Chuyện là, mình là một tay máy rất thích chụp Film, không chỉ vì cái chất màu rất đặc trưng của film mà còn vì toàn bộ những trải nghiệm trong quá trình bấm máy. Thế nhưng như các anh em biết là chụp film cũng có nhiều những bất tiện và với việc giá film tăng không tưởng vào thời điểm hiện tại thì việc trải nghiệm film ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Thế rồi mình hay tin Leica ra mắt chiếc máy ảnh M10-D với thiết kế độc đáo không có màn hình dù vẫn là máy ảnh số. Triết lý của Leica khi tạo ra M10-D là muốn nhiếp ảnh gia có thể tập trung tối đa vào khoảnh khắc bấm máy, thay vì bị sao lãng với những thông số, playback,… không khác gì chụp trên 1 máy ảnh film. Lúc này kiểu như thấy đúng thứ mà bản thân cần, tuy nhiên thì việc tậu cho mình 1 chiếc Leica là hoàn toàn không tưởng.
https://4.img-dpreview.com/files/p/TS600x450~sample_galleries/8983521785/2024733439.jpg
Leica M10-D, chiếc máy ảnh số không có màn hình.
Vậy nên với suy nghĩ cái gì không mua nổi thì mình tự làm, mình đã suy nghĩ về việc độ lại 1 chiếc máy ảnh số bỏ đi phần màn hình. Thời điểm này là khoảng tháng 3/2019, trước 7 tháng so với thời điểm ra mắt của Fujifilm X-Pro 3 với triết lý thiết kế tương tự. Việc sau này X-Pro 3 ra mắt làm mình cảm thấy à hình như không chỉ có mình mới có suy nghĩ về 1 chiếc máy ảnh như vậy.
Chiếc body được lựa chọn để độ chính là máy Fujifilm X-Pro 1, viên gạch đầu tiên của X series. Lý do là X-Pro 1 có thiết kế rangefinder, có kính ngắm lai OVF với EVF, và nó đủ rẻ để có thể mày mò mà không quá thiệt hại nếu kết quả thất bại. Do là máy đời đầu nên Fujifilm cũng chưa trang bị tính năng playback trên EVF cho X-Pro 1, kết quả là nếu bỏ đi phần màn hình và chụp ở chế độ dùng OVF, X-Pro1 trở thành 1 chiếc máy ảnh film đúng nghĩa, bạn chỉ có thể xem lại hình đã chụp khi đã về đến nhà sau buổi chụp và đổ hình ra máy tính.
Với thiết kế phần màn hình lồi lên trên phần mặt sau của máy, để có thể loại bỏ LCD, mình phải tháo rời máy để mài phẳng lại phần khung.
Sau khi mài phần khung, mình bọc da lại toàn bộ máy, bây giờ ngoại trừ 1 số phím bấm 4 chiều thì phần lưng chiếc X-Pro 1 đã không khác gì 1 chiếc máy ảnh film.
Mình thường sử dụng chiếc X-Pro1 không màn này với bộ 3 lens XF35f1.4, XF18 và XF60, chính là 3 chiếc lens đầu tiên ngàm X được ra mắt mở màn cùng X-Pro1. Với vòng khẩu trên Lens, vòng tốc trên máy, trải nghiệm chụp hình với chiếc máy này là thứ gần nhất mình có thể có được mà không cần phải tốn tiền mua film.
Kết quả sau cùng là mình có được một chiếc máy ảnh chụp film digital với những đặc điểm như sau:
- Có thiết kế, hoạt động hoàn toàn giống với một chiếc Rangfinder film có AF như dòng Contax G1
- Vẫn có thể thay đổi setting nhưng khá khó khăn, nên thường chỉ để cố định 1 setting để chụp
- Không thể coi lại ảnh sau khi chụp, mình chỉ có thể tập trung vào bức ảnh “sẽ” chụp thay vì lo lắng với bức ảnh “đã” chụp.
- Thường dùng OVF để chụp nhưng khi cần có thể chuyển qua EVF để lấy nét chính xác hơn.
