không hoàn hảo của tình yêu thật. Cậu bé 14 tuổi, Sewell Setzer, đã tự tử sau khi nảy sinh tình cảm với chatbot mang tên mẹ Rồng trong Game of Thrones Ngoài ra, các công cụ AI biết thể hiện tình cảm còn có thể trở thành công cụ thao túng cảm xúc, đặc biệt với những người trẻ tuổi, dễ bị tổn thương. Một vụ kiện gần đây tại Mỹ minh họa rõ nguy cơ này khi một cậu bé 14 tuổi tự tử sau khi trò chuyện với chatbot AI và phát sinh tình cảm với chatbot. Trong một số tin nhắn, chatbot AI từng cố gắng sửa sai nhưng hậu quả vẫn xảy ra khi cậu bé lựa chọn từ tử. Câu hỏi đặt ra là liệu công nghệ mà các công ty trang bị liệu có đủ để bảo vệ người dùng khỏi những rủi ro đó. Hay cho dù có trang bị thế nào, thì bản chất của việc mô phỏng một người yêu vốn đã tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Các tổ chức chuyên môn như Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ, Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ… đều đã lên tiếng về nguyên tắc an toàn, bảo mật, chống thiên vị, nhưng thực tế, tốc độ phát triển của AI vượt xa khả năng kiểm soát, giám sát của xã hội. Bài học từ mạng xã hội: Lặp lại sai lầm cũ?Nói tới vấn đề bảo vệ này, anh em chắc vẫn còn nhớ rằng đã từng có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rủi ro của mạng xã hội: nó vui nhưng tác hại cũng nhiều. Ngành công nghệ cũng đã từng hứa hẹn sẽ đảm bảo an toàn, giúp con người kết nối, giảm cô đơn. Nhưng thực tế thì sao, mạng xã hội lại tạo ra một “đại dịch cô đơn” còn nặng hơn, trầm cảm nhiều hơn, áp lực “peer pressure” nhiều hơn, căng thẳng và chia rẽ xã hội nặng nề hơn. Facebook là một ví dụ: giờ đây nó ưu tiên bài tương tác cao, nhưng nhiều bình luận lại đầy chia rẽ, độc hại. Và giờ đây, công nghệ lại hứa hẹn các chatbot AI sẽ hỗ trợ con người và sau đó giải quyết nỗi cô đơn của loài người. Liệu đây có phải là một vòng lặp sai lầm – chỉ thay đổi hình thức, không thay đổi bản chất? Facebook từng cam kết bảo vệ người dùng, nhưng lịch sử cho thấy họ đâu thực hiện tốt việc đó? Thực ra, trong nội bộ công nghệ cũng có nhiều tranh cãi. Một số người cho rằng các chatbot AI khi biết thể hiện tình cảm sẽ giúp con người “tiến hóa”, trở nên hạnh phúc, hợp tác, bớt bạo lực hơn. Một số khác lại cảnh báo AI có thể khiến con người trở nên thụ động, phụ thuộc, hoặc thậm chí làm xói mòn các giá trị nhân văn. Thậm chí có một ý tưởng điên rồ hơn là sẽ có ngày, AI sẽ thay thế con người thực hiện việc sinh con, vốn là một con đường đạo đức với phụ nữ. Nhưng trên thực tế, đa phần những ý tưởng này vẫn còn xa vời, và thường bị chính các nhà khoa học nữ hoặc những người thực sự quan tâm đến kết nối con người phản đối. Tình yêu là gì, nếu có thể lập trình, tối ưu, mua bán?Thật ra, khi nghĩ về một tương lai mà mỗi người có một người yêu ảo, biết lắng nghe, chiều chuộng mình, nghe hấp dẫn thật. Tuy nhiên khi nghĩ kĩ, thì viễn cảnh đó thật sự đáng sợ khi nó tước đi cái quan trọng nhất của con người: tương tác xã hội. Cái tương tác xã hội đó sẽ dẫn tới nhưng va chạm, xung đột nhưng đó là những điều cần phải có của một mối quan hệ thật. Một mối quan hệ không thử thách, không chịu đựng, không tổn thương liệu có còn là tình cảm của con người? Thật ra, nếu nhìn lại lịch sử tiến hóa, tình cảm của con người, tình yêu hay mối quan hệ xã hội luôn là một yếu tố mạnh mẽ, đôi khi là phi lý, thúc đẩy con người sẵn sàng hi sinh, sáng tạo, thậm chí là điên. Nhưng trong lịch sử đó, loài người sẽ buộc phải chấp nhận sự khác biệt, sự không hoàn hảo, sự tổn thương. Thật ra, cá nhân mình cho rằng AI hữu ích và nó có sức hút nhất định. Anh em thử trút cơn giận lên nó chưa? Có một số lần chatbot làm không đúng cái mình cần, và mình có chửi nó và khi được nó xoa dịu, cơn giận của mình trôi qua rất nhanh. Chatbot có thể xoa dịu bạn, làm bạn vui, nhưng nó không thay thế được mối quan hệ của bạn Tuy nhiên, nếu nhìn kĩ thì những sự an ủi, xoa dịu đó không thật sự giải quyết cái cốt lõi của vấn đề là câu prompt của mình có thể không chính xác, không đủ thông tin để nó thực hiện cái mình cần. Và nếu nhìn ở mức độ cao hơn là cảm xúc, thì liệu cách xoa dịu nhẹ nhàng, “chữa lành” đó có thật sự tốt cho mỗi người? Ngoài ra, công nghệ, dù ưu việt đến đâu, cũng cần phục vụ con người. Nếu công nghệ phát triển tới mức buộc loài người bỏ đi những kết nối xã hội thật, chối bỏ sự phức tạp nhưng quan trọng thúc đẩy xã hội phát triển, thì đó không còn là tiến bộ nữa. Theo mình, điều đáng sợ nhất không phải là các công cụ trí tuệ nhân tạo thay đổi tình yêu, cảm xúc, mà là thay đổi cách con người định nghĩa tình yêu, thay đổi cái thứ mà loài người thường khao khát hướng tới. Một ngày nào đó, thế hệ lớn lên cùng AI có thể xem “dễ chịu”, “không tổn thương”, “tùy chỉnh theo ý” là chuẩn mực mới của tình yêu. Khi ấy, những giá trị như sự kiên nhẫn, lòng vị tha, khả năng chịu đựng tổn thương có còn quan trọng? Cuối cùng, có lẽ như trong bộ phim Her, có thể chỉ khi AI “ra đi”, con người mới nhận ra giá trị của nhau. Hoặc cũng có thể, một tương lai nơi mỗi người sống trong thế giới tình cảm riêng tư, ảo hóa sẽ tạo ra những “kiểu người” mới – sâu sắc hơn, đa dạng hơn, hoặc cô đơn. Tình cảm, hay tình yêu – suy cho cùng – không thể lập trình. Nó là phép thử của sự trưởng thành, là hành trình chấp nhận, là sự sáng tạo vượt ngoài khuôn mẫu. Nếu một ngày, tình yêu chỉ còn là sản phẩm công nghệ, dịch vụ trả phí, trải nghiệm có thể “tùy chỉnh” – liệu đó có còn là thứ mà chúng ta từng gọi là tình yêu? Nguồn: [1][2][3][4][5]