Chỉ còn một tuần nữa, cả triệu thí sinh trên cả nước bắt đầu làm hồ sơ đăng ký dự Kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 và xét tuyển đại học, cao đẳng. Nên chọn nghề gì khi với sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều công việc sẽ có nguy cơ mất đi, trong khi lại xuất hiện những công việc mới mà thế giới chưa từng có là băn khoăn của rất nhiều thí sinh và phụ huynh.
Bí quyết lựa chọn nghề
Chuyên gia nghề nghiệp Phí Mai Chi cho hay: “Muốn lựa chọn được một nghề nghiệp phù hợp cần dựa trên ba yếu tố chính: Nhu cầu xã hội, năng lực và khả năng đa dạng hóa kiến thức".
Nhu cầu xã hội hay còn gọi là thị trường lao động, đây là yếu tố luôn biến đổi không ngừng và ảnh hưởng trực tiếp đến việc lựa chọn nghề nghiệp. Cha mẹ cần nhìn nhận được tiềm năng, giá trị và mức thu nhập của ngành đó, vì trong một giai đoạn nhất định, sẽ có một số ngành cần nhiều nguồn năng lực, nhưng sau một vài năm, khi nguồn cung nhân lực quá lớn, sẽ dẫn đến tình trạng bão hòa và tăng nguy cơ thất nghiệp. Do đó, phụ huynh và các bạn học sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin, xem xét tiềm năng và nhu cầu của ngành đối với nhu cầu lao động của xã hội.
Bí quyết chọn nghề gì để không thất nghiệp?
Còn đối với hướng nghiệp dựa trên năng lực của bản thân, chị Chi cho rằng, năng lực là yếu tố quyết định đến khả năng làm việc của con người. Thực tế cho thấy, năng lực ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành công trong tương lai, khi thực hiện công việc phù hợp với năng lực của mình thì sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Vì thế, trước khi đưa ra quyết định chọn nghề, phụ huynh cần giúp con hiểu được năng lực thật sự của bản thân mình, từ đó giúp con bổ sung những kiến thức còn thiếu để hoàn thiện hơn.
Tiếp đó, việc trau dồi kiến thức, đa dạng hóa kĩ năng mà bạn có cũng là yếu tố cần thiết. Con người có 9 loại trí thông minh, mỗi loại đại diện cho một lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Do đó, bên cạnh việc tìm tòi và không ngừng học hỏi các kiến thức liên quan đến ngành, các bạn trẻ nên mở rộng tìm hiểu về các nhóm ngành có liên quan, để khi thấy thật sự không phù hợp với ngành mà mình đã chọn thì có thể “rẽ hướng” sang một lĩnh vực khác phù hợp hơn.
Những sai lầm khi chọn nghề
GS.TS Huỳnh Văn Sơn, phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đã từng đặt câu hỏi cho các bạn học sinh như sau :
"Khi chọn nghề, chúng ta ưu tiên chọn theo sở thích hơn là sở trường, đúng hay sai?"
Một nam sinh đã trả lời đúng vì:
"Có sở thích thì mình mới thực hiện được mục tiêu mình chọn"
GS Sơn hỏi lại:
"Nếu em thích làm ca sĩ nhưng em hát không hay thì sao?".
Theo GS Sơn: "Việc chọn nghề theo sở thích mà không xét đến sở trường của bản thân là một trong những sai lầm của các em học sinh. Nhiều em chỉ chọn nghề mình thích dù không có khả năng làm tốt. Vì vậy, khi chọn nghề các em cần ưu tiên sở trường trước đã".
GS.TS Huỳnh Văn Sơn đã kể ra hàng loạt trường hợp sinh viên của nhiều trường ĐH nổi tiếng: có người sắp tốt nghiệp hoặc đã tốt nghiệp ĐH mới phát hiện mình không phù hợp với ngành nghề mà mình đã chọn. Và họ đã phải chuyển sang học một ngành, nghề khác. GS Sơn kết luận: "Các em hãy chọn một ngành học phù hợp với bản thân mình.
Sau đó mới tính đến việc chọn một trường có đào tạo ngành học ấy, có thể đó là trường ĐH, CĐ hay trung cấp - tùy thuộc vào năng lực của bản thân và điều kiện kinh tế của gia đình. Các em đang đứng trước một bước ngoặt rất quan trọng của cuộc đời, của lứa tuổi 18: đó là quyết định chọn ngành nghề sao cho đúng.
