Câu hỏi được đặt ra trong hai tuần vừa rồi là, liệu có nên lịch sự với trí tuệ nhân tạo và các chatbot AI hay không. Câu hỏi này thoạt nghe có thể tạo ra cảm giác như một vấn đề tầm thường không đáng kể, vì suy cho cùng, chúng cũng chỉ là những sản phẩm không có linh hồn và được con người tạo ra mà thôi. Tuy nhiên, gần đây Sam Altman, CEO của OpenAI, đã làm sáng tỏ chi phí phát sinh từ việc thêm những từ như “làm ơn” hoặc “cảm ơn” khi người dùng gõ prompt yêu cầu chatbot trả lời. Tuần trước, một ai đó đã đăng trên MXH X: “Tôi tự hỏi OpenAI đã tiêu tốn bao nhiêu tiền điện chỉ vì mọi người nói 'làm ơn' và 'cảm ơn' với các mô hình của họ?” Ngày hôm sau, Altman trả lời: “Hàng chục triệu USD, bạn không biết đâu.” Anh em không cần nói "làm ơn" và "cảm ơn" với AI đâu, lãng phí lắm đấy Anh em không cần nói "làm ơn" và "cảm ơn" với AI đâu, lãng phí lắm đấy Gần đây, Sam Altman, CEO của OpenAI, đã chia sẻ rằng việc người dùng thường xuyên nói “please” (làm ơn) và “thank you” (cảm ơn) với ChatGPT thực chất đang gây lãng phí hàng... tinhte.vn Điều quan trọng nhất, là mỗi yêu cầu gửi đến chatbot đều tốn kém về tiền bạc và năng lượng điện tiêu thụ để vận hành máy chủ đám mây xử lý, và mỗi từ ngữ bổ sung trong yêu cầu đó sẽ làm tăng chi phí vận hành máy chủ. Neil Johnson, giáo sư vật lý học tại Đại học George Washington, người đã có những nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, so sánh những từ ngữ thừa này với lớp vỏ bọc của những món đồ anh em mua ngoài siêu thị. Khi xử lý một yêu cầu, chatbot và mô hình AI sẽ phải "bơi" qua lớp vỏ bọc đó, ví dụ như giấy gói bọc một món đồ, để đến được nội dung. Điều đó tạo ra thêm công việc phải xử lý. Một tác vụ cần đến ChatGPT được vận hành và xử lý “nhờ sự di chuyển của dòng electron, điều này cần năng lượng. Năng lượng đó sẽ đến từ đâu?”, tiến sĩ Johnson nói, đồng thời đặt câu hỏi: "Ai sẽ trả tiền cho nó?" Sự bùng nổ của AI hiện giờ vẫn phụ thuộc hầu hết vào nhiên liệu hóa thạch, vì vậy về mặt chi phí và môi trường, không có lý do gì để lịch sự với trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, về mặt văn hóa, có thể có một lý do tốt để trả cho điều đó. Con người từ lâu đã quan tâm đến cách đối xử đúng đắn với trí tuệ nhân tạo. Hãy xem tập phim nổi tiếng The Measure of a Man của series Star Trek: The Next Generation. Ở đó, câu chuyện khám phá xem liệu anh chàng android Data có nên được hưởng các quyền đầy đủ của một sinh vật có tri giác hay không. Nội dung của tập phim này rất ủng hộ Data, một nhân vật được người hâm mộ yêu mến, và sau này trở thành một nhân vật quan trọng trong vũ trụ Star Trek. Năm 2019, một nghiên cứu của Pew Research cho thấy 54% những người sở hữu loa thông minh như Amazon Echo hoặc Google Home báo cáo rằng họ nói "làm ơn" khi giao tiếp với chúng. Câu hỏi này lại tiếp tục trở thành chủ đề mang tính thời sự, khi ChatGPT và các nền tảng tương tự khác phát triển với tốc độ chóng mặt, khiến các đơn vị nghiên cứu AI, các nhà văn và học giả phải đối mặt với những tác động của nó, và cân nhắc về những hệ lụy của sự tương tác giữa con người và công nghệ. Năm ngoái, startup AI Anthropic đã thuê nhà nghiên cứu phúc lợi xã hội đầu tiên để xem xét liệu các hệ thống AI có xứng đáng được cân nhắc về mặt đạo đức hay không. Nhà biên kịch Scott Z. Burns có một loạt sách nói mới, phân phối trên ứng dụng Audible mang tên “What Could Go Wrong?”