Đương nhiên, cả ngành công nghệ toàn cầu vẫn đang đi tìm “khoảnh khắc iPhone” kế tiếp, thứ thay đổi hoàn toàn cục diện của ngành. ChatGPT ra mắt năm 2022 có thể được coi là một khoảnh khắc như vậy, nếu như hiện tại các tập đoàn đều kiếm bộn nhờ việc vận hành những chatbot AI hay cho thuê API mô hình ngôn ngữ tạo sinh mà họ tốn hàng tỷ USD phát triển. Nhưng rõ ràng thực tế thị trường hiện tại vẫn chưa được như vậy. Các tập đoàn và stratup đang đốt tiền để chạy đua tạo ra những hệ thống
data center quy mô lớn, rồi chạy đua để xem ai tạo ra những mô hình tốt và đáng tin cậy nhất.
Altman cho rằng: “Tôi có cảm giác AI là một bước chuyển dịch đủ lớn để thay đổi cách chúng ta tương tác với máy tính, tới mức tôi nghĩ rằng nên có một dạng sản phẩm thiết bị công nghệ hoàn toàn mới.” Năm 2007, iPhone được Apple giới thiệu lần đầu tiên, và nó đã tạo ra một cuộc cách mạng về thiết kế giao diện người dùng, loại bỏ bàn phím vật lý, chỉ còn màn hình cảm ứng. Altman cho rằng, với AI, “tôi nghĩ giọng nói sẽ là chìa khóa.”
Khi được Nikkei hỏi về việc liệu OpenAI có tự phát triển chip bán dẫn chuyên biệt để xử lý AI hay không:
“Chúng tôi đương nhiên đang làm việc đó.”
Ngay sau khi tổng thống đắc cử Donald Trump làm lễ nhậm chức hôm 20/1 vừa rồi, OpenAI công bố dự án
Stargate, hợp tác với Oracle và SoftBank để mở rộng quy mô máy chủ đám mây nghiên cứu và xử lý AI trên đất
Mỹ. Theo những chi tiết của dự án này, chính OpenAI sẽ chịu trách nhiệm vận hành doanh nghiệp liên doanh được thành lập để xây dựng và vận hành Stargate.
SoftBank đàm phán đầu tư 25 tỷ USD cho OpenAI, qua mặt Microsoft trở thành nhà đầu tư lớn nhất
Trong cuộc phỏng vấn với Nikkei, Altman cho biết: “Stargate là một dự án lớn và vô cùng phức tạp. Tôi nghĩ rằng sẽ có những chi tiết chúng ta, giữa OpenAI và các doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư Nhật Bản cần hợp tác chặt chẽ, kể cả trong quá trình phát triển chip bán dẫn.”
Altman hiện tại đang kêu gọi các doanh nghiệp và các nhà đầu tư Nhật Bản tham gia rót vốn để xây dựng hệ thống Stargate. Gần đây, OpenAI đã đưa ra những thông tin theo kiểu khuyến cáo cho các nhà hoạch định chính sách Mỹ, rằng nước này có thể tụt hậu so với Trung Quốc nếu không có những khoản vốn đầu tư cho ngành AI từ các quốc gia trên thế giới, chẳng hạn như ở Nhật Bản hay Trung Đông.
Việc DeepSeek ra mắt R1 lại càng củng cố cho tuyên bố của OpenAI. Chưa cần biết R1 hay V3 đáng tin cậy và mạnh đến mức nào, chỉ xét riêng vấn đề chi phí vận hành chỉ bằng một phần nhỏ so với chi phí vận hành o1 của OpenAI cũng đã khiến cả thế giới xôn xao. Altman thì cho rằng, mô hình của DeepSeek “đương nhiên là một mô hình tốt”, và cho biết thêm “đây là lời nhắc nhở rằng luôn luôn có nhu cầu rất lớn trong mảng phát triển AI có khả năng lý luận logic, những sản phẩm cạnh tranh sẽ càng lúc càng mạnh.”