Hãy nhớ là: không ai sống và làm việc thay cho mình. Thế nên chính các em phải chọn lựa và chịu trách nhiệm về việc chọn ngành nghề, chứ không phải ba mẹ mình. Khi các em chọn ngành học hãy nghĩ đến việc sau khi tốt nghiệp thì mình sẽ làm công việc gì, mình có khả năng đáp ứng những yêu cầu của công việc đó không. Các em đừng chọn ngành A vì ngành đó đang hot, hoặc chọn vì bạn bè mình cũng chọn nên mình chọn theo".
Đón bắt xu hướng nghề nghiệp thời đại công nghệ 4.0
Cách mạng công nghiệp 4.0, xã hội 5.0 sẽ tác động mạnh mẽ đến xu thế chọn ngành nghề, chọn con đường tiếp tục học tập của học sinh sau khi hoàn thành chương trình trung học phổ thông. Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến nhiều ngành kinh tế phải cắt giảm nhân sự thì đây lại là cơ hội của một số ngành liên quan đến thương mại điện tử, công nghệ thông tin hoặc sáng tạo nội dung trên nền tảng số.
Nhóm ngành Kinh doanh kỹ thuật số - Thương mại điện tử
Giao dịch qua thương mại điện tử đã tăng gấp đôi trong vòng năm năm qua. Sau đại dịch có thể nhóm ngành này sẽ cạnh tranh mạnh mẽ với bán lẻ truyền thống, trở thành tương lai của bán lẻ hiện đại.
Tuy nhiên, hiện nguồn cung nhân lực cho mảng thương mại điện tử còn khan hiếm. Giáo sư Mathews Nkhoma - Trưởng khoa Kinh doanh và Quản trị ĐH RMIT Việt Nam, cho biết dịch bệnh đưa mọi hàng hóa vốn chỉ bán trực tiếp ở cửa hàng lên sàn trực tuyến, đẩy mô hình kinh doanh truyền thống dịch chuyển sang trực tuyến. Theo báo cáo mới đây của Savills, thương mại điện tử đang tấn công mạnh mẽ vào bán lẻ truyền thống với 28% các nhà bán lẻ kết hợp cả hai kênh để tăng doanh số.
Thông thạo ngoại ngữ và hiểu biết công nghệ là tiêu chuẩn của nhóm ngành này, thể hiện khả năng thích nghi của người trẻ với những thay đổi trong cách mạng công nghiệp 4.0. Điều này sẽ đưa mảng kinh doanh kỹ thuật số trở thành một trong những ngành siêu nổi trong tương lai gần.
Đồng thời, theo giáo sư Nkhoma, các chuyên gia và lãnh đạo phải hiểu biết về xu hướng công nghệ, cũng như phải có những kỹ năng thiết yếu để đương đầu với thách thức không ngừng diễn ra.
Nhóm ngành sáng tạo nội dung trên nền tảng số
Báo cáo kỹ thuật số Digital 2019 của We Are Social & Hootsuite (những doanh nghiệp hàng đầu về sáng tạo và quản lý mạng xã hội) cho thấy 97% người Việt đang sử dụng điện thoại di động, 72% có điện thoại thông minh, 43% có máy tính và 13% có máy tính bảng. Thói quen giải trí, xem video và mua sắm trực tuyến khiến nhu cầu nhân lực nhóm ngành sáng tạo nội dung trên nền tảng số tăng cao.
Đồng thời, suốt thời dịch COVID-19, phần lớn các hoạt động học tập, làm việc, vui chơi giải trí, kinh doanh sang nền tảng trực tuyến. Điều này cho thấy nhóm này ngành ít bị ảnh hưởng nặng nề khi người trong ngành vẫn có thể làm việc từ xa hoặc làm việc độc lập mà duy trì được hiệu quả công việc.
Nhóm ngành này không chỉ an toàn trước đại dịch mà còn được nhận định là rất an toàn trước làn sóng mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0. Cùng với sự phát triển vượt bậc về công nghệ, các sản phẩm dành cho đối tượng sáng tạo nội dung cũng được các thương hiệu về công nghệ đặc biệt quan tâm. Có thể kể tới một số cái tên như dòng laptop MSI creator Series, hay mới đây là dòng sản phẩm Pro Art của ASUS. Đây sẽ là những công cụ đắc lực giúp các bạn trẻ thỏa sức sáng tạo nội dung dễ dàng hơn.
Nhóm ngành Công nghệ
Thông tin từ tờ tạp chí Forbes, trong bối cảnh nhiều nghề phải cắt giảm nhân sự thì doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn vẫn tiếp tục tuyển dụng nhân sự. Nhóm ngành này luôn là một trong những ngành có nhu cầu nhân lực.