- Ảnh chụp xong có thể áp các chế độ Film simulation của Fujifilm, đặc biệt là sau khi X-Pro3 ra mắt với màu Classic Negative, giả lập màu sắc của film Fuji superia 200 mà mình thường dùng khi chụp máy film, cho một kết quả khá tương đồng với các bộ ảnh film mình đã chụp.
Tuy nhiên vì sự giới hạn của công nghệ nên vẫn còn 1 số điểm làm trải nghiệm chưa được trọn vẹn:
- Không thể lấy nét tay nếu dùng OVF do X-Pro1 không có 1 cơ cấu rangfinder thực sự như dòng Leica M
- AF của X-Pro1 không nhanh, và điểm nét trong OVF không cố định do thị sai Parallax, dẫn đến nếu không có kinh nghiệm sẽ dễ bị out nét
Vậy là với thiệt hại 5tr cho body, cùng với 1 ít công độ chế, thành quả thu được là 1 chiếc máy ảnh khá lạ kì đã giúp mình giải cơn khát khi mà giá film vẫn ngày một leo thang. Cá nhân mình thấy hết sức hài lòng với em nó, còn không biết anh em thì nghĩ sao 😁
Phần còn lại của bài viết, xin được chia sẻ với anh em 1 số ảnh chụp bằng chiếc máy này trong một buổi đi loanh quanh các hẻm phố ở Phú Nhuận.
Đối diện LLab là quán cafe Red Door với mặt tiền làm từ những ô gạch hoa gió khá đặc trưng của kiến trúc Sài Gòn thời kì trước giải phóng. Đây là chỗ mình thường hay hẹn gặp các bạn trẻ trong những buổi chia sẻ về kinh nghiệm chụp ảnh film.
Đi sâu vào hẻm cụt là một cửa hàng gì đấy đang thi công, với thiết kế kiểu cửa nằm trong cửa, bên trong là những bức tranh tường đầy màu sắc làm người đi bên ngoài tò mò phải ngó đầu vào xem. Dân kiến trúc tụi mình gọi là lối thiết kế “đóng mở không gian”
Một căn nhà lợp bằng tone đã gỉ sét tạo nên một mảng màu cam rất nổi bật, tương phản với màu xanh của cây cỏ xung quanh. Mình rất thích những vẻ đẹp đến từ dấu ấn thời gian như thế này.
Dạo qua hẻm 386 bên cạnh là một dãy các quán cafe, shop thời trang,… Quán Dumm Cafe này (Do you miss me) chỉ vừa khai trương đã trở thành 1 điểm đến khá hot với các bạn trẻ đến để chụp cho mình những bức hình cool ngầu high fashion.
Đi tiếp một chút nữa sẽ gặp tiệm cafe Tân Thời với nét thiết kế gợi nhắc về 1 Sài Gòn xưa.
Màu xanh tương phản với màu nâu của gỗ, đi kèm với những đồ deco nhẹ nhàng.
Nắng chiếu xuyên qua góc hông quán cho một góc hình rất yên bình.
Slogan của quán, kiểu quảng cáo viết tay rất thường gặp trong những bức hình về Sài Gòn trước giải phóng.
Lại một quán Cafe khác. Khác với những chuỗi cafe thịnh hành bây giờ, các quán trong hẻm thường muôn màu muôn vẻ với những đặc trưng riêng biệt. Điểm chung nếu có, là ở khu vực này người ta trồng rất nhiều cây hoa giấy, cũng là 1 nét làm mình nhớ lại những kí ức của tuổi thơ.
Dừng chân buổi chụp tại “tiệm cafe” cuối cùng, rộng chỉ 1m ngang dưới gầm cầu thang của “đường hầm”, nơi có cô chủ quán lúc nào cũng thường trực nụ cười. Với kẻ thích lang thang như mình thì vẻ đẹp của Sài Gòn nằm ở những khung cảnh yên bình như thế này đây. Nguồn:tinhte.vn/thread/chia-se-trai-nghiem-chup-anh-hem-pho-sai-gon-voi-1-chiec-may-anh-so-khong-co-man-hinh.3264291/