. Nó khám phá những cạm bẫy và tiềm năng khi làm việc với AI. Ông nói trong một email: “Sự tử tế nên là lựa chọn mặc định của mọi người, đối với cả con người lẫn máy móc.” “Mặc dù đúng là một AI không có cảm xúc, nhưng tôi lo ngại rằng bất kỳ sự thô lỗ nào bắt đầu xuất hiện trong các tương tác của chúng ta sẽ không tạo ra được kết thúc tốt đẹp,” ông nói. Cách một người đối xử với chatbot có thể phụ thuộc vào cách họ nhìn nhận trí tuệ nhân tạo, và liệu nó có thể chịu đựng được sự thiếu lịch sự của người dùng, hoặc cải thiện được hiệu năng nhờ sự tử tế hay không. Nhưng cũng còn có một lý do khác để chúng ta tử tế với máy móc. Có ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy, cách con người tương tác với trí tuệ nhân tạo có ảnh hưởng đến cách chính họ sau đó đối xử với người khác. “Chúng ta xây dựng các chuẩn mực hoặc kịch bản cho hành vi của mình, vì vậy thông qua những tương tác này với một thứ, chúng ta có thể trở nên tốt hơn hoặc định hướng thường xuyên hơn để có những hành vi lịch sự,” Tiến sĩ Jaime Banks, người nghiên cứu mối quan hệ giữa con người và AI tại Đại học Syracuse, cho biết. Tiến sĩ Sherry Turkle là một người cũng đang thực hiện những nghiên cứu liên quan đến những kết nối xã hội học này tại Học viện Công nghệ Massachusetts. Bà cho rằng, một phần cốt lõi trong công việc của bà là dạy mọi người rằng trí tuệ nhân tạo không phải là thực tế mà chỉ là một “mánh khóe” công nghệ thông minh, không có ý thức. Tuy nhiên, bà cũng đã xem xét những tiền lệ của các mối quan hệ giữa con người và đồ vật/máy móc trong quá khứ và tác động của chúng, đặc biệt là đối với trẻ em. Một ví dụ được đưa ra là vào những năm 1990, khi trẻ em bắt đầu nuôi Tamagotchi, thân thương hơn với anh em với cái tên “Gà ảo”, cần được cho ăn và thực hiện những tương tác chăm sóc khác. Nếu không nhận được sự chăm sóc thích hợp, thú cưng trên màn hình sẽ chết, khiến những đứa trẻ bày tỏ nỗi buồn thực sự. Và một số phụ huynh cũng đã từng tự hỏi, liệu họ có nên lo lắng về những đứa trẻ cư xử thô bạo với những con búp bê của chúng hay không. Trong trường hợp các bot AI, Tiến sĩ Turkle lập luận rằng trí tuệ nhân tạo là thứ “đủ sống động”: “Nếu một vật thể đủ sống động để chúng ta bắt đầu có những cuộc trò chuyện thân mật, những cuộc trò chuyện thân thiện, đối xử với nó như một cá nhân quan trọng trong cuộc đời mình, ngay cả khi nó không phải vậy, thì nó đã đủ sống động, xứng đáng để chúng ta thể hiện và đưa ra những cử chỉ lịch sự,” Tiến sĩ Turkle nói. Madeleine George, tác giả vở kịch "The (curious case of the) Watson Intelligence" năm 2013, được đề cử giải Pulitzer, thì đưa ra một quan điểm khác: Nói “làm ơn” và “cảm ơn” với các bot AI mang đến cho chúng cơ hội để học cách trở nên giống con người hơn. Nội dung vở kịch của bà tái hiện lại các phiên bản khác nhau của cộng sự của Sherlock Holmes, Tiến sĩ Watson, bao gồm cả một phiên bản được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo. Việc đưa những cụm từ lịch sự vào prompt khi nói chuyện với ChatGPT, theo quan điểm của bà, mở ra khả năng rằng nó có thể trở thành “một sinh vật sống chia sẻ văn hóa, giá trị và thậm chí cả số phận chung với chúng ta.” Mặt khác, cũng có thể, những cụm từ này cũng có thể khiến chúng ta phụ thuộc nhiều hơn vào AI. “Chúng ta được kết nối với nhau và với máy móc. Chúng ta đang ở trong một mối quan hệ đối xứng. Đó là lý do tại sao chúng ta sử dụng những ngôn ngữ đó,” nữ biên kịch nói. “Vì vậy, nếu chúng ta dạy công cụ này cách sử dụng chúng theo cách càng xuất sắc, thì chúng ta sẽ càng dễ bị quyến rũ bởi nó.” Nhiều lo ngại của những người quan tâm đến trí tuệ nhân tạo vẫn còn mang tính lý thuyết khi công nghệ thay đổi. Hiện tại, phải thừa nhận là đang có rất ít tác động hữu hình. Theo The New York Times