Báo cáo của doanh nghiệp chuyên về tuyển dụng TopDev cho thấy ngành công nghệ thông tin ít có nguy cơ dư thừa nhân sự so với nhiều ngành nghề khác. Ông Eric Asato - Chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, chia sẻ giới trẻ ngày nay đam mê công nghệ. Đồng thời, phụ huynh cũng mong muốn con cái theo đuổi ngành này song lại lo ngại rằng công nghệ thay đổi chóng mặt hằng ngày trong khi giáo trình giảng dạy lại nhanh bị lỗi thời.
Vài năm trước, cử nhân công nghệ thông tin là rất hot, còn bây giờ ra sao?
Vẫn hot. Và đòi hỏi chất lượng ngày càng tăng.
Các chuyên gia của Bloomberg dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 2,8% trong năm nay, và sẽ tăng trưởng mạnh mẽ nhất ASEAN với mức tăng GDP 8,1% trong năm 2021. Nhìn chung, Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi nhanh hơn dự đoán trước đây nhờ vào thành công trong việc ngăn chặn sự bùng phát dịch Covid-19 sau khi mở lại nền kinh tế.
Tận dụng đà này, tôi nhận thấy tiềm năng phát triển của đa số các ngành trong nền kinh tế như thời trang, thực phẩm và đồ uống, nông nghiệp, sản xuất công nghiệp… là khả quan. Ngành công nghệ thông tin cũng đang thay đổi liên tục về chất và lượng để leo lên chuỗi giá trị cao hơn. Tuy nhiên, công nghệ thông tin không nên là một ngành riêng mà phải là một ngành công nghiệp phụ trợ thúc đẩy các ngành khác phát triển đồng bộ trong thời đại công nghiệp 4.0.
Nhóm ngành Digital Marketing
Đối với các doanh nghiệp hiện nay, để có một chiến lược Marketing lâu dài và hiệu quả họ bắt buộc phải tính đến những yếu tố như làm sao để đạt được mục tiêu, tiếp cận được khách hàng tiềm năng, tối ưu hóa chi phí nhưng vẫn phải đạt được kết quả tốt nhất. Digital Marketing ra đời để đáp ứng những điều đó thông qua các kênh digital để tạo ra leads và xây dựng brand awareness (nhận diện thương hiệu).
Trong nhóm này lại phân ra rất nhiều mảng khác nhau, các bạn học sinh cũng có thể lựa chọn những ngành học phù hợp với khả năng và sở thích của mình như:
- Social Media Marketing: Là một trong những ngành đang hot nhất hiện nay, xây dựng nội dung chủ yếu qua các trang mạng xã hội như: Facebook, Instagram, Youtube....
- Graphic Designer: Chuyên về thiết kế đồ họa, là nghệ thuật phối hợp các yếu tố hình ảnh, kiểu chữ nhằm truyền tải đến người xem một thông điệp, một ý nghĩa nào đó.
- Content Editor/Copywriter: Đây là 2 vị trí khác nhau, mặc dù đều có điểm chung là sẽ phải viết lách ít nhiều.
- Web Designer: Là những người tạo nên website, làm việc với giao diện web, thiết kế và chỉnh sửa chúng.
- S.E.O (Search Engine Optimization): Là tối ưu hóa công cụ tìm kiếm. Hiện tại ở Việt Nam đang phổ biến nhất là tối ưu hóa công cụ tìm kiếm trên Google Search để làm sao đem về nhiều lượt truy cập website nhất có thể.
Ngoài việc nắm bắt được xu hướng nghề nghiệp trong thời đại 4.0, việc lựa chọn nghề xu hướng đòi hỏi các bạn học sinh cần đầu tư rất nhiều vào kĩ năng, nhiệt huyết. Các bạn học sinh cần nhận biết được đặc điểm riêng của từng ngành nghề, từ đó lựa chọn cách đáp ứng và phát triển phù hợp. Mỗi lĩnh vực đều có đặc điểm riêng của nó. Các chuyên gia đều khuyên nếu có năng lực, điều kiện thì có thể theo học các ngành học trên ở các trường Đại học danh tiếng. Tuy nhiên, đừng vì chữ ĐH mà chọn sai ngành nghề, chọn ngành không phù hợp, chọn ngành chạy theo thị hiếu... Quan trọng nhất là phải xác định được sở thích, năng lực của mình để chọn ngành nghề và bậc học phù